Nếu ai đã từng coi bộ phim thiếu nhi Trung Quốc : "Tiểu Long Nhân", chắc không quên được những cảnh tìm mẹ của Tiểu Long Nhân. Sau bao lần vượt qua gian nan, thử thách, cùng với những người bạn tốt là Bối Bối, Kỳ Kỳ và Bảo Bảo, em đã gặp được mẹ Long Nữ. Khi gặp được mẹ bằng xương bằng thịt (vì trước đó, các em chỉ gặp trong giấc mơ và tiếng vang), Tiểu Long Nhân hỏi : "Mẹ Long Nữ ơi ! Mẹ có đúng là mẹ của con không ?". Lúc đó, Bối Bối, Kỳ Kỳ, Bảo Bảo cũng lên tiếng từng đứa một, "Mẹ cũng là mẹ của con nữa". Long Nữ ôm chầm các con và nói: "Mẹ là mẹ chúng con đây !". Ðến lúc đó, tôi nghĩ ngay đến Mẹ Maria và tự nhủ: "Ơ! Tôi và mọi người cũng đều có chung một người Mẹ chứ !".
Thú thật trong các tín điều hoặc tước hiệu về Mẹ : Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hồn xác lên trời, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Ðồng Trinh, Mẹ Giáo Hội, Mẹ Cứu Thế, Mẹ Mân Côi… Tôi thích nhất tước hiệu "Mẹ loài người" hơn, vì có cảm giác người mẹ đó gần với chúng ta, mà chúng ta có thể "nắm bắt" được : "Mẹ Maria là Mẹ loài người, là Mẹ của chúng con". Tương tự như thánh Tô-ma thốt lên sau khi xem thấy Chúa Giêsu sống lại : "Lạy Thiên Chúa ! Lạy Thiên Chúa của tôi !". Danh xưng này giúp tôi biết Mẹ Maria không là của riêng ai, mà là của cả loài người, kể cả người ngoài Giáo hội.
Ðể sở thích này không chỉ dừng lại cảm xúc tình cảm, bởi vì tôn sùng Ðức Mẹ không ở chỗ cảm hứng nhất thời và vô hiệu lực, cũng không ở chỗ quá dễ tin, mà có suy tư bắt nguồn từ mặc khải Thánh kinh và Thánh truyền, từ truyền thống Giáo hội, tức là một đức tin thuần tuý . Chúng ta cùng nhau lược qua những điểm chính yếu về Mẹ Maria, Mẹ loài người, Mẹ chúng ta; từ đó chiêm ngắm rõ hơn những phẩm chất của người "Mẹ chúng sinh" ở bình diện cao siêu.
THÁNH KINH VÀ THÁNH TRUYỀN ÐỀU XÁC ÐỊNH ÐỨC MARIA LÀ MẸ NHÂN LOẠI
Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, Ðức Maria đã được gọi là "Mẹ Ðức Giêsu", "Mẹ Ðồng trinh", "Mẹ Thiên Chúa"… Dù với tước hiệu hay vị trí nào, tất cả đều nhằm diễn tả mối tương quan giữa Ðức Maria với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Các sách Cựu ước mô tả lịch sử cứu độ, trong đó giới thiệu Ðức Kitô vào thế giới đã được chuẩn bị cách tiệm tiến. Những tài liệu tiên khởi này, khi được đọc trong Hội thánh và được hiểu dưới ánh sáng mặc khải trọn vẹn, đã từ từ cho thấy khuôn mặt của một người nữ : Thân mẫu Ðấng Cứu Thế" (HT 55) .
Như vậy, Công đồng nhắc nhớ, khuôn mặt của Ðức Maria được phác họa ngay từ khởi nguyên của lịch sử cứu độ. "Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi với dòng dõi người nữ, người này sẽ đạp đầu mi và mi sẽ rình để cắn gót chân của người" (St 3,15). Ðoạn văn này được truyền thống thế kỷ XIV đặt tên là "Phúc âm tiên khởi", hé mở cho chúng ta thấy ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ lúc khởi nguyên của nhân loại . Nếu như trước đây, bà E-và trở thành đồng minh của con rắn lôi kéo con người vào vòng tội lỗi, thì nay Thiên Chúa loan báo, Người sẽ biến người phụ nữ (E-và mới) thành thù địch của con rắn. Người phụ nữ ấy là ai ? Chúng ta chỉ biết được tường tận khi đọc bản văn Cựu ước trong Hội thánh và được giải thích dưới ánh sáng của Tân ước.
