Vào lúc 14g30 ngày 08 tháng 03 năm 2024, tại hội trường B203 của Trung tâm Học vấn Đa Minh, cộng đoàn Tu viện Rất Thánh Mân Côi đã có buổi tĩnh tâm mùa Chay. Với chủ đề “Từ giếng nước đến giếng rửa tội”, cha giảng phòng Giu-se Nguyễn Văn Chiến, O.P., đã chia sẻ với cộng đoàn những ý tưởng rất đặc biệt để giúp anh em hồi tâm, suy gẫm trong bối cảnh mùa Chay thánh.
Khởi đầu, cha Giu-se đã chia sẻ hình ảnh suối nước và giếng nước trong văn hóa Do Thái. Hình ảnh “Bơ-e – giếng nước” đã gắn liền với lịch sử dân tộc Ít-ra-en, gắn liền với con người và mảnh đất nơi đây từ xa xưa.
Trong ý tưởng đó, cha giảng phòng tiếp tục trình bày về những lần suối nước, giếng nước xuất hiện trong Kinh Thánh, cách đặc biệt qua ba lần trong Cựu ước và một lần trong Tân ước. Bao gồm: giếng nước nơi người nô bộc tìm thấy bà Rê-bê-ca (x. St 24); ông Gia-cóp giúp đàn vật bà Ra-khen uống nước (x. St 29); ông Mô-sê bảo vệ các thiếu nữ và giúp cho đàn vật uống nước (x. Xh 2); và hình ảnh của Tân ước rất quen thuộc trong các bài đọc mùa Chay, đó là câu chuyện về người đàn bà Samari đến bên bờ giếng để lấy nước và gặp Đức Giê-su (x. Ga 4). Cha giáo Giu-se cũng đồng thời gợi ra điểm chung của các câu chuyện: khởi đầu từ một người xa lạ đến ngồi bên bờ giếng, kế đó một cô gái đến bên bờ giếng và được giúp cho uống nước, sau đó là cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật, rồi cô gái về nhà báo cho gia đình và mời vị khách lại nhà. Câu chuyện kết thúc bằng một đám cưới viên mãn. Tuy nhiên, trình thuật Gio-an lại chẳng kể về đám cưới nào, vì cô gái ấy đã có chồng (đến tận nhiều đời chồng). Điểm đặc biệt và khác lạ ở trình thuật này có lẽ hệ tại ở việc chị đã nhận ra vị rabbi đang hiện diện trước mặt mình là Đấng Mêsia, Đấng sẽ cho chị được đã khát nhờ mạch nước trường sinh.
Sau khi đã khơi dậy những góc nhìn về hình ảnh giếng nước, vị giảng phòng tiếp tục gợi cho anh em về hình ảnh của giếng nước rửa tội, nơi anh em được đón nhận sự sống mới trong Đức Ki-tô. Khởi đi từ góc độ lịch sử, bối cảnh rửa tội đã chuyển đổi từ những nơi lộ thiên có mạch suối (những năm đầu của Ki-tô giáo) cho đến những giếng rửa tội tại một gian cung nguyện trong các thánh đường sau này. Hình ảnh giếng rửa tội cũng đa dạng, từ bát giác, lục giác, tứ giác,… với những ý nghĩa rất riêng, nhưng tựu trung lại là hình ảnh người rửa tội được dìm vào mạch nước để chết cùng Đức Ki-tô và mặc lấy con người mới.
Để đi đến điểm kết, vị giảng phòng đã gợi lên cho anh em rất nhiều câu hỏi để xét mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trước là hình ảnh Thiên Chúa đến bên giếng nước đời ta, Người đợi chờ ta đến lấy nước, ta được trò chuyện và gặp gỡ Người, để rồi từ đó ta được biến đổi và đón nhận ơn sủng từ nguồn Nước Hằng Sống.
Buổi chia sẻ tĩnh tâm kết thúc, anh em thinh lặng trở về với nhịp sống thường nhật. Theo thông lệ, buổi tĩnh tâm mùa Chay sẽ khép lại trong thánh lễ chung của Tu viện vào trưa ngày hôm sau với ý chỉ cầu nguyện cách đặc biệt cho quý thân nhân và ân nhân của anh em trong Tu viện.
Một vài hình ảnh trong ngày tĩnh tâm của Tu viện.
Tin tưởng rằng, qua những ý tưởng từ giếng rửa tội đến “giếng nước cuộc đời”, anh em sẽ chất chứa trong lòng rất nhiều chất liệu để nghiền gẫm, suy tư và thực hành trong cuộc đời của mình.
Nguyện chúc quý anh em luôn bình an và sốt sắng trên hành trình những tuần cuối của mùa Chay thánh, hướng đến niềm vui của mùa Phục sinh.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô