16/12/2024 -

Anh em Đa Minh

1032
Phỏng vấn Cha Basil Cole, Tôn Sư Thần Học (Magister in Sacra Theologia)

Cha Basil Cole, O.P., tu sĩ Dòng Đa Minh, thuộc Tỉnh Dòng Thánh Giuse (Hoa Kỳ), thụ phong linh mục năm 1966, đã nhận bằng Tiến sĩ Thần học tại Đại học Giáo hoàng thánh Tôma Aquinô – Angelicum, Rôma và đảm nhận nhiều vai trò giảng dạy và đào tạo. Ngài được vị Tổng quyền Gerard Timoner III, O.P. trao tặng danh hiệu Tôn sư Thần học - Magister in Sacra Theologia của Dòng Đa Minh, vào năm 2023.

Trong cuộc trò chuyện với Truyền thông Dòng Đa Minh, cha Basil Cole, O.P. cho rằng ngày nay Dòng cần đào tạo các nhà giảng thuyết có khả năng thuyết phục mọi người loại bỏ đi lối sống vô trật tự. Việc này các khái niệm thần học cổ điển không thể thực hiện được mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho nhà giảng thuyết. Cha cũng nhấn mạnh rằng thế giới hiện nay, nơi mà sự suy đồi đạo đức đang lan tràn, rất cần những nhà giảng thuyết không e ngại khi đối mặt với những câu hỏi khó và có thể thuyết phục người khác về chân lý của nhận thức đạo đức.



(?) Lãnh nhận danh hiệu Tôn sư Thần học do Cha Tổng quyền trao có ý nghĩa gì đối với Cha?

Khi mới là tu sĩ Đa Minh, tôi đã ước ao nhận được tước hiệu là Tổng Giảng sư, và đã thất vọng khi Dòng hiệu đính Hiến pháp đã hủy bỏ tước hiệu này. Nhưng càng ngày tôi càng ý thức rằng tôi trở thành một tu sĩ giảng thuyết vì người khác, không phải vì lợi ích bản thân. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ nghĩ mình xứng đáng được vinh danh với tước hiệu Tôn sư Thần học. Tôi thiên về làm quản trị tu viện và trở thành nhà giảng thuyết. Qua nhiều năm sống đời sống Đa Minh, tôi nhận ra rằng việc trở nên một nhà giảng thuyết đích thực thì hơn là phát triển tài nghệ hùng biện. Với tài năng giới hạn của mình, mỗi người phải trở nên một nhà thần học trong cốt lõi của một bài giảng đơn giản cho trẻ em, hay trong những buổi tĩnh tâm cho giáo dân, linh mục và tu sĩ.

Trong thời gian thụ huấn, tôi không mấy để tâm đến thần học của Thánh Tôma Aquinô hay các nhà nghiên cứu tư tưởng Tôma. Thay vào đó, tôi thấy hứng thú với các tác phẩm của D. Von Hildebrand, Jacques Maritain và nhiều tác gia có tầm ảnh hưởng trong các thế hệ trước. Mãi đến khi tôi trở thành cộng tác viên của Germain Grisez. Ngài là tác giả của nhiều tác phẩm mà tôi được truyền cảm hứng. Chính kinh nghiệm đó dẫn dắt tôi đến với các tác phẩm Tôma, và bằng cách này Thánh Tôma đã nói với tôi. Trong hai mươi lăm năm giảng thuyết tại giáo xứ, tôi đọc tác phẩm đồ sộ của Grisez, The Way of the Lord Jesus (Con đường của Chúa Giêsu), và đưa ra những phê bình cho từng chương. Ngài chấp nhận những phê bình của tôi, nhưng cũng có nhiều đề xuất của tôi bị từ chối. Kinh nghiệm này từng bước đem lại cho tôi sự tự tin nhất định về khả năng của mình và dần dà đưa tôi đến các tác phẩm của thánh Tôma. Cách nào đó, những hướng dẫn những người thầy đầu tiên như thế vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi cũng bắt đầu nhận ra tính đúng đắn và thiết thực của các tác phẩm thần học và triết học của thánh Tôma, cả về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên.

(?) Theo Cha, đề xuất thần học của Dòng hiện nay cho Giáo hội và cho thế giới là gì?

