Giacomo GAMBASSI, Avvenire 8/11/2024
Trong ngăn bàn làm việc của mình tại văn phòng luật sư ở Paris, Jean-Paul Vesco đã để một bản sao của lời cầu nguyện. “Thỉnh thoảng tôi lấy nó ra để đọc”, cha Vesco kể lại. Đó là “lời cầu nguyện buông bỏ” của Charles de Foucauld: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con điều Ngài muốn. Bất cứ điều gì Ngài làm cho con, con xin cảm tạ Ngài”. “Người anh em bé nhỏ của mọi người” đã rời nước Pháp để “sống cho Thiên Chúa” trong sa mạc Châu Phi. Cũng phần nào giống như vậy, Vesco đã từ giã văn phòng của mình bên bờ sông Seine để đến Algeria. Trước tiên, Jean-Paul Vesco trở thành một tu sĩ Đa Minh; sau đó được đặt làm giám mục, và bây giờ là hồng y. Ngài là một trong 21 vị sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hồng y vào ngày 7 tháng Mười Hai.
Vào tuổi 62, đức cha Jean-Paul Vesco được đặt làm tổng giám mục Alger cuối năm 2021 sau khi kết thúc nhiệm vụ cai quản giáo phận Oran, giáo phận mà đức cha Pierre Claverie, cũng một tu sĩ Đa Minh, từng phục vụ trước đó. Đức cha Claverie bị ám sát vào năm 1996, và được tôn phong chân phước năm 2018. Đức cha Vesco nói: “Tôi nợ cha ấy sự hiện diện của mình ở Algeria”. Ngài nói với Avvenire: Với sứ vụ mục tử ở một quốc gia Hồi giáo, thách đố của chúng tôi là "cùng nhau xây dựng tình huynh đệ giữa những người Kitô giáo và những người Hồi giáo". Vương cung thánh đường Đức Bà Châu Phi từ đỉnh mũi đất phía bắc Algeria hướng ra Địa Trung Hải, ôm trọn thách đố này bằng lời cầu nguyện dâng lên Mẹ như một chiếc cầu nối vượt qua những khác biệt: “Lạy Đức Mẹ Châu Phi, xin cầu cho chúng con và cho những người Hồi giáo.”
Vương cung thánh đường Đức Bà Châu Phi ở Algeria
Đức cha Vesco nói: “Mỗi năm, chúng tôi đón 350.000 khách viếng thăm, 98% trong số đó là người Hồi giáo. Chúng tôi coi đó là một thánh đường của sự gặp gỡ. Bằng cách chia sẻ không gian thánh thiêng, chúng tôi mở rộng cánh cửa cho sự kỳ diệu này là: gặp gỡ tha nhân, những người ở xa chúng tôi, và nhận biết một vị Thiên Chúa nơi khuôn mặt của người thân cận, cho dù họ là ai”. Nhiệm vụ của “tình huynh đệ phổ quát” và “cởi mở” về nhiều phương diện: kể cả về chức phó tế của phụ nữ hay những người ly dị và tái hôn. Nhưng có điều không ngờ tới. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến nó. Giáo trong giáo phận nghĩ rằng tôi sẽ ra đi ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo tại buổi đọc Kinh Truyền tin. Tôi nói với họ rằng, tước vị hồng y không phải là sự công nhận cho cá nhân tôi mà là cho Giáo hội của chúng ta.”
Đức cha đã dành lá thư mục vụ cuối cùng của mình cho tình huynh đệ. Đó có phải là sứ mệnh của Giáo hội ở Bắc Phi không?
Tình huynh đệ qua đó chúng ta làm chứng cho Tin Mừng. Không phải là giảm thiểu mọi thứ thành đối thoại, nhưng là cùng chung sống, cùng làm việc, như anh em cùng chung một mảnh đất. Những gì nối kết chúng tôi thì quan trọng hơn nhiều so với những gì gây chia rẽ chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi không che giấu việc mình là Kitô hữu, vì đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây. Nhưng cần phải đảo ngược quan điểm. Không phải là chúng ta khẳng định Thiên Chúa của mình, mà là thể hiện Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin tưởng, bằng cuộc sống của mình.
Người Công giáo là một thiểu số nhỏ: 10 nghìn trong tổng số 43 triệu dân. Làm thế nào để cha sống trong một quốc gia toàn là người Hồi giáo?
