18/09/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

999
Vatican Insider – Bước ngoặt chính trị ở Philippines: Trước khi khởi hành để tham gia hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – người đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi ông xúc phạm Tổng thống Mỹ Obama – đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Một phát ngôn viên cho biết, biện pháp trên được thông qua ngay sau cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở thành phố Davao, miền nam Philippines vào ngày 2/9, giết chết 14 người và làm 71 người bị thương.

Duterte từng là thị trưởng của Davao – một thành phố trên đảo Mindanao, nơi có hai triệu người sinh sống – trong 23 năm. Abu Sayyaf, một nhóm khủng bố hoạt động từ năm 1991, đã nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ khi Duterte thăm thành phố. Nhóm này đang đấu tranh để ly khai và thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền nam Philippines.

Mặc dù tình trạng khẩn cấp quốc gia – có hiệu lực từ ngày 5/9 – không nghiêm trọng như tình trạng thiết quân luật, nhưng nó cho phép tổng thống ban quyền cho cảnh sát và các lực lượng vũ trang được toàn quyền để bảo vệ an ninh quốc gia. Theo tổng thống Duterte, quyết định trên nhằm mục đích chống lại tình trạng không tuân thủ luật pháp phổ biến trong nước, nơi hành vi tội phạm cũng như các nhóm khủng bố cần được loại trừ.

Biện pháp này đã làm dấy lên mối quan ngại nơi các quan sát viên và các tổ chức xã hội dân sự, bởi họ cảm nhận được mùi độc tài đang bao trùm bầu khí ở một quốc gia Á châu có phần đông người dân theo đạo Công giáo, và họ lo sợ phải quay lại sống dưới những ngày của chế độ độc tài Marcos Ferdinando.

Duterte vinh danh Marcos, thậm chí ca ngợi ông là “một nhà quân sự có tài”. Duterte gần đây còn quyết định chuyển thi hài của nhà độc tài Marcos tới Nghĩa trang các Anh hùng ở thủ đô Manila, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trong công chúng.

Đức cha Broderick Pabillo, Giám mục phụ tá của Manila, đã cảnh báo người dân và ngài bày tỏ lo sợ về một nhà nước cảnh sát. Những chỉ trích bắt đầu với chiến dịch hành quyết không cần pháp luật do cảnh sát Philippines và các nhóm bán quân sự thực hiện, để chống những người buôn bán ma. Theo ước tính chính thức, đã có 1.900 người thiệt mạng như một kết quả của chiến dịch thực thi công lý do những nhóm “lạm dụng quyền lực” và dựa dẫm sự bảo vệ của Cảnh sát trưởng quốc gia Rolando Dela Rosa, người mà Duterte chọn ra từ thành phố Davao của ông.

Đức cha Pabillo nói thêm: “Philippines có thể bị bao phủ bởi bóng tối do Marcos tạo ra,” và ngài quả quyết rằng Giáo hội đang theo dõi sát sao để đảm bảo “những tháng ngày đen tối ấy không bao giờ được lặp lại.” Nhiều lãnh đạo Công giáo đã chỉ trích sự xuống dốc của nền công lý, thậm chí nó có thể tồi tệ hơn sau khi công bố tình trạng khẩn cấp. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức cha Socrates Villegas và Đức cha Antonio Ledesma, đã so sánh Duterte với Pol Pot ở Campuchia trong suốt chiến dịch tranh cử tại Philippines.

Người dân Davao đã cảm thấy sốc sau cuộc tấn công vào khu chợ bình dân, khi khủng bố một lần nữa phủ bóng đen lên thành phố. Trong một thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân, Tổng giám mục địa phương, Đức cha Romulo Valles đã khuyến khích người dân “giữ vững đức tin” khi đối mặt với “sự tàn bạo độc ác đã làm thiệt mạng những người dân vô tội” và “luôn luôn tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa”. Tại thủ đô Manila, học sinh, giáo dân và các hiệp hội xã hội dân sự đã tổ chức buổi cầu nguyện, thắp nến để cầu nguyện cho “công lý”.

Vụ tấn công là một hành động thách thức đối với tổng thống Duarte, ở chính nơi được coi là thân thương với ông, trong thành phố nơi mà con gái của ông là Sara đang làm thị trưởng. Đó còn là thách đố cho tiến trình hòa bình giữa chính phủ và các nhóm phiến quân Hồi giáo, thứ vừa mới được nối lại nhờ các cuộc đàm phán đang được xúc tiến giữa các bên liên quan. Trước tháng Bảy năm 2017, những cuộc đàm phán này sẽ tạo ra phiên bản mới của luật tự trị “cơ bản Bangsamoro”. Đạo luật sẽ quy định ranh giới và đặc quyền cho vùng lãnh thổ sẽ thay thế khu vực Hồi giáo tự trị hiện có, trong khuôn khổ cơ cấu tổ chức kiểu liên bang, như tổng thống Duterte đã giải thích.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang sẽ khởi động một cuộc tấn công chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf lấy cảm hứng từ ISIS, sau nhiều năm nhận mình là một phần của mạng lưới Al Qaeda. Có lẽ còn tùy thuộc vào cố gắng của Duterte để giải quyết nhóm Abu Sayyaf: một tập hợp gần 300 phiến quân nhưng đã làm điêu đứng toàn bộ quân đội Philippines trong hai mươi năm, với một khu vực hạn hẹp gồm các đảo nhỏ.

Nguyễn Đức
http://nhathothaiha.net
114.864864865135.135135135250