Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói : “Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất ; nó mọc ngay, vì đất không sâu ; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả : hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe.”
Kính thưa quý vị,
Nhiều nhà giảng thuyết tôi quen biết rất thích bài đọc sách ngôn sứ Isaia hôm nay. Khi những nhà giảng thuyết chúng tôi tụ họp tĩnh tâm và hội thảo, thì bài đọc này thường được nhắc đến nhiều hơn, ngay cả khi thảo luận hay cầu nguyện chung. Tôi tin đây cũng là một trong những bài đọc được những nhà giảng thuyết ưa thích, họ cần tái xác tín vào sứ vụ của mình. Chúng ta cần hết sức trung thành rao giảng Lời Chúa và xác tín rằng chúng ta đều là những khí cụ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Lời Thiên Chúa đã hứa, Lời đó “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả”.
Những nhà giảng thuyết chúng tôi cố gắng chuẩn bị bài giảng cho tốt, nhưng tự chúng tôi không thể làm cho những lời giảng ấy sinh hoa kết quả trong đời sống của các thính giả. Họ thuộc về nhiều nền văn hoá khác nhau và có quá nhiều nhu cầu cá nhân, cũng như nhiều lý do mừng lễ. Tuy nhiên hôm nay, ngôn sứ Isaia bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta không làm việc một mình. Thành quả của chúng ta không chỉ nhờ vào sự tài giỏi, thông minh lanh lợi và làm việc chăm chỉ, tất cả những yếu tố này hẳn sẽ mang lại hiệu quả. Đúng hơn, vị ngôn sứ nhắc nhở rằng chúng ta hãy gắn kết mình với lời hằng sống, lời ấy “sẽ thực hiện ý muốn của Ta, chu toàn sứ mạng Ta giao phó”. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta không phải là người chịu trách nhiệm. Thiên Chúa có kế hoạch của Người và Lời Chúa là khí cụ thi hành và hoàn trọn kế hoạch đó.
Đó là thời gian để những nhà giảng thuyết chúng tôi tự vấn lương tâm. Tôi đã chú tâm lắng nghe và cầu nguyện như thế nào với Lời Chúa mà tôi sẽ rao giảng? Phải chăng tôi chỉ dùng một vần thơ hay hình ảnh bên ngoài bối cảnh bản văn và chuẩn bị một sứ điệp quan trọng chẳng hề liên quan đến ý định của bản văn? Có lẽ những nhà giảng thuyết chúng tôi sẽ luôn không cảm thấy thành công về một bài giảng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã dành thời gian chăm chú lắng nghe điều Thiên Chúa đang nói và đang thực hiện cho chúng ta và cho Dân Chúa, đồng thời cố gắng hết sức chia sẻ kinh nghiệm ấy, rồi chúng ta sẽ phó thác kết quả vào tay Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia nhắc nhớ chúng ta rằng: “Lời Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả”.
Ngôn sứ Isaia không chỉ viết riêng cho những nhà giảng thuyết, nhưng cho tất cả Dân Chúa. Với lối thơ ca, ngôn sứ Isaia nhắc nhớ chúng ta về sức mạnh của Lời thực hiện nơi chúng ta điều lời đã ấy nói ra: đó là lời an ủi, chữa lành, thử thách, khích lệ, hướng dẫn và làm chúng ta kinh ngạc. Vì thế, vị ngôn sứ đưa ra cho chúng ta một thách đố: Chúng ta có lưu tâm đến lời Thiên Chúa hằng sống mà chúng ta nghe, được công bố trong buổi cử hành phụng vụ hay không? Ngoài kinh nghiệm phụng vụ chung, chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để lắng nghe, suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa? Điều này không thể thực hiện một cách máy móc. Lời Chúa sẽ không sinh hoa kết trái nếu chúng ta không để cho Lời ấy thấm nhập và cư ngụ trong chúng ta. Nếu Lời Chúa thấm nhập và cư ngụ trong chúng ta, thì Lời ấy sẽ mang lại những hoa trái của sự hy vọng, kiên nhẫn, trung tín, lòng thương cảm, sự công chính, tình yêu, chữa lành và sự khôn ngoan (hãy thêm những hy vọng của quý vị vào danh sách này).
