Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Pacem in terris của chân phước Gioan XXIII. Văn kiện này có nhiều đặc điểm. 1/ Thông điệp được ban hành vào ngày 11-4-1963 và được xem như chúc thư của vị giáo hoàng đã khai mạc công đồng Vaticanô II trước đó sáu tháng (11-10-1962), và đã để lại ảnh hưởng không nhỏ đến các văn kiện của công đồng, đặc biệt là Hiến chế về Hội thánh trong thế giới ngày nay. 2/ Thông điệp đã hướng đến một hạng độc giả mới, đó là “tất cả những người thiện chí”, chứ không chỉ dành riêng cho các “con cái của Hội thánh”. 3/ Thông điệp mở ra một hướng đối thoại với thế giới: nhìn nhận những giá trị tích cực của văn hóa thời đại, đặc biệt là việc tranh đấu cho nhân quyền.
Các bài viết được lựa chọn nhằm nêu bật vài tư tưởng thời sự liên quan đến Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, cách riêng trong lãnh vực nhân quyền, chính quyền và hòa bình. Hầu hết là những bài thuyết trình của các chuyên gia về Học thuyết xã hội của Giáo hội.
1. Mở đầu, đức cha Mario Toso, SDB, tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công Lý và Hòa bình, trình bày tính thời sự của thông điệp “Pacem in terris” khi điểm lại việc tiếp nhận vào các văn kiện của công đồng Vaticanô II và các vị giáo hoàng kế tiếp.
2. Linh mục Rafael Ma Sanz de Diego, SJ, giáo sư đại học Comillas (Madrid) trình bày sự tiến triển của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, kể từ thông điệp Rerum novarum của đức giáo hoàng Lêô XIII (1891) đến nay. Phạm vi của những đề tài được mở rộng dần, từ những vấn đề kinh tế xã hội (quyền tư hữu, lao động), sang các vấn đề chính trị (chính quyền, hòa bình), rồi đến tất cả những vấn đề của nhân loại: phát triển, môi sinh, văn hóa.
3. Đi xa hơn một bước nữa, trong bối cảnh Năm Đức tin, linh mục José Bullón Hernández trả lời các câu hỏi: tại sao Giáo hội can thiệp vào các vấn đề xã hội? Học thuyết xã hội có liên quan gì đến sứ mạng loan báo Tin Mừng không? Học thuyết xã hội có ý nghĩa gì trong năm Đức tin?
4. Thông điệp Pacem in terris là văn kiện đầu tiên của Tòa thánh đề cập đến vấn đề nhân quyền cách mạch lạc. Đức hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa thánh, trình bày quan điểm của Giáo hội về nhân quyền, cách riêng là giáo huấn của đức thánh cha Bênêđictô XVI.
5. Có lẽ khi bàn về nhân quyền, nhiều người công giáo không biết rằng Bộ Giáo luật (được ban hành cách đây 30 năm) đã dành một chương cho những nghĩa vụ và quyền lợi của các Kitô hữu. Linh mục Lorenzo Lo Russo O.P. tìm hiểu ý nghĩa của bản “tuyên ngôn” ấy, so sánh sự khác biệt và tương đồng trong quan niệm về “nhân quyền” trong luật pháp quốc gia và “quyền lợi tín hữu” trong bộ giáo luật.
6. Thông điệp Pacem in terris đã nhìn nhận cuộc tranh đấu cho phụ nữ được bình quyền với nam giới như là một “dấu chỉ thời đại”. Tuy nhiên, giáo sư Anna Maria Lopez cho thấy rằng các phong trào nữ quyền ở cuối thế kỷ XX đã vượt xa ý tưởng bình đẳng: qua “ý thức hệ gender” họ chủ trương cần xóa bỏ sự khác biệt giữa hai phái nam nữ.
7. Nội dung của thông điệp Pacem in terris liên quan đến các vấn đề “chính trị” hơn là các vấn đề “kinh tế”. Linh mục Phan Tấn Thành ôn lại sự tiến triển của Giáo huấn Hội thánh về các vấn đề chính trị, cách riêng là quyền bính; trong lãnh vực quốc tế, thông điệp đã mở một hướng mới khi đề cập đến “chiến tranh và hòa bình”.
8. Cuối cùng, Phụ lục liệt kê các tài liệu huấn quyền, một số thư mục và chủ đề liên quan đến Học thuyết Xã hội của Giáo hội, dành cho những ai muốn nghiên cứu thêm về đề tài này.
Thời sự thần học - số 12 (tháng 6 năm 1998) đã có nhiều bài viết về Học thuyết Xã hội của Giáo hội và các bài này cũng đã được đăng lại trên http://tsthdm.blogspot.com.