Bài đọc 1 : Ac 3,17-26 - Bài đọc 2 : Cl 3,1-4 - Tin Mừng : Mc 3,20-21
NGU NGƠ
😊
✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô
Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Bài Tin Mừng mới được công bố trong thánh lễ an táng hôm nay thật ngắn và có lẽ gây bối rối.
Bấy giờ, Đức Giêsu gặp sự chống đối từ nhiều phía, không chỉ các kinh sư và những người Pharisêu, những người thuộc giới lãnh đạo, mà cả những thân nhân cùng thân hữu của Người, trong đó có thể có cả thân mẫu của Người. Trước mắt mọi người, Đức Giêsu chỉ là một người thợ thủ công, rồi Người đi từ làng này qua làng khác, giảng dạy, làm những điều lạ lùng, và thêm nữa, chẳng màng chi đến chuyện ăn uống để bảo đảm sức khỏe và còn để cho chính mình bị đám đông quấy rầy và làm phiền.
Đúng là cung cách, đời sống của Đức Giêsu thật khác lạ, người ta chỉ nhìn thấy nơi Người những điều không giống như những người khác, và nếu như theo dõi cuộc đời Đức Giêsu ở những đoạn về sau này, người ta còn thấy nhiều chuyện, nhiều câu nói lạ thường hơn nữa, kể cả các môn đệ, những người ở bên cạnh Đức Giêsu, được Đức Giêsu thương mến, được dạy bảo nhiều điều, mà cũng chẳng rõ Đức Giêsu là ai. Ngay cả sau khi Đức Giêsu đã trải qua cái chết, đã Phục Sinh, các ông vẫn chưa hiểu.
Chắc chắn, chúng ta hôm nay cũng có nhiều điều không hiểu về Đức Giêsu, có thể chúng ta không gọi Người là mất trí, nhưng vẫn có nhiều chuyện trong con người Giêsu mà chúng ta chẳng hiểu được.
Tại sao Đức Giêsu lại có lối sống như thế ?
Câu trả lời chỉ có thể tóm gọn trong chữ “Tình Yêu”.
Chỉ vì yêu thương con người mà ĐGS đã đến trần gian, sống thân phận phàm nhân, để loan báo Tin mừng cứu độ. Chỉ vì yêu thương mà Người đã có những hành vi khác lạ, đã có những lối hành xử khác người. Vâng, chỉ có tình yêu mới giải nghĩa được chứ không thể là điều gì khác được.
Nhưng thưa cộng đoàn,
Hẳn là sẽ có người đặt câu hỏi: Tại sao lại đọc bài Tin Mừng này trong lễ an táng anh Giuse Đặng Chí San? Tưởng cũng cần nhắc lại một chút. Cộng đoàn Tam Hà cách đây hơn 40 năm, gồm có 4 anh em trẻ sống với cha cố Rao và được đặt tên theo thứ tự Luật – Sáng – Viễn – San, là Điếc - Mù - Gù - Điên. Anh San là Điên. Bài Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc. Sự thể như sau: Hồi ấy, có một thời gian, anh San đi làm nhân viên cho Trung tâm Phát triển Tâm thần ở Phú Nhuận, một cơ sở chăm sóc các em chậm phát triển và bị down. Có lẽ anh thiết tha với công việc, và vì lòng yêu quý các em, hòa nhập vào đời sống nên chất ngu ngơ thấm vào, nên mặt anh có vẻ như ngơ ngơ thế nào ấy, và chúng tôi gọi là Điên.
Ngoài ra, anh San là con út trong gia đình, mọi chuyện về đời sống thường ngày đã có những người lớn là các bà chị lo cả, coi như không phải bận tâm gì. Đến khi vào sống cộng đoàn ở Tam Hải rồi Tam Hà, thật khổ cho anh, phải thích ứng với môi trường mới từ chuyện nấu cơm, dọn nhà, lao động làm vườn. Rất nhiều chuyện, nhiều chuyện lắm đã xảy ra trong thời gian này giữa 4 người trẻ và cố Rao, đặc biệt là với anh San.
Tuy nhiên cái vẻ ngu ngơ bên ngoài ấy, không chỉ là một sự dễ thương, nhưng còn đang tiềm tàng một điều gì đó. Khi chịu chức linh mục ngày 1-4-1993, anh San đã chọn câu châm ngôn “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3,3), hẳn cũng phải có lý do.
Có một cái gì đó tiềm tàng
Anh San sống giữa anh em như một kẻ luôn có khả năng làm nẩy sinh cái khác. Những kiểu nói và kiểu sống của anh giống như những cánh cửa mở ra một điều gì khác, điều khác ấy có thể là một đề tài để vui đùa một cách ý nhị, điều khác ấy có thể là một cách sống hơi buông tuồng, là những kiểu hơi ngông trước cuộc đời, nhưng lại giống như một phản ứng chống lại những thói quen và cách nghĩ quen thuộc, có khả năng làm cho ta thấy những thói quen và cách nghĩ quen thuộc ấy lộ ra chân tướng “có vấn đề”, những điều khác ấy hình như thực sự muốn vén mở một chân trời huyền nhiệm nào đó trong tâm hồn, một chân trời mà anh không ngừng muốn dấn bước vào như một lãng tử… có một cái gì đó tiềm tàng trong con người của anh.
