12/01/2025 -

Anh em Đa Minh

70
Cha Gerardo Cioffari, OP, thuộc Tỉnh Dòng Thánh Tôma Aquinô tại Ý, nhận danh hiệu Tôn sư Thần học (Magister in Sacra Theologia) năm 2024. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông của Dòng, cha nhấn mạnh rằng đề xuất canh tân thần học của Dòng phải bắt đầu từ Marie-Joseph Lagrange, Marie-Dominique Chenu, Yves M. J. Congar, Edward Schillebeeckx và Gustavo Gutiérrez, “mỗi người theo một khía cạnh khác nhau nhưng chắc chắn là bổ trợ cho nhau.” Ngài cũng đề cập đến việc đối thoại thần học; nó sẽ góp phần cho hòa bình thế giới.


 ? Nhận lãnh danh hiệu Tôn sư Thần học do vị Tổng Quyền của Dòng trao, điều này có ý nghĩa gì đối với cha?

Việc tôi nhận lãnh danh hiệu Tôn Sư Thần học do vị Tổng quyền trao mang hai ý nghĩa: về mặt con người tự nhiên và về mặt nghiên cứu thần học.

Về mặt con người tự nhiên, danh hiệu này thực sự là một bất ngờ đối với tôi, ngay từ khi các anh em họp Ban cố vấn Tỉnh dòng ở Naples trở về và thông tin cho tôi biết việc đề cử tôi cho danh hiệu này, cho đến khi tôi nhận văn bản do vị Tổng Quyền ký gửi qua email. Thành thật mà nói, đề xuất của các anh em đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui hơn cả việc nhận được danh hiệu này, vì điều đó cho thấy tình cảm của cộng đoàn dành cho tôi, mặc dù tôi đã từng được Bộ Giáo lý Đức tin chú ý khi Đức Hồng y Ratzinger đang đứng đầu bộ này. Thật ra, tất cả các anh em ở Trung Ương Dòng đã luôn gần gũi và ủng hộ tôi. Dầu vậy, Tôi cũng đã rất ngạc nhiên và phấn khởi với đề cử này.
 
Từ góc độ nghiên cứu thần học, việc công nhận này nhắc nhở cho tôi rằng Dòng đang tiến bước với sự trung tín với Công đồng Vatican II, tiếp nhận những nguyên tắc của Giáo hội Đức Giáo hoàng Gioan XXIII khởi xướng, được củng cố bởi Đức Phaolô VI, và kéo dài cho đến Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện nay. Vị Giáo Hoàng này đã nói về một nền thần học quỳ gối (a theology to be done on one’s knees). Kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử thần học nhìn nhận rằng đây là con đường duy nhất, là con đường của sự ý thức về giới hạn của thần học khi bước vào chiều kích mầu nhiệm.
 
 ? Theo Cha, làm thế nào để thúc đẩy đối thoại liên tôn và đâu là sự đóng góp của việc đối thoại này cho hòa bình thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Ukraine?

Nền tảng của đối thoại thần học ngày này hầu như không vững chắc vì nó dựa trên một niềm tin sai lầm rằng những người khác cũng đang có cùng một cách hiểu ý nghĩa khái niệm như chúng ta hiểu. Thực tế, tiến trình này nhiều thiếu sót vì các đồng thuận dựa trên khái niệm mơ hồ có thể làm hài lòng mọi người. Nhưng kết quả là, sau 40 năm đối thoại, vẫn chưa có tài liệu nào của Giáo hội Chính thống công nhận tính thành sự của phép rửa Công giáo. Thánh Tôma Aquinô đã nhận thức được giới hạn của đối thoại khi ngài nói rằng giải thích thần học có liên quan đến sự thay đổi về ý nghĩa của các hạn từ (chẳng hạn như “hypostasis,” trong thời cổ đại có nghĩa là “bản thể” và sau này là “ngôi vị”); và nhất là trong những phạm trù khác nhau của suy tư, ngữ nghĩa sẽ thay đổi: “symbolica theologia non est argumentativa”- thần học biểu tượng không mang tính tranh luận (Trong I Sent. Dist. 11, q. 1, a. 1; xem EDI Sent. Tập 1, 624).