Dưới ánh sáng Tân ước và truyền thống Hội thánh, chúng ta biết "E-và mới" chính là Ðức Maria; còn dòng dõi của người đàn bà là Ðức Giêsu, người chiến thắng quyền lực Satan nhờ mầu nhiệm Vượt Qua. Và nếu như "E-và cũ" tượng trưng cho loài người bất tuân, thành mẹ của người chết, thì "E-và mới" lại tượng trưng cho dòng dõi loài người đón nhận Lời Chúa qua sự vâng phục, khi đó Ðức Maria là mẹ của những người sống. Ðiều đó được minh chứng qua biến cố Truyền tin, Công Ðồng Vaticanô II nhấn mạnh : "Chúa Cha giàu lòng từ bi muốn rằng sự thỏa thuận của Ðấng định làm mẹ thì đi trước cuộc Nhập thể, bởi vì như thế, cũng như một ngưòi nữ đã góp phần vào việc mang lại sự chết, thì một người nữ cũng góp phần vào việc mang lại sự sống" (HT 56) . Hiến chế Ánh sáng muôn dân cũng khẳng định : "Cũng như nhân loại đã bị cái chết đô hộ vì một vì một người nữ, thì cũng được giải thoát khỏi cái chết nhờ một trinh nữ; như vậy sự bất tuân của một người nữ đã được chấn chỉnh lại nhờ sự tuân phục của một người nữ…".
Tân ước minh chứng rõ hơn. Nếu như Ðức Maria là Thân mẫu Ðức Giêsu (Mt 1,23); Công Ðồng Êphêsô năm 431; truyền thống cổ điển - và Công đồng Vaticanô II - Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 52, minh nhiên công nhận Ðức Maria là mẹ của chúng ta, bởi vì "Các tín hữu liên kết với Ðức Kitô là đầu, thì cũng kết hiệp với các thánh của Người, và cũng phải tôn kính, trước hết là Ðức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Thân mẫu Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Chúa chúng ta" .
Mẹ là người đã cưu mang Mầm Sống (là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa) đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại, thì Mẹ cũng là Mẹ của những người đón nhận Sự Sống đó. Tước hiệu "Mẹ sự sống" đã được thánh Grêgôriô Nissênô sử dụng, và ông Guerrico Igny (qua đời năm 1157) giải thích : "Người là mẹ của Sự Sống, nhờ đó tất cả mọi người được sống; khi sinh ra Sự Sống này, cách nào đó Người đã sinh hết những người sẽ được sống. Duy chỉ một người đã được sinh ra, nhưng tất cả chúng ta đã được tái sinh" (In Assumptione I,2) .
Nhưng trên hết, niềm tin chắc chắn vào Ðức Maria, Mẹ loài người là nhờ lời của Chúa Giêsu trối lại : "Thưa Bà ! Ðây là con của Bà !"; rồi nói với môn đệ : "Ðây là Mẹ của anh !" (Ga 19,26-27). Lời "mặc khải này" vuợt quá tầm mức của một câu chuyện gia đình (bày tỏ tâm tình con thảo qua việc gởi gấm) như một người giải thích. Quả thật, Ðức Kitô Giêsu đã ấn định tương quan mới về Tình yêu của Ðức Maria với con người; nói cách khác, Người trao cho Mẹ một sứ mạng mới : làm Mẹ chúng sinh. Ý tưởng này nằm trong thần học của thánh Gioan Tông đồ khi trình bày hai bản văn kiểu Sê-mít (đóng mở) nói về Ðức Maria có mặt lúc khai mạc sứ vụ của Ðấng Cứu thế và kết thúc sứ mạng của Người (Ga 2,1-11 và Ga 19, 26-17).
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, Ðức Maria là Mẹ loài người, là Mẹ chúng ta; mầu nhiệm này luôn liên kết mật thiết với Ðức Kitô. Ðiều này cũng phù hợp với phương pháp nghiên cứu về Thánh mẫu học : đặt Ðức Ðức Maria trong tương quan mầu nhiệm cứu rỗi; đó là ba tương quan : Hội thánh, Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần .
Nếu chúng ta đã nhìn nhận Ðức Maria là Mẹ chúng ta, Mẹ nhân loại, giờ đây, hãy tiếp tục chiêm ngắm những phẩm chất của Mẹ mình, những phẩm chất luôn có nơi một người mẹ sinh ra chúng ta bằng xương bằng thịt nhưng ở bình diện siêu việt hơn và có nền tảng hơn.
NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA ÐỨC MARIA, MẸ NHÂN LOẠI
Ý tưởng này khởi điểm từ việc nhìn thấy bối cảnh xã hội ngày nay, một xã hội mà người ta đang chú trọng vào việc lấy thật nhiều bằng cấp. Lái xe phải có bằng, giữ trẻ phải có bằng, dạy học phải có bằng, nộp đơn xin bất kỳ việc làm nào cũng phải có bằng… Có người có hai ba cái bằng, nhưng khả năng thực thì đúng là chỉ dừng lại cái bằng. Bằng cấp là gì, phải chăng khả năng của anh chỉ đạt tới mức cái bằng ? Tài năng thì đâu giới hạn trong một mảnh giấy. Còn nếu so sánh bằng cấp thì đây : Người mẹ nào sinh ra ta lại không có biết bao nhiêu là bằng cấp : bằng sinh đẻ, bằng thay tả, bằng băng bó, bằng thức khuya, bằng lắng nghe và ru con, bằng trực giác hơn cả 'Counsellor" ở trung học, bằng chờ đợi, bằng kiên nhẫn, bằng khoan dung độ lượng, bằng săn sóc… Thực chất ai có thể cấp bằng đó cho người mẹ của mình. Không một đại học nào cấp được, vì đại học chỉ cấp cơ sở, cấp kiến thức, kỹ thuật mà thôi, trong khi người mẹ luôn có cả con TIM.
Vậy, Mẹ Maria đúng là một "Giáo sư Cao học" về :
VIỆC GÌN GIỮ MẦM SỐNG LÀ ÐỨC KITÔ, ÐẤNG ÐEM LẠI SỰ SỐNG CHO NHÂN LOẠI
Trước hết, qua trình thuật Lc1,26-38 (Biến cố Truyền tin), chúng ta biết Ðức Mẹ đã bắt đầu cưu mang Mầm Sống đem lại sự sống cho nhân loại. Khi cưu mang Ðấng thánh, được gọi là Con Thiên Chúa, Mẹ đã bắt đầu gặp "trắc trở" nơi bạn mình là thánh Giuse (Mt 1,18-25); sau đó, với thân mang dạ chữa, Mẹ đã phải từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê mà cất bước nặng nhọc lên thành Bê-lem. Vì sắp tới ngày sinh nở, lại phải đường sá xa xôi, nên Mầm Sống đó đã "vội vàng" "kết trái" giữa nơi chốn thấp hèn, thiếu thốn (Lc 2,6-7). Mang lấy đã khó, giữ gìn càng lại khó, từ lúc người con ra đời? Mẹ đã phải tiếp tục trải qua lận đận, lao đao trong việc gìn giữ Mầm Sống mới sinh khi trốn sang Ai Cập, do Hê-rô-đê tìm giết (Mt 2,13-15); và cùng với con thơ nhỏ dại đó, Mẹ lại trở ngược về quê nhà Ít-ra-en.
Nào có yên, vì Ác-khê-lao, kẻ kế vị vua Hê-rô-đê còn ác hơn cả cha mình, nên Mẹ đành ôm con về miền Ga-li-lê và ở tại Na-da-rét…. Chạy nạn một mình đã là điều vất vả, lại bồng thêm đứa con thơ; đồng thời trong tâm trạng bất an, nơm nớp lo sợ, thử hỏi, còn nỗi khổ cực nào hơn. Nỗi lo sợ lớn nhất không phải lo bản thân Mẹ mà chính là bảo toàn Nguồn đem lại sự sống cho nhân loại mai sau. Khi thuật trình những hoàn cảnh khổ cực và nghèo khó của hành trình và sinh hạ, chúng ta mới thấy đặc tính của Vương quyền của Ðấng Mêsia là như vậy đó : không danh dự, không quyền bính trần thế, không nương tựa vững chắc, điều mà sau này Người công bố : "Con Người không có nơi tựa đầu" (Lc 9,58.
