12/10/2011 -

Chia sẻ tin mừng

512

 


 


Bổn phận kính sợ Đức Chúa, tôn trọng nhà vua


Is 35,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21


 


Tải các bài chia sẻ khác


Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) số 12 viết “Thánh Kinh dạy rằng; con người đã được tạo dựng theo “hình ảnh của Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa.” Đặc ân “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người nói lên chức năng con người là đại diện của Thiên Chúa trên trái đất. Con người được giao quyền làm chủ với tư cách là người quản lý và là cộng tác viên vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó, con người phải kính sợ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và có bổn phận tôn trọng, vâng phục quyền bính nhà vua trong cuộc đời trần thế.


Quả thật, Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi sự, làm chủ muôn loài muôn vật và do đó con người cần có thái độ khiêm tốn khi đón nhận và làm phát sinh những ân ban mà không vênh vang hay trịch thượng. Điều ấy đã được ngôn sứ Isaia nói với vua Kyrô rằng; “Đức Chúa phán: Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là Đức Chúa, không có Chúa nào khác”. (Is 45,4)


Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu lại cho độc giả thấy những người Pharisiêu liên minh với phe Hêrôđê tìm cách làm cho Đức Giêsu lỡ lời mà mắc bẫy về bổn phận nộp thuế cho quyền bính trần gian. Họ đưa Ngài vào một hoàn cảnh cụ thể “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Cần biết thêm rằng, lúc ấy, dân Do Thái đang là thuộc địa của đế quốc Rôma. Nhà nước Rôma đã đề ra nhiều thứ thuế bắt những người Do Thái phải đóng mà đưa về chính quốc. Khoản thuế mà những người Pharisiêu, phe Hêrôđe hỏi Đức Giêsu hôm nay là thuế thân, một trong nhiều thứ thuế của Rôma. Thuế này quy định mọi nam giới từ 14-65 tuổi và nữ từ 12-65 tuổi đều phải đóng góp một đồng tương đương với lương công nhật của một người. Tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Đức Giêsu đã khôn ngoan dựa vào điều cụ thể được hỏi mà trả lời bằng những phạm trù rộng lớn và bao quát. “Của Xêda trả về cho Xêda, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.”


Thật vậy, khi chúng ta sử dụng đồng tiền với bổn phận công dân trong một đất nước thì một cách nào đó, chúng ta công nhận sự cai trị và quyền hành của nhà nước đó. Cũng vậy, hình và danh hiệu của Xêda được khắc trên đồng tiền Rôma thì những ai sử dụng đồng tiền ấy sẽ phải phục quyền Xêda. Đó là thực trạng hiện tại. Song không chỉ dừng lại ở khía cạnh bổn phận đối với quyền bính trần thế, Đức Giêsu còn muốn đưa những người Pharisiêu và phái Hêrôđê đi xa hơn những gì hiện tại, Người mời gọi họ ý thức một chân lý “Trả về cho Thiên Chúa những gì là của Người”. Con người sử dụng biết bao là ân ban và phúc lành của Thiên Chúa mà lại không nhận biết Thiên Chúa. Đây là lúc Đức Giêsu mời gọi con người hãy ý thức những bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với anh chị em và bản thân. Do đó với Kitô giáo, đạo của Đức Giêsu là con đường giúp người tín hữu chân thật trở thành một công dân tốt của đất nước, đồng thời cũng là một tín hữu tốt của nước trời.


Trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thêxalônica, thánh Tông đồ cho biết sứ mệnh đến với muôn dân của ngài trong vai trò rao giảng và dấn thân phục vụ là một ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa, không do công trạng của cá nhân ngài. Ngài là người được Thiên Chúa yêu mến, chọn gọi và dành riêng để đến với dân ngoại. Do đó, khi loan báo Tin Mừng Cứu Độ, Lời Sự Sống, thì không phải chỉ cá nhân của người ngôn sứ nói mà còn có Thánh Thần quyền năng trợ lực để giúp mọi tín hữu hiểu và sống niềm tin của mình.


