25/04/2024 -

Các nhà đào tạo

5195
Theo truyền thống tốt đẹp của Giáo hội, Chúa Nhật IV Phục Sinh còn được gọi là ngày lễ “Chúa Chiên Lành” - ngày dành riêng để cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu. Trong ngày lễ này, rất nhiều giáo xứ có tổ chức ‘ngày cổ võ ơn gọi’, và anh em Nhà Học Đa Minh cũng đã tham gia tại hai giáo xứ: Gx. Phú Hạnh – giáo hạt Phú Nhuận và Gx. Thanh Đa – thuộc giáo hạt Gia Định, để giới thiệu ơn gọi của dòng Anh Em Giảng Thuyết. Bên cạnh chương trình giới thiệu ơn gọi tại các giáo xứ, anh em Nhà Học năm nay đã có ý tưởng mới cho việc cổ võ ơn gọi, đó là chương trình “đi bộ quảng bá ơn gọi”.


Ý tưởng “đi bộ quảng bá ơn gọi” được khởi hứng từ câu Kinh Thánh: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Việc khoác lên người bộ tu phục của Dòng và đi bộ quảng bá ơn gọi xem ra không còn quá xa lạ đối với những nước phương Tây, nhưng ở quê hương hình chữ “S” của chúng ta đây dường như vẫn là một điều gì đó còn lạ lẫm. Thật vậy, với thời đại này, thời đại phát triển của công nghệ và khoa học, người ta đang dần có xu hướng “khử thiêng tục hóa”, đề cao các giá trị vật chất và sống lối sống chủ trương cá nhân…


Chính vì thế, ý tưởng làm chứng nhân Tin Mừng giữa lòng xã hội, cũng như quảng bá cho đời sống tu trì nói chung, cách riêng là ơn gọi dòng Anh Em Giảng Thuyết đã được anh em Nhà Học đề ra. Và cũng trùng khớp với đường hướng, ước muốn của vị cha chung của giáo hội – Đức giáo hoàng Phanxicô, ngài viết: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình”[1].


Đối với dòng Đa Minh, trong bản văn Công vụ Tổng hội Tultenango – năm 2022, số 194 có khuyên nhủ: “Trong một thế giới hờ hững và dửng dưng với đời tu, việc nhận biết ơn gọi Đa Minh không còn là điều hiển nhiên nữa. Để nâng cao khả năng nhận diện ơn gọi Đa Minh, chúng tôi khuyến khích anh em làm chứng tá công khai cho ơn gọi Đa Minh ở bất cứ nơi nào có thể, chẳng hạn: thông qua những cộng đoàn hiếu khách; sự hiện diện trực tuyến; mặc tu phục; chứng tá về đời sống chung, cầu nguyện, học hành và thi hành thừa tác vụ; và việc giảng thuyết về ơn gọi”.


Nhóm anh em Nhà Học đã lên đường, thực hiện cuộc bộ hành quảng bá ơn gọi từ Học Viện Đa Minh tới Thỉnh viện Đa Minh, với đoạn đường dài khoảng hơn 10 km. Trên quãng đường từ Gò Vấp tới Tam Hà – Thủ Đức, anh em cũng ghé vào một vài nhà thờ để quảng bá ơn gọi Đa Minh tới các bạn trẻ và các bạn thiếu nhi.


Trên đường đi, nhiều người dân cũng thắc mắc về một nhóm người mặc đồ trắng, vai đeo balô và bên hông lại có tràng chuỗi, cùng với những bảng “Hashtag ngộ nghĩnh” cầm trên tay, đại loại kiểu: #Chúng tôi là tu sĩ Đa Minh; #Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt, 5,14); #Team thích đi tu… Không ít thì nhiều, hình ảnh của anh em tu sĩ Đa Minh trong bộ tu phục trắng cũng để lại ấn tượng đối với người dân cũng như những người đi đường.


Anh em tới Thỉnh viện khoảng hơn 11 giờ trưa, và rồi anh em đã được các em Thỉnh sinh cũng như Ban giám đốc, cùng với cha Bề trên tu viện thánh Vinh Sơn Liêm vui vẻ đón tiếp. Nhóm anh em Nhà Học có dịp được giao lưu với các em Thỉnh sinh và quý phụ huynh của các em trong dịp đặc biệt này của Thỉnh viện. Và chiều đến, khoảng 16h30 nhóm anh em đã chào quý cha và tạm biệt các em Thỉnh sinh để tiếp tục cuộc bộ hành trở về Học viện Đa Minh. Anh em về tới Học viện lúc 20h00.


Chương trình “đi bộ quảng bá ơn gọi” năm nay là năm đầu tiên mà anh em Học viện sáng kiến ra và đã được quý cha giáo ủng hộ. Tham gia cuộc hành trình này, các anh em đã có được những trải nghiệm vô cùng thú vị và hữu ích. Và bên dưới là những chia sẻ vắn tắt của những anh em đã tham gia.


Tôi thiết nghĩ, đi bộ quảng bá ơn gọi cũng như làm chứng nhân Tin Mừng cho xã hội ngày nay thật thú vị. Thú vị ở đây không phải chỉ là ý nghĩa của việc làm, nhưng thú vị ở đây còn là những điều hay mà tôi đã học được trên dọc đường đi. Ban đầu thì rất hăng hái, cho đến khi đi được nửa đoạn đường dưới cái nắng nóng gần 40 độ C, tôi thấy tinh thần hăng hái cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng bên cạnh đó, đây là một trải nghiệm thú vị, nhờ vậy tôi thấy gần gũi hơn, và có thể cảm thông hơn với những người phải vất vả mưu sinh cuộc sống ở ven đường, họ đã sống như vậy biết bao nhiêu năm dưới cái thời tiết nóng nực mà chẳng bao giờ than phiền. Họ vất vả để có thể trang trải cho gia đình, cho cuộc sống, chính vì vậy mỗi lần họ đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, thì đó thật sự là một sự hy sinh rất lớn rồi.  – Ts. Giuse Nguyễn Phú Quý chia sẻ.


Trên đường đi, tôi ấn tượng với một phụ huynh đã chạy xe máy để bắt kịp nhóm anh em chúng tôi, để xin thông tin về nhà dòng, cũng như chương trình đào tạo để có thể cho con mình đi tu ở dòng của các thầy. Điều này khiến cho câu nói của thánh Phaolô xuất hiện trong đầu tôi “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10, 14) – Ts. Gioan B. Phạm Văn Viên chia sẻ.


Việc đi bộ quảng bá ơn gọi như thế này cũng khá hay. Tôi liên tưởng đến hình ảnh, việc người tu sĩ ở ngoài đường như thế này, cũng giống như một biển báo. Ở ngoài đường, người ta có thể thấy được nhiều tấm biển báo giao thông, và mỗi biển báo sẽ có một nội dung nhất định để hướng dẫn họ phải đi như thế nào. Người tu sĩ cũng vậy, họ cũng là một biển báo, một dấu hiệu. Khi người dân thấy những người tu sĩ ở ngoài đường như thế này, họ cũng thấy một dấu hiệu, một “biển báo”. Nhưng, “biển báo” đó báo hiệu điều gì, họ phải tới gần, và người tu sĩ sẽ chỉ cho họ biết. - Ts. Giuse Đào Duy Hiếu chia sẻ.
Anh Em Nhà Học Đa Minh

[1] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 49.
114.864864865135.135135135250