Giá trị lớn của đối thoại thần không nằm ở những tiến bộ thần học, nhưng hệ tại việc chúng ta tiếp tục gặp gỡ nhau. Chúng ta phải đối thoại khởi đi từ đức ái hơn hơn là từ đức tin, như Thánh Phaolô đã đề cập. Thêm một bước nữa là cần làm sao giúp cho các Kitô hữu có thể đón nhận tình huynh đệ Kitô giáo, mặc dù giữa họ có những khác biệt thần học. Tuy nhiên ngay cả thiên tài như Thánh Tôma đi nữa cũng sẽ gặp khó khăn để đưa ra một thần học thích hợp với thời đại ngày nay, bởi vì không chỉ vì sự giao tiếp giữa các dân tộc trở nên phức tạp hơn, mà thần học còn chịu ảnh hưởng lớn bởi các Giáo hội Công giáo, Chính thống và Tin lành có sự gắn bó với các khái niệm thế tục. Ví dụ như cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang cho thấy điều này, thay vì quan tâm đến mạng sống con người, các Giáo hội đã để mình bị cuốn vào lý lẽ “ai là người có lỗi,” như thể khi đối phương có lỗi, thì chúng ta chính đáng để ủng hộ cuộc chiến mà các nhà cầm quyền của chúng ta cho là đúng.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đến không phải để cứu các chính quyền, mà là để cứu con người. Quyền tự vệ của Israel không thánh thiêng hơn mạng sống của biết bao người vô tội. Đây là vấn nạn về thứ tự ưu tiên của các giá trị. Ngày nay, việc rao giảng Tin Mừng ngày càng khó khăn hơn vì những giá trị không thể hòa hợp với Tin Mừng đã được mặc định trong tâm trí và trái tim chúng ta. Đó là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp nhiều phản đối ngay trong giới Công giáo, những người này đã để cho mình bị cuốn vào các quan điểm thế tục như “cuộc chiến chính nghĩa” (chính nghĩa cho ai?) hoặc tự vệ hợp pháp (ngay cả khi gây ra các cuộc thảm sát).

Một số ít người, như Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhận ra rằng khái niệm “hòa bình” đã trở nên trống rỗng, vì đối với nhiều người, nó đơn giản chỉ có nghĩa là chiến thắng của bên “chính nghĩa” (tức là bên mà họ ủng hộ). Với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Dòng chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào Tin Mừng, và ít hơn vào sự đúng đắn mang tính chính trị của cái gọi là cộng đồng quốc tế. Đối với tôi, điều quan trọng là con người được Chúa Giêsu cứu chuộc, chứ không phải là việc bảo vệ tổ quốc (“đàm phán” thì tốt hơn nhiều so với “hòa bình chính nghĩa” vì khái niệm chính nghĩa bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chính trị, và từ đó ủng hộ các cuộc thảm sát những người vô tội). Mặc dù với tôi, lý lẽ về truyền thống Nga ở miền đông Ukraine, cũng như quyền tồn tại của đất nước Israel có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi không thích đứng về phía nào trong các cuộc xung đột này. Tôi không tin rằng một cuộc chiến “chính nghĩa” có thể biện minh cho sự tàn sát quá nhiều người vô tội.

 ? Về phương diện lịch sử, và liên quan đến hoàn cảnh xã hội lúc này, theo Cha, những nhà thần học Dòng Đa Minh nào có thể giúp suy tư về thần học hiện nay?

Trong suốt hai thế kỷ (thế kỷ 18-19), với một vài ngoại lệ (như thần gia Lacordaire), Giáo hội và Dòng đã tránh né đối thoại với thế giới, để cho phong trào Duy Lý, lúc bấy giờ đã chiến thắng, trở thành phong trào chống giáo sĩ. Vào đầu thế kỷ 20, Dòng đã lấy lại đà phát triển, mặc dù phải đối mặt với những cuộc đàn áp nghiêm trọng. May mắn thay, trong những thời kỳ khó khăn của chủ nghĩa hiện đại, Dòng đã xuất hiện những thần học gia xuất sắc.

Vì vậy, chúng ta không phải vật lộn để tìm kiếm những khuôn mẫu, giúp chúng ta tiếp tục trong việc suy tư thần học cho thế giới ngày nay. Đối với tôi, những thần học gia sau đây đã truyền cảm hứng cho tôi: Marie-Joseph Lagrange († 1938), Marie-Dominique Chenu († 1990), Yves M. J. Congar († 1995), Edward Schillebeeckx († 2009), và Gustavo Gutiérrez († 2024), mỗi người theo một lãnh vực khác nhau, nhưng chắc chắn là bổ sung cho nhau.
 
- Khi đọc về cha Lagrange, tôi đặc biệt ấn tượng với sự can đảm của ngài khi chỉ ra những sai sót trong các văn bản Cựu Ước và Tân Ước mà Thánh Giêrônimô đã chỉ ra từ thời cổ đại. Mặc dù cuối cùng ngài cũng bị buộc tội theo chủ nghĩa Hiện đại, nhưng ngài biết cách tìm ra sự cân bằng thích hợp, vừa trung thành với Giáo hội, vừa không vi phạm các quy tắc của phương pháp lịch sử, tức là tôn trọng các khoa học lịch sử và văn chương.