Có quá nhiều chuyện vui từ anh San :
+ Kiêu hùng lắm nhưng cũng yếu đuối lắm: (chuyện lên núi thiền về nhà méo mặt xin gạo…)
+ Trong thời buổi khó khăn, có lần có chút rượu, anh San bảo rằng khỏi cần đồ mồi, chỉ cần thấy con chó chạy ngang qua, nghĩ đến miếng dồi chó là có thể xơi một ngụm rượu; chút nữa nó chạy qua nữa, nghĩ đến miếng thịt nướng,… thế là đủ mồi để nhậu rồi.
+ Anh có thể hào hứng bàn kế hoạch và thường có những ý kiến rất tuyệt vời.. nhưng khi mọi người quyết định làm, thì anh lại như một kẻ cụt hứng không muốn làm…
Anh có thể hí hửng hoặc phấn khởi một cách ngây ngô, để rồi bị anh em trêu chọc: chuyện đi làm mua được nửa ký mỡ…ngu ngơ đến bực mình, ngu ngơ đến buồn cười.
Tỏ ra như phá phách nhưng lại rất nhạy cảm : phê bình các lề thói, nhưng lại luôn thổn thức trong nhiều thánh lễ anh cử hành. Anh thường căn dặn các sinh viên của mình là những linh mục tương lai, phải đọc lời truyền phép với tất cả lòng sốt sáng của mình. Vì, chính anh thú nhận rằng, trong giây phút ấy anh cảm thấy như một dòng máu nóng đang chạy “rần rần” trong anh. Và nhiều người đã từng thấy anh, không chỉ một lần, rơi nước mắt trong khoảnh khắc này. Hẳn không có ai dám nói đó là những giọt nước mắt giả tạo.
Dám sống cách liều lĩnh và cũng dám tâm sự những yếu đuối tệ hại của mình với anh em một cách chân thật.
Thật ra, những chuyện vui của anh San dĩ nhiên làm trò vui cho anh em, nhưng sâu xa hơn, sở dĩ anh em có thể mang chuyện ngây ngô của anh ra để chọc ghẹo mà không sợ anh buồn; không phải vì anh hiền lành, hoặc cảm thông … nhưng bởi vì hình như đối với anh, những chuyện ấy cũng chỉ là chuyện ở trên bề mặt, không ảnh hướng tới một thế giới gì khác còn đang đau đáu trong lòng…vẫn có một cái gì tiềm tàng…
Ngoài dáng vẻ ngu ngơ, ở chiều sâu trong tâm hồn, anh San có dáng dấp của một kẻ lãng tử, lãng tử là một kẻ không dừng lại ở một điều gì, là kẻ luôn khao khát cái khác, luôn nhận ra giới hạn của từng bước hành trình.
Tuy nhiên, có lẽ cũng có hai loại lãng tử, một loại không thỏa lòng với cái hiện tại mỏng manh, và luôn tìm cái mới, tìm cái mới chỉ vì không thích cái cũ. Loại lãng tử này càng đi xa càng trở nên hời hợt; càng đắm mình vào cái “mới” hào nhoáng và càng hụt hẫng. Một loại khác lại là kẻ không thỏa lòng với cái hiện tại chỉ vì nhớ nhung về cái gì căn bản hơn, nền tảng hơn. Loại lãng tử thứ hai này làm cho kẻ bước vào con đường này càng ngày như càng bước gần hơn đến cội nguồn, càng dám đi thì lại càng chìm sâu hơn vào một thứ huyền nhiệm lung linh của thực tại. Anh San thuộc loại lãng tử thứ hai này. Có một thứ gì đó tiềm tàng…
+ Chúa ban cho anh San có một khả năng cảm nhận khá chân thật về thực tại, có khả năng cảm nhận được sự sống trong tính tinh khôi, trần trụi mà nguyên tuyền, mộc mạc mà sâu lắng. Những chia sẻ của anh luôn làm cho người khác, ít là đối với tôi hay một vài anh em thân thiết, cảm thấy như mình bị việt vị vì mình đã đi quá đà trong suy tư lý luận. Anh luôn có một sự nhạy bén để nhận ra những cái chướng mắt của những thói quen rất đỗi bình thường mà người khác không thấy được; anh luôn có thể nhận ra những cội rễ căn bản nhất trong ý nghĩa của thực tại thô kệch. Có một cái gì đó tiềm tàng…
Thưa cộng đoàn,
Đằng sau vẻ ngu ngơ vẫn tràn đầy điều gì đó thật mãnh liệt, và ta có thể tóm lại như sau :
Một lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất của đời tín hữu, nhất là của một linh mục. Đời sống mà không có lòng yêu mến, không có tương giao sống động với Chúa thì đời sống ấy thật khô cằn và có thể nói là bỏ đi.
