17/11/2012 -

Chia sẻ tin mừng

452

 


 


 


 


 


 


Tin mừng: Mc 13, 24-32


 


24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng:  "Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.


 


28 "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.


 


32 "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.


 


Chia sẻ:


 


 


NGÀY QUANG LÂM


 


 


Đức Giê-su đến thế gian để khai mở Nước Trời. Nước đó đã khởi đầu với biến cố Đức Giê-su nhưng chưa hoàn tất. Nước Thiên Chúa chỉ hoàn thành trong ngày quang lâm như đã tiên báo. Bài Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người, tức là ngày Người đến để xét xử chúng ta, người sống cũng như kẻ chết.


 


Trái đất này đã có một khởi đầu thì cũng sẽ có một kết thúc. Vào ngày kết thúc, Đức Giê-su không cho biết ngày giờ (vì chỉ có Chúa Cha biết mà thôi) nhưng Người khẳng định điều đó chắc chắn sẽ xảy ra với nhiều gian nan khốn khó. Những gian nan khốn khó đó là lừa gạt, chia rẽ, thù hằn, bắt bớ, chiến tranh, thiên tai... Tai họa đổ xuống trái đất như là hậu quả của tội lỗi do con người gây ra. Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng hứa rằng ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu độ.


 


Bài đọc một trong sách Đanien cho biết vào ngày đó, “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,2-3). Như vậy ngày đó là ngày xét xử công minh. Các hiền sĩ, những người làm cho người khác nên công chính (giúp người khác thực thi thánh ý Thiên Chúa), nghĩa là những kẻ được tuyển chọn, những người bền chí đến cùng, sẽ được sống lại để hưởng phúc trường sinh.


 


Trong ngày đó, Con Người sẽ sai các thiên sứ đi tập hợp tất cả những kẻ được Người tuyển chọn. Họ là những ai? Chắc chắn họ là các hiền sĩ, những người bền chí đến cùng, trung thành đến cùng.


 


Bài Tin Mừng tuần này cũng thật phù hợp với ngày lễ kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay. Hơn ai hết, các thánh Tử đạo là những người đã bền tâm đến cùng. Dù đối diện với trăm ngàn thử thách, dù sống trong cơn giông tố ngặt nghèo, dù phải chịu muôn nghìn khổ nhục, các ngài vẫn giữ vững đức tin của mình. Dù trong hoàn cảnh bị đối xử phân biệt, sống trong sự nghi kỵ, trốn tránh, nhiều khi phải chịu những điều oan ức, bất công, nhưng các ngài vẫn nêu cao chứng tá của mình. Đó là đời sống yêu thương. Thậm chí “yêu thương” trở thành tên gọi của đạo trong thời kỳ Kitô giáo tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Thực vậy, thấy đời sống của các tín hữu, lương dân đã gọi đạo mới này là “đạo yêu thương”[1].


 


Chắc hẳn các thánh Tử đạo Việt Nam được xếp vào số những người được tuyển chọn và sẽ sống lại vào ngày quang lâm để hưởng sự sống đời đời trong Thiên Chúa.


 


Mà, không chỉ các thánh Tử đạo mà thôi; nhưng còn bao nhiêu chứng nhân khác đã cách này cách khác làm chứng cho đức tin hay đã trung thành đến cùng với đức tin mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội.


 


Phần chúng ta ngày nay thì sao? Liệu chúng ta có được đứng vào số những người được tuyển chọn hay không?


 


Trong bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta được ghi dấu thánh giá trên mình như dấu chỉ thuộc về Đức Ki-tô. Đó là dấu chỉ chúng ta được tuyển chọn, được sáp nhập vào Giáo hội là thân thể của Đức Ki-tô. Đó là cuộc tuyển lựa đầu tiên mà mỗi người chúng ta tham dự vào. Chúng ta còn phải qua một cuộc tuyển lựa nữa, do chính Đức Ki-tô thực hiện. Đó là cuộc tuyển lựa trong ngày sau hết. Đó là cuộc tuyển lựa giữa chiên và dê (x. Mt 25, 31-46).


