22/05/2024 -

Thường huấn

1931
_Giuse Phan Tấn Thành, O.P._

Mới đây, khi được mời thuyết trình tại một buổi thường huấn của Tu viện Mai Khôi, tôi muốn lợi dụng cơ hội để giới thiệu hai văn kiện của Dòng về “Quy chế Đào tạo tổng quát” (ban hành ngày 22-12-2016) và “Quy chế Học vấn tổng quát” (ban hành ngày 7-3-2017). Nhưng đến khi bắt đầu soạn bài thì tôi thấy đề tài khá rộng, khó mà tóm lại trong vòng một tiếng đồng hồ. Tạ ơn Chúa, tôi khám phá một đề tài khá thú vị, đó là “Thường huấn là gì?”.

Tại sao gọi là thú vị? Thưa rằng bởi vì có lẽ chẳng ai biết thường huấn là gì, mặc dù đã có rất nhiều buổi thường huấn được tổ chức đều đặn tại các tu viện cũng như các giáo phận. Người ta hiểu thường huấn như là các buổi học tập tu nghiệp để đào sâu thêm sự hiểu biết ngành chuyên môn của mình. Nhưng hiểu như vậy là không đúng, bởi vì đó là quan niệm xã-hội-học chứ không phải là quan niệm thần học về thường huấn. Điều thú vị nằm ở chỗ đó: chúng ta đã hiểu sai quan niệm thường huấn! Lỗi tại ai? Dạ thưa tôi không dám đổ lỗi cho ai hết, nhưng chỉ tại vì “thường huấn” là một quan niệm quá mới mẻ trong đời sống Giáo hội, và đang được chín mùi dần dần. Trước khi đi vào đề, nên biết là trong các bản dịch, thuật ngữ “thường huấn” còn được gọi bằng nhiều từ tương đương: huấn luyện (đào tạo) thường xuyên (liên tục) cũng tương tự như trong tiếng Anh có nhiều từ ngữ: permanent / on-going / continuing formation (education).

Bài thuyết trình hôm nay được chia làm ba phần. 1/ Trước hết, chúng ta điểm qua các văn kiện của Dòng về thường huấn, và chúng ta sẽ thấy rằng thường huấn là một đề tài mới được du nhập và còn đang mò mẫm. 2/ Thứ đến, chúng ta tìm hiểu khái niệm về thường huấn trong các văn kiện gần đây của Giáo hội, nơi mà đề tài được bàn sâu rộng hơn. 3/ Cuối cùng, chúng ta sẽ tổng hợp các dữ kiện để trình bày một cái nhìn hệ thống về thường huấn xét về lý thuyết cũng như về thực hành. Xét về lý thuyết: thường huấn là gì? Xét về thực hành: thường huấn như thế nào?

1. Thường huấn trong các văn kiện của Dòng Đa Minh

Dòng Đa Minh đã được nổi tiếng về sự học hành. Học hành được coi như một phương tiện chính yếu để thực thi sứ mạng của Dòng, đến nỗi có thể thay thế phương châm cổ điển của Dòng Biển đức “Cầu nguyện và làm việc” (ora et labora) bằng công thức “Cầu nguyện và học hành”. Điều này đã được thánh Tôma giải thích trong Summa Theologica II-II, q.188, a.5. Dòng cũng đã sớm soạn thảo một quy chế về việc học hành (Ratio studiorum) được ban hành tại tổng hội Valenciennes năm 1259 (do 5 anh em soạn thảo, trong đó có hai vị sau này sẽ là tiến sĩ Hội thánh – Albertô và Tôma – và một vị làm giáo hoàng – Innocentê V). Bản văn này được áp dụng cho đến thế kỷ XX (nghĩa là thọ 650 năm). Trong thế kỷ XX vừa qua, Dòng đã phải sửa đổi quy chế học hành 5 lần, vào các năm 1907 (Tổng quyền Hyacinthe Cormier), 1935 (Tổng quyền Martin Gillet), 1965 (tổng quyền Anicento Fernandez), 1975 (tổng quyền Vincent de Couesnongle), 1993 (Tổng quyền Timothy Radcliffe). Tuy nhiên, xin lưu ý: đây chỉ là “Quy chế học vấn”, nghĩa là bàn về việc đào tạo trí thức, đang khi việc đào tạo còn bao gồm nhiều lãnh vực khác, như sẽ thấy. Phải chờ đến năm 1987, Dòng mới có “Quy chế đào tạo tổng quát” (Ratio formationis generalis, do Tổng quyền Damian Byrne ban hành ngày 23-11-1987), tuân theo chỉ thị của các tổng hội Walberberg (1980, số 91) và Roma (1983, số 227-228). Chúng ta nên ghi nhận hai dữ kiện:

1/ Dòng mới ra Quy chế đào tạo đầu tiên cách đây 30 năm, (nghĩa là 770 năm sau khi được khai sinh)[1].

2/ Quy chế đào tạo này chỉ bàn đến các giai đoạn đào tạo sơ khởi (tiền tập, tập viện, học viện, khấn đơn, khấn trọng), chứ không đả động đến việc đào tạo thường xuyên.

Điều này cho thấy rằng việc đào tạo thường xuyên (thường huấn) là một đề tài mới mẻ. Và nếu ai có một chút tò mò, thì sẽ nhận thấy rằng Sách Hiến Pháp và Chỉ thị, được ban hành ngày 1-11-1968 (năm nay kỷ niệm 50 tuổi), không đề cập đến thường huấn! Thật vậy, bản văn hiện hành chỉ dành hai điều cho việc thường huấn, nhưng được đánh số là 251 bis và 251 ter (nghĩa là phụ thêm vào điều 251 của bản gốc mà thôi)[2].

