Vào lúc 08:30 ngày 29/02/2024, tại Đền thánh Martinô, Hố Nai, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ tế thánh lễ an táng linh mục Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, OP. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang trọng và sốt sáng.
Trước thánh lễ, vào lúc 08:00, đông đảo anh em trong Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam cùng quy tụ bên linh cữu Cha cố Inhaxiô để cử hành nghi thức tiễn biệt. Cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng đã thay cho anh em nói lên lời cảm thương sâu sắc trước sự ra đi của cha cố Inhaxiô, cũng như những tình cảm trân quý mà các thế hệ đàn em, học trò dành cho cha cố. Cha Vinh Sơn đã nhắc lại những đóng góp của cha Inhaxiô, không phải để ca ngợi, vì khi sinh thời cha cố không thích như vậy, nhưng là để cho thấy sự ra đi của cha không chỉ là mất mát lớn lao của Tỉnh dòng nói riêng, mà còn của Giáo hội Việt Nam nói chung. Cả một đời tu trì, cha Inhaxiô đã dành trọn vẹn để nghiên cứu và rao giảng Lời Thiên Chúa. Những bài học ngài giảng dạy và những giáo trình ngài biên soạn vẫn rất có giá trị đối với các sinh viên Thần học.
Tiếp theo nghi thức tiễn biệt của anh em Đa Minh là thánh lễ An táng, với sự hiện diện của đông đảo các tu sĩ nam nữ. Phần đông trong số này đã từng là học trò của ngài, cả trước và sau biến cố 1975.
Ngoài ra, hiện diện trong thánh lễ còn có rất nhiều giáo dân, gia đình linh tông – huyết tộc, các thân hữu của cha cố Inhaxiô, cùng quý khách xa gần.
Trước khi thánh lễ được bắt đầu, cộng đoàn phụng vụ cùng ôn lại tóm tắt tiểu sử cuộc đời của cha cố Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao. Với hành trình dương thế 93 năm, 72 năm khấn Dòng, 66 năm trong thánh chức Linh mục, cha cố Inhaxiô đã dành trọn cho việc truyền giảng Lời Chúa với nhiều cách thức khác nhau: giảng dạy, viết lách, tham gia dịch thuật các bản văn Kinh Thánh, phổ biến Lời Chúa qua các khóa thường huấn, tĩnh tâm,… Dù trong vai trò hay hoàn cảnh nào, Cha cố Inhaxiô cũng luôn đặt trọn tâm huyết để Lời Thiên Chúa được vang xa.
Trong thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học quý báu mà ngài đã thủ đắc được trong thời gian sống cùng cha cố Inhaxiô tại cộng đoàn Tam Hải, tiếp đó là Tam Hà, sau khi mất Đa Minh Học viện, Thủ Đức. Sống vào hoàn cảnh bi đát của đất nước sau chiến tranh, nhưng hình ảnh một “cố râu” đơn sơ, mộc mạc, ngờ nghệch đến vụng về nhưng lại rất giàu tình cảm, uyên bác trong tri thức, và đạo đức trong đời sống tu trì đã góp phần duy trì đời sống cộng đoàn Đa Minh cho các tu sĩ trẻ lúc bấy giờ. Có lẽ vì đi tu khi mới 11 tuổi, nên các cung cách giao tiếp kiểu “đời” chưa có dịp thấm nhập vào một linh mục suốt đời chỉ biết “nói với Chúa và nói về Chúa”.
Cha Giuse đã khéo léo sử dụng công thức toán học để kết nối bài đọc trích từ thư gửi tín hữu Hípri, trong đó có câu châm ngôn đời tu của cha cố Inhaxiô, với chính đời sống của cha cố. Một Thiên Chúa rất cao trọng nhưng đã chẳng ưa, chẳng thích lễ toàn thiêu, lễ xá tội, hy lễ hay hiến tế, chỉ muốn kẻ được Người tuyển chọn đáp lại bằng sự sẵn sàng thực thi thánh ý: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.
Cố Inhaxiô rất đạo đức, rất uyên bác, nhưng lại chẳng có được cung cách của một bề trên, lại vụng về trong hành động, bộc trực đến thiếu tinh tế trong lời ăn tiếng nói. Ấy thế, cha cố Inhaxiô lại là con người của tình cảm, của tri thức, khiến bao thế hệ học trò yêu mến, kính trọng, và bao nhiêu tu sĩ đã nhận ngài làm cha, làm ông, để được hướng dẫn trên bước đường ơn gọi.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Phaolô Nguyễn Minh Tuấn, Đại diện Giám tỉnh, cũng từng là tập sinh của cha cố Inhaxiô, thay lời cho Tỉnh dòng cảm ơn và tri ân Đức cha, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đoàn, vì tình thương mến dành cho cha cố, và mối liên hệ với các anh chị em con cháu của cha cố, đã gửi điện thư, vòng hoa, đã đến viếng thăm, phúng điếu, chia buồn, và cầu nguyện cho cha cố Inhaxiô, cũng như bớt chút thời gian tham dự thánh lễ và tiễn đưa cha cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.
Cũng trong lời cảm ơn của cha Đại diện Giám tỉnh, ngài nhắc lại một kỷ niệm khó quên với cha cố Inhaxiô, cũng là một lời động viên, nhắc nhở cho chính ngài và cũng là cho tất cả các anh em tu sĩ trong Tỉnh Dòng. Ý định ban đầu của cha cố Inhaxiô là học luật, nhưng ngài đã hoàn toàn vâng phục Thánh ý Thiên Chúa qua sự sắp xếp của các bề trên, để theo học Kinh Thánh. Thế mới thấy, con đường không đúng với ý định của bản thân, đôi khi lại là con đường mà Chúa muốn và dành riêng cho mỗi người.
Sau thánh lễ, cộng đoàn đã rước linh cữu của cha cố Inhaxiô sang nghĩa trang Tỉnh dòng, ngay cạnh đền thánh. Tại mộ phần, cha Phanxicô X. Bùi Quang Thảnh, Bề trên Tu viện thánh Martinô, đã chủ sự nghi thức tiễn biệt cha cố Inhaxiô. Cha cố Inhaxiô được an nghỉ bên cạnh anh em của người, chờ ngày phục sinh.
Nguyện xin Thiên Chúa vì lòng từ bi và nhân hậu đoái thương đến cha cố Inhaxiô, và xin sớm đưa người vào hưởng ánh sáng vinh quang bất tận nơi Thiên Quốc.
CTV: Thạch Vịnh
Hình ảnh: Đinh Thắng
_Ban Thông tin Tỉnh dòng_
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô