25/02/2017 -

Chia sẻ tin mừng

425

“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.  Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin ! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Chia sẻ

KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ

Ngày còn thơ bé, hẳn chúng ta thường hay có những trò chơi, những câu nói dân dã nghe thì vui tai, mà ý nghĩa cũng sâu sắc. Điển hình như: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, ôi  tiền hết ý!…”.

Thoạt nghe thì có vẻ đây chỉ là câu nói đùa vô nghĩa, nhưng thực tế thì câu nói này đã phản ánh hiện thực của cuộc sống rất chân thật. Vì càng ngày đồng tiền càng có một sức mạnh đáng sợ. Đồng tiền len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, cả đạo lẫn đời và chi phối con người cách mạnh mẽ.

Ban đầu, con người tạo ra đồng tiền để thay thế giá trị hàng hóa. Tiền bạc được dùng làm phương tiện để trao đổi thay cho việc dùng hàng hóa để trao đổi hàng hóa. Như vậy, tiền bạc là một phương tiện, là công cụ để quá trình trao đổi mua bán diễn ra nhanh chóng tiện lợi, không cồng kềnh. Do đó, xét về mặt bản chất, tiền chỉ là công cụ trong tay con người. Thế nhưng, công cụ này dần trở nên như chìa khóa vạn năng, có tiền là có tất cả. Mọi thứ đều có thể quy đổi thành tiền, và tiền có thể quy đổi ra mọi thứ: cả vật chất lẫn phi vật chất. Tiền không chỉ để tậu nhà, mua xe, hoặc tiện nghi cuộc sống nữa, mà tiền còn dùng để mua địa vị, danh tiếng, thậm chí mua cả sự thật…

Không ai có thể phủ nhận rằng, tiền của đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Mọi nhu cầu của đời sống đều cần đến đồng tiền để giải quyết. Tiền bạc làm cho cuộc sống trở nên tiện nghi, thoải mái và mọi công việc diễn ra thuận lợi hơn. Không chỉ ở khía cạnh đời sống xã hội, mà ở trong cả những hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức trong các giáo xứ, giáo phận…của chúng ta. Mọi công việc muốn diễn ra cách suôn sẻ cũng đều cần đến sự hỗ trợ tài chính. Thế nên, không chỉ giáo xứ, mà hội đoàn nào cũng cần gây quỹ. Giáo xứ thì để tổ chức các lễ hội, để xây dựng… Các hội đoàn thì để có chi phí sinh hoạt trong các hoạt động chung…Đó là mặt tích cực trong việc sử dụng đồng tiền để làm ích cho công việc chung, làm cho cuộc sống con người trở nên tốt hơn.

Nhưng bên cạnh việc sử dụng đồng tiền cách hữu ích như vậy, thì có nhiều khi con người lại thần thánh hóa sức mạnh của tiền bạc. Khi đó, đồng tiền như con dao hai lưỡi, nó có thể biến hóa từ không thành có, bưng bít những sự thật, dung túng cho những việc làm đen tối… Nói chung, khi đặt tiền bạc lên vị trí ưu tiên hàng đầu thì nó có thể điều khiển thái độ và hành động của con người. Thế nên, O.W. Holmes mới nói rằng: “Tiền bạc hoặc là phụng sự, hoặc là cai trị kẻ làm chủ nó”.

Do đó, ngay từ xa xưa Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ………. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Lời dạy này còn đúng mãi trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh. Khi nói điều này, Chúa Giêsu  muốn chúng ta buông bỏ những mối lo toan để đặt việc phụng sự Thiên Chúa lên hàng đầu. Bởi vì khi đặt Tiền Của lên ngang hàng với việc phụng sự Thiên Chúa thì tiền của đã trở nên như một loại tà thần, nó có sức cám dỗ rất êm ái ngọt ngào, nó hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, an toàn. Trong khi đó thì con người lại quên mất điều căn bản là: Mọi hoạt động sống của con người là nhằm tôn vinh Thiên Chúa, tạ ơn Ngài và góp phần làm cho cuộc sống Ngài ban cho thêm tươi đẹp hơn. Con người cũng quên luôn rằng từng giây từng phút hiện tại là do Thiên Chúa ban cho, không có gì là nằm ngoài bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (x.Mt 6,25). Vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự, Ngài sắp xếp cho con người được hưởng những điều xứng đáng được hưởng, ngay cả từ những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất. Ngay cả chim trời, hoa huệ ngoài đồng vô tư vô lo mà còn được Ngài ban cho sự sống và mọi thứ cần thiết. Ngài không bảo con người bỏ mặc hết cho Thiên Chúa, và sống vô trách nhiệm. Nhưng Ngài muốn con người biết đặt ưu tiên cho việc phụng sự Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa lên vị trí hàng đầu, độc tôn.

Để không bị trở nên kẻ làm tôi hai chủ, Chúa Giêsu  đã ban tặng cho chúng ta một Kim Chỉ Nam trong việc chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống, đó là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Sống theo ưu tiên đó, chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Tìm kiếm sự công chính, tức là nỗ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Gợi ý chia sẻ:

Trong các hoạt động chung cùng với các anh chị em trong hội đoàn của mình, chúng ta có thường bị chi phối nhiều về chuyện tiền bạc hay không?

Anh chị em nghĩ gì về vai trò của tiền bạc trong các hoạt động sống của con người? Cách riêng là trong các hoạt động của hội đoàn mình?

Thái độ của anh chị em đối với tiền bạc là như thế nào?

114.864864865135.135135135250