Trong bối cảnh ấy, chúng ta nhận thấy sự mới mẻ của hai văn kiện vừa ban hành nhân dịp kỷ niệm 800 năm lập dòng: « Quy chế đào tạo » và « Quy chế học vấn ». Chúng ta hãy rảo qua một vòng.

A. Quy chế đào tạo chung

Trong thư ban hành (ký ngày 22/12/2016), cha tổng quyền Bruno Cadoré nêu bật một điểm mới mẻ của bản văn này như sau:

Đây là lần đầu tiên mà Ratio nhắm đến tất cả mọi anh em, dù ở giai đoạn đào tạo sơ khởi hay không. Thực vậy, từ nhiều tổng hội, người ta đã nêu bật sự liên tục giữa việc đào tạo sơ khởi và việc đào tạo thường xuyên, cũng như sự cần thiết phải quan tâm đến hai chiều kích ấy của việc đào tạo. Một lần nữa, việc đào tạo trong bản Ratio này được trình bày như là một con đường, một trường học về đời sống tông đồ, vừa nhấn mạnh đến trách nhiệm đầu tiên của mỗi người anh em trong việc đào tạo bản thân, vừa đến trách nhiệm của các cộng đoàn và các tỉnh dòng phải nâng đỡ mỗi người trong tiến trình liên tục làm mới ơn gọi của mình để trở thành một ‘con người Tin mừng và tông đồ’. Là trường học sống, việc đào tạo của chúng ta dẫn dắt mỗi người, tùy theo từng chặng của cuộc đời, đến chiêm ngắm ngay giữa đời sống, ân sủng của Lời mà chúng ta muốn rao giảng. Nhờ vậy, việc đào tạo mời gọi chúng ta hãy kết hiệp với Chúa Kitô là con đường chân lý dẫn đến sự sống, và quy hướng cuộc sống vào việc truy tầm chân lý. Là trường học những người Giảng thuyết, việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên dẫn chúng ta đến con đường của sự tuân phục tông đồ, giúp chúng ta trở nên tự do để cho Thánh Linh đào luyện trong chúng ta lòng trắc ẩn của Chúa Kitô và lòng khát khao mãnh liệt của Người muốn cho thế giới được sống và được cứu độ”.

Như vậy, điểm mới của Quy chế đào tạo 2016 là nêu bật sự liên tục giữa việc đào tạo sơ khởi và đào tạo liên tục. Điều này được nói rõ ở điều 2: “Việc đào tạo bắt đầu từ những giai đoạn của việc đào tạo sơ khởi và tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Đây là lý do tại sao phần lớn Qui Chế Đào Tạo chung này áp dụng không những cho việc đào tạo sơ khởi mà còn cho việc đào tạo thường xuyên nữa. Tiến trình đào tạo duy nhất này thể hiện sự thống nhất trong mục đích của Dòng: Sứ vụ giảng thuyết”.

Một cách cụ thể, văn kiện được chia làm bốn phần, không kể nhập đề (điều 1-12), với nội dung như sau: 1/ Việc đào tạo Đa Minh (điều 13-56). 2/ Nhân sự liên quan đến việc đào tạo (điều 57-95). 3/ Các giai đoạn đào tạo sơ khởi (điều 96-170). 4/ Đào tạo thường xuyên (điều 171-200). Sau cùng, thêm Phụ lục hướng dẫn việc soạn thảo Quy chế Đào tạo Riêng.

Như vậy, một phần riêng đã được dành cho việc đào tạo thường xuyên, với 30 điều, được phân phối trong bốn mục, với tầm quan trọng không đều nhau.

1/ Mục thứ nhất. Các nguyên tắc

Mục tiêu của thường huấn là chu toàn ơn gọi nhà giảng thuyết: “Là một nhà giảng thuyết có nghĩa là thường xuyên đối thoại với Lời Thiên Chúa qua việc chiêm niệm và học hành, cầu nguyện và đời sống huynh đệ, biết thích nghi với những biến chuyển của thời gian và hoàn cảnh” (đ. 172). Điều này đòi hỏi một thái độ sẵn sàng hoán cải và canh tân thường xuyên (ibid.)

Việc thường huấn liên quan đến toàn diện con người tu sĩ: huấn luyện nhân bản, thiêng liêng, trí thức và tông đồ. Cần duy trì sự hài hòa giữa tất cả bốn khía cạnh (đ.174).

Trách nhiệm thường huấn:

Trước hết là mỗi tu sĩ có trách nhiệm về việc thường huấn của mình (đ.175).

Kế đến là cộng đoàn địa phương. Xét về khía cạnh tổ chức, trách nhiệm chính thuộc về bề trên với sự cộng tác của vị khuyến học và tu viện hội. Chương trình thường huấn hằng năm phải được đưa vào dự phóng cộng đoàn (đ.176-179).

Trên cấp tỉnh dòng, trách nhiệm thuộc về Giám tỉnh với sự trợ giúp của Đặc tránh thường huấn và Giám đốc học vụ. Quy chế đào tạo riêng sẽ ấn định cơ cấu tổng quát, những mục tiêu đặc thù và những cách thức cụ thể của việc thường huấn trong tỉnh dòng (đ.180-181).

2/ Mục thứ hai đề cập đến việc bổ nhiệm đầu tiên, nghĩa là những anh em vừa mãn trường. Cần phải bảo đảm cho các anh em này có người đồng hành. Hằng năm, tỉnh dòng cần có cuộc gặp gỡ các anh em mới kết thúc giai đoạn đào tạo sơ khởi trong vòng 6 năm (đ.184-185).