 


Thực vậy, trong ngày đó, chúng ta sẽ biết mình có được đứng vào số những người được tuyển chọn hay không. Việc này tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta trên trần gian này. Tiêu chuẩn cơ bản để phân định là tôi có thực thi lòng mến hay không.


 


Là con cháu của các thánh Tử đạo, là người tín hữu trong bối cảnh xã hội có nhiều lôi cuốn hấp dẫn, ước gì mỗi chúng ta cũng luôn trung tín với đức tin mà mình đã lãnh nhận trong bí tích Thanh Tẩy và đặc biệt là kiên trì thực thi đức ái để trong ngày quang lâm của Con Người, chúng ta sẽ được quy tụ lại để hưởng sự sống đời đời.


 


 Gợi ý chia sẻ:


 



  1. 1.Chúng ta sẽ sống như thế nào để xứng đáng là những người được tuyển chọn?

  2. 2.Chúng ta sẽ thực thi đức ái ra sao?


 


Học viện Đa Minh


 






[1] Xc. Đỗ Quang Chính, Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam




 




 


Dn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32


Lm. Jude Siciliano, O.P.


 


 


Kính thưa quý vị,


Quý vị có thấy sự thay đổi giọng điệu trong bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng hôm nay không? Chúng ta đang tiến gần đến cuối năm phụng vụ và những bài đọc hợp với hoàn cảnh này; các bài đọc nói về những sự sau cùng. Tại sao một tác giả Kinh Thánh lại thấy cần phải viết về một thời “ngặt nghèo chưa từng thấy” (Daniel); hoặc miêu tả là “sau những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao”… khi “các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Máccô), trừ khi các cộng đoàn của họ đã từng trải qua sự đàn áp chính trị và bách hại tôn giáo đe dọa thế giới của họ.


Có nhiều cách giải thích các bài đọc tựa như những bài chúng ta nghe hôm nay. Một số người dự đoán rằng Đức Giêsu sắp trở lại. Họ thôi việc, tập trung gia đình lại và lên sống trên núi, hoặc có người lại ngóng trông và chờ đợi điều mình tin sắp xảy đến, đó là việc Chúa Kitô quang lâm huy hoàng trên những đám mây. Khoảng 20 năm trước, tôi có nghe nói về một giáo phái có các thành viên chọn làm việc tại những phòng thí nghiệm hạt nhân ở Los Alamos. Họ cho rằng mình sẽ làm việc để thúc đẩy ngày cánh chung chóng đến, qua việc giúp phát triển các loại vũ khí hạt nhân! Một số người khác, có tư tưởng giống trào lưu chính thống, đã chế nhạo những nỗ lực bảo vệ môi trường vì họ không tin là sẽ có những thế hệ tương lai thừa hưởng môi trường ấy – “Đức Giêsu sắp đến rồi” – Chính hai kiểu đáp lại cách thái quá đối với niềm tin của một số người là thông điệp mang tính khải huyền như bài đọc mà chúng ta nghe hôm nay.


Tôi đã ở thành phố New York trong thời gian xảy ra cơn bão Sandy. Khi bão đi qua, tờ New York Daily News đã cho đăng ở trang nhất hình ảnh hàng trăm ngôi nhà ở Breezy Point bị lửa thiêu rụi trong cơn bão. Tiêu đề bài báo ấy là “Apocalypse New York” (New York của sách Khải Huyền). Người ta có thể không biết đến Thánh Kinh, nhưng khi cuộc sống gặp phải thiên tai và bị gián đoạn, khi thế giới riêng bị tan vỡ, thì chúng ta lại thường liên tưởng đến những lời Thánh Kinh. “Sách Khải Huyền” mô tả rất thật những điều xảy đến khi một khu vực bị bão, hỏa hoạn, động đất… (Trong các dịp khác, chúng ta cũng rút ra được từ những hình ảnh trong Thánh Kinh nữa, đó là khi ta đề cập đến: “một người Samari nhân hậu”, “muối đất”, “đơn sơ như bồ câu”, “một nhà tiên tri”, …)     


