02/03/2024 -

Tưởng nhớ anh em

1009
_Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P._

Ngày cuối năm cũ, được tin cố Rao – cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, nhập viện cấp cứu, và cho đến hôm nay vẫn đang trong tình trạng hôn mê, chờ ngày Chúa gọi về. Không biết thời gian này kéo dài bao lâu, nhưng chắc sẽ phải đến lúc ông cố từ biệt cõi đời. Từ vài năm nay, ông cố về hưu tại tu viện thánh Martinô – Hố Nai, không còn giảng dạy, làm mục vụ, nghỉ luôn cả công tác ở nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ. Nói chung là nghỉ ngơi hoàn toàn.

Nghỉ ngơi cũng là phải thôi, vì đến lúc ông cố chẳng còn nhận biết chuyện gì, chẳng nhận ra ai, không phân biệt được nơi chốn. Tôi có thời gian ở chung với cụ, tổng cộng khoảng trên 10 năm. Từ sau biến cố mất Học viện Thủ Đức năm 1978, chúng tôi được chia về ở với cha cố, 3 năm ở Tam Hải (1878 – 1981), và từ 1981 – 1989, năm mà cố rời Tam Hà về làm Bề trên tu viện Mân Côi – Gò Vấp. Mở ngoặc một chút về chuyện này: Trước đó râm rang có tin ông cố được bầu làm bề trên tu viện Gò Vấp, ông cố đã tuyên bố một câu xanh rờn “Bầu tao làm bề trên, tao xin rao khỏi dòng!”. Nhưng khi được bầu, dù không vui lắm, nhưng cố cũng đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ của mình.

Cũng như tôi, cố đã hai lần giữ chức vụ Phụ tá Giám tỉnh. Cố giữ chức vụ này trong nhiệm kỳ đầu của cha Giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân (1990 – 1994), đến năm 1994 thì tôi được đặt làm Phụ tá Giám tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 1995, tôi được cử đi Rôma học, nên cha Giám tỉnh Giuse Trân lại nhờ cố đảm đương chức vụ Phụ tá. Trong quãng thời gian này, vì cha Giám tỉnh đi vắng, nên cố đã điều hành công việc Tỉnh dòng và đã có nhiều quyết định táo bạo trong việc thu xếp cho một số anh em chịu chức linh mục. Hẳn là nhiều người còn nhớ chuyện này.

Cố ở với chúng tôi, thân tình như một người cha, và đúng theo bản chất nông dân của cụ. Căn nhà bé bé, chúng tôi mỗi đứa một cái giường, cố được một góc nhà với cái màn gió là tấm drap trắng gọi là “phòng the”. Thỉnh thoảng, chúng tôi được chia sẻ với cố ly rượu bổ do các sơ biếu.

Phải công nhận rằng, cố Rao dạy học buồn ngủ lắm. Cố có nhiều ý tưởng độc đáo, nhưng lối nói và trình bày của cố thật dễ ru ngủ. Tuy nhiên, cả lớp sẽ sống động hơn khi những câu hỏi được nêu lên và cách giải quyết của cố.

Ngoài thời gian sống với cố ở Tam Hải – Tam Hà, tôi còn được sống với cố thêm một năm nữa. Tôi về học viện Thủ Đức năm 1971 khi cố Rao đang làm Cha giáo năm cuối cùng. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cố muốn Học viện giữ thinh lặng trong khu vực của mình. Cố quan niệm phòng riêng là nơi làm việc, luôn phải giữ thinh lặng, nên không cho các anh em vào phòng nhau. Khi tôi mới về Học viện, mấy anh em lớn đến thăm, hướng dẫn điều này điều nọ, nhưng cố đuổi về hết…! Hồi ấy, mỗi buổi chiều, sau giờ thể thao, đám sinh viên chúng tôi thường tụ tập ở đầu cầu thang phía tây học viện để bàn tán chuyện này chuyện khác, nhưng cố cũng xua về.

Xin ghi lại đây một vài kỷ niệm nhỏ với cố Rao, hy vọng mọi người vẫn nhớ đến Cha cố và cầu nguyện cho ngài.

Những đoạn văn dưới đây được trích lại trong tập sách nhỏ “Tam Hà – 40 năm”, được ấn hành năm 2021, nhân dịp kỷ niệm Tu viện Tam Hà được thành hình cách đây tròn 40 năm.