Dĩ nhiên, các anh em cần được huấn luyện trước khi tham gia một hoạt động chuyên môn hoặc một công tác muc vụ (đ.186). Trong lãnh vực này, các anh em trẻ cần được sự hướng dẫn của những anh em từng trải (đ.187-188).

Không chỉ lần bổ nhiệm đầu tiên mới đòi hỏi một việc thường huấn đặc biệt, nhưng trong cuộc đời hoạt động, có những lần chuyển đổi khác cũng có thể gây ra những khó khăn đặc biệt, và vì thế cũng trở thành thời điểm cần được thường huấn (đ.189).

3/ Mục thứ ba mang tựa đề là “Những chủ đề cho việc đào tạo thường xuyên »

Mục này tương đối ngắn, và nội dung sơ sài (đ. 190-196). Văn kiện chỉ đưa ra vài gợi ý, tựa như: giảng thuyết (cách xử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại), đức khiết tịnh, phụng vụ (đ.190-192).

Đặc biệt là văn kiện gợi lên một vài đề tài mang tính “hiện sinh” hơn là lý thuyết, chẳng hạn như: sự sửa bảo huynh đệ (đ.193), chăm sóc những anh em cao tuổi (đ.194-196).

4/ Mục thứ bốn lại càng đi vào lãnh vực hiện sinh hơn nữa, nghĩa là những căng thẳng trong việc dung hòa giữa đời sống cộng đoàn với sứ vụ trong bình diện cá nhân, và những căng thẳng xảy ra trong đời sống cộng đoàn (đ. 197-200). Phương thế giải quyết là học nghệ thuật đối thoại.

Mục thứ bốn (cũng như toàn thể văn kiện) được kết thúc với những lời như sau: “Việc thường huấn phải giúp chúng ta thêm tin tưởng vào Thiên Chúa và tôn trọng người khác. Mục đích cuối cùng của nó là mang lại sự chữa lành, hy vọng và canh tân vào trong cuộc đời của chúng ta và trong cuộc đời của những ai được ủy thác cho chúng ta chăm sóc”.

B. Quy chế học vấn chung

Bản văn này đã được duyệt trong tổng hội Bologna, nhưng vì cần được bổ túc cho nên mãi đến ngày 7-3-2016 (tưởng nhớ thánh Tôma về trời) mới được ban hành.

Mối tương quan giữa hai bản Quy chế đã được phát biểu trong Quy chế Đào tạo, điều 10 như sau: “Quy chế Đào tạo Chung cần được đọc cùng với Quy chế Học vấn Chung. Việc học hành là một thành phần cốt yếu của hình thức tu trì của chúng ta. Việc học hành không phải là một lựa chọn thay cho hoạt động tông đồ nhưng là một phần cần thiết cho việc phục vụ Lời Chúa. Bởi vì học hành là thành phần toàn diện của hình thức tu trì của chúng ta, cho nên nó liên quan với cầu nguyện và chiêm niệm, với tác vụ Lời, và với đời sống trong cộng đoàn. Vì thế không bao giờ được phép bàn đến việc đào tạo của chúng ta mà không quy chiếu về việc học hành, cũng như bàn đến việc học hành mà không quy chiếu đến những khía cạnh khác của việc đào tạo”.

Tư tưởng này cũng được nhắc lại trong Quy chế Học vấn điều 7: “Trong Dòng chúng ta, có một sự thống nhất chặt chẽ giữa việc học hành với các yếu tố khác của đời sống. Việc học hành của tu sĩ Đa Minh không thể tách rời khỏi đời sống huynh đệ cộng đoàn; khỏi đời sống cầu nguyện cử hành Phụng vụ hay việc giữ thinh lặng trong tâm hồn; khỏi sứ vụ giảng thuyết và chăm sóc những người đã được Giáo hội ủy thác cho chúng ta”, và điều 8 nói thêm: “Việc học hành này không chấm dứt với việc hoàn thành tiến trình đào tạo sơ khởi của tu sĩ Đa Minh. Việc truy tầm chân lý và yêu mến học hành sẽ tiếp tục thôi thúc suốt cuộc đời của anh. Chân lý sẽ thách đố anh, sẽ đòi hỏi anh hãy chú ý lắng nghe người khác, và sẽ đòi hỏi chính anh không ngừng hoán cải ngõ hầu có thể làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, với lòng xác tín vững chắc hơn, với tinh thần tự do hơn, và với tình người đậm đà hơn”.

Một cách cụ thể, trong chương Hai (về Cấu trúc tiệm tiến của việc học hành), bản Quy chế lần lượt bàn đến ba đề tài: 1/ Đào tạo hiến định (đ.11-23); 2/ Việc học bổ túc và học chuyên ngành (đ.24-27); 3/ Vị trí của sự học hành trong việc thường huấn (đ.28).

Thiết nghĩ nên ghi nhận hai điểm:

a) Việc học bổ túc (additional studies) và học chuyên ngành (complementary studies) được xem như là giai đoạn “hậu hiến định”, và phần nào bổ túc cho giai đoạn ấy. Sự khác biệt ở chỗ là việc học “bổ túc” nhằm “cung cấp cho anh em những kiến thức chuyên sâu hơn cho công tác tông đồ, những kỹ năng hữu ích, và linh động hơn cho sứ vụ”, và kéo dài thêm hai năm sau khi hoàn thành giai đoạn đào tạo hiến định; còn việc học “chuyên ngành” mang tính cách hàn lâm, nhằm đạt được các bằng cấp master, license hoặc doctorate (đ.24). Tiếp theo đó, điều 25 thêm rằng: “Mặc dù cần phải quan tâm đến ước nguyện, sáng kiến cá nhân và khả năng theo đuổi một khóa học bổ túc hoặc một chương trình học chuyên ngành tăng cường, nhưng phải luôn nhớ rằng việc học ấy nhằm thúc đẩy thiện ích chung của Tỉnh dòng và của toàn Dòng”.

b) Khi chuyển sang đề tài thứ ba (học hành trong giai đoạn thường huấn), bản văn quy chiếu về Quy chế đào tạo tổng quát (đ.171-200) và không thêm điều gì mới.

