Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt
Nxb. Tôn Giáo, 2011, 288 trang, khổ 14,5 x 21,4 cm.
Loại sách bản văn song ngữ, với chú thích và phụ lục
giúp đọc Sách Khải Huyền.
Hình bìa: Di tích khảo cổ Beith She’an (Scythopolis),
ở phía nam vùng Ga-li-lê, gần sông Gio-đan, ngày 05/01/2008.
Bìa trước: Con đường chính ở Beith She’an
Bìa sau: Nhà hát (theatre) ở Beith She’an
Nihil Obstat phần tiếng Việt:
Ngày 03 tháng 09 năm 2011.
Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên, O.P. Tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh,
University of St. Thomas Aquinas (Angelicum), Rome.
Imprimi Potest:
Ngày 07 tháng 09 năm 2011.
Lm. Giu-se Ngô Sĩ Đình, O.P.
Giám Tỉnh.
Imprimatur:
Nha Trang, ngày 17 tháng 09 năm 2011.
+ Giuse Võ Đức Minh
Giám mục Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh
Giám mục Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Trích Lời nói đầu
“Khải Huyền là sách cuối cùng trong 27 sách của Tân Ước. Sách Khải Huyền kết thúc bằng lời xin: “Lạy Chúa Giê-su, xin Ngài hãy đến” (22,20). Đây là lời nguyện cầu của Hội Thánh qua mọi thời đại, nhất là lúc Hội Thánh gặp thử thách. Dù trong hiện tại các Ki-tô hữu đang gặp nhiều gian truân, nhưng sách Khải Huyền cho người tin biết rằng: Những thế lực sự dữ sẽ thất bại và sẽ bị xét xử. Chiến thắng chung cuộc thuộc về Đức Giê-su Phục Sinh và những ai trung tín với Người. Vì thế, sách Khải Huyền là nguồn động viên lớn lao cho các môn đệ Đức Giê-su. Với sự hiện diện và sự khích lệ của Đấng Phục Sinh, người Ki-tô hữu có sức mạnh, can đảm và nghị lực để trung tín với Người cho đến cùng.
Tuy nhiên, nội dung mặc khải trên được chuyển tải bằng thể văn khải huyền. Nghĩa là những thực tại lịch sử và những chân lý mặc khải được trình bày qua các biểu tượng. Cần biết ý nghĩa của biểu tượng để lĩnh hội thông điệp của câu chuyện. Chẳng hạn, các nhân vật như: “Con Mãng Xà”, “Con Thú”, “Con Điếm” được viết hoa vì chúng có nghĩa biểu tượng. “Con Mãng Xà” là Xa-tan, “Con Thú” là hoàng đế Rô Ma, “Con Điếm” là thành Rô Ma với hai nghĩa: 1) Thờ ngẫu tượng là bất trung với Thiên Chúa, là ngoại tình, là làm điếm. 2) Ám chỉ lối sống xa hoa truỵ lạc của thành Rô Ma thời đó.
Sách Khải Huyền còn dùng biểu tượng các con số và màu sắc. Chẳng hạn, 7 thần khí, 7 ấn, 7 chén tai ương, 12 chi tộc, 24 vị Kỳ Mục, 42 tháng, 1.000 năm, v.v... những con số này có ý nghĩa gì? Về màu sắc, có màu trắng (ngựa trắng, áo trắng, mây trắng, tóc trắng), gam màu đỏ (đỏ thẫm, đỏ tía, đỏ như lửa, màu lửa), màu đen và màu xanh nhạt... những màu này ám chỉ điều gì? Các Chú thích và Phụ lục trong cuốnSách Khải Huyền Hy Lạp – Việt sẽ trả lời phần nào ý nghĩa của các biểu tượng trên. Tập sách này giúp tiếp cận bản văn gốc Hy Lạp và đôi lúc có thêm trong ngoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để giúp hiểu dễ dàng hơn các từ ngữ.
Trong hành trình trần thế, những thử thách trong cuộc đời có thể làm người Ki-tô hữu mệt mỏi, chán nản, thiếu sức sống. Hãy đọc sách Khải Huyền, hãy đến với Đấng Hằng Sống để được ghi tên vào “sách sự sống” và đội “triều thiên sự sống”, để được ăn “trái cây sự sống” và “uống nước sự sống” là thứ lương thực có khả năng làm thoả mãn mọi khát vọng sâu xa của con người.”
Xin giới thiệu đến độc giả Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt, với ước mong được góp phần nhỏ mọn vào việc học hỏi và sống Lời mặc khải.Độc giả có thể xem trích đoạn 32 trang cuốn sách này ở đây, hay vào địa chỉ: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ để xem trích đoạn và giới thiệu các sách khác./.
Ngày 08 tháng 10 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
email: josleminhthong@gmail.com