03/12/2016 -

Chia sẻ tin mừng

1697

Tin Mừng: Mt 3,1 - 12

Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miện Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hẵy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

Chia sẻ

ÔNG GIOAN TẨY GIẢ RAO GIẢNG

Thời kinh tế thị trường, mỗi khi có một sản phẩm mới sắp ra mắt người tiêu dùng, nhà sản xuất thường lên những chiến lược, kế hoạch rầm rộ để giới thiệu sản phẩm của mình. Và những chiến lược, kế hoạch quảng cáo này đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định thành bại trong việc sản phẩm của họ có được công chúng đón nhận hay không…

Cách nào đó, chúng ta nhìn thấy một điều tương tự trong bối cảnh Tin Mừng ngày hôm nay. Ông Gioan Tẩy Giả là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu; ông đến trước để giới thiệu về Đức Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa…

Trước hết, chúng ta nhìn nhận thành công của Gioan Tẩy Giả trong việc thu hút mọi người đến với ông, lắng nghe lời ông và chịu phép rửa của ông. Tin Mừng thuật lại: “Người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mt 3,5-6), cả những người thuộc phái Pharisêu và Xađốc, vốn là những kẻ chống đối, cũng đến với ông... Sự thành công này được xây dựng dựa trên hai nền tảng đó là: lối sống và lời giảng dạy của vị Tiền Hô.

Trước khi là một người rao giảng, ông Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân.

Ông sống tách biệt cách nhiệm nhặt trong hoang địa để cầu nguyện, ăn năm sám hối: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4). Chính nhờ cuộc sống như vậy mà lời rao giảng của ông thực sự có sức hút. Ông rao giảng điều mình đã thực hiện, đã kinh nghiệm chứ không phải là một lý thuyết suông nào đó xa vời với chính bản thân ông.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta, mang danh là Kitô hữu, chúng ta vẫn ước mong rao giảng Lời Chúa, đem Chúa đến với người khác. Nhưng làm sao có thể giới thiệu với người khác về một Đức Giêsu yêu thương, khiêm nhường khi bản thân chúng ta vẫn còn oán ghét, ích kỷ, kiêu ngạo? Làm sao chúng ta nói về một Đức Giêsu khó nghèo khi hằng ngày chúng ta vẫn phung phí của cải, thời gian, sức lực? Chúng ta có thể kêu gọi người khác sám hối ăn năn được không khi chính mình vẫn chai lì trong tội lỗi?...

Để có thể rao giảng về Đức Giêsu cách hiệu quả, chúng ta cần trở nên dung mạo sống động của Người giữa thế giới này bằng chính lối sống chứng nhân của chúng ta. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói rằng: “chứng nhân thì tốt hơn thầy giảng, nhưng vừa là thầy giảng vừa là chứng nhân thì lại tốt hơn bội phần”. Gioan Tẩy Giả thành công trong sứ mạng của ông cũng chính vì ông vừa là chứng nhân vừa là một thầy giảng.

Cách thức vị Tiền Hô thực hiện sứ mạng của mình

Với sứ mạng của mình, ông Gioan đã coi trọng và đặt phần rỗi của tha nhân lên hàng đầu. Ông kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2), “Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mt 3,6). Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng sám hối và chịu phép rửa để được cứu độ. Ông không muốn thấy đám dân tội lỗi phải chết trong đau khổ khi triều đại Thiên Chúa xuất hiện. Ông rao giảng và làm phép rửa cho tất cả mọi người không loại trừ ai, cả những người Pharisêu và Xađốc mà ông cho là “nòi rắn độc” thì ông cũng không từ chối họ, ông tận tâm khuyên nhủ họ: “hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.

Nội dung lời rao giảng của ông Gioan không gì khác là về Đức Giêsu, Đấng Mêsia mà dân Do Thái vẫn hằng trông đợi, ông tiên báo về những điều sẽ xảy đến trong ngày chung thẩm. Được dân chúng tin tưởng là Đấng Mêsia, nhưng chính ông lại ý thức rất rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, ông không phải “vai chính”. Không bị lợi danh che mắt, ông khẳng định: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”(Mt 3,11). Ông rao giảng về một Đấng quyền thế đến sau ông, Đấng mà chính ông cũng “không đáng xách dép cho Người”. Những người Pharisêu và Xađốc vốn lầm tưởng rằng đã có tô phụ Apraham che chở họ trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nên họ cứ tự do sống buông thả, nay ông Gioan cho họ biết rằng: “Thiên Chúa cũng có thể làm cho những hòn đá trở nên con cháu ông Apraham” (xMt 3,9)... Không có sự phận biệt hay hưu ái nào trước mặt Thiên Chúa cả, Người sẽ thưởng phạt từng người xứng với việc họ làm.

Chúng ta cũng hãy rao giảng về Đức Giêsu và triều đại của Người cho những người anh em xung quanh mình theo cách thức ông Gioan đã thực hiện. Hãy can đảm dấn bước để đem Chân Lý vào đất nước, vào xã hội còn nhiều nhiễu nhương, bất công này. Lên tiếng bảo vệ sự thật hay bênh vực, ủng hộ cho những người đang đấu tranh cho sự thật cũng là một phương cách thể hiện sự tuần phục và rao giảng Chân Lý, mà Chân Lý đó chính là Đức Giêsu. Như ông Gioan đặt phần rỗi của dân Do Thái xưa lên hàng đầu, chúng ta cần nghĩ đến lợi ích, quyền lợi của đồng bào dân tộc, những anh chị em đang gánh chịu bất công, đau khổ vì là nạn nhân của sự tham lam, ích kỷ trong xã hội để có thái độ và hành động xứng hợp. Chúng ta hãy chia sẻ, trao tặng tình thương, niềm tin và hy vọng với tất cả những ai đang cần đến chúng ta bằng một trái tim không loại trừ. Và cuối cùng hãy nhớ rằng, mọi việc chúng ta làm, những hy sinh của chúng ta…tất cả chỉ để vinh danh Chúa mà thôi.

Mùa Vọng cách đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, nhìn nhận lại bản thân và có những hành động cụ thể để hoán cải cuộc sống của mỗi người. Chúng ta đừng đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng cũng đừng ỷ lại vào lòng thương xót ấy mà không tự nỗ lực cố gắng. Đức Giêsu vẫn luôn chờ đợi chúng ta đến với ơn cứu độ của Người và chắc chắn là Người muốn thấy chúng ta đưa thật nhiều anh chị em khác nữa cùng đến với ơn cứu độ ấy!

Gợi ý chia sẻ

  Tôi đã làm gì để thể hiện sự hoán cải trong đời sống của mình? 

  Tôi rao giảng về Đức Kitô bằng cách nào?

114.864864865135.135135135250