22/09/2024 -

Anh em Đa Minh

1154
Phỏng vấn Cha Jean-Michel Poffet, Tôn sư Thần học

“Ngay nay… người ta thiếu sự hiểu biết về thế giới, về Thiên Chúa, và thiếu niềm hy vọng,” cha Jean-Michel Poffet, O.P. chia sẻ. Nhận danh hiệu Tôn sư Thần học năm 2023, cha Jean-Michel, đã dành cho truyền thông của Dòng cuộc phỏng vấn dưới đây.


Nhận lãnh danh hiệu Tôn sư Thần học từ vị Tổng quyền Dòng trao cho, điều này có ý nghĩa gì đối với cha?

Dĩ nhiên, tôi cảm thấy rất vinh dự khi Tỉnh Dòng của tôi quyết định đề cử tôi nhận lãnh danh hiệu này. Cha Tổng quyền đã trao danh hiệu này cho tôi. Sự khen ngợi - laudatio tập trung vào sự nối kết -điều tôi vẫn cố gắng thực hiện-, giữa việc nghiên cứu Kinh Thánh và việc giảng thuyết theo nghĩa rộng: không chỉ làm sáng tỏ quá khứ của các văn bản được nghiên cứu, mà còn chỉ ra ý nghĩa tương lai đối với dân Thiên Chúa. Vinh dự tôi vừa nhận được thúc đẩy tôi tiếp tục đi theo con đường này.

Với tư cách là Tôn sư Thần học, cha nói gì về sứ mệnh thần học hiện nay của Dòng trong Giáo Hội và thế giới?

Thế giới ngày nay đang gánh chịu những bạo lực lớn, không chỉ trên các chiến trường, mà còn trong ngôn ngữ, trong chính trị, trong những mối tương quan con người, thậm chí giữa các cặp vợ chồng và trong gia đình, v.v. Con người ngày nay thiếu sự hiểu biết về thế giới, về Thiên Chúa, và thiếu vắng niềm hy vọng. Đó là lý do tại sao tôi thấy phải cố gắng làm nổi bật một vì Thiên Chúa, Đấng là “bạn của nhân loại”, Đấng là Thiên Chúa mang lại giải thoát, như đã được mặc khải qua Môsê và đặc biệt qua Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu, Đấng chịu thương tích, đã cho các môn đệ của Người nhìn xem thấy vết thương trên thân thể Người sau khi phục sinh, đồng thời giao phó cho họ sứ mệnh mang hòa bình và ơn tha thứ. Một chương trình thực sự làm nhân bản hóa con người...

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ, chúng ta nên tiếp cận việc giải thích Kinh Thánh như thế nào?

Các công cụ hiện nay giúp chúng ta dễ dàng nghiên cứu Kinh Thánh và cung cấp tài liệu lịch sử, khảo cổ và ngôn ngữ. Nhưng không gì có thể thay thế được hermeneutics: việc giải thích các văn bản Kinh Thánh dưới ánh sáng đức tin. Chúng ta không chỉ tìm kiếm những gì một tác giả cổ đại muốn nói, mà còn khám phá những gì một văn bản được linh hứng vẫn có thể nói trong hiện tại và tương lai nữa. Chúa Thánh Thần đồng hành với công cuộc tìm kiếm này và sự phục vụ này của chúng ta cho Giáo Hội.

Cha có đề nghị gì cho các học giả Kinh Thánh muốn dấn thân vào mục vụ Kinh Thánh?

Bản thân, tôi đã chủ trì và điều hành một Hiệp hội Kinh Thánh Pháp ngữ tại Thụy Sĩ trong nhiều năm, tổ chức các buổi gỡ hằng năm và hỗ trợ công việc của các nhóm nhỏ trong suốt năm. Hai trụ cột phải được giữ vững: trung thành với Lời Thiên Chúa, theo một tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến nội dung được truyền đạt, và một phương pháp sư phạm giúp những người có học vấn phổ thông và đôi khi thấp hơn, có thể hiểu được Lời Chúa và đón nhận ánh sáng của Lời Chúa. Chúng tôi luôn cố gắng quy tụ những người không học hành hàn lâm, các phụ nữ (không chỉ có nam giới hoặc giáo sĩ) và cả những người rất trẻ.

Cha nghĩ gì về sự phát triển của phong trào Ngũ Tuần ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, được định nghĩa là “lục địa của hy vọng”?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không hiểu biết đủ về Châu Mỹ Latinh và Châu Phi. Điều duy nhất khiến cho tôi ấn tượng đó là, trong tất cả các nhóm này, các thành viên có một lòng khao khát bày tỏ sự nhiệt thành, tình huynh đệ, trong khi các các cử hành và sự trình bày đức tin của chúng ta dường như quá thiếu sức sống hoặc trừu tượng.
114.864864865135.135135135250