11/08/2024 -

Anh em Đa Minh

1662

Khi bàn về linh đạo giảng thuyết của Dòng Đa Minh, người ta thường viện dẫn câu châm ngôn nổi tiếng của thánh Tôma Aquinô: giảng thuyết là “chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm”. Chúng ta cũng thường nhấn mạnh rằng giảng thuyết không chỉ giới hạn vào không gian phụng vụ hay các bài giảng trong Thánh lễ, việc công bố Tin Mừng còn được diễn ra trong mọi khía cạnh của đời sống sứ vụ, cộng đoàn và riêng tư. Chúng ta cũng hiểu rằng giảng thuyết, theo một nghĩa nào đó, là sống một cuộc đời như thánh Đa Minh, “luôn nói với Chúa và nói về Chúa.”
 
Chúng ta khẳng định những điều trên đây, trong khi vẫn xác tín rằng, một Dòng tu được người ta biết đến là luôn dành ưu tiên cho sức mạnh của lời; đến mức người ta khó có thể mường tượng một người Đa Minh mà lại ít nói hoặc không viết gì. Nét nổi bật của di sản thần học Đa Minh là sự rõ ràng về khái niệm, sự chính xác về phương diện triết học, thành quả đến từ sức mạnh soi sáng của logos. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ là Dòng thánh Tôma Aquinô, Gustavo Gutiérrez và Yves Congar. Dòng chúng ta đã cống hiến cho thế giới các nghệ sĩ như Fra Angelico, Plautilla Nelli và Kim En Joong. Trong tác phẩm của họ, và trong tác phẩm của nhiều nghệ sĩ Đa Minh khác, chúng ta cũng thấy rằng, sức mạnh trực giác đến từ hình ảnh có thể đưa chúng ta ngay lập tức lĩnh hội sự chính xác của triết học vốn phải theo thời gian chúng ta dần dần mới có được nhờ logic.
 
Cả ngôn từ và hình ảnh đều có những ưu điểm và hạn chế của chúng, và vì lý do này, chúng bổ túc cho nhau, đôi khi thậm chí chiếm không gian chung trong nghệ thuật Kitô giáo, như trong các biểu tượng Byzantine, các bản thảo minh họa thời trung cổ hoặc nghệ thuật của lòng đạo đức bình dân. Nghệ thuật Kitô giáo là sự phản ánh thần học trực giác trong đó các hình ảnh giảng thuyết và hiện thể hoá sự chiêm nghiệm mầu nhiệm đức tin. Điều này có ý nghĩa hơn khi chúng ta nhớ rằng mọi biểu tượng - dù là ngôn ngữ chữ viết, hình ảnh hội hoạ hay tác phẩm âm nhạc - đều biểu đạt và nói về Thiên Chúa, theo mức độ, biểu tượng ấy được khai sinh từ cuộc gặp gỡ giữa tác giả con người và Tác giả của sự sống. Đây là lý do tại sao khi nói về việc giảng thuyết, thánh Tôma lại lấy chiêm nghiệm làm điểm khởi đầu, chứ không phải hoạt động viết lách hoặc giảng thuyết trước công chúng. Lời Chúa thường đi vào tai, nhưng không bao giờ được nắm bắt bằng đôi mắt…
 
Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng mỗi người Đa Minh lại có một cách riêng để chiêm nghiệm và loan báo Đức Kitô thông qua những công việc mục vụ và sáng tạo của họ. Đối với các nghệ sĩ của Dòng, hội họa, âm nhạc, văn chương và mọi nỗ lực mục vụ, một khi được sinh ra từ sự gặp gỡ thâm giao của chúng ta với Chúa, sẽ là sự phản chiếu chính chủ thể con người chúng ta: vừa đang đắm chìm trong Mầu nhiệm, vừa trở thành dấu chỉ của sự gặp gỡ với Mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Mọi nghệ thuật được sinh ra từ ân sủng của cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ với Thiên Chúa, đều phản chiếu Mầu nhiệm Nhập thể, Mầu nhiệm Ngôi Lời đã thành xác phàm. Và vì vậy, đời sống nội tâm của nghệ sĩ, tràn đầy ân sủng như cung lòng của Đức Maria, sẽ nhận được khả năng đáng kinh ngạc để thụ thai, cưu mang và sinh hạ Thiên Chúa.
 
_Cristóbal Torres Iglesias, O.P._

Nguồn : Preaching, Art, and Encounter -ORDO PRAEDICATORUM | OFFICIAL
114.864864865135.135135135250