25/10/2024 -

Văn Kiện

951
Vào Thứ Năm, ngày 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Dilexit nos, về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trên trang báo la-croix.com, cha Jacques-Benoît Rauscher, O.P., một chuyên viên về Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, đã đưa ra vài nhận định ngắn về thông điệp này dưới góc nhìn của Học thuyết Xã hội. Theo cha, suy tư thần học của Đức Thánh Cha đề nghị phải có những hành động chính trị đúng đắn đối với các vấn đề xã hội và sinh thái.



_Jacques-Benoît Rauscher, O.P._

Người ta có thể nghĩ một cách tự nhiên rằng văn kiện của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Tâm có vẻ lạc nhịp so với mối bận tâm đặc biệt của ngài về các vấn đề xã hội, vốn là nét đặc trưng của triều đại giáo hoàng của ngài. Tuy nhiên, trong phần kết luận của Dilexit nos (số 217), Đức Thánh Cha đã cho thấy một cách rõ ràng mối liên hệ giữa thông điệp mới này với các thông điệp trước đó: Laudato si’ về sinh thái, năm 2015 và Fratelli tutti về tình huynh đệ nhân loại, năm 2020. Thực tế, Đức Phanxicô đã nhắc lại trong văn kiện, các chủ đề quan trọng về đạo đức xã hội, luôn nổi bật trong huấn quyền của ngài.

Văn kiện cho thấy mong muốn của Đức Thánh Cha là lắng nghe lòng sùng kính của dân Chúa dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Phanxicô đánh giá cao “cảm thức đức tin” của lòng đạo đức bình dân, nhờ đó chúng ta hiểu được Tình yêu vô biên của Chúa Kitô (số 154). Ý tưởng khởi đi từ đức tin của đoàn dân tương hợp với tư tưởng thần học của ngài gắn bó với dòng “thần học về dân Thiên Chúa” ở châu Mỹ-Latin. Nội dung của thần học này đã được Đức Thánh Cha sử dụng trong nhiều bài viết trước đây và nó cũng làm rõ chiều kích xã hội trong chủ ý thần học của ngài. Đức Thánh Cha dành một Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Kitô nhằm mời gọi chúng ta lắng nghe đức tin của những người bé mọn và đừng quá vội khẳng định mình “đã đạt được một đức tin suy tư sâu sắc hơn, có học thức hơn và trưởng thành hơn” (số 160).

Có sự tham chiếu vào thần học giải phóng

Tiếp đến, Đức Phanxicô mong muốn trình bày về Thánh Tâm Chúa Kitô nhằm chống lại các xu thế mang tính “cấu trúc” của xã hội công nghệ hiện đại, vốn đang chịu thống trị bởi một lối tư duy lạnh lùng và tính toán (số 14, số 84 và số 218). Ở đây, chúng ta nhận thấy vị giáo hoàng người Argentina nhấn mạnh đến “các cấu trúc của tội lỗi”, một chủ đề thoạt tiên được phát triển bởi thần học giải phóng.

Nhưng Đức Thánh Cha không tự giới hạn trong sự lựa chọn giữa hoán cải cá nhân và cấu trúc xã hội. Trích dẫn Đức Gioan Phaolô II, ngài nhắc lại rằng các cấu trúc tội lỗi cũng nảy sinh từ sự kết hợp của những hành vi cá nhân (n. 183). Theo nghĩa này, thay đổi trái tim dẫn đến thay đổi các cấu trúc xã hội. Đức Thánh Cha tóm tắt rõ động lực này với một khẳng định “trái tim của chúng ta, khi kết hợp với trái tim của Chúa Kitô, có khả năng tạo ra (một) phép lạ về mặt xã hội” (n. 28). Thực tế, trong chương thứ năm của thông điệp, Đức Phanxicô đã đọc lại chủ đề cổ điển về “sự đền bù” (réparation), mà Thánh Tâm Chúa Giêsu đòi hỏi, như một sự hiến dâng tình yêu thể hiện qua việc cam kết dấn thân vào xã hội.

Suy tư của Đức Thánh Cha về vấn đề sinh thái

Cuối cùng, tiếp tục mạch suy tư về sinh thái, Đức Phanxicô cho thấy cần phải suy ngẫm về những hành động phù hợp với thực tế của thế giới hiện nay. Vì thế ngài tuyên bố: “không chỉ là một chuẩn mực đạo đức giúp chúng ta chống lại các cấu trúc xã hội tha hoá này, vạch trần chúng và khơi lên những động lực xã hội nhằm khôi phục và xây dựng điều thiện, mà còn là (…) sự đáp trả của chúng ta đối với Thánh Tâm đầy yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng dạy chúng ta phải yêu thương” (số 183). Đối lại với một nền đạo đức dựa trên luật lệ, đặc quyền của “những nhà đạo đức tinh thần, những người có tham vọng kiểm soát lòng thương xót và ân sủng” (số 137). Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng đối với người Kitô hữu trong việc tìm lại một nền đạo đức noi theo gương Chúa Kitô (số 179).

Khi đọc văn kiện này, người ta có thể cảm nhận được rằng Đức Phanxicô quan tâm sâu sắc đến bối cảnh hiện tại của một thế giới và một Giáo hội đôi khi bị tàn phá bởi tội lỗi của con người. Bài suy niệm của Đức Phanxicô về Thánh Tâm gắn liền với các vấn đề hiện tại, là lời kêu gọi tái xây dựng “cái thiện và cái mỹ (…) giữa thảm họa do sự ác để lại” (số 182). Qua Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Kitô, Đức Phanxicô làm phong phú thêm Học thuyết Xã hội của Giáo hội.
Gioan Nguyễn Long Quân, O.P. biên dịch
Nguồn: “Dilexit nos” : “François parle du cœur du Christ pour s’opposer aux pires tendances de nos sociétés”
114.864864865135.135135135250