(bản dịch cuốn “The Book of Mary” của nhà xuất bản Our Sunday Visitor, 2000)
De Maria, nunquam satis: Nói về Đức Maria, không bao giờ đủ.
Lẽ ra cuốn sách này đã được ấn hành để làm bó hoa Mân Côi dâng kính Đức Maria như tháng 10 năm 2009, nhưng vì nhiều lý do ngoài ý muốn, dự định ấy không thành. Tuy nhiên, nếu “nói về Đức Maria không bao giờ đủ”, thì nói về Đức Maria lúc nào cũng hợp thời! Sự hợp thời ấy, thiết nghĩ, còn được gia tăng nhờ uy tín biên tập của cha Peter M.J. Stravinskas, một nhà thần học minh giáo nổi tiếng, tác giả nhiều tác phẩm thần học quan trọng, trong số đó có cuốn Giáo hội Công giáo và Thánh kinh, Bách khoa Công giáo (The Catholic Encyclopedia)…
Trong quá trình nghiên cứu về Đức Maria, chúng tôi muốn bổ sung kiến thức Thánh mẫu học bằng những thảo luận tương đối có tính chất thời đại. Một trong những vấn đề “thời đại” hiện nay của Giáo hội là vấn đề đại kết. Tin tức mới đây về những cuộc đối thoại với các anh em Chính thống, Anh giáo, Thệ phản, và Hồi giáo thường chiếm nhiều thời lượng trong các buổi truyền thanh, truyền hình, hoặc nhiều trang báo chí. Được chuyển ngữ với tựa đề “Lời kinh cổ xưa, Thế giới hiện đại: Cuốn sách về Đức Maria”, cuốn sách nhỏ này đã làm sáng tỏ hơn những hiểu lầm về vai trò của Đức Maria trong viễn tượng đại kết.
Ngoài ra, một số đề tài thần học về Đức Maria, như các tín điều truyền thống về Đức Mẹ, và đặc biệt là vấn đề lòng sùng kính Đức Mẹ, cũng được diễn đạt một cách sâu sắc và thuyết phục hơn, nhất là với luận lý của một nhà thần học lỗi lạc trong thời đại chúng ta, Edward Schillebeeckx, O.P. Điều này thừa sức đánh tan một luận điệu hàm hồ cho rằng dòng Đa Minh là dòng chuyên truyền giáo cho những người trí thức, nên các tu viện của chúng ta không cổ võ những lối sùng kính bình dân (!). Cha Edgar Javier, S.V.D., một trong những giáo sư thần học của chúng tôi, kể lại rằng ngài có vinh dự được thụ giáo giáo sư Schillebeeckx, và điều gây ấn tượng nhất cho ngài, không chỉ là kiến thức uyên bác của nhà thần học, mà còn là cảnh tượng mà cha Javier được chứng kiến, đó là ngài thấy cha Schillebeeckx chiều chiều tản bộ trong khuôn viên nhà trường, tay cầm xâu chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi thật là cổ xưa, cổ xưa như Thánh kinh, vì lẽ kinh Mân Côi gồm bởi những lời Thánh kinh. Nhưng có ai dám nói Thánh kinh là… cổ lỗ sĩ không, và có ai dám nói nhà thần học Schillebeeckx là không trí thức không?
Sau cùng, nếu khẩu hiệu “Ad Jesum per Mariam” (Nhờ Mẹ mà đến cùng Chúa Giêsu) là đúng, thì tìm hiểu về Đức Maria luôn luôn là điều cần thiết cho những ai thực tâm muốn gắn bó cuộc đời với Chúa Giêsu.
Vậy bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tìm đọc LỜI KINH CỔ XƯA, THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI: CUỐN SÁCH VỀ ĐỨC MARIA.
Mùa chay 2010
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, O.P.