 “Sách Khải Huyền” (“thuộc văn khải huyền”)  có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là “vén mở một bức màn”. Khi thực sự “vén mở một bức màn”, chúng ta có trách nhiệm khám phá những bí mật còn ẩn dấu và đó là điều mà một số người nghĩ về các tác phẩm khải huyền. Thể loại văn chương này chứa đầy những dấu hiệu thần bí, ngôn ngữ phóng đại, những thị kiến, các sự kiện của vũ trụ và những miêu tả về sự hủy diệt. Giống như một bài thơ, tác phẩm khải huyền diễn tả những gì mà ngôn ngữ thông thường không có được. (“những điều thường được nghĩ đến, nhưng chưa bao giờ được diễn tả cho thật đúng.” – Đức Giáo Hoàng Alexander )


Một thiếu sót trong việc giải thích theo trào lưu chính thống về văn chương khải huyền là ngờ vực về những nỗ lực của con người nhằm đem lại hòa bình và đoàn kết trong nhân loại. Những người giải thích ấy có một thái độ dửng dưng, tin rằng Thiên Chúa sẽ sớm kết thức những nỗ lực của nhân loại. Đức Giêsu sẽ can thiệp cách diệu kỳ hầu giải thoát những gì được “cứu” và hủy diệt phần còn lại. Mặt khác, chúng ta thể hiện đức tin và niềm hy vọng khi cầu nguyện và làm việc để kiến tạo sự thiện hảo trên thế giới. Chúng ta đã tin rằng Thiên Chúa đang hành động cùng với những nỗ lực của mình để ta sống theo triều đại của Thiên Chúa như Đức Giêsu đã công bố. Chúng ta hy vọng một thế giới mới có Chúa là trung tâm. Với viễn tượng ấy, chúng ta dấn thân cộng tác với kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại được biểu lộ qua đức Giêsu.  


Thể văn khải huyền không phải dự đoán những sự kiện tương lai, cũng không chứa đựng những mã số bí mật mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể giải thích được. Thiên Chúa không đùa giỡn với chúng ta. Ngài không cất giấu thông tin quan trọng hầu dành riêng cho một số người được chọn. Nhưng, thể văn này cho ta biết thời gian tác phẩm được viết và một lối nhìn cho thời hiện tại của chúng ta. Sách Khải Huyền và loại văn chương khải huyền khác, hé lộ thời gian đau khổ tột cùng và sự ngược đãi các tín hữu. Vì các mối đe dọa và nguy hiểm, các tác giả đã phải mã hóa thông điệp của mình ngõ hầu những kẻ đàn áp họ không thể hiểu hết những điều được viết ra. Điểm mấu chốt, đối với độc giả mà các đoạn văn nhắm đến, đó là sứ điệp của niềm hy vọng. Thiên Chúa không lãng quên hay hờ hững với những vất vả nhọc nhằn của nhân loại. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẽ chiến thắng, bất chấp bối cảnh hiện tại. Những tác phẩm này miêu tả một tương lai mà hiện giờ vẫn chưa được mặc khải. Nhưng Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy và các tín hữu có thể kín múc được sức mạnh, lòng can đảm và kiên nhẫn từ thông điệp của các tác giả được linh hứng.


Chương 13 trong Tin Mừng Máccô được gọi là “Khải huyền nhỏ” (so với Sách Khải Huyền được gọi là “Khải huyền lớn”). Đây là thể văn dành cho những người được giải thoát. Hình ảnh trong Tin Mừng theo tác giả Máccô được lấy từ Cựu Ước và được trình bày lại cho phù hợp với thông điệp của ngài về Đức Giêsu. Sau những điềm báo trong vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao…), thì “Con Người sẽ ngự đến trong các đám mây”. Hạn từ Con Người được lấy từ sách Daniel (7,13). Hữu thể này giống như một con người, nhưng cưỡi trên những đám mây mà đến (như Thánh vịnh 68,4 đã miêu tả về Thiên Chúa). Với sức mạnh và uy quyền, người ấy sẽ “gởi các thiên thần đến” để tập hợp những người bị xét xử (x. Mt 13,49-50). Người được chọn sẽ tập hợp về từ “bốn phương” – từ những nơi tha hương và bách hại.   


