Tôi không biết rõ Đặng Chí San sáng tác thơ khi nào, cách riêng những bài thơ đầy nét Triết Đông như ơn đặc biệt Chúa ban cho anh, nhưng ngay sau khi Học viện Đa Minh phải giải thể vào giữa năm 1978, một số tu sĩ linh mục về sống tại Giáo xứ Tam Hải, Tam Bình, Thủ Đức, anh đã cho tôi xem những bài thơ viết tay của anh. Lúc đó đang là thầy giúp xứ, tôi đã phổ nhạc một vài bài thơ của anh.
Từ nhà xứ đến Tu Xá không xa, những ngày rảnh, tôi thường ghé căn hộ của anh em Đa Minh để chia sẻ, ăn uống và nhất là ca hát sinh hoạt, cách riêng từ những bài thơ do Đặng Chí San viết tay trong một cuốn vở. Tôi chỉ nhớ được vài câu của một bài thơ tự do đã phổ nhạc: “Chúng ta vẫn bước đi như một đàn bò già…Ôi những đàn bò già mỏi mệt…” Một bài thơ lục bát mang tên “Về xem,” tôi cũng chỉ nhớ được câu đầu: “Về xem màu lá trên ngàn…” và một câu khác nữa: “Em thơ đã chết từ hoang sơ nào….”
Thật may, tôi còn giữ trong máy vi tính từ thời đó và đã nhiều lần hát chung với nhau hai bài tôi phổ thành nhạc.
Bài thơ Đặng Chí San viết và đặt tên là Phục Sinh mang đậm suy tư về mầu nhiệm của cuộc sống khi anh mở đầu bằng những câu: “Mời em vào dạ hội, Cuộc sống này nhiệm mầu: Gió thì thầm trong lá, mưa đã lắng, đêm sâu.”
Bài thơ này của anh còn mang đậm nét “Cánh chung học” với tràn trề niềm tin hướng về mai sau. Trong bài thơ, tác giả mời gọi: “Em nhớ choàng hy vọng, điểm trang bằng thơ ngây, tình yêu đời lồng lộng như lễ vật trên tay.”
Những câu thơ sau đó có vẻ hơi bóng bẩy, nhưng là những lời rất hiện sinh thực tế: “Trăng non vừa mới nhú, sao lấp lánh trên đầu, hương đêm ngun ngút qua, chim cựa mình xôn xao…Vì đêm nay huyền diệu, muôn hiện hữu về đây, cùng trăng sao tụ hội, tụng ca đời ngất ngày. Giữa đêm sâu chót vót, hiểu gì không em thơ? Có nghe gì đã vỡ trong ánh sáng lặng lờ?” Đúng vậy, cuộc sống và sự hiện hữu của mỗi người trên đời, có được từ “những ngất ngây và từ cả những gì đã vỡ.”
Và những câu cuối của bài thơ mang đến đầy nét lạc quan hy vọng của mầu nhiệm Phục sinh: “Hay có loài sâu nhỏ đang chuyển mình biến dần nên bướm lạ, ngày mai nhìn trời xanh.” Đặng Chí San kết thúc bài thơ bằng những câu sau đây: “Hay ý thành nên ngọc, nên lời rất lặng câm, diêu diêu hồn rất rộng, loãng tan vào hư không.”
Bài thơ thứ hai của mà tôi cũng rất thích để phổ thành nhạc, đó là bài có tên là “Giác Ngộ,” một cái tên mang đậm nét Nhà Phật. Được biết, Đặng Chí San nghiên cứu học hỏi nhiều, để về sau trở thành giáo sư môn Phật Giáo. Nhiều người chắc còn nhớ, có thời gian Đặng Chí San xin nhà dòng được sống ngoại vi và ở trong một chiếc am nhỏ tại Bãi Sau, Vũng Tàu. Nơi đây, anh mặc bộ đồ mầu nâu, y như một tu sĩ Phật Giáo.
Đặng Chí San mở đầu bài thơ: “Bức tường bốc thành hơi, thời gian bay thành khói, tôi hiện hình kiếp chim, hút trong vùng xa lạ. Thức giấc giữa hư vô, ngút trời sương khói tỏa, âm thanh vỡ chan hòa, lời bàng hoàng giác ngộ.”
Bài thơ này cũng đưa người đọc đến ranh giới của cuộc sống và cái chết. “Bóng trắng nào nhảy múa, và nỗi chết dịu dàng về nhẹ hôn cuộc sống và cơn say hoang mang bên tình đời lồng lộng….” Ngay từ lâu trước kia, Đặng Chí San đã hướng về và nhìn thấy “Bóng trắng như các thiên thần nhảy mùa hát ca” và “cái chết dịu dàng” mà sau này anh đã trải qua cùng với những ngày hôn mê tựa “cơn say hoang mang bên tình đời lồng lộng.”
Sống với anh em trên mặt đất, nhưng Đặng Chí San có những lúc như: “Tôi ôm choàng mặt trời, quay cuồng cơn lốc lửa: mặt trời tuôn đầy máu, giòng máu thắm ngọt ngào.”
Là tu sĩ dòng Đa Minh, có người chị là thánh Ca-ta-ri-na, hẳn anh cũng đã suy niệm nhiều về Máu cùng với Lửa: Máu tuôn ra từ Mặt trời Công chính là Đức Ki-tô. Lửa là Chúa Thánh Thần do Đức Ki-tô mang đến trần gian và thắp lên bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.
Người thi sĩ thường lãng mạng đa tình và tâm hồn bay bổng lang thang. Tâm hồn bay lang thang của Đặng Chí San thể hiện trong thơ của anh qua: “mưa, gió, bão, trăng, sao...” Nét lãng mạng qua “nguồn tóc, mê lộ, thướt tha…” Anh thường viết trong các bài thơ: “Mời em…Hỡi em…Hiểu gì không em …”
Trong bài Giác ngộ, anh kết bằng những lời: “Sau một lần giông bão, mặt đất nằm tan hoang, bỗng loài chim mầu nhiệm cất tiếng hát nhẹ nhàng: Hỡi em nguồn tóc đó, bay về gió ngàn năm, dìu ta vào mê lộ, thướt tha trong hư không.”
Cả hai bài thơ Phục sinh và Giác ngộ, Đặng Chí San đều kết với chữ “Hư không.” Ai tìm hiểu về Phật Giáo, sẽ không xa lạ với từ “Hư không” nhưng cũng không dễ để hiểu.
Là tín hữu Ki-tô, ta biết rằng chết không phải là về với “hư không,” mà là về với tro bụi. Trở về với tro bụi, nhưng chính là trở về với Thiên Chúa, nguồn cội của mình, trở về với Đức Ki-tô, Đấng đã Phục sinh từ cõi chết của phận người mỏng manh. Đó là nguyện ước của mọi người, cách riêng của những ai đã từng gặp gỡ và thân quen với Đặng Chí San.