Giới thiệu sách: Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt
Nxb. Tôn giáo, 2011, 340 trang, khổ 14 x 20 cm
Hình bìa: École Biblique et Archéologique Française de Jérusalem
(Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp ở Giê-ru-sa-lem)
(Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp ở Giê-ru-sa-lem)
Bìa trước: Nhà Thờ thánh Tê-pha-nô, tu viện anh em Đa Minh.
Bìa sau: Hành lang chính tu viện thánh Tê-pha-nô, dòng Đa Minh.
Nihil Obstat phần tiếng Việt: Ngày 07 tháng 03 năm 2011,
Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên, O.P. Tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh,
University of St. Thomas Aquinas (Angelicum), Rome.
Imprimi Potest: Ngày 07 tháng 03 năm 2011,
Lm. Giu-se Ngô Sĩ Đình, O.P.
Giám Tỉnh.
Imprimatur: Nha Trang, ngày 13 tháng 03 năm 2011,
+ Giu-se Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang,
Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
+ Giu-se Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang,
Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Trích Lời nói đầu
Học hỏi Kinh Thánh là việc làm không bao giờ cùng. Bằng chứng là đã hơn hai mươi thế kỷ qua, Kinh Thánh vẫn được học hỏi với nhiều phương pháp khác nhau tùy theo tâm thức của mỗi thời đại. Hơn nữa, học hỏi Lời Chúa không phải chỉ để “biết” mà quan trọng hơn là để “sống”, để “được nuôi dưỡng”. Lời Chúa giúp đón nhận sự sống đích thực nhờ tin vào Đức Giê-su như kết luận sách Tin Mừng Gio-an: “Những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh Người” (Ga 20,31).
Xu hướng học hỏi Kinh Thánh hiện nay chú trọng đến bản văn và người đọc. Người đọc có vai trò chủ động, người đọc có thể chọn đào sâu khía cạnh nào trong bản văn phù hợp với sự tìm kiếm của mình. Cuộc đời và ưu tư của mỗi người khác nhau, nên bản văn cũng được đọc với nhiều tâm trạng khác nhau. Khi đọc bản văn với cuộc đời của mình, người đọc làm cho bản văn trở nên sống động và ý nghĩa bản văn thêm phong phú.
Người đọc thì nhiều, nhưng bản văn chỉ có một. Làm thế nào để không xa rời bản văn, hay gán cho bản văn những điều xa lạ với sứ điệp của bản văn? Việc học hỏi Kinh Thánh luôn có nhu cầu tiếp cận bản văn gốc để tránh nguy cơ rời xa ý nghĩa của bản văn. Tiếp cận bản văn gốc giúp người đọc trung thành với sứ điệp mặc khải trong Kinh Thánh. Tiếp cận bản văn gốc vừa nhận ra sự phong phú, vừa ý thức sự phức tạp của bản văn để không ngừng tìm kiếm.
Đã có những bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt có giá trị. Chẳng hạn, bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn, các bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ; cùng với các bản dịch tiếng Việt và các thứ tiếng khác. Các nhà chú giải cũng thường đề nghị cách dịch sát bản văn gốc và dựa vào đó để chú giải.Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt là một cố gắng tiếp cận bản văn gốc Hy Lạp. Tập sách này không thay thế các bản dịch mà chỉ góp phần vào việc tìm hiểu bản văn. Người không biết tiếng Hy Lạp có thể xem phần tiếng Việt là dịch sát bản văn Hy Lạp theo từng ý, từng câu. Đối với người biết tiếng Hy Lạp thì phần tiếng Việt chỉ là gợi ý. Mỗi người có thể dịch theo văn phong riêng của mình.
Học hỏi Tin Mừng và ba thư Gio-an là bước vào một thế giới muôn màu muôn vẻ trong kho tàng Lời Chúa. Ai yêu mến học hỏi “lời sự sống” sẽ tìm được “bánh sự sống” và “nước sự sống” làm “lương thực không hư nát” đem lại sự sống đời đời và ý nghĩa cho cuộc sống trần thế. Nhấn vào đây để xem trích đoạn 29 trang, hay vào địa chỉ:http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Ngày 08 tháng 04 năm 2011
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com