Đức Giêsu sắp hoàn trọn sứ vụ công khai của Mình. Người ý thức được những quyền lực đang tập trung lại để chống lại Người cũng như đám môn đệ yếu ớt. Người đã tiên báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết của mình. Khi chuẩn bị cho những ngày cuối đời, chúng ta hướng về những người ta yêu thương. Thông thường điều này nói đến sự sung túc của cải -  chúng ta xắp xếp lại tiền của, viết di chúc, và phân chia gia tài sản cho từng người mình yêu thương.


Nếu ý thức rằng ngày cánh chung đã gần kề, chúng ta cố gắng nói lời chào tạm biệt; những điều muốn nói nhưng chưa có dịp để nói ra. Mặc dù chưa có một cuộc khủng hoảng nào sắp xảy đến, các bậc cha mẹ cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc khuyên nhủ và định hướng tương lai cho con cái; vì cha mẹ sẽ chẳng còn sống với con cái mình nữa. Cha mẹ cố gắng chuẩn bị cho con cái mình vì những người con ấy có thể sẽ phải lâm vào cuộc sống gian nan khốn khó.


Chúng ta không hề băn khoăn lo lắng hay cố gắng xác định “ngày và giờ” Chúa Kitô trở lại. Chúng ta hy vọng rằng Người sẽ ngự đến và, như Đức Giêsu đã nói hôm nay, chúng ta phó dâng ngày ấy trong tay Thiên Chúa. Sống với sự trông mong ấy, nhưng chúng ta không khoanh tay đứng yên một chỗ nhưng xắn tay lên để làm việc, và tha thiết với các dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Kitô giữa lòng thế giới. Tất nhiên, mỗi ngày ta đều cầu nguyện cho triều đại của Chúa mau ngự đến trên thế giới. Đó là điều chúng ta lặp lại hôm nay lúc cầu nguyện trong phần phụng vụ thánh thể: “Nước Cha trị đến”.


Thánh Máccô viết Tin Mừng cho những người đương thời đang trải qua một cuộc khải huyền riêng của họ. Giêrusalem yêu dấu của họ cùng với Đền Thánh đã bị phá hủy. Những người cuồng tín trong cộng đồng đã loan báo rằng ngày tận thế sắp xảy ra. Thế giới của họ đã bị thay đổi và thánh Máccô cần loan báo cho những người ấy một hội thánh mà Chúa đã báo trước, răn dạy, và trên hết là cam kết trợ giúp họ kiên vững trong đức tin và gìn giữ họ trong niềm hy vọng.


Thời nay, chúng ta phải đối diện với những gian nan thử thách trong đời sống Kitô hữu của mình. Dấn thân theo Chúa Kitô khiến chúng ta buồn phiền và thậm chí đau khổ nữa. Bài Tin Mừng hôm nay khích lệ các Kitô hữu hãy luôn mạnh mẽ và trung thành trong thời gian chịu bách hại và khẳng định rằng Đức Giêsu chính là Vua thật và là Chúa Tể muôn loài. Những ai giữ vững tin sẽ được thấy tất cả những điều chúng ta tin tưởng – nhưng hiện giờ vẫn chưa được tỏ cho thấy trong thời đại của chúng ta.


Trong khi đó, sứ điệp nâng đỡ chúng ta trong các bài đọc đậm chất thơ và phóng đại hôm nay là Chúa Kitô luôn trung thành và sẽ phù giúp chúng ta trong những cơn thử thách đức tin.    


 


Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

114.864864865135.135135135250