Hôm nay, tôi quyết định chọn bài Tin Mừng ngắn (Mt 13,1-9). Tôi cảm thấy bài Tin Mừng này dễ sử dụng và dễ tập trung hơn đối với nhà giảng thuyết. Hơn nữa, các học giả Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng đoạn đầu bao gồm giáo huấn đầu tiên từ cuộc đời của Đức Giêsu và phần còn lại của bản văn là phần chú giải của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi cộng đoàn này suy gẫm về lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bối cảnh sau này. Hơn nữa, tác giả Tin Mừng cũng đã biên tập tài liệu nhằm đáp ứng cho những nhu cầu riêng của cộng đoàn mình. Tất cả được gợi hứng, phản chiếu cách thức Thần Khí nói ở những thời điểm khác nhau trong đời sống của Giáo Hội sơ khai. Vì thế, chúng ta hãy tập trung vào dụ ngôn ngay mở đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay.
Lời Chúa thật phong phú và đa dạng! Lời ấy không chỉ đâm chồi nảy lộc trong Kinh Thánh, mà còn qua những buổi cử hành phụng vụ và trong các nghệ thuật. Quý vị có bao giờ cảm thấy hứng khởi và hết sức xúc động với nền nhạc hiện đại hay cổ điển hay không? Một người tham quan viện bảo tàng thì không thể bỏ qua những tác phẩm thể hiện các ý tưởng của các bản văn Kinh Thánh trong các bức tranh, khung vải, các tác phẩm điêu khắc… Các phim ảnh dựa theo các chủ đề Kinh Thánh, nói về sự tha thứ, công bình và niềm tin được trình chiếu tại các nhà tĩnh tâm và cho các lớp giáo lý của giáo xứ. Mạng Internet cho phép chúng ta tiếp cận với hạt giống dồi dào, đó là Lời qua các khảo luận và suy tư thần học, các bài giảng và các cuộc thảo luận. Lời Chúa thật phong phú và Thiên Chúa đã rộng lượng gieo lời Chúa vào trong thế gian!
Bối cảnh của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho chúng ta chú giải và áp dụng dụ ngôn này. Trong các chương trước từ 11 - 12, thánh Mátthêu cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu gặp phải sự chống đối. Tiếp theo trong chương 13, ngay cả họ hàng thân thuộc cũng từ chối Người. Dụ ngôn được đặt vào giữa những câu chuyện về sự đương đầu và từ chối (sứ điệp Tin Mừng), đã gợi ý cho chúng ta chú giải ý nghĩa của dụ ngôn này. Khi Giáo Hội sơ khai đương đầu với sự chống đối và có vẻ như đang không thành công, thì dụ ngôn hôm nay là lời khích lệ các nhà giảng thuyết - là lời hứa cho một sự sinh hoa kết quả mà họ chưa trông thấy.
Đức Giêsu đang nói với đám đông dân chúng. Họ đang lắng nghe những điều Người nói, nhưng họ có theo Người đến cuối cuộc đời được chăng? Người rất thực tế khi gieo những lời của mình vào đám đông dân chúng. Bất luận thế nào, những lời Người nói dường như sẽ không sinh hoa kết quả tức thì.
Đó chẳng phải là điều mà chúng ta, những nhà giảng thuyết, các thầy cô giáo, giáo lý viên, các bậc phụ huynh… đã kinh nghiệm khi chúng ta nhiều lần nỗ lực gieo hạt giống đức tin và sự khôn ngoan nơi người khác? Chúng ta đã nỗ lực được bao nhiêu? Hoa trái thu hoạch được thế nào? Có ai nhớ những gì chúng ta nói trong một tuần, một tháng, một năm hay suốt cả đời mình không? Phải chăng chúng ta đang lãng phí thời gian khi sửa soạn bài giảng, lên chương trình cho các buổi lễ, tổ chức các lớp giáo lý khai tâm Kitô người lớn, giới thiệu các diễn giả, mời các bạn sinh viên tham dự các lớp “Thần học Phổ cập”
Điều đáng chú ý về dụ ngôn hôm nay chính là có quá nhiều sự lãng phí. Phần chính của các chi tiết nói về sự nỗ lực vô ích và hạt giống bị bỏ phí. Tại sao người gieo giống không thận trọng hơn, vì các nông dân đều nghèo mà hạt giống lại quý giá? Đôi khi chúng ta không ngạc nhiên khi tất cả mọi nỗ lực và lời nói của chúng ta đều đáng giá hay sao?