Như vậy, chúng ta thấy hai quy chế liên quan đến việc đào tạo đều nhắc đến thường huấn, nhưng xem ra còn sơ sài, chưa đi sâu vào nội dung chi tiết. Về điểm này chúng ta có thể học hỏi rất nhiều trong các văn kiện của Tòa Thánh. Đó là điều sẽ được khảo sát trong phần thứ hai của bài thuyết trình.

2. Thường huấn trong các văn kiện của Tòa Thánh

Trong phần này, chúng ta chú ý đến các văn kiện liên quan đến việc đào tạo các tu sĩ và các linh mục. Thay vì xếp đặt theo thứ tự thời gian, chúng tôi sẽ phân ra hai mục chính dựa theo đối tượng: đào tạo tu sĩ và đào tạo giáo sĩ.

A. Đào tạo tu sĩ

1/ Văn kiện căn bản nhất là Chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các dòng tu (do Bộ Đời sống thánh hiến ban hành ngày 2-2-1990)[3]. Đây là một văn kiện đã được cưu mang 15 năm, vì thế được coi khá chín mùi. Vấn đề đào tạo thường xuyên được bàn trong chương Ba, từ số 66-71, dưới ba đề mục chính: a) lý do; b) nội dung; c) những thời điểm quan trọng. Chúng ta hãy rảo qua một vòng.

a) Lý do. Có ba lý do cơ bản:

Do chính chức năng của đời sống tu trì giữa lòng Giáo Hội. Chức năng ấy có tính đoàn sủng về cánh chung rất ý nghĩa, đòi buộc các tu sĩ phải đặc biệt lưu tâm đến đời sống của Thánh Linh, trong lịch sử riêng của mỗi người, và trong niềm hy vọng và lo âu của các dân tộc.

Do những thách đố mà tương lai của niềm tin Kitô giáo đề ra trong một thế giới đang biến chuyển thần tốc.

Do chính đời sống của các dòng tu và nhất là tương lai của họ. Đời sống và tương lai ấy tùy thuộc một phần vào việc huấn luyện liên tục cho các phần tử của mình.

b) Nội dung. Việc huấn luyện liên tục là một quá trình đổi mới toàn diện nhắm đến mọi khía cạnh của con người tu sĩ và của toàn thể hội dòng. Bốn khía cạnh đáng lưu ý là: đời sống tâm linh; sinh hoạt mục vụ trong Giáo hội; bồi dưỡng đạo lý và nghiệp vụ; trung thành với đoàn sủng riêng. Nói vắn tắt: tâm linh, mục vụ, đạo lý, tu trì.

c) Những thời điểm quan trọng. Việc huấn luyện liên tục mang tính thường xuyên, nhưng đặc biệt là vào những khúc ngoặt của cuộc đời, và dễ sinh ra những khủng hoảng, đáng kể nhất là ở 5 hoàn cảnh sau đây:

Thời chuyển tiếp từ giai đoạn huấn luyện sơ khởi sang kinh nghiệm đầu tiên của đời sống tự lập hơn.

Khoảng mười năm sau khấn trọn, tức là thời gian thấy có nguy cơ “sống máy móc” và mất đi tất cả nhiệt tình ban đầu.

Sự trưởng thành đầy đủ thường có nguy cơ phát triển chủ nghĩa cá nhân, nhất là nơi những người có tính cương quyết và hiệu năng.

Những khủng hoảng trầm trọng có thể xảy ra cho mọi lứa tuổi do những yếu tố ngoại lai (đổi nơi ở, đổi việc làm, thất bại…) hoặc do những yếu tố trực tiếp nơi cá nhân (bệnh tật về thể lý hay tâm lý, bị thử thách).

Thời gian rút lui dần khỏi các công việc.

2/ Tông huấn Vita consecrata (25-3-1996) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành các số 69-71 cho việc thường huấn, với tư tưởng hầu như lặp lại Huấn thị vừa kể trên. Có ba điểm đáng ghi nhận:

Về sự cần thiết của thường huấn, số 69 viết: “Thường huấn là một đòi hỏi của việc thánh hiến tu trì. Tiến trình đào tạo không bị giới hạn vào giai đoạn sơ khởi. Do các giới hạn của con người, người tận hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất nơi mình việc thai nghén con người mới”.

Số 70 kể ra năm thời điểm cần đến thường huấn, tuy nhìn nhận rằng các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống: (i) Những năm đầu của việc hội nhập vào hoạt động tông đồ; (ii) ở tuổi trung niên; (iii) giai đoạn đứng tuổi; (iv) tuổi cao niên; (v) lúc sắp lìa đời; đó là chưa kể những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống có thể gây khủng hoảng.

Những chiều kích của việc huấn luyện: tâm linh; nhân bản và huynh đệ; tông đồ; văn hóa và nghề nghiệp; đoàn sủng của dòng[4].

B. Đào tạo giáo sĩ

Trong lãnh vực đào tạo tu sĩ, văn kiện của Bộ Đời sống thánh hiến dọn đường cho tông huấn của Giáo hoàng; còn trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ thì thứ tự ngược lại: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mở ra hướng đi, và Bộ giáo sĩ tiếp nhận vào các văn kiện thực thi.

