01/07/2017 -

Chia sẻ tin mừng

1980

Chúa nhật XIII mùa Thường niên A (Mt 10,37-42)


Tin mừng hôm nhấn mạnh đến tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúa mời gọi con người dành cho Chúa vị trí quan trọng nhất như lời Chúa nói: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Chúa có ích kỷ không khi đòi hỏi con người một điều quá đáng như vậy? Thế nhưng, tình cảm gia đình là một tình cảm tự nhiên và thiêng liêng của con người. Ai ra đời cũng cần có cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Công ơn cha mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển khơi, lẽ nào Chúa muốn dạy người ta coi thường bổn phận hiếu để? Tình yêu của cha mẹ và con cái dành cho nhau rất mãnh liệt đến nỗi người ta có thể sẵn sàng hy sinh để gia đình của mình được sống, được yêm ấm, tại sao Chúa lại đòi hỏi người môn đệ phủ nhận mọi liên hệ gia đình? Sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau bền chặt hơn, mãnh liệt hơn tất cả mọi mối dây ràng buộc khác, ngoại trừ tình yêu vợ chồng, đến nỗi khi một người thân ra đi, chúng ta đau khổ và tưởng nhớ khôn nguôi, tại sao Chúa lại kêu mời con người sống như kẻ không gia đình, không anh em họ hàng?


Đọc kỹ Tin mừng chúng ta sẽ thấy khác. Chúa Giê-su không nói những điều này với đám đông dân chúng nhưng chỉ với nhóm nhỏ gồm các môn đệ của Người. Những lời này chỉ dành riêng cho họ. Chúa đã mời gọi họ đi theo Người. Lúc này các tông đồ vừa mới theo Chúa, vì vậy, Chúa muốn các ông hiểu rằng Người không giống như những tôn sư khác mà chính là Con Thiên Chúa làm người. Chính các ông cũng nhìn nhận Chúa Giê-su không giảng dạy như các vị kinh sư khác nhưng với quyền năng trỗi vượt. Chúa dùng những lời khuyên này để huấn luyện họ trở thành những “ngư phủ đánh cá người” (cứu vớt con người người khỏi bể trầm luân khổ ải, khỏi quyền lực của tử thần). Và để trở thành người môn đệ của Chúa, điều kiện đầu tiên là phải từ bỏ tất cả những gì quý báu nhất, thân thuộc nhất, gắn bó nhất: của cải vật chất, tình cảm riêng tư, mái ấm gia đình, những liên hệ họ hàng thân thuộc… để sẵn sàng theo Chúa vì như Chúa nói, “ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại thì không xứng đáng làm môn đệ của Thầy” (Lc 9, 62). Không chỉ có các tông đồ, những người làm việc trong vườn nho của Chúa, mới cần phải hy sinh quyền lợi riêng tư, từ bỏ tình cảm chính đáng của con người, chấp nhận mọi đau khổ và thử thách, nhưng ngay cả những người theo đuổi lý tưởng của cuộc sống cũng phải chấp nhận chịu thiệt thòi và hy sinh. Cuộc đời của các chính khách danh tiếng cho chúng ta thấy, để làm nên nghiệp lớn họ cũng phải hy sinh rất nhiều như ông Gandhi (Ấn Độ), tướng Charles de Gaulle (Pháp), ông Nelson Mandela (Nam Phi)… Họ hy sinh vì chính nghĩa quốc gia, vì quyền lợi của anh em đồng bào, vì độc lập của dân tộc.

Công cuộc loan báo Tin mừng còn quý giá, cao cả hơn lý tưởng của một chính khách, bởi vì sứ mạng của người tông đồ không chỉ để “con người được sống và sống dồi dào” ở trần gian này nhưng còn để giúp họ tìm được lẽ sống, tìm được suối nguồn của hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Để sống ơn gọi của mình, người tông đồ (người được sai đi) phải từ bỏ tất cả để vác thập giá của mình theo Chúa mỗi ngày. Người tông đồ là người theo Chúa Ki-tô không chỉ những lúc Chúa làm phép lạ hay được dân chúng vui mừng tung hô, nhưng nhất là những lúc Chúa gặp chống đối, bị dân chúng ta la ó đòi đóng đinh, bị quân lính đánh đòn và cười nhạo, phải lê bước vác thập giá lên đồi Golgotha. Để có thể theo Chúa trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải từ bỏ những gì thân thuộc, quý giá nhất, những gì chúng ta nghĩ có thể làm chỗ dựa vững chắc cho mình. Khi chúng ta không còn gì để cậy dựa, chúng ta sẽ luôn biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Thánh Phao-lô từng nói rằng: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 9-10).

Các nhà truyền giáo là những người đã đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách không do dự, đã lấy Chúa làm lẽ sống và sức mạnh duy nhất của mình theo gương của thánh Phao-lô. Các ngài đã từ bỏ quê hương, gia đình, thân bằng quyến thuộc và cả một cuộc sống dễ chịu để lên đường đem Tin mừng đến cho những người xa lạ về ngôn ngữ, về lối sống và phong tục tập quán. Để đến được xứ truyền giáo, các ngài phải làm một cuộc hành trình rất dài, đầy vất vả, bất trắc và vô cùng nguy hiểm. Nhiều vị đã bỏ mạng dọc đường. Còn những ai đến được xứ truyền giáo, họ gặp phải vô vàn khó khăn, gian khổ, gặp chống đối từ phía dân chúng và bách hại từ phía chính quyền. Rất nhiều vị vừa mới đến nơi đã bị bắt và chịu tử đạo. Thế nhưng, lời Chúa không bao giờ bị trói buộc vì nguy hiểm của hành trình hay rào cản của những kẻ chống đối, trong lịch sử Giáo hội có không biết bao nhiêu nhà truyền giáo đã chấp nhận đau khổ, chấp nhận hy sinh để Tin mừng được loan báo cho đến tận cùng trái đất như lời Chúa Giê-su mời gọi các tông đồ trước khi trở về cùng Chúa Cha.

Chúng ta đừng bao giờ quên ơn các nhà truyền giáo và cầu nguyện cho những anh chị em ngày nay đang dấn thân để loan báo Tin mừng cho những người còn chưa nhận biết Chúa. Họ gặp phải rất nhiều nghi kỵ, chống đối và thù nghịch của con người. Xin Chúa ở với họ và xin cho họ luôn tìm được sức mạnh ở nơi Chúa.

Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, op.

114.864864865135.135135135250