10/06/2024 -

Tu viện Tu xá

1979
Mỗi hành trình đều cần có điểm dừng để người lữ hành nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe, đặc biệt là đối với những chuyến hành trình dài. Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm năm nay cũng đã có một điểm dừng sau một năm hành trình tu trì và sứ vụ giảng thuyết. Từ ngày 02/6/2024 đến ngày 06/6/2024, anh em đã quy tụ với nhau trong tu viện để hồi tâm suy niệm Lời Chúa, dựa trên chủ đề đã được anh em chọn: Cầu Nguyện và Hy Vọng. Chủ đề này được chọn trong Giáo hội với tinh thần hướng đến Năm Thánh 2025, được anh em khai triển trong năm bài chia sẻ mỗi ngày của tuần tĩnh tâm.


Còn biết cầu nguyện là còn niềm hy vọng. Bài chia sẻ đầu tiên của Tuần tĩnh tâm hướng anh em đến mẫu hình cầu nguyện là Đức Giêsu Kitô, Đấng luôn nối kết đời sống cầu nguyện với sứ vụ, trong tình thân thiết kết hiệp với Thiên Chúa Cha. Người cũng cầu nguyện cho các Tông đồ, để các ông cũng luôn biết trung thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đấng Phục Sinh.

Bài chia sẻ ngày thứ hai xoay quanh ý tưởng phụng tự, cầu nguyện theo tinh thần Đa Minh. Ba chiều kích của phụng tự và cầu nguyện Đa Minh có thể được nhìn theo các hướng: đạo đức, luân lý và thiêng liêng. Đạo đức và luân lý, vì hành vi và đời sống cầu nguyện Đa Minh huấn luyện con người tu sĩ, không những đưa họ vào những nếp sống quen thuộc của đời cầu nguyện chiêm niệm, nhưng còn giúp họ huấn luyện toàn diện, thân xác, lý trí và tâm hồn nên thuần khiết hơn, trong tình thân với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, sứ vụ giảng thuyết cũng được củng cố và có chiều sâu trong Lời Chúa.

Ngày thứ ba hướng anh em theo đề tài hành trình xa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa. Hình ảnh của ông Môsê là một điển hình để ta có thể suy tư về một hành trình trong xa mạc: Từ bỏ một đời sống sang trọng trong cung điện nhà vua, Môsê lưu lạc trong sa mạc, và đã gặp được Đức Chúa, cùng nhận được một sứ mạng từ Người tại núi Khô-rép. Cũng hành trình đó đưa Môsê và Dân Thiên Chúa đến Núi Sinai, tại đó Thiên Chúa đã ký Giao Ước với dân của Người. Đó là một chuỗi những hành trình mà trong đó Môsê cũng như dân Israel nhiều lần được thưa chuyện với Đức Chúa, cầu khẩn Người trợ giúp ban ơn. Hành trình và cầu nguyện biến đổi con người, và người Kitô hữu. Hành trình lữ thứ của một người có những điểm sáng xen lẫn bóng tối, nhưng người lữ hành đức tin luôn có niềm hy vọng trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh, Đấng luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đối thoại đưa đến tâm tình cầu nguyện và hy vọng, đó là ý tưởng của ngày tĩnh tâm thứ tư. Hình ảnh Đức Maria được nêu lên trong bài chia sẻ nhấn mạnh đến tâm tình và thái độ tin của Mẹ Maria trong các cuộc đối thoại: với Thiên Sứ trong buổi Truyền Tin, hoặc với chị họ Elisabeth. Đây cũng là mẫu gương cho người tu sĩ Đa Minh trong cuộc đối thoại của niềm tin (nếu hiểu đúng theo niềm tin Kitô giáo, ta có thể gọi đó là auditus fidei: lắng nghe trong đức tin – lời giải nghĩa của biên tập viên). Thánh Đa Minh đã nhận ra giá trị của việc đối thoại có thể giúp người Đa Minh biết cách giảng thuyết và chuẩn bị cho việc giảng thuyết: người Đa Minh cần có cảm nghiệm về Tin Mừng để có thể giảng Lời Chúa cho tha nhân, như thánh Tổ phụ Đa Minh đã có trải nghiệm này khi ngài đối thoại với viên chủ quán trọ tại Toulouse năm xưa. Câu hỏi đặt ra cho mỗi anh em Đa Minh là làm sao ta biết đối thoại? Làm sao đối thoại đúng đắn trong tinh thần Đa Minh, trên nền tảng Đức Ái Kitô giáo? Làm sao người Đa Minh có thể đối thoại, lắng nghe trong đức tin và mau mắn tuân phục như người Đa Minh đã tuyên khấn khi gia nhập Dòng: Tuân Phục?