1/ Việc đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay là chủ đề của tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (ngày 25-3-1992). Văn kiện gồm 6 chương và chương cuối cùng được dành riêng cho việc thường huấn (điều 70-81)[5]. Có thể nói được là đây là lần đầu tiên chúng ta gặp thấy một khảo luận hệ thống về thường huấn trong đời sống linh mục, với 6 tiết mục như sau:

Bản chất và lý do (đ.70).

Thông điệp đưa ra nhiều lý do khác nhau của việc thường huấn linh mục, thuộc lãnh vực tự nhiên và thuộc lãnh vực thần học.

Những lý do tự nhiên: (i) nhờ việc đào tạo mà con người thực hiện ước muốn trưởng thành; (ii) bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải cải tiến để phục vụ đắc lực hơn.

Những lý do thần học. (i) sự đòi hỏi của ơn gọi: người được Chúa kêu gọi cần phải trung thành với việc đáp trả ban đầu; (ii) nghĩa vụ đối với Dân Chúa: các giáo dân có quyền trông mong được tiếp xúc với những người mục tử xứng đáng; (iii) đức ái mục tử: mong muốn đáp trả lại hồng ân của Thiên Chúa và phục vụ các nhu cầu của đoàn chiên.

Những khía cạnh của việc thường huấn (đ.71-72): nhân bản, tâm linh, trí thức, mục vụ.

Nội dung của thường huấn xét theo ba khía cạnh của Giáo hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ (đ.73-75).

Vài hoàn cảnh đặc biệt: (i) những năm đầu sau khi thụ phong; (ii) trung niên và cao niên; (iii) tình trạng suy nhược thể chất và mệt mỏi tinh thần (đ.76-77).

Những người có trách nhiệm với việc thường huấn: chính linh mục; giám mục và linh mục đoàn; các cộng đoàn và gia đình (đ.78-79).

Những phương tiện: các cuộc gặp gỡ với giám mục; những cuộc gặp gỡ huynh đệ (tĩnh tâm, học hỏi, suy tư); những hình thức sống chung, các hiệp hội linh mục; linh hướng.

2/ Những nguyên tắc mà tông huấn Pastores dabo vobis vạch ra đã được Bộ Giáo sĩ diễn tả ra thực hành qua hai văn kiện quan trọng:

Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (ấn bản lần đầu ngày 31-3-1994, và ấn bản lần thứ hai ngày 11-2-2013). Trong ấn bản mới, nội dung gồm ba phần: (i) Căn tính linh mục: đ.1-44. (ii) Linh đạo linh mục: đ.45-86. (3) Việc thường huấn: đ.87-115. Chủ đề thường huấn được trình bày qua bốn tiết mục sau đây

Các nguyên tắc (đ.87-98): Nhu cầu của việc thường huấn ngày hôm nay; Dụng cụ thánh hóa; Quyền lợi và nghĩa vụ của linh mục và của Giáo hội; Việc huấn luyện phải thường xuyên, đầy đủ (gồm mọi chiều kích: nhân bản, tu đức, trí thức, mục vụ, có hệ thống, được cá nhân hóa).

Việc tổ chức và các phương tiện (đ.99-104): các cuộc gặp gỡ giữa hàng linh mục; năm mục vụ dành cho các tân linh mục; thời kỳ nghỉ ngơi “sabat”; ngôi nhà cho giáo sĩ; các kỳ tĩnh tâm và linh thao.

Những người có trách nhiệm (đ.105-110): chính linh mục; sự trợ giúp của anh em đồng nghiệp; Đức Giám mục; huấn luyện các nhà đào tạo; sự cộng tác giữa các giáo phận và các học viện.

Các độ tuổi và các hoàn cảnh đặc biệt (đ.111-115): Những năm đầu tiên của đời linh mục; sau một số năm thi hành tác vụ; các linh mục cao niên; các linh mục ở những hoàn cảnh đặc biệt (suy yếu thể lý, mệt mỏi tinh thần, cô đơn).

Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (Quy chế căn bản về đào tạo căn bản).

Trong ấn bản lần đầu (ngày 6-1-1970, được cập nhật ngày 19-3-1985 sau khi ban hành Bộ giáo luật), chỉ có hai điều cuối cùng (đ.100-101) dành cho việc “đào tạo sau chủng viện”. Ấn bản mới, được ban hành ngày 8-12-2016, bàn đến thường huấn trong chương Bốn (Đào tạo khởi đầu và Thường huấn), từ các điều 80-88. Tuy vẫn quy chiếu về Kim chỉ nam đời sống linh mục (đ.87-115), nhưng văn kiện cũng đưa ra vài điểm mới liên quan đến các thời điểm và các phương thức thực hiện.

Xét về các thời điểm, văn kiện này có một lối phân chia mới:

Những năm liền ngay sau khi thụ phong.

Sau vài năm kinh nghiệm mục vụ, những thách đố mới liên quan đến thừa tác vụ và đời sống linh mục có thể lộ diện: (i) kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân; (ii) nguy cơ cảm thấy mình là công chức của điều linh thánh; (iii) thách đố của nền văn hóa thời đại; (iv) sức hấp dẫn của quyền lực và sự giàu có; (v) thách đố của đời sống độc thân (suy thoái về mặt tình cảm); (vi) suy yếu nhiệt tâm tông đồ.

Các linh mục cao niên và đau yếu.

Xét về những phương thức của tình huynh đệ bí tích, một vài hình thức đặc biệt được đề nghị: gặp gỡ huynh đệ để cầu nguyện và chia sẻ; linh hướng và xưng tội; tĩnh tâm; chia sẻ bữa ăn; đời sống chung; những hiệp hội linh mục.

