“Tôi tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục với vai trò là một ‘chuyên gia thần học’. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị các tài liệu cho các phiên họp của Thượng Hội Đồng, tham dự các buổi thảo luận trong phiên họp toàn thể, chuẩn bị các bản tóm tắt để soạn thảo tài liệu cuối cùng, hoặc viết các bản tóm tắt về những điểm cụ thể mà chúng tôi được yêu cầu. Nhóm của chúng tôi gồm hai mươi sáu nhà thần học được chia thành các nhóm ngôn ngữ khác nhau. Là một viên chức của Bộ Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, tôi còn giữ vai trò liên lạc với các ‘đại biểu anh em’ từ các truyền thống Kitô giáo khác tham gia Thượng Hội Đồng. Tiếp xúc, gặp gỡ trong một Giáo hội hoàn vũ đa dạng về văn hóa quả là một trải nghiệm độc đáo. Giáo hội ngày nay dần ít mang tính phương Tây hơn. Đây cũng là một khoảnh khắc lịch sử đối với Giáo hội Công giáo, khi Giáo hội đã thực hiện một tiến trình tham vấn chưa từng có với toàn thể Dân Chúa”, cha Hyacinthe Destivelle, OP, Viên chức của Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô Giáo và Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại kết “Œcumenicum” của Đại học Angelicum, chia sẻ suy nghĩ của mình về Thượng Hội Đồng trong cuộc phỏng vấn sau đây dành cho truyền thông của Dòng Đa Minh.
Với tư cách là một “chuyên gia” tham gia Thượng Hội Đồng, những vấn đề nào cha cho là cấp bách và cần thiết hiện nay?
Là một nhà chuyên gia về đại kết, một vấn đề quan trọng đối với tôi là mối liên kết giữa tính đồng nghị và sự hiệp nhất Kitô giáo. Ngay từ đầu của quá trình đồng nghị, chiều kích đại kết đã rất quan trọng, như được minh chứng qua buổi cầu nguyện đại kết “Cùng Nhau” được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 30 tháng 9 năm 2023. Tính đồng nghị và đại kết là hai tiến trình phụ thuộc lẫn nhau và cùng cấu thành một “hành trình chung” (syn/odos). Không có tính đồng nghị thì không có đại kết, và không có đại kết thì cũng không có tính đồng nghị. Một mặt, Giáo hội Công giáo có tính đồng nghị hơn trong đời sống nội tại của mình, ad intra, sẽ có uy tín hơn đối với các Kitô hữu khác. Mặt khác, cũng có một mức độ đồng nghị nào đó với các Kitô hữu khác, ngay cả khi chúng ta chưa ở trong sự hiệp thông hoàn toàn. Chúng ta trải nghiệm tính đồng nghị này ad extra khi các đại diện của các giáo hội chúng ta cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau phân định, cùng nhau làm việc và tham gia vào các quá trình đồng nghị của nhau ở mọi cấp độ. Cuối cùng, người Công giáo cũng có thể học hỏi từ kinh nghiệm đồng nghị của các Kitô hữu khác. Đây là những gì chúng tôi đã khám phá trong các hội nghị chuyên đề “Lắng nghe Phương Đông” và “Lắng nghe Phương Tây” do Viện Nghiên Cứu Đại Kết tại Đại học Angelicum tổ chức vào các năm 2022 và 2023.
Theo cha, mối liên hệ giữa chủ đề đồng nghị và đặc sủng của Dòng là gì?
Dòng của chúng ta có một kinh nghiệm độc đáo về tính đồng nghị, trước hết là qua các thể chế và quá trình quản trị của mình, thể hiện các khía cạnh cộng đoàn, tập thể và cá nhân của tính đồng nghị: nguyên tắc nổi tiếng “tất cả, một số, một người”. Nhưng quan trọng hơn nữa là “văn hóa đồng nghị” của Dòng: một văn hóa lắng nghe, đối thoại và phân định trong cộng đoàn. Một “trí tuệ tập thể” - nét đặc trưng của Dòng chúng ta, đưa ra quyết định và thực hiện chúng. Những thể chế và văn hóa này chắc chắn có thể là nguồn cảm hứng cho một tính đồng nghị tốt hơn của toàn thể Giáo hội. Sự hiện diện của các tu sĩ Đa Minh tại Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị này là một cơ hội tốt để làm chứng cho điều này. Không phải ngẫu nhiên mà cha Timothy Radcliffe được mời giảng thuyết.
Làm thế nào một tu sĩ Đa Minh có thể đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới?
Hòa bình luôn luôn mong manh. Nó là một sự hài hòa hơn là một sự cân bằng. Là một tu sĩ Đa Minh, việc tìm kiếm chân lý chắc chắn là một đóng góp cụ thể cho hòa bình. Vì đặc biệt dấn thân cho sự hiệp nhất Kitô giáo, tôi tin rằng bất kỳ đóng góp nào cho việc thực hiện lời cầu nguyện của Chúa Kitô “để họ nên một” (Ga 17:21) cũng là một đóng góp cho hòa bình thế giới. Phong trào Đại kết đã được khai sinh như một phản ứng đối với hai cuộc thế chiến đầu tiên. Thật đáng chú ý rằng một số người tiên phong của Phong trào Đại kết là các tu sĩ Đa Minh, như các cha Dumont, Congar và Tillard, bởi vì việc tìm kiếm sự hiệp nhất là nền tảng của đời sống huynh đệ của chúng ta. Nhưng tôi cũng thích lời khuyên của thánh Seraphim thành Sarov: “Hãy có được bình an trong tâm hồn và hàng ngàn người xung quanh bạn sẽ được cứu rỗi”. Trước hết và trên hết, chính qua sự bình an nội tâm của chúng ta mà chúng ta đóng góp vào hòa bình trên thế giới.
Cha Hyacinthe Destivelle, OP, là một tu sĩ Đa Minh của Tỉnh Dòng Toulouse (Pháp). Cha Giaxintô đã từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đại kết và tạp chí Istina tại Paris (2005-2010), và là cha Sở Nhà thờ thánh Catarina ở Saint Petersburg, Nga (2010-2013). Kể từ năm 2013, cha là viên chức của Bộ Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo tại Vatican, giữ nhiệm vụ quan hệ với các Giáo hội Chính thống Slave (2013-2018) và sau đó với các Giáo hội Chính thống Đông phương (từ 2018). Từ năm 2019, cha cũng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại kết “Œcumenicum” tại Đại Học Angelicum.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô