13/06/2020 -

Chia sẻ tin mừng

517
Tin Mừng: Ga 6, 51-58
51 Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. 52 Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được?” 53 Đức Giêsu nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. 54 Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. 55 Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. 56 Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Chia Sẻ
LƯƠNG THỰC SỰ SỐNG
Trong trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại Armênia hồi tháng 12 năm 1987. Có hai mẹ con đã may mắn lọt vào một khoảng trống nhỏ giữa những đống đổ nát nên còn sống sót. Trong lúc đợi lính cứu hộ tới giải cứu, hai mẹ con dần mệt lử và khát nước. Lúc đó cô con gái mới bốn tuổi đã kêu lên: Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước nhé. Người mẹ lúng túng, biết tìm đâu cho ra nước bây giờ. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nảy sinh trong đầu óc bà, đó là phải lấy những giọt máu cuối cùng của mình cho con uống, để cầm cự với tử thần. Bà tìm được một mảnh kính vỡ, cắt đầu ngón tay và bảo con mút. Đứa bé mút những giọt máu từ đầu ngón tay của người mẹ. Sau khi hai mẹ con được cứu sống, người mẹ kể lại rằng: Lúc bấy giờ tôi chỉ có một ý nghĩ, đó là phải làm thế nào cho con tôi được sống mà thôi.
Câu chuyện trên đây phần nào gợi cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của Lễ Mình và Máu Chúa Kitô hôm nay. Tình yêu có sức mạnh mãnh liệt khiến người ta sẵn sàng dùng chính máu thịt mình để nuôi sống người mình yêu mến. Và Đức Kitô đã dùng chính máu thịt mình làm lương thực để nuôi dưỡng muôn dân. Chúng ta biết rằng, nhu cầu lương thực là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Người ta không chỉ ăn để duy trì sự sống, để cho no bụng mà thôi nhưng còn muốn được ăn ngon, được ăn sung sướng. Đời sống thể lý đã cần thức ăn để bảo đảm sự sống đã vậy, đời sống tinh thần cũng cần có lương thực để duy trì sức sống tâm linh. Người Công Giáo hằng ngày vẫn đón nhận một thứ lương thực thần thiêng, được gọi là “Của Ăn Đàng” giúp nuôi sống họ trong hành trình nên thánh và đời sống thiêng liêng, đó chính là Thánh Thể Chúa. Xưa nay, người ta thường thấy các vị vua chúa thưởng thức những của ngon vật lạ do dân chúng tứ phương dâng kính, chứ hiếm khi có chuyện ngược lại. Ấy vậy mà có một vị vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa đã tự nguyện dâng chính bản thân mình để làm của ăn nuôi dưỡng muôn dân. Vị Vua ấy chính là Đức Giêsu Kitô mà hôm nay chúng ta mừng Lễ Kính Mình Máu Thánh Ngài. Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khẳng định với dân chúng rằng: Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. Đối với người Do Thái, bánh lúa mì là loại lương thực rất phổ biến và là thức ăn chính yếu cho cuộc sống du mục của họ. Bởi đó, nhắc đến bánh là nhắc đến nhu cầu của sự sống. Ở đây, Đức Giêsu không chỉ giới thiệu Người như là lương thực của sự sống thể xác, nhưng là nguồn thần lương ban sự sống muôn đời. Hơn nữa, loại thần lương này không phải được làm từ cây cỏ thực vật thế gian nhưng từ chính thân thể của Người, của Đấng từ trời mà xuống. Chính Đức Giêsu đã từng khẳng định Người là đường, là sự thật và là sự sống, do đó, khi người ta nhận lãnh Thánh Thể Người, thì cũng là đón nhận chính sự sống. Một khi thông ban sự sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho con người một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một tặng phẩm trên hết mọi tặng phẩm, vì chưng không gì trên đời quý bằng sự sống. Thế nhưng thứ thần lương được làm nên từ máu thịt người bạn tặng nên