1. Cố Rao gốc dân quê (Bích Du, Thái Bình), nên tuy học cao, từng đi đây đó nhiều nơi trên thế giới (học và chịu chức linh mục ở Hồng Kông, học Kinh Thánh tại Rôma và Giêrusalem, dạy học ở Madrid, Manila…), nhưng bản chất nông dân vẫn còn đó. Cố thích làm vườn, chăn nuôi. Cố tâm sự nếu tao không làm linh mục, thì tao làm kỹ sư nông nghiệp. Có thời Cố chí thú với việc nuôi thỏ. Ngày ngày mặc cái áo lính cũ, đội nón lá, cầm cái bao đi chỗ này chỗ kia cắt cỏ, dân làng tròn mắt nhìn ; và cũng có lần bị người ta đuổi ra khỏi vườn vì không biết đó là ông cha. Rồi Cố cũng lo phối giống…, và thỉnh thoảng anh em được xơi thịt thỏ.

2. Thời mới sống với nhau ở Tam Hải, mỗi đứa chúng tôi gắng sức kiếm được cái xe đạp. Tết đến, cả đám kéo nhau đạp xe đi thăm gia đình của nhau, từ Hố Nai, đến tận Cát Lái, Thị Nghè và Bình An quận 8. Những chuyến đi như thế vừa thắp lên tình thân hữu giữa bốn chàng (thực ra lúc ấy còn 6), đồng thời nối kết với gia đình của nhau. Thêm nữa, mỗi năm các ông bà cố và gia đình lại hẹn nhau một ngày nào đấy cùng lên Tam Hà ăn Tết. Mọi người cùng hiệp dâng thánh lễ để cầu bình an và sau đó là một bữa ăn trong bầu khí thật thân tình. Điều được chờ đón mỗi dịp họp mặt là các tiết mục văn nghệ. Bốn chàng nghĩ ra đủ loại kịch bản mới, thơ văn, tấu hài, sớ táo, hát hò, ca cổ… trước cha mẹ mình như đứa con thơ dại, đem lại niềm vui cho cha mẹ, các em các cháu. Trong chuyện này, phải phục ông cố Rao. Mấy chàng ngồi cà kê, lên một kịch bản, ông cố cũng góp ý rồi đến khi diễn, ông Cố cũng nhận đóng vai nào đấy. Các ông bà cố, các cháu cười ngặt nghẽo với những vai diễn của các chàng thì ít, của cố Rao thì nhiều.

Từ chuyện xưa đến chuyện nay : Cách đây chừng một năm, một lần tôi (Luật) gặp cố Rao ở hành lang nhà hưu Martino, Hố Nai, tôi hỏi cố:

Cố có nhớ con là ai không?

+ Không nhớ !

Phải cha Luật làm Giám tỉnh không?

+ Không phải.

Phải cha Luật làm cha giáo không?

+ Không phải! Mình quên nhiều chuyện, nhưng có một điều mình nhớ chắc, không quên, đó là cha không phải cha Luật.

Thế đó, Cố Rao bây giờ ở tuổi 90, vẫn đơn sơ, chân thành.

4.  Khởi đầu, khi về sống phải với các chàng thanh niên này, hẳn Cố cũng phải thích nghi dữ lắm. Cố thuộc về một thế hệ khác, được đào tạo trong bầu khí nghiêm túc, khi phải sống sát sạt với mấy chàng tu sĩ trẻ ngơ ngơ ngáo ngáo này, Cố khó chịu cũng phải thôi. Lần kia, sau khi uống hơi ngà ngà, Cố dốc bầu tâm sự : Mẹ nó, chúng nó lợi dụng Chầu Chúa để chửi xéo tao.