Nhà nước Hồi giáo và tổ chức dựa theo các nguyên tắc Hồi giáo. Giáo hội của chúng tôi chủ yếu là người nước ngoài, ít nhất có bốn mươi quốc tịch. Đối với những Kitô hữu không phải là người bản xứ, đời sống đức tin không có vấn đề gì. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều đối với người bản xứ địa phương với số lượng rất nhỏ. Việc cải đạo là điều khó chấp nhận: cả trên bình diện xã hội lẫn về phía Hồi giáo. Chẳng hạn, các vấn đề nảy sinh trong gia đình.
Đức cha nhắc lại rằng việc chung sống không phải là điều không tưởng. Bài học hòa bình nào từ Bắc Phi?
Những khác biệt tôn giáo không phải là nguyên nhân gây ra căng thẳng. Thực tế, chúng có thể thúc đẩy các giải pháp. Chúng ta được gọi không nhằm cải đạo người khác, nhưng tạo ra một bầu khí tin tưởng lẫn nhau. Đó là thông điệp tuyệt vời đến từ văn kiện Abu Dhabi mà tôi coi là một trong những tài liệu đẹp nhất của triều đại giáo hoàng và hướng dẫn cả đời sống cá nhân lẫn thừa tác vụ giám mục của tôi. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô và vị Iman vĩ đại của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, cùng nhau ký văn bản này vào năm 2019, họ không phải là hai nhà lãnh đạo tôn giáo đối địch nhau, nhưng có chung một tầm nhìn về thực tại và cam kết làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Tại sao Đức cha lại chọn mặc áo Dòng Đa Minh sau khi trở thành luật sư?
Tôi đã 33 tuổi khi gia nhập Dòng, và đã làm luật sư được bảy năm. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng tôi đã cảm nhận được ơn gọi từ khi còn là một cậu bé, nhưng tôi đã đáp trả ơn gọi một cách muộn màng. Tôi cũng đã tham gia vào đảng phái chính trị và hiệp đoàn. Nhưng đến một lúc tôi nhận ra có điều gì đó thiếu sót. Hai khuôn mặt mạnh mẽ hướng dẫn tôi: Pierre Claverie và Charles de Foucauld.
Cả hai đều là chứng nhân Tin Mừng ở Maghreb. Hãy bắt đầu với Pierre Claverie…
Cha ấy đã bị sát hại trong năm đầu tiên tôi vào tập viện. Tôi ngay lập tức cảm thấy một sức hấp dẫn tinh thần kỳ lạ từ cha ấy. Sau đó vài năm khi Tỉnh dòng Đa Minh muốn mở lại một cộng đoàn mới ở Algeria, họ đã gửi tôi và một người anh em khác đến đó. Và vào năm 2012, Chúa Quan Phòng muốn tôi trở thành giám mục Oran, giáo phận của Đức cha Claverie. Ngài thường nói: “Không ai sở hữu sự thật. Mọi người đều tìm kiếm nó và tôi cần sự thật từ người khác." Đó là kim chỉ nam của tôi trong mối quan hệ với thế giới Hồi giáo. Và đức tin của tôi được củng cố khi sống ở một đất nước Hồi giáo. Trên thực tế, sự hiện diện của các tôn giáo khác sẽ mở rộng tầm nhìn của bạn vì bạn nhận ra rằng Thiên Chúa lớn lao hơn nhiều so với chuồng chim bồ câu của chúng ta. Hơn nữa, chính từ sự tuyệt đối hóa cái nhìn của một người về Thiên Chúa mà chủ nghĩa bảo thủ phát sinh.
Còn Charles de Foucauld ?
Quan điểm tiến bộ cùng với nếp sống nghèo của cha luôn thu hút tôi. Một kẻ điên vì Chúa. Sau quá trình tái thiết sự hiện diện của anh em Đa Minh ở Algeria, tôi phải rời khỏi đất nước vì được bầu làm Giám tỉnh của Tỉnh Dòng Pháp, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được trải nghiệm cuộc sống của Charles de Foucauld nữa. Một ngày nọ ở Paris, tôi bước vào nhà thờ thánh Augustinô nơi Charles de Foucauld đã hoán cải. Và tôi nhận ra rằng “lời cầu nguyện buông bỏ” cho tôi tiếp tục sống lý tưởng sau khi rời bỏ Algeria. Rồi tôi lại được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm giám mục Oran.