khiến chúng ta không khỏi khiếp sợ, và hẳn nhiên người Do Thái cũng vậy. Họ cảm thấy “chướng tai” khi nghe Đức Giêsu nói về việc phải ăn thịt và uống máu Người thì mới được sự sống. Quả thực, việc ăn thịt và uống máu người khác là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới. Nhưng Đức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa cao siêu của điều này khi nhìn vào mầu nhiệm vượt qua, nơi Đức Kitô đã dùng chính máu mình để rửa sạch tội lỗi trần gian và dùng cái chết để cho nhân loại được sống. Khi chấp nhận thân phận là tấm bánh, có nghĩa là chấp nhận bị bẻ ra, bị nghiền nát bị hòa tan vào trong lòng người khác, chấp nhận mất đi chính mình để nuôi sống người khác. Cũng vậy, Đức Giêsu cũng chấp nhận từ bỏ thân phận Ngôi Hai Thiên Chúa để xuống thế làm người, chịu khổ đau, sỉ nhục và cái chết để cứu sống nhân loại. Lạ thay, tấm bánh Giêsu tuy được bẻ ra nhưng lại đem cho nhân loại được hiệp nhất, bị tan biến đi nhưng để được ở lại mãi trong mọi người. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Ta thấy có một mối tương quan hai chiều “người ăn tôi ở lại trong tôi và tôi cũng ở lại trong người ấy”. Động từ “ở lại” gợi lên một sự gắn bó lâu dài, bền chặt, đặc biệt khi động từ ấy liên tục được lặp lại trong mối tương quan hai chiều này, nó nói nên sự hợp nhất sâu đậm, một sự gắn kết để nên một với nhau. Thiên Chúa không chỉ muốn nuôi dưỡng dân người, nhưng còn muốn được ở lại, được gắn bó thân tình và luôn mãi với hết mọi người. Thiên Chúa nên một với con người để yêu thương, để chuyển trao tất cả vinh quang và sự sống thần linh của Người cho nhân loại. Giống như cành cây muốn đón nhận dinh dưỡng và sức sống từ thân cây thì phải gắn chặt với thân chây, phải nên một với cây xanh ấy. Cũng vậy, khi ta đưa bàn tay ra để đón nhận Minh Máu Chúa, cũng là lúc ta đang đón nhận sức sống và tình yêu từ nơi người.
Lễ Mình Máu Chúa Kitô hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy ngẫm sâu hơn về Bí Tích Thánh Thể, đặc biệt là thái độ của chúng ta đối với bí tích cực thánh này. Thánh lễ chính là cuộc cử hành trang trọng của Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng đôi khi chúng ta chỉ coi việc tham dự Thánh lễ giống như một buổi đi xem hội, một buổi họp mặt hay buổi xem phim để rồi có thái độ hoàn toàn thụ động, thờ ơ, máy móc và nặng nề. Nhiều người xem Thánh lễ như một nghĩa vụ, phải thực hiện nếu không sẽ mắc tội. Đa phần chúng ta tham dự Thánh lễ theo kiểu một thói quen nhà đạo, mà chưa coi việc đến với Chúa qua Thánh lễ là cơ hội để ta đón nhận sự sống và ơn thiêng của Chúa, để nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Thánh lễ là cầu nối để chúng ta hiệp thông với Giáo Hội, với giáo xứ và cộng đoàn, thể hiện sự sẻ chia được ăn chung một Tấm Bánh, uống chung một Chén Rượu của chúng ta. Nơi Thánh lễ, ta nhận lãnh Mình Và Máu Thánh Chúa làm của ăn giúp thêm sức cho chặng đường lữ hành về quê trời, và hơn hết, Thánh Thể Chúa là chính Chúa, đón nhận Thánh Thể Chúa là ta đón Chúa vào trong chúng ta, đón Ngài vào cuộc sống của chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức được rằng mỗi Thánh lễ là cơ hội để ta được gặp Chúa, được đó nhận tặng phẩm cao vời nhất là chính Chúa và được rước Chúa bước vào trong cuộc đời của chúng ta.
Học viện Đa Minh
Gợi ý chia sẻ
Thánh Thể Chúa là bí tích cực trọng, vậy bạn đã có thái độ nào khi tham dự Thánh lễ và các giờ chầu thánh thể?
Bạn đã được đón nhận sự sống và tình yêu của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, bạn có sẻ chia tình yêu và sự sống ấy cho người xung quanh chưa?

114.864864865135.135135135250