Bài kết thúc tuần chia sẻ tĩnh tâm hướng anh em đến kinh nghiệm đức tin của người lữ hành trên đường Emau. Giữa bao bộn bề lo toan, kể cả thất vọng như hai môn đệ trên đường Emau, họ vẫn còn biết nói về Chúa cho nhau nghe, và nói với Chúa khi Người đồng hành với họ. Dù rằng họ vẫn còn đó chất sống của người môn đệ, có sự hiểu biết về thầy Giêsu mà họ đã đi theo trong bao năm tháng, và cả khi họ được cháy bừng lửa trong lòng khi Thầy Giêsu giảng dạy, họ vẫn chưa nhận ra Người bởi lòng trí họ còn u mê, có thể nói đó là bóng tối của hành trình đức tin. Cho đến khi họ có được cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh tại bàn tiệc trên đường lữ hành đó, họ đã được khai sáng đôi mắt đức tin, và lòng tràn ngập niềm vui vì đã có được cảm nghiệm sâu sắc và chân thật về Thầy Giêsu của mình, Đấng Phục Sinh. Điều đó đã giúp họ mau mắn trở lại Giêrusalem, tiếp tục sứ mạng làm chứng tá cho Đấng Phục Sinh bằng một cảm nghiệm sâu sắc và đậm nét nơi mỗi người. Người Đa Minh giảng về Tin Mừng của Đấng Phục Sinh, Đấng là Con Đường dẫn mọi người đến ơn cứu độ, nên lời giảng của Đa Minh cần chứa đựng Lời Chúa, đúng ra là có Chúa trong lời giảng của mình. Làm sao người Đa Minh có được chất này trong con người của mình, trong nếp sống tu trì và trong việc giảng thuyết?

“Cấm phòng”, đó là cách gọi khác của việc tĩnh tâm. Đó không chỉ là hạn từ hiểu theo nghĩa đen của việc mỗi tu sĩ tự khép mình trong một nơi, trong một phòng kín để hồi tâm chiêm niệm, nhưng còn là việc đi vào phòng kín của tâm hồn để xét mình hồi tâm, để gặp gỡ và cầu nguyện với Chúa, và để biết mở lòng mình ra với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hướng dẫn người kitô hữu và người tu sĩ nói chung, cách riêng là người tu sĩ Đa Minh chúng ta trong đời sống và sứ vụ, phù hợp với thánh ý nhiệm mầu và thánh thiêng của Thiên Chúa, vì ơn cứu độ của nhân loại, và của mỗi người chúng ta. Hình ảnh các Tông đồ lên nhà trên cầu nguyện sau khi các ông đã gặp Đấng Phục Sinh, để chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã hứa ban, là mẫu hình cho việc hồi tâm cầu nguyện và chiêm niệm của chúng ta. Mong cho hoa trái của tuần tĩnh tâm tu viện giúp anh em trong cộng đoàn Đa Minh Tam Hà sống tốt hơn nếp sống Đa Minh, và chu toàn tốt hơn sứ vụ giảng thuyết của Dòng.








Bản tin của Tu viện Vinh Sơn Liêm
114.864864865135.135135135250