3. Thường huấn: một cái nhìn tổng quát

Khi đối chiếu hai văn kiện của Dòng với các văn kiện của Giáo Hội, ta thấy nhóm thứ hai phong phú hơn nhiều xét về nội dung cũng như về chi tiết. Trong phần thứ ba, chúng ta thử đưa ra một cái nhìn tổng hợp, xét về bản chất thường huấn cũng như những phương thức thực hiện.

Bản chất thường huấn

Chúng ta thấy có sự tiến triển trong quan niệm về thường huấn trong những năm gần đây. Thực vậy, quan niệm về thường huấn mới ra đời vào giữa thế kỷ XX, vì thế không lạ gì mà nó không xuất hiện trong các văn kiện của Dòng và trong Giáo hội trước đó. Công cuộc đào tạo tu sĩ cũng như giáo sĩ được coi như kết thúc với việc khấn trọn đời hoặc thụ phong linh mục. Dần dần người ta mới thêm những khóa “mục vụ” để học thêm những kỹ năng thực hành nhằm bổ túc cho các kiến thức khá nặng về lý thuyết trong việc đào tạo quy củ.

Vào giữa thế kỷ XX, trước những thay đổi mau lẹ của khoa học kỹ thuật, người ta thấy cần phải tổ chức những khóa huấn luyện để “canh tân, cập nhật, bồi dưỡng” ngõ hầu theo kịp đà tiến của xã hội. Đây là một nhu cầu theo xã-hội-học, và thường chỉ giới hạn vào lãnh vực kiến thức (hiểu biết hay thực hành). Từ đó mới nảy ra những thuật ngữ: huấn luyện / đào tạo liên tục / thường xuyên (ongoing formation / continued training / education / formation), hoặc “tu nghiệp”.

Giáo hội cũng cảm thấy nhu cầu tương tự đối với các nhân viên của mình: bên ngoài, xã hội đang thay đổi; bên trong, Giáo hội sau công đồng Vaticanô II đang thúc đẩy việc canh tân. Không lạ gì mà đó đây nhiều khóa tu nghiệp hoặc bồi dưỡng được tổ chức. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do thuộc nghiệp vụ, trong những thập niên gần đây, Giáo hội còn phải đương đầu với một thách đố khác: nhiều tu sĩ hoặc giáo sĩ xin hồi tục vì không thấy hạnh phúc trong ơn gọi của mình. Tại sao vậy? Có lẽ động lực không chỉ bởi vì họ không thể thích nghi với thời đại, nhưng còn bởi vì họ gặp những khủng hoảng trong ơn gọi của mình. Từ đó, việc thường huấn trở thành khẩn trương và phần nào cũng làm thay đổi quan niệm về bản chất của nó: việc cập nhật kiến thức mà thôi chưa đủ; cần phải đổi mới lòng say mê với ơn gọi nữa. Đây là điều mà có lẽ ít người nhận ra khi phân tích các văn kiện về đào tạo. Sự mới mẻ nằm ở hai điều căn bản: thứ nhất, tương quan giữa đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên; thứ hai, phạm vi thường huấn. Hai điều này sẽ làm thay đổi tất cả các nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm và những phương thức thể hiện thường huấn.

1/ Đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên

Trước đây, người ta cho rằng việc đào tạo kết thúc với lời khấn trọn đời (hoặc chịu chức). Những gì tiếp theo đó chỉ nhằm bổ túc thêm. Quan niệm như vậy coi thường huấn như bổ túc cho huấn luyện sơ khởi, và giới hạn vào phạm vi kiến thức: cần phải ôn lại những gì đã học ở nhà trường (để lâu ngày thì dễ quên) hoặc cập nhật hóa sự hiểu biết theo đà tiến của khoa học. Bây giờ người ta quan niệm ngược lại, việc đào tạo là một tiến trình bao gồm toàn diện con người và kéo dài suốt đời; vì thế việc huấn luyện sơ khởi chỉ là chuẩn bị cho việc huấn luyện liên tục. Có thể nói được rằng việc đào tạo chính thức bắt đầu từ lúc khấn trọn đời (tu sĩ) hoặc thụ phong linh mục (giáo sĩ). Tại sao? Bởi vì đối với ơn gọi tu sĩ hay linh mục, thì việc đào tạo có một nội dung sống động, đó là đáp lại tiếng gọi của Chúa. Việc huấn luyện sơ khởi giúp cho đương sự đáp lại tiếng gọi ấy một cách ý thức (qua lời khấn dòng, hoặc lãnh chức thánh). Sau khi đáp lại tiếng “Xin vâng” ấy, việc huấn luyện thường xuyên giúp cho đương sự duy trì cho lời cam kết ấy luôn sống động. Mặt khác, lời cam kết tận hiến (tu sĩ hoặc giáo sĩ) bao hàm việc “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Điều này không thể nào diễn ra trong nháy mắt, nhưng đòi hỏi một tiến trình hoán cải liên lỉ, ngõ hầu lột bỏ con người cũ, và dần dần mặc lấy những tâm tình của con người mới giống như Đức Kitô (Pl 2,5).

Hiểu như thế, tông huấn Vita consecrata (điều 70) quan niệm thường huấn như là một sự “trung tín năng động” (fidelitas dynamica). Tông huấn Pastores dabo vobis (điều 70) diễn tả mối liên hệ giữa đào tạo sơ khởi với đào tạo thường xuyên qua công thức: vocatio ad sacerdotium và vocatio in sacerdotio. Nói cho cùng đây chỉ là nhắc lại lời của thánh Phaolo nhắn nhủ ông Timotê: “Hãy làm khơi dậy ân huệ Thiên Chúa ở nơi anh” (x.2Tm 1,6).