Thật vậy, hồng ân quyền bính là do Thiên Chúa ban tặng để những ai được ban cho ơn lãnh đạo biết đón nhận mà phục vụ lẫn nhau. Chính vì thế, mọi người, mọi công dân đều phải vâng phục quyền bính để chu toàn bổn phận. Bên cạnh đó, hồng ân hiện diện của mỗi chúng ta trên trần gian này cũng do Thiên Chúa ban tặng và trong cuộc lữ hành ấy, mỗi chúng ta phải biết đáp lại lời mời của Thiên Chúa, thực thi bổn phận và nghĩa vụ của mình cách xứng hợp. Điều đó phù hợp với những gì trong thư thứ nhất thánh Phêrô viết “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra, dù là vua, người nắm quyền tối cao, dù là quan, sứ giả của nhà vua để trừng phạt kẻ làm điều ác và khen thưởng người làm điều thiện... Anh em hãy tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, hãy kính sợ Đức Chúa, tôn trọng nhà vua.” (1Pr 2,13.17)


Học Viện Đaminh


(Tập san Chân Lý 2.2011)


 


Nộp Thuế Cho Xê-Da


 


Những người Pharisêu và những người thuộc phe Hêrôđê vốn kình địch và chống đối nhau; nhưng hôm nay, họ đã liên kết với nhau để gài bẫy, nhằm triệt hạ Đức Giêsu. Tuy nhiên, Người không những không mắc bẫy họ, mà còn nhân cơ hội này để giáo huấn họ về điều quan trọng phải làm: trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.


Để gài bẫy Đức Giêsu, lời đầu tiên họ nói với Người là một lời khen ngợi hết sức giả hình, qua việc đề cao sự chân thành, khả kính và tính chí công vô tư của Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”. Sau khi đã dùng lời lẽ văn hoa để “ru ngủ” Người, họ đột ngột và dứt khoát nêu ra một câu hỏi hết sức nham hiểm: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”.


Nếu trả lời “có”, Đức Giêsu sẽ khiến dân chúng nổi giận, vì Người ủng hộ quân cướp nước; và người Pharisêu sẽ chớp lấy cơ hội để lên án và đánh đổ danh tiếng cũng như uy quyền của Người trước mặt dân chúng. Còn nếu Người nói “không”, Người sẽ bị coi là chống chính quyền Rôma; và phe Hêrôđê sẽ tố cáo Người phá rối an ninh trật tự.


Đức Giêsu đã lật mặt nạ của họ: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”. Họ đã mở đầu câu chuyện cách khéo léo, không phải vì họ thiết tha với thánh ý Thiên Chúa, nhưng chỉ vì muốn lừa Người vào thế lưỡng nan để hại Người. Hơn nữa, hằng ngày, khi dùng tiền đế quốc để làm ăn buôn bán, nghĩa là công khai phục tùng hoàng đế, thì họ không áy náy; nhưng bây giờ, phải dùng tiền ấy để nộp thuế, thì họ lại áy náy. Thế nên họ bị Đức Giêsu lên án là “những kẻ đạo đức giả”.


Điều đáng lưu ý là câu trả lời của Đức Giêsu vượt trên câu hỏi họ đặt ra: ngoài chuyện trả về cho Xêda những gì thuộc về Xêda, họ còn cần phải làm ngay một chuyện quan trọng chính yếu là: trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Nói thế, Người không có ý thiết lập hai trật tự khác nhau là quốc gia và Hội Thánh như hai điểm quy chiếu khác nhau, Người cũng không biện minh cho việc quy phục hoàng đế. Người chỉ muốn đặt vấn đề vào đúng chỗ của nó. Như thế, với câu trả lời của Đức Giêsu, các quyền của hoàng đế đã không bị vi phạm; nhưng các quyền của Thiên Chúa đã được mạnh mẽ khẳng định cách long trọng và công khai. Vậy, người ta hoàn toàn có thể hoàn thành các đòi hỏi của Thiên Chúa, trong khi vẫn chu toàn việc đóng thuế cho hoàng đế.


Như vậy, là công dân Nước Trời, nhưng chúng ta đang sống trong thực tại trần thế, nên theo Đức Giêsu, nộp thuế cho chính quyền chẳng có gì là vô luân hay phạm thánh cả. Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ và thi hành điều quan trọng: trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.


Gợi ý chia sẻ:


1. Theo anh chị, “những gì thuộc về Thiên Chúa” là những gì??


2. Là Kitô hữu và là đoàn viên Huynh đoàn Đa Minh, anh chị sẽ áp dụng bài Tin Mừng hôm nay vào cuộc sống như thế nào?


Học viện Đa Minh


(CSTMHĐGDĐM tháng 10.2011)


 



114.864864865135.135135135250