Anh San hiểu điều đó và đã sống với trọn con người của mình. Đằng sau lối nói “cà rỡn”, tuyềnh toàng, có vẻ như bông đùa của anh, ta đọc được một lòng yêu mến Chúa thật nồng nàn, thiết tha. Anh có lối miêu tả hơi lạ thường:
Ông Giê Văn Su, “đồng chí” Giêsu, Anh Hai Giêsu, hay Thầy Giêsu. Tất cả đều cho thấy mối tương quan sống động cũng như xác tín mãnh liệt của anh.
Mấy ngày vừa qua, người ta truyền nhau trích đoạn bài giảng của anh cách đây vài năm, trong đó anh cho thấy cái nền của đời mình là Chúa Giêsu: Có tình yêu và có trách nhiệm, từ từng bước đi đến lối sống của mình. Tất cả đều có trách nhiệm với người mình yêu. Mà phải là một tình yêu thật, chứ không phải lơ ngơ ở trên trời. Yêu nhau là phải tìm ra cái nền: Nền tình yêu là ông Giêsu, Đấng đã xuống thật thấp để nâng mọi sự lên. Và Đức Giêsu ấy, cũng đang xin mỗi người sống có trách nhiệm với tình yêu của mình.
Một tình yêu cuộc đời.Thiên Chúa đã phú ban cho anh San một tâm hồn thơ, luôn nhạy cảm với cuộc sống. Trước những gì rất nhỏ: một giọt sương, một chiếc lá, đến những phận người, anh đã đón nhận hết vào trong cuộc đời mình.
Một trong những bài thơ đầu tiên của anh và được nhiều người biết đến là bài thơ Phục Sinh, với những lời như sau:
Mời em vào dạ hội,
Cuộc sống này nhiệm mầu,
Gió thì thầm trong lá,
Mưa đã lắng đêm sâu.
Anh từng viết trên mạng Internet:
Cứ ngỡ rằng đón nhận được hết, hút vào, đặt lên Dĩa Thánh tim mình, và lên Dĩa Thánh trong từng Thánh Lễ. Sẽ chuyển hóa, sẽ biến đổi tất cả, vào trong Tình Yêu và Ánh Sáng...
Nhưng chưa đủ nội lực. Chưa để tim mình và tay mình thành tim và tay của Thầy Giêsu! Dĩa thánh con tim bị lủng ! Và đôi tay nâng lên nỗi đời thì trĩu xuống ! Nặng quá ! Chưa có nội lực Giêsu nên không chịu nổi!
Phải về thôi ! Phải về thôi ! Phải về thôi !
+ Xin cầu nguyện cho với
Anh San, vào cuối đời, sống với nhiều loại bệnh, có lẽ Chúa muốn để anh thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa, và nhất là để cảm thông với phận người, với những người bệnh tật, yếu đau.
Trong thời gian khoảng hơn 4 năm này, một trong những câu nói được anh nhắn với mọi người, từ những người hỏi thăm trên mạng internet, đến những người thăm viếng trực tiếp, bất cứ ai anh cũng nhắn: “Xin cầu cho với”.
Những lời này được thốt ra từ một người đang nằm bệnh, đang cảm thấy sự yếu nhược của thân xác và rất cần đến lời cầu nguyện, đến tâm tình cảm thông của nhiều người. Nhiều lần trong đời, anh đã từng chia sẻ những tệ hại, yếu đuối của mình, thì lời “xin cầu cho với” không chỉ dành cho tâm hồn lầm lỗi của chính bản thân mình mà còn cho nhiều người khác. Con người đã từng thiết tha với cuộc đời, đã cảm thấy mình có nhiều thất bại, nay vẫn muốn xin Chúa xót thương.
“Xin cầu cho với”.
Kết:
Hôm nay, anh San như một kẻ lãng tử đã dừng bước lãng du. Một kẻ lãng tử trong một tâm hồn luôn chơi vơi với một khát vọng gì khác… thì hình như ý muốn của anh mới tỏ lộ ra một chút.
Và lúc này, hẳn là anh đã gặp lại cố Rao thân yêu của Tam Hà thuở xưa. Xin anh vẫn phải luôn nhớ “xin cầu cho với”, không phải cho anh nữa, mà cho những người đang nhớ đến anh.
Cái tiềm tàng ngày xưa nay đã thành thực tại. Cái tiềm tàng trước đây ẩn kín nay đã mở toang thật sự. Và anh đang ở trong sự sống mới của Đức Kitô.
_Giuse Nguyễn Cao Luật O.P._
BÀI CHIA SẺ LỄ AN TÁNG ANH GIUSE ĐẶNG CHÍ SAN, O.P. TU VIỆN MARTINO, ngày 26/03/2024