2/ Các khía cạnh của việc đào tạo thường xuyên

Như đã nói trên đây, ngoài xã hội, việc thường huấn thường chỉ giới hạn vào lãnh vực kiến thức. Trong Giáo hội, nhiều người cũng thường nghĩ như vậy. Nhưng các văn kiện gần đây của Giáo hội (chẳng hạn hai tông huấn Pastores dabo vobis và Vita consecrata) đều nhấn mạnh đến sự việc đào tạo toàn diện, nghĩa là toàn thể con người giáo sĩ hoặc tu sĩ, thường được mô tả qua bốn khía cạnh: nhân bản – tâm linh – đạo lý – tông đồ. Việc liệt kê các khía cạnh này không hàm ngụ hệ trật giá trị (cái gì cao nhất) cho bằng đi từ cái chung đến cái riêng. “Nhân bản” liên quan đến tất cả con người, cả hồn lẫn xác. “Tâm linh” liên quan đến chiều kích tín ngưỡng, cách riêng liên quan đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. “Đạo lý” liên quan đến lãnh vực đức tin và thần học Kitô giáo. “Tông đồ” được hiểu về lãnh vực mục vụ; đối với các tu sĩ, nó được hiểu về đoàn sủng của mỗi dòng. Sự phân biệt các khía cạnh mang tính cách miêu tả lý thuyết; trên thực tế, tất cả bốn đều có liên hệ với nhau, chẳng hạn như “tâm linh” không thể nào tách rời khỏi “tâm lý” của cá nhân và “linh đạo” của mỗi dòng.

Dưới một khía cạnh khác, các văn kiện Tòa Thánh cũng vạch cho thấy những “méo mó” thường gặp trên tiến trình sống ơn gọi, và vì thế cần được lưu ý trong vấn đề đào tạo.

a) Nhân bản. Trên nguyên tắc, theo dòng thời gian, con người phải chín chắn già dặn hơn. Tuy nhiên, tình trạng tương phản không chỉ là con người ấu trĩ, nhưng còn là người khó tính khó nết, cau có, cộng thêm thái độ hách dịch, kiêu căng. Nhiều người quy gán cho não trạng giáo-sĩ-trị (cléricalisme); nhưng có người giải thích rằng tiền tài và địa vị chẳng qua chỉ là sự bù trừ cho tình trạng trống vắng tình cảm của người độc thân, dưới danh nghĩa là làm sáng danh Chúa.

b) Tâm linh. Nói đơn giản, đường tâm linh là đường nên thánh. Có lẽ chúng ta không kỳ vọng muốn làm thánh. Nhưng thử hỏi: liệu người đời cho nhận ra nơi chúng ta những bậc “chân tu” hay không, sau khi đã mừng ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh khấn dòng hoặc chịu chức?

c) Đạo lý. Khía cạnh này thường được nhấn mạnh hơn cả, qua các lớp tu nghiệp, các khóa thường huấn. Trên thực tế, một điểm thiếu sót trầm trọng cho tỉnh dòng cũng như cho Giáo hội Việt Nam là chúng ta thiếu chuyên viên trong rất nhiều lãnh vực thần học. Thử hỏi: có bao nhiêu linh mục hoặc tu sĩ nắm vững Học thuyết xã hội của Giáo hội, để huấn luyện cho các giáo dân biết đường hướng làm việc tông đồ? Xin mạo muội hỏi thêm: có lẽ nhiều linh mục tu sĩ đã tổ chức những khóa mục vụ hôn nhân, nhưng có bao nhiêu người thành thạo về thần học đời tu? Trong tỉnh dòng, có nhiêu anh em nắm bắt lịch sử của Dòng, cách riêng lịch sử thần học hoặc truyền giáo của Dòng Đa Minh?

d) Tông đồ. Đây cũng là một lãnh vực khá mênh mông. Còn rất nhiều kỹ năng mà chúng ta cần học hỏi để thi hành sứ vụ, chẳng hạn như trong ngành truyền thông xã hội. Nhưng tôi chỉ xin lưu ý một khía cạnh, đó là sự dấn thân cho sứ vụ. Nhiều anh em thích làm mục vụ, cách riêng là mục vụ giáo xứ; nhưng đến khi tỉnh dòng cần bổ nhiệm một chính xứ thì tìm mãi không ra người! Nói cách khác, chúng ta có rất nhiều cha phó xứ, và suốt đời chỉ muốn làm phó xứ, chứ không chịu tiến xa hơn!

3/ Các tác nhân

Quan niệm mới mẻ về thường huấn kéo theo sự đổi mới trong những người có trách nhiệm thực hành.

Chính đương sự

Mỗi khi bàn về đào tạo (giáo dục, huấn luyện), chúng ta lập tức nghĩ đến những nhà huấn luyện (nhà giáo) và những người được huấn luyện (môn sinh, người thụ huấn). Cha ông chúng ta đã chẳng nói rằng: “Không thầy đố mầy làm nên” đấy ư? Tuy nhiên, thứ tự đã bị đảo ngược trong văn kiện của Bộ Đời sống thánh hiến Những chỉ dẫn về việc huấn luyện khi đặt trách nhiệm trước tiên cho chính cá nhân tu sĩ (điều 29), rồi mới đến các vị huấn luyện (điều 30). Thứ tự này áp dụng cho toàn thể việc đào tạo, và lại càng đúng hơn nữa khi bước sang giai đoạn thường huấn. Lý do là vì việc đào tạo nhằm giúp tu sĩ đáp lại cách tự do tiếng gọi của Thiên Chúa; đây là chuyện cá nhân của tu sĩ, và không ai làm thay được. Điều này mang theo ít là hai hệ luận khi soạn thảo chương trình đào tạo cho một cộng đoàn (tu viện, tỉnh dòng, toàn đòng).