Và tại Oran, cha đã chứng kiến lễ phong chân phước cho 19 vị tử đạo ở Algeria. Các linh mục, tu sĩ nam nữ (trong đó có bảy tu sĩ dòng Xi-tô Nhặt Phép (Trappist) của Tibhirine và Đức Giám mục Claverie) đã bị sát hại trong “thập kỷ đen tối” của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo khiến 150 nghìn nạn nhân thiệt mạng từ năm 1991 đến năm 2002.
Tibhirine ngày nay là nơi thu hút hàng ngàn người, trong đó có cả người Hồi giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng, việc phong chân phước là một lời mời gọi “tiếp tục làm việc cho đối thoại, hòa hợp và hữu nghị”. Tất cả các vị tử đạo đã quyết định ở lại bất chấp nguy hiểm trong những năm bi thảm của cuộc khủng hoảng Algeria, trong đó 119 giáo sĩ cũng bị giết. Họ muốn gần gũi với mọi người như một dấu chỉ của niềm hy vọng. Bởi vì đức tin Kitô giáo là một thông điệp hy vọng. Chứng tá của họ là lòng trung thành với Tin Mừng, được biến thành sự gần gũi với mọi người.
Làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy từ Algeria những hành trình hy vọng của những người di cư rời bỏ Châu Phi?
Algeria là vùng đất của sự ra đi và đến. Chúng tôi có những người Algeria trẻ tuổi đến Châu Âu hoặc Canada; và những người di cư từ châu Phi cận Sahara đến đây. Đất nước này đàn áp gay gắt việc nhập cư. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở những con số: chính những người nữ và người nam đang mạo hiểm mạng sống của mình để tìm kiếm tương lai. Trên các tuyến đường di cư, cả Địa Trung Hải và những sa mạc, số người chết ngày càng gia tăng, nền văn minh đang suy tàn. Và, như Đức Thánh Cha nhắc lại, lòng hiếu khách là một mệnh lệnh đạo đức. Tôi nghĩ thật bi thảm khi một người phải rời bỏ mảnh đất giàu tài nguyên như ở Châu Phi để hiện thực hoá giấc mơ của mình ở nơi khác
Có cần thiết phải lên án những hành động chiếm đoạt ở lục địa này?
Không thể có sự phát triển nếu không có công lý. Khi công lý không được quan tâm, việc làm giàu của một số ít sẽ dẫn đến sự thiệt hại của nhiều người. Và đây là điều vẫn đang xảy ra cho đến ngày nay. Các quốc gia đã xâm chiếm châu Phi trong nhiều thế kỷ có trách nhiệm rất lớn, nhưng tôi thấy các quốc gia trên lục địa này đang rơi vào tay những kẻ chinh phục khác.
Đức Cha ủng hộ chức phó tế nữ. Tại sao?
Phụ nữ là linh hồn của hầu hết các đề xuất của Giáo hội. Tuy nhiên, trong Giáo hội, chúng ta chỉ nói về phụ nữ theo nghĩa bổ sung cho nam giới. Thay vào đó chúng ta cần suy nghĩ từ quan điểm của người khác. Vì thế tôi tự hỏi: tại sao lại tước đi sự nhạy cảm thiêng liêng của họ trong việc chú giải Lời Chúa, bắt đầu từ Thánh lễ Chúa Nhật? Tôi thấy khó có thể có bất cứ điều gì cản trở quan điểm như vậy, có thể bao gồm cả thừa tác vụ chức thánh. Nếu chúng ta muốn là Giáo hội Công giáo, nghĩa là phổ quát, phụ nữ phải có không gian trong đó. Đức Thánh Cha Phanxicô đang thúc đẩy cộng đoàn Giáo hội vượt qua sự thống trị của nam giới. Giáo Hội đang tiến bước. Và một số điều sẽ thay đổi.
GB Phạm Hoàng Dũng chuyển ngữ
Nguồn : Il neo-cardinale. Vesco: i miei sogni di pastore in Algeria, fra fraternità e aperture
https://www.avvenire.it/chiesa/pagine/cardinale-vesco-algeri-intervista-fraternita-diaconato-femminile