Và như vậy, Mẹ đã chia sẻ sâu sắc thân phận đó với sự vâng phục hoàn toàn, Mẹ làm với tất cả tấm lòng trân trọng, "Bà đã sinh hạ một con trai, quấn khăn và đặt trong một máng cỏ…" (Lc 2,7). Hành động minh chứng, Mẹ sẵn sàng thực thi những gì mình đã cam kết : "Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần đã nói" (Lc 1,38); cũng như đứng trước biết bao sự kiện, Mẹ "Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2,19). Quả thật, Mẹ xứng đáng là Mẹ của chúng ta, bởi Mẹ đã gìn giữ Ðấng mang lại sự sống chúng ta ngay tại trần gian. Chính nhờ Mẹ, "Ðã gợi lên cho bà mẹ khác, là Hội thánh, hãy biết trân trọng hồng ân và bổn phận suy niệm và suy tư thần học, ngõ hầu có thể đón nhận mầu nhiệm cứu độ, hiểu biết mầu nhiệm sâu rộng hơn, và loan truyền mầu nhiệm với nhiệt tình mới mẻ cho mọi người thuộc mọi thời đại" .
….VIỆC TRUNG THÀNH VỚI THIÊN CHÚA – ÐỒNG HÀNH CÙNG CON LÚC VUI SƯỚNG và ÐAU KHỔ
Chúng ta đã biết một yếu tố quan trọng trong tình cảm (tình yêu, tình bạn, gia đình, nghề nghiệp…) dù trong giai đoạn nào (bắt đầu hay đã lâu) hoặc ở đâu là, sự chân thành. Nhưng, tôi yêu người yêu chân thành, hết lòng, rồi một thời gian sau đó quen người khác, tôi cũng yêu hết lòng, hết mình, có được không ? Tôi thành thật với bạn bè, với vợ con, sau đó tôi gặp bạn khác, người tình khác, tôi cũng hết lòng thương yêu chứ không hề giả dối, thì sao ? Vì vậy, một yếu tố để đánh giá tình yêu đích thực hoặc sự cam kết trọn vẹn là lòng trung thành.
Một trong đặc tính của lòng trung thành là luôn hiện diện với người mình cam kết không chỉ trong những lúc thành công, hạnh phúc, sung sướng… mà còn trong lúc thất bại, gian nan thử thách, đau khổ. Bởi vậy, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu :
"Ai ơi ! giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng, đổi nền mặc ai !".
Còn trong Thánh kinh, thánh Gioan nêu khá rõ đặc tính này qua hai đoạn biểu trưng nhất của sự hiện diện của Mẹ Maria trong lúc vui sướng (Ga 2,1-11) và đau khổ tận cùng (Ga 19,25-27).
Tại tiệc cưới Ca-na, thánh sử có ghi : "Có cả Thân mẫu của Ðức Giêsu" (Ga 2,1), coi như gợi ý rằng, chính sự hiện diện của Mẹ Maria là sự hợp tác vào sứ mạng của Con. Ý nghĩa của hiện diện đó được biểu lộ khi đôi tân hôn thiếu rượu. Là người nội trợ từng trải và tinh mắt, Ðức Mẹ nhận biết tình cảnh và đã can thiệp để khỏi mất niềm vui của mọi người, và nhất là giải gỡ khó khăn của đôi tân hôn. Mẹ ngỏ lời với Chúa Giêsu : "Họ đã hết rượu rồi" (2,3). Một lời ngõ đầy niềm tin phó thác thay vì đi tìm rượu chỗ khác. Như vậy, ngoài ý nghĩa việc Ðức Maria chính là người giới thiệu Ðấng Cứu Thế, chúng ta thấy, Mẹ luôn hiện diện cùng người Con trong việc khai mạc sứ vụ, và luôn cầu bầu cùng tất cả con người trong việc bảo tồn niềm vui. Niềm vui đó sẽ nên vững mạnh và thành hiện thực khi "Các anh hãy làm điều mà Người truyền dạy". Ngoài ra, Mẹ Maria còn hiện diện với người Con trong những lúc rao giảng, lúc được ca ngợi là "Phúc thay ai cho Thầy bú mớm", và chắc chắn trong lúc Con mình được tôn vinh tại đền thờ Giêrusalem….
Ðó là những lúc "thuận buồm xuôi gió". Nhưng ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhất lòng trung thành của Mẹ Maria chính là: đồng hành với Con trong những lúc đau khổ. Thật ra, trước khi hiệp thông mầu nhiệm đau khổ với Ðức Giêsu, Mẹ đã đón nhận điều đó khi được ông Si-mê-on tiên báo "Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy, dấu hiệu bị người đời chống báng- Còn phần bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra" (Lc 2,34-35). Một lời tiên báo đau khổ cho Ðấng Mêsia, cũng là lời liên kết cuộc đời Mẹ vào chung số phận của người Con.