Ngày nay, Giáo hội tại Hoa Kỳ và phương Tây dường như sống theo cảm xúc chủ quan hơn là các nguyên tắc. Những gì các thế hệ trước, dù là Kitô hữu, Công giáo hay không Công giáo, coi là xấu thì nay được xem như một điều tốt đáng duy trì hoặc chấp nhận, ngay cả khi những điều đó không phải lúc nào cũng mang lại sự thỏa mãn cá nhân. Người ta đã đưa ra định nghĩa mới về hạnh phúc, đó là được tự do chọn lựa và theo đuổi những gì tự nhiên, mang lại cảm giác thoải mái. Các tín điều, giới răn, lời khuyên nhủ, lời cảnh cáo dường như không quan trọng, miễn là không ai bị tổn hại. Trong lĩnh vực y khoa, điều gì khả dĩ thì đều được mọi người tán thành. Ngoại trừ hiếp dâm, còn lại những thử nghiệm tình dục đều được coi là tốt, cứu cánh của thân xác con người có thể bị thay đổi, vấn đề an tử có thể được thực hiện để giải thoát một người khỏi đau đớn quá mức và giúp cắt giảm chi phí duy trì sự sống của người già. Hôn nhân và đời sống gia đình có thể bị thay đổi để phù hợp với ý muốn cá nhân, ngoại tình có thể được ủng hộ như một dạng hôn nhân, dù có hoặc không có biện pháp tránh thai, các mối quan hệ cùng lúc với nhiều người ở cả hai giới tính diễn ra, những người đồng giới kết hôn với nhau. Sự sụp đổ của hệ thống tài chính đang đe dọa chúng ta. Những điều phản giá trị này chỉ là phần nổi của tảng băng của một văn hóa hôn loạn đang trên bờ vực tận diệt.

Trong thời điểm biến động kinh tế và đạo đức đi xuống này, nhiệm vụ của Dòng không phải là tạo ra một hệ thống tư duy siêu hình mới. Một nền Kitô học mới hay một công trình mới về Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là giải pháp cho những vấn đề to lớn mà nền văn minh nhân loại đang phải đối mặt. Đối thoại với những người vô thần, Hồi giáo hay các anh chị em Tin Lành không phải là thách đố lớn của Dòng trong thời đại này. Điều mà Dòng cần làm hiện nay là đào tạo những nhà giảng thuyết có khả năng thuyết phục người ta từ bỏ lối sống vô trật tự. Các khái niệm thần học cổ điển sẽ không thể làm được việc này, nhưng chúng có thể là nguồn hỗ trợ cho các nhà giảng thuyết. Như trong các cuộc chiến tranh người ta thường nói, “chúng ta cần những đôi chân trên mặt đất”. Trong khi các tạp chí khoa học cần có các tác giả chấp bút, thì chúng ta càng cần các tu sĩ hoạt động trên mạng Internet có thể thuyết phục công chúng về giá trị của đức khiết tịnh, tình yêu vị tha, đời sống gia đình và có thể giải đáp những câu hỏi liên quan đến đức tin. Thiết nghĩ, trong số các cây bút của Dòng, chúng ta cần mười nhà giảng thuyết không ngại trả lời những câu hỏi khó và biết cách thuyết phục mọi người về chân lý của tư duy đạo đức.

(?) Trong bối cảnh của các vụ bê bối liên quan đến hàng giáo sĩ, thần học luân lý đóng góp gì cho việc đào tạo các tu sĩ Đa Minh tương lai?

Các nhà đào tạo cũng phải là các nhà thần học có khả năng giải thích và thuyết phục anh em thụ huấn trong Dòng về sự cao cả và sâu sắc của việc sống lời khấn khiết tịnh. Người thụ huấn phải hiểu rằng những cám dỗ xác thịt không phải là tội lỗi hay dấu hiệu của sự xấu xa. Cũng cần phải biết là có rất nhiều cách để đối diện với những cám dỗ đó và tin tưởng rằng việc sống khiết tịnh là một sự hoàn thiện đích thực, là nền tảng để chính mình được thăng tiến trong đời sống chiêm niệm, lòng khao khát truy tầm tri thức và học cách hy sinh vì lợi ích của cộng đoàn. Vị linh mục tương lai, hay người giảng huấn được đào tạo và trau dồi thường xuyên, sẽ có khả năng thuyết phục những người sống đời hôn nhân hoặc độc thân rằng họ có thể làm chủ các đam mên khoái lạc và sống các giá trị của khiết tịnh.

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của các vụ bê bối trong hàng ngũ tu sĩ của Dòng bắt nguồn từ cuộc sống của họ trước khi gia nhập Dòng. Trong một nền văn hóa mà sự phóng túng tình dục trở thành tiêu chuẩn mới, việc xem những nội dung khiêu dâm trên mạng internet, cùng với việc cha mẹ quá nuông chiều hoặc chỉ trích quá mức, tạo ra những người trẻ không vững vàng theo giới tính, dẫn đến tình trạng tự ti hoặc tự tôn về bản thân. Như một tất yếu, cách nuôi dạy sai lầm này dẫn đến điều đáng buồn là người trẻ ấy nghĩ rằng bản thân kém cỏi hoặc không cần phải được đào tạo. Điều này cũng dẫn đến tâm trạng tiêu cực. Những vấn đề luân lý này làm cho đời sống cầu nguyện, học tập, chiêm niệm và cộng đoàn bị ảnh hưởng, và cũng khó khăn để thủ đắc các nhân đức khác. Khi nhận anh em vào tập viện, các nhà đào tạo có xu hướng giảm nhẹ sự kỷ luật hoặc những quy định thông thường, như thể cho rằng những khuynh hướng đó theo thời gian sẽ tự động biến mất. Việc phớt lờ các vấn đề trong giai đoạn tập viện và học viện sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn về sau, điều này phần nào giải thích cho những hỗn loạn của các vụ lạm dụng tình dục xảy ra trong nhiều cộng đoàn và là một trong những lý do dẫn đến sự suy giảm số lượng ơn gọi ở phương Tây.