- Tôi đã biết đến cha Chenu trong vài tháng tôi ở Trung tâm Istina, một trung tâm nghiên cứu thần học Nga. Điều làm tôi ấn tượng nhất là, mặc dù đã lớn tuổi và gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng nhưng ngài rất nhiệt huyết và năng động nằm gầy dựng một lịch sử thần học nhằm phục vụ cho xã hội.

- Tôi đã gặp cha Congar tại một vài hội nghị đại kết, và tôi cảm thấy thích hợp với cách thức suy tư thần học của ngài. Mặc dù ngài thiên về thần học suy lý, nhưng gần như ngài luôn luôn củng cố cách suy tư bằng cách đặt nó trong bối cảnh lịch sử. Bối cảnh lịch sử là yếu tố then chốt để hiểu ý nghĩa và phạm vi của một chân lý tín lý. Phải nói thêm là các nghiên cứu của ngài thường đề cập đến những chủ đề được các tín hữu Chính thống giáo yêu thích.

- Lần đầu tiên tôi gặp cha Schillebeeckx (người mà khi còn trẻ tôi chỉ nghe nhắc đến) trong khi tham gia các khóa học thần học tại Angelicum. Vào thời điểm đó, ngài đang bị điều tra ở Rôma vì những thuật ngữ mà ngài đề xuất để thay cho thuật ngữ “biến đổi bản thể”. Đối với tôi, đó là một đề xuất hợp lý và có sự liên hệ nhiều hơn với cuộc đối thoại triết học đang diễn ra hiện nay. Tại Angelicum, vấn đề này đã được thảo luận khá gay gắt, điều mà tôi rất tiếc, bởi vì với tư cách là một người anh em, tôi mong đợi một sự đồng cảm nhiều hơn.

- Còn về Gutiérrez, tôi bị tác động mạnh mẽ khi đọc cuốn sách của ngài về Bartolomé de Las Casas, En busca de los pobres de Jesucristo (Tìm kiếm những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô). Một điều thú vị: Khi một người bạn nói với tôi rằng, tại Trung Ương Dòng, hồ sơ của tôi trong Bộ Giáo lý Đức tin nằm cạnh hồ sơ của Gutiérrez, tôi đã cảm thấy tự hào và hài lòng.

Năm nhà tư tưởng Dòng Đa Minh trên đây đã hướng dẫn tôi, và vì vậy tôi tin rằng đề xuất của Dòng cho một canh tân thần học, thì không thể không bắt đầu từ các ngài. Thật không may, Dòng chúng ta không có một truyền thống mạnh mẽ về esprit de corps - tinh thần đồng đội, ngoại trừ một vài trường hợp như sự trung thành với Thánh Tôma hoặc trường phái Salamanca.

Gerardo Cioffari, OP sinh ngày 01 tháng 12 năm 1943, tại Calitri, Ý. Ngài thụ phong linh mục năm 1970, tốt nghiệp Thần học Chính thống tại Chủng viện Thần học Thánh Vladimir ở New York vào năm 1973, và Khoa học Giáo hội Đông phương tại Viện Giáo hoàng Đông Phương ở Roma vào năm 1977.

Là một thành viên của Dòng Giảng Thuyết, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm chăm sóc mục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Nicholas ở Bari, đảm nhiệm vai trò giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Nicolaiani và giám sát các kho lưu trữ của Vương Cung Thánh Đường cũng như Thư viện. Ngài cũng là giáo sư Lịch sử Thần học Nga và Lịch sử Thần học Đông phương và Tây phương tại Viện Đại kết Bari (Khoa Thần học Pugliese), tác giả của nhiều nghiên cứu về tư tưởng triết học và thần học Nga. Ngài đã giảng dạy tại St. Petersburg, Moscow và Kyiv, và tham gia nhiều hội thảo Công giáo-Chính thống.

Vào khoảng cuối năm 1970, cha bắt đầu nghiên cứu lịch sử về Thánh Nicholas và việc di chuyển đến Bari; sau đó, vào năm 1990, ngài thành lập tạp chí “Nicolaus”, phiên bản phần lịch sử-thần học do ngài biên tập. Ngoài các nghiên cứu về đại kết, ngài cũng đã công bố các nghiên cứu về lịch sử Dòng như “Storia dei Domenicani nell’Italia meridionale” (Lịch sử của các tu sĩ Đa Minh ở miền nam Ý), “Domenicani nella Storia” (Các tu sĩ Đa Minh trong Lịch sử) và “S. Domenico. Fondatore dei Frati Predicatori” (Thánh Đaminh. Người sáng lập Dòng Giảng Thuyết).

Vương Thuật, O.P. chuyển ngữ
Nguồn: ORDO PRAEDICATORUM | OFFICIAL : An innovative theological proposal of the Order cannot do without Lagrange, Chenu, Congar, Schillebeeckx and Gutiérrez
 
114.864864865135.135135135250