Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được cử hành từ thế kỷ XII và đến thế kỷ XIV - XV, lễ này đã được cử hành trong nhiều Giáo phận Công giáo. Năm 1482, lễ được thêm vào Sách lễ với danh hiệu "Đức Mẹ Sầu Bi." Đức Bênêđíctô XIII đã thêm lễ này vào Lịch Công giáo Rôma năm 1727 vào ngày Thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá. Năm 1817, Đức Piô VII - chịu đau khổ trong cảnh lưu đày nhưng cuối cùng được giải thoát nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria - đã mở rộng ngày lễ này cho Giáo hội hoàn vũ. Năm 1913, Đức Giáo Hoàng Piô X ấn định ngày này vào ngày 15 tháng 9.
Tước hiệu "Đức Mẹ Sầu Bi" tập trung vào các nỗi thống khổ của Đức Maria trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, luôn luôn kết hợp Đức Mẹ với Người Con đau khổ của Mẹ. Lễ này được cử hành như kết thúc tuần bát nhật mừng sinh nhật Đức Mẹ mùng 8 tháng 9.
Như thế, ít nhất kể từ thế kỷ XII, người Công giáo đã nhận ra bảy sự kiện trong cuộc đời của Đức Maria đã gây ra nỗi đau buồn lớn cho Mẹ. Đó là lý do tại sao hình ảnh Đức Mẹ Maria với tư cách là Đức Mẹ Sầu Bi thường cho thấy Mẹ với bảy thanh gươm xuyên thủng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Đôi khi Mẹ cũng được biểu trưng bằng một trái tim có cánh bị đâm bằng bảy thanh kiếm. Những thanh kiếm tượng trưng cho những nỗi đau buồn của Mẹ.
Bảy nỗi đau buồn của Mẹ Maria:
1. Lời tiên tri của ông Simêon (Lc 2, 25-35)
2. Gia đình Hài Nhi trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13-15)
3. Lạc mất Hài Nhi Giêsu trong ba ngày (Lc 2, 41-50)
4. Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê (Lc 23, 27-31; Ga 19,17)
5. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu (Ga 19, 25-30)
6. Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thập giá (Lc 23, 50-54; Ga 19, 31-37)
7. Táng xác Chúa Giêsu (Lc 23, 50-56; Ga 19, 38-42; Mc 15, 40-47)
Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi cũng là ngày mừng Bổn mạng Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam với tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, nguyện chúc cha Bề trên Giám tỉnh, quý cha và quý thầy, nhờ sự bảo trợ của Mẹ Maria và lời chuyển cầu của thánh phụ Đa Minh, luôn được bình an, hạnh phúc trong đời tận hiến và đón nhận được nhiều ơn thiêng liêng, để quý cha và quý thầy luôn nhiệt thành trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng và Phục vụ Lời, và mỗi thành viên trong Tỉnh Dòng trở thành muối men, là đuốc sáng trong Giáo hội và xã hội hôm nay.
Truyền thông Tỉnh Dòng