Nhưng có lẽ đỉnh cao của sự hiệp thông này là việc đứng kề bên thập giá (Ga 19,25). Công Ðồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh tới chiều kích sâu thẳm của việc Ðức Maria hiện diện trên núi Calvario, "Ðức Maria đã trung tín duy trì sự kết hiệp với Con mình cho tới cây Thập giá" (Ht 58). Qua đó, Công Ðồng nhắc tới "sự đồng tử nạn của Ðức Maria", những gì mà Ðức Giêsu đã chịu đau khổ trong tâm hồn và trong thân xác thì đều vọng lại trong con tim Mẹ. "Mẹ kết hợp hy tế của Con mình và thuận tình dâng hiến Thánh Tử vì phần rỗi nhân loại. Mẹ trở thành tấm gương cho niềm hy vọng vào ánh sáng Phục sinh giữa đêm tối của Thập giá" . Chính khi đó, chúng ta mới cảm thấu được giá trị tuyệt đỉnh của hai tiếng "Xin vâng", một lời đáp trả trọn vẹn của đức tin, một hành động "Cạn tàu ráo máng" thể hiện những gì cam kết, chứ không là "chữ ký" suông. Và trong tận cùng của đau khổ đó, Mẹ cho chúng ta một bài học về niềm hy vọng, niềm hy vọng dưới chân Thập giá chưá đựng một ánh sáng còn mạnh hơn gấp ngàn lần bóng tối lẫn trốn trong tâm hồn nhiều người. Và nếu như ngày xưa Mẹ đã chia ngọt sẻ bùi với Ðức Giêsu, con Mẹ, thì ngày nay, Mẹ Maria cũng luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong những lúc hân hoan,vui sướng, đặc biệt những lúc khốn cực nhất của một con người : thất vọng, bi quan, bị hiểu lầm, bị chê bai, chống đối….
Mẹ chúng ta là thế đó ! Có bằng cấp nào cấp cho Mẹ không. Những phẩm chất của Ðức Maria không dừng lại đó, bởi vì Mẹ chúng ta còn có cả…
MỘT LÒNG BAO DUNG QUẢNG ÐẠI - CHO ÐI TẤT CẢ
Chắc chúng ta đã đọc bài : "Lời cầu của một vị linh mục" vào buổi chiều Chúa nhật . Trong đó có một đoạn viết, "Con gặp thấy nhiều đứa trẻ đang chơi trên vỉa hè,…nhưng Lạy Chúa, những đứa trẻ của người ta chứ không bao giờ là của con…..". Khi đọc những nỗi đau xót của người tận hiến, tôi hiểu phần nào tâm trạng của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta khi xưa. Chúa Giêsu, con lòng mẹ đã cưu mang, nhưng lại không phải của riêng mình, mà là cho nhân loại, cho dù 9 tháng mang nặng đẻ đau, cho dù đã từng "thất kinh hoảng hồn" khi lạc mất con trong đền thánh (Lc 2,41-50). Chính lúc đó, khi mà Mẹ nhận được lời, "Cha mẹ không biết là Con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" (Lc 2,49), Mẹ mới cảm thấy rồi đây người con mình đã cưu mang và dạy dỗ chắc chắn sẽ là của muôn dân, chứ không của riêng mình. Ba mươi năm trời sống kề cận bên người Con, chắc chắn Mẹ lo tròn bổn phận cả ba mươi năm, bởi vì Mẹ đã nhận lãnh sứ mạng : cưu mang và dưỡng dục người Con sinh ra cho muôn dân. Và, người ta "xem quả biết cây", những đức tính nhân bản của người con này thế nào là tuỳ thời gian săn sóc dạy dỗ mà phần lớn là do Mẹ. Ðiều này đã chứng minh qua việc khen ngợi của dân chúng : "Phúc thay ai đã cho Thầy bú mớm". Ðến khi người Con khôn lớn và bắt đầu khai mào sứ vụ bằng sự can thiệp của Mẹ tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria hiểu rằng mốc điểm đó đánh dấu sự cách ly khỏi "tình ruột thịt" để nối kết "tình thiêng liêng" mang tính toàn cầu.