Khi chúng ta từng nói với người hàng xóm lớn tuổi: “Này, ông/bà chẳng bao giờ hiểu nổi đâu!” Có ai biết được điều gì đang diễn ra dưới đám đất chúng ta gieo hạt giống xuống đó không? Ai biết được tiềm năng của đất tốt ấy? Phải chăng cả đất tốt và đất xấu đều tồn tại trong cùng một người? Điều gì khiến chúng ta cho rằng hạt giống ấy sẽ rơi vào khu đất tốt nơi một người và sinh hoa kết quả như Đức Giêsu hứa: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”? “Này, ông/bà chẳng bao giờ hiểu nổi đâu!”
Số hoa lợi thu hoạch không có ý nghĩa gì đối với tôi . Đối với quý vị cũng thế chứ? Xem ra nếu vụ thu hoạch được gấp bảy hay gấp mười lần thì có nghĩa là người nông dân năm đó được mùa. Vì thế, ngay cả hoa lợi tối thiểu Đức Giêsu hứa “gấp ba chục” thì cũng được xem là vụ gặt bội thu. Người nông dân sẽ có dư giả để nuôi sống cả gia đình. Mùa bội thu mang lại sự hân hoan và sẻ chia, những bất ngờ và kỳ diệu phải không? Phải chăng chúng ta ngạc nhiên vì điều kỳ diệu Chúa đã làm, đó là ban cho chúng ta những ơn lành mà ta không tự mình đạt được? Chúng ta sẽ hân hoan, chia sẻ và ngạc nhiên hơn nữa khi mùa vụ thu hoạch được gấp trăm hay sáu mươi phải không?
Đang khi dụ ngôn mở đầu với thời kỳ đầy khó khăn và thất bại thì mùa gặt lại kết thúc trong sự ngạc nhiên và sung túc. Ai có thể dự đoán được mùa gặt? Đâu là nguồn gốc của sự sung túc này? Hôm nay, chúng ta mong đợi điều ngôn sứ Isaia nói với chúng ta về bản chất phong phú và sự sống được trao ban qua Lời Chúa. Dù khi chúng ta cảm thấy ngã lòng với những cố gắng nhân danh Chúa ra như vô ích và thất bại, thì chúng ta vẫn luôn đặt trọn niềm tín thác vào Đấng đã nói với chúng ta bằng lời hằng sống.
Tôi không phải là học giả Kinh Thánh, nhưng ở đây có một số điều tôi theo dõi trong cả Cựu Ước và Tân Ước: Kinh Thánh xoay quanh hai hạn từ “nhưng” và “tuy nhiên”. Chẳng hạn như: trong các Thánh vịnh ai oán, sau khi hoàn cảnh thảm khốc của những người van xin được đặt ra, thì sự trợ giúp và lòng thương xót đối với hoàn cảnh nhân loại được bộc lộ, khi đó sẽ xuất hiện hạn từ “nhưng” hoặc “tuy nhiên”. Nó loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng sẽ mau mắn giải quyết mọi nhu cầu. Quý vị có chú ý hạn từ “nhưng” trong đoạn Tin Mừng hôm nay không? Hạn từ “nhưng” diễn tiến rất nhanh và đáng ngạc nhiên sau khi một loạt những thất bại được mô tả. Hạn từ “nhưng….” có vẻ như Đức Giêsu đang nói, rằng: “Anh em đừng đánh mất niềm hy vọng. Thiên Chúa sẽ đến trợ giúp anh em vượt hơn cả những điều anh em mong đợi hay xứng đáng đón nhận, “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”.
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