(?) Trong số các thần học gia Dòng Đa Minh đã đóng góp vào lịch sử Giáo hội, ai là người mà theo cha là có sức ảnh hưởng nhất và tại sao?

Ngoài các bậc thầy vĩ đại đi trước (chẳng hạn thánh Tôma Aquinô), còn có nhiều thần học gia khác, dù ở mức độ thấp hơn, nhưng cũng đã có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực thuộc chuyên môn của họ (Austrian trong lĩnh vực đạo đức sinh học; Emery và White trong thần học tín lý; Caesario, Pinckers và E. Sullivan trong lĩnh vực thần học luân lý, giáo phụ, thần học Bí tích, và Kinh Thánh). Trước những vấn đề hiện nay, không một nhà thần học đương thời nào có thể đưa ra mọi câu trả lời rốt ráo.

(?) Gia đình được hiểu như thế nào trong một xã hội như Hoa Kỳ?

Không có một khái niệm trừu tượng hay phổ quát về “gia đình” ở Hoa Kỳ. Có quá nhiều biến thể đến nỗi các thần học gia khó có thể khái quát hóa, và nguyên nhân chủ yếu do Cuộc cách mạng tình dục diễn ra sau Thế chiến thứ nhất. Có thể nói rằng, có những gia đình Công giáo vẫn cầu nguyện chung với nhau, tham dự thánh lễ và dạy dỗ con cái (như mô hình giáo dục tại nhà) hoặc gửi chúng đến các trường tiểu học và trung học phổ thông Công giáo hoặc công lập của chính phủ. Mặt khác, có nhiều gia đình đổ vỡ hôn nhân và đã tái hôn, có hoặc không có con riêng trong cuộc hôn nhân trước; có các biến thể gia đình trong nhóm LGBTQ+; có những dạng thức gia đình cha mẹ đơn thân hoặc gia đình do nhận con nuôi hoặc đứa trẻ được người họ hàng đứng ra thay thế cha mẹ nuôi nấng; và trong khi hôn nhân khác đạo được chuẩn ngày càng nhiều, kèm theo những vấn đề riêng của nó. Cũng có những gia đình hôn nhân khác đạo, cho phép con cái tự do lựa chọn tín ngưỡng khi chúng đủ tuổi khôn. Trong sự đa dạng rất “thập cẩm” của đời sống gia đình, chúng ta - các nhà thần học Đa Minh, dường như tránh bình luận, chúng ta thường giữ khoảng cách với những gì gây tranh cãi khi bàn đến nguyên tắc thực tiễn và cảm thấy thích hợp hơn với những vấn đề trừu tượng trong thần học tín lý.

(?) Cha có muốn nói thêm điều gì không?

Đôi khi, tôi có cảm giác rằng một số tu sĩ chỉ thích là “chuyên gia” trong lĩnh vực thần học hạn hẹp của mình và coi đó như “sở hữu” riêng, như thể mọi thứ nằm ngoài lĩnh vực họ quan tâm thì không thực sự quan trọng. Chúng ta được mời gọi trở thành những nhà tư tưởng thực thụ, phải suy nghĩ vượt ra lên cái “hạn hẹp” đó. Thần học giống như một quả táo: chỉ cắn một cái thì không đủ.

Cha Basil Cole, O.P. gia nhập Dòng Đa Minh năm 1960, thụ phong linh mục năm 1966, hoàn thành chương trình thần học tại Le Saulchoir ở Etiolles (Pháp), nhận bằng cử nhân và cao học thần học năm 1968, sau đó làm tiến sĩ thần học, Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô tại Rôma – Angelicum. Trở về Hoa Kỳ, cha làm mục vụ giáo xứ, giảng thuyết và dạy học tại nhiều trường và học viện thần học. Từ năm 1985 đến 1997, cha là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Angelicum. Từ 1998, cha tiếp tục trong công tác giảng dạy trong Tỉnh dòng và chủng viện ở Hoa Kỳ. Cha là tác giả của nhiều đầu sách và ấn phẩm.
Nguồn: We need preachers who are not afraid to answer difficult questions - ORDO PRAEDICATORUM | OFFICIAL

Chuyển ngữ: Thành Trí, O.P.
114.864864865135.135135135250