Nhưng sự cách ly này không phải xa biệt tâm trí, bởi vì sự cách ly đó không ngăn cản được Mẹ theo dõi con từng bước bằng tinh thần, bằng việc suy niệm và giữ những lời giáo huấn của người Con như trước khi và trong khi sinh ra người Con đó. Quả thật, "Trong thời gian Ðức Kitô rao giảng, Mẹ Maria đã đón nhận những lời mà Chúa Con đã đề cao Nước Thiên Chúa lên trên những mối tương quan ràng buộc ruột thịt, những lời công bố chân phúc của những người lắng nghe và tuân giữ lời của Chúa (Mc 3,35; Lc 11,27) và Mẹ trung thành thực hiện điều đó (Lc 2,19.51)" . Mẹ tin rằng chính khi chọn lựa cách ly khỏi người Con của mình và khỏi những tình cảm gia đình, như Người đã nói rõ về những điều kiện cho các môn đệ theo Người và dấn thân truyền rao Nước Trời, là chính lúc Mẹ cộng tác với Ðấng Cứu chuộc liên kết mọi người trên thế gian thành một khối duy nhất, và đưa tất cả vào dự phần sự sống vĩnh cửu Chúa Cha.
Lược qua cuộc đời Ðức Maria, chúng ta thấy, từ lúc đón nhận lời mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ nhân thế bằng hai tiếng "Xin vâng", đến khi nhận thánh Gioan, đại diện cho loài người làm con, (cũng bằng sự vâng lời trong suy niệm), Mẹ Maria luôn thể hiện phẩm chất của một người mẹ tuyệt vời. Tuyệt vời không phải làm những điều kỳ công vĩ đại vượt trên tự nhiên, nhưng tuyệt vời ở chỗ : Mẹ đã nỗ lực phi thường trong những biến cố tầm thường. Chính trong những việc bình thường của cuộc sống, những sự kiện ngang trái hằng đầy dẫy đời người, Mẹ đã tỏ ra lòng khiêm nhường của một thánh nhân trước Thiên nhiệm, một ý chí kiên trì của một "nữ Anh thư", một tấm lòng trung thành của người "Tôi tớ" thực thi lời giao ước đã quyết định chọn lựa, một tinh thần quảng đại cho đi những gì mình lãnh nhận… Tất cả chỉ là để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chính điều đó mà chúng ta cảm thấy Mẹ rất gần gũi với chúng ta; cũng dễ hiểu, bởi vì Mẹ Maria là mẹ loài người, là mẹ chúng ta.
Chẳng những thế, Mẹ còn,
HIỆN DIỆN VỚI LOÀI NGƯỜI QUA VIỆC CẦU BẦU
Mẹ không là Mẹ chúng ta sao được khi Mẹ có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trần gian, nhưng thực thi ở bình diện siêu việt. Ngày nay Mẹ vẫn là mẹ chúng ta, Mẹ loài người trong vai trò Vị Trạng sư . Ngay khi ở trần gian Mẹ đã thể hiện điều này qua việc can thiệp trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-11); và sự cầu bầu của Mẹ rõ nét hơn kể từ khi nhận làm Mẹ hết của mọi người lúc đứng dưới chân thập giá (Ga 19,26). Công Ðồng Vaticanô II cũng làm nổi bật vai trò này của Ðức Maria khi móc nối sự hợp tác của người vào công trình cứu độ của Ðức Kitô : "Do dự xếp đặt của Chúa quan phòng trên trần gian này, Ðức Maria đã trở nên Mẹ cao trọng của Chúa cứu chuộc, cộng sự viên quảng đại một cách đặc biệt và là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa" (HT 61). Quả thật, cùng hiệp thông với Ðức Kitô, "Ðấng có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ" (Dt 7,25). Do đó, nhờ hai tiếng "Xin vâng", Mẹ Maria đã bào chữa và cứu thoát cho E-và khỏi tội bất tuân, nên nguyên nhân cứu rỗi bà E-và và cho toàn thể nhân loại.
Làm sao có thể gọi Mẹ là "Trạng sư" nếu Ðức Maria không là Mẹ của chúng ta. Qua Mẹ, chúng ta càng nhận rõ hơn hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu (1Ga 4,16) đã làm người (Ga 1,14); bởi vì Mẹ là người mẹ bằng xương bằng thịt để từ đó "Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó, anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành" (1 Pr 2,2-3).
Vậy chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Người đã ban cho chúng ta một người mẹ : Mẹ Maria, Mẹ của loài người, Mẹ của chúng ta !
Lâm Phước, OP