Anh em lúc đầu không hiểu chuyện gì, sau mới ngớ ra là nhân Chầu Thánh Thể trong một dịp tĩnh tâm, anh em có dâng lời cầu nguyện gì đó. Thật lòng anh em không có ý nói về Cố, nhưng Cố lại nghĩ chúng nó nói về mình. Sự khác biệt thế hệ là như vậy ; và nói thế để hiểu khả năng chịu đựng của Cố thật là đáng khâm phục. Ban đầu, Cố Rao thuộc hàng đạo đức, không thích xem tivi, có lẽ tại Cố nghĩ rằng tivi là những chuyện tào lao. Trong khi đó, đám trẻ thì lại thích coi, và Cố cũng chiều ý anh em. Anh em đi xin về được cái tivi cũ, đen trắng, hình thì lúc có lúc không, đập vào bên nào thì bên đó hình thẳng, giống như chuyện của Azit Nêxin. Vậy mà cứ tối đến, anh em lại xúm nhau ở góc nhà, xa xa khỏi chỗ Cố ngủ, châu đầu vào cái tivi. Sau này khi ở Tam Hà, Cố cũng học xem tivi, nhất là những trận đá banh quốc tế. Cố cũng bình luận rất hào hứng: thằng này, chuyền đi, sút…, thằng này đá như… Có một lần, xem xong trận đá banh quốc tế vào ban đêm ; khi xong trận đấu thì vẫn còn đêm, đi ngủ tiếp thì lỡ dở vì sẽ phải dậy đi lễ, … cha con giải quyết bằng cách kéo nhau dâng “lễ đêm” rồi về ngủ, ăn sáng tùy nghi.

Thịnh hành thời ấy là tivi đen trắng, có thể sử dụng nguồn điện từ bình ác quy, vì lúc ấy hay bị cúp điện. Cố đưa tiền và bảo tìm mua một cái tivi, tuy nhỏ, nhưng mới tinh và là Tivi mầu. Khi đó, có lẽ nhà Tam Hà là cộng đoàn đầu tiên có tivi màu.

Cố có lòng thương anh em, thỉnh thoảng làu bàu rất dễ thương. Chẳng khi nào than thở về tiền bạc. Khi làm nước mắm, một mình cố quán xuyến mọi việc và lao động hùng hục, anh em chỉ phụ một vài việc.

5. Ngày bác Kính qua đời[1] (giáo xứ Tân Phú), cha cố Rao chủ tế, còn 3 chàng Mù Gù Điên đứng hai bên đồng tế. Chủ tế mới mở miệng ra, chưa nói đã nức nở nghẹn ngào không nói nên lời. Kiểu này vị chủ tế từ xưa vẫn thế, nên ngài hay bị hai tên Điên và Gù trêu chọc cho tới bến. Được cái vị này hiền khô với nhân đức chịu vậy quen rồi, nhưng lâu lâu cụ cũng nổi giận hậm hực khó chịu muốn “văng tục” mà không nói nên lời… Thế nhưng, giận chỉ một tí tẹo thôi, cụ lại trở về bổn tính sẵn có của mình. Người ta, nhất là những ông bà cố của bốn tên giặc này, nói là ngài hiền lành như cục đất, khiêm tốn như cục bột, quá là dễ thương… nên cũng vì sự ấy mà cụ được các bà sơ thương mến, mến thương, nhất là khi bệnh tật, hoặc uống nhầm thuốc, là anh em lại được hưởng sái : giò chả cam quýt mít dừa… đã điếu luôn, dịp “may hiếm có” mà !. Đặc biệt nữa là ngài rất đông con cái (đực thì ít mà cái thì nhiều) đúng Kinh Thánh chúc phúc đông con nhiều cháu… đến ba bốn đời. Người ta thì dù gái hay trai chỉ hai là đủ, nhưng ngài thì hai trăm chưa đủ !

Trở lại lễ an táng bác Kính, không biết ai xếp đặt cho bạn Gù giảng lễ hôm ấy. Mình suy đoán trước thế nào lão này nó cũng đưa chuyện chị em lôi thôi (Bác Kính và Cố Rao thường làu bàu nhau) ra nói, mà quả thật đúng y như rằng (lão Gù này trước đây là chuyên gia chọc ghẹo, nói kháy đùa giỡn cha cố mà!). Nhưng hôm ấy, thương bác Kính nằm xuống, nên cái chuyện chị em ấy, lão này nói theo góc nhìn của đời sống tâm linh, câu chuyện trở nên lành thánh vì có bàn tay Chúa ở đó.

[1] Bác là chị ruột của cha cố Rao. Vì thời cuộc, bác không thể tiếp tục nếp sống tu trì, nên về gia đình ở một mình. Sau này cố Rao mời bác lên ở chung với cộng đoàn để giúp việc đi chợ, nấu bếp, cùng với chị Catarina Nguyễn Thị Nguyệt, em linh tông của cố Rao. Chị cũng mới qua đời (30-8-2021), thọ 84 tuổi. Hai ân nhân vĩ đại của Điếc Mù Gù Điên đấy, dấu ấn sâu đậm một thời sao mà lãng quên được nhỉ!
114.864864865135.135135135250