- Hệ luận thứ nhất: mọi chương trình đào tạo cần được cá-biệt-hóa. Mỗi người là một hữu thể có một không hai trên đời này. Mỗi người cần có một chương trình riêng, phù hợp với điều kiện của mình. Thỉnh thoảng cần biết đọc lại lịch sử của cuộc đời, để khám phá những “dấu chỉ” của Chúa Quan phòng trong đó.

- Hệ luận thứ hai: mọi kế hoạch đào tạo tùy thuộc vào quyết tâm của đương sự. Mỗi người cần nhận thức sự cần thiết của việc thường huấn và cam kết thực hiện. Nếu thiếu sự quyết tâm, thì bao nhiêu dự án được tổ chức ở cấp cộng đoàn hoặc giáo phận đều vô ích. Sự quyết tâm này bao hàm sự ngoan ngoãn tuân theo Lời Chúa và Thánh Linh (docibilitas: một thuật ngữ được tạo ra để nói đến ý muốn học hỏi, học từ đời sống), để mỗi ngày trung thành với Tin mừng hơn. Tôi biết rằng mình còn bất toàn, và cương quyết tiến lên.

b) Cộng đoàn địa phương

Đối với các tu sĩ, cộng đoàn địa phương là môi trường thường xuyên của việc đào tạo, nơi mà tu sĩ sống cuộc đời dâng hiến, không chỉ qua việc thi hành ba lời khuyên Tin mừng, mà còn qua việc đọc kinh, làm việc, tông đồ. Cộng đồng cũng nâng đỡ đương sự qua nhiều cách thức khác: những gương xây dựng, những lời khuyến khích hoặc sửa bảo, những cơ hội cổ võ thường huấn như sẽ nói dưới đây.

Xét về cơ cấu tổ chức, “Quy chế đào tạo” nói đến trách nhiệm của Bề trên, với sự trợ giúp của vị khuyến học (đ.178; xem thêm “Quy chế học vấn” số 48). Một điều quan trọng được nhắc nhở là chương trình thường huấn phải được đưa vào “dự phóng cộng đoàn” hằng năm. Nên nhớ là vị đương kim Bề trên tổng quyền đã viết một bức thư cho toàn dòng để nói về “dự phóng cộng đoàn”[6], một điều đã được Hiến pháp nói đến ở điều 311 II, nhưng theo chỗ tôi biết, ở trong tỉnh dòng, chưa tu viện nào thực hiện, tuy rằng tu viện nào hằng năm cũng có dịp dã ngoại chung. Có lẽ bởi vì không quen gặp nhau để thảo ra “dự phóng cộng đoàn” cho nên chúng ta cũng không quen tổ chức làm việc chung (hoặc ngược lại).c) Tỉnh dòng và Dòng.

Hiến pháp đã dự trù một “Quy chế đào tạo chung” cho toàn dòng, và “Quy chế đào tạo riêng” cho mỗi tỉnh dòng, cùng với những đặc trách tương ứng. Tôi không muốn dừng lại ở điểm này, vì muốn dành thời gian còn lại cho các phương thế thường huấn.

B. Phương thế thường huấn

Tôi xin trình bày hai điểm: những hình thức và những thời điểm.

1/ Những hình thức

Như trên đã nói, thường huấn có nghĩa là huấn luyện thường xuyên, liên tục, mỗi ngày. Nhưng trên bình diện cơ cấu cộng đoàn, cần tổ chức những buổi thường huấn vào vài dịp đặc biệt.

Từ sau công đồng Vaticanô II, nhiều sáng kiến đó đây đã được đề ra để giúp cho việc thường huấn, được Ủy ban giáo sĩ của Hội đồng Giám mục Italia (năm 2000) gom vào bốn nhóm như sau[7]:

a) Tâm linh: Những cuộc tĩnh tâm chung mỗi tháng hoặc hằng năm. Bên cạnh các bài giảng, còn có những cuộc trao đổi chia sẻ. (Có lẽ ở Việt Nam, các cuộc tĩnh tâm chưa được đánh giá như là “thường huấn”).

b) Thần học: Những buổi hội thảo, hoặc những lớp bồi dưỡng, hoặc những khóa tu nghiệp. (Bên cạnh những phương tiện cổ truyền, thiết tưởng cần thêm internet, nơi mà chúng ta tìm thấy những kho tài liệu khổng lồ).

c) Mục vụ: thảo luận về những vấn đề nằm trong kế hoạch mục vụ tại địa phương. Những khóa đặc biệt dành cho các tân linh mục hoặc các linh mục mới được bổ nhiệm làm Cha Sở.

d) Gặp gỡ huynh đệ. Các cuộc gặp gỡ nhân ngày thánh hóa linh mục, truyền chức, hay các lễ trong giáo phận. Đối với các giáo sĩ giáo phận, các văn kiện Tòa thánh khuyến khích thiết lập những hiệp hội cổ võ đời sống huynh đệ để nâng đỡ khích lệ nhau.

2/ Những thời điểm

Giai đoạn đào tạo sơ khởi được phân chia thành nhiều chặng, chẳng hạn như: tiền tập viện, tập viện, khấn đơn, khấn trọn đời đối với các tu sĩ; hoặc: tiền chủng viện, triết học, năm thực tập, thần học, năm mục vụ, đối với các chủng sinh. Nhưng khi bước sang cuộc đào tạo thường xuyên thì không thể phân thành các chặng như vậy, một phần bởi vì giai đoạn rất dài và mang tính cá vị, nhưng đã nói trên đây. Tuy vậy, các văn kiện của Tòa Thánh về đào tạo tu sĩ và giáo sĩ đều nêu bật vài thời điểm cần đến thường huấn đặc biệt (và không chỉ về trí thức mà thôi), khi đương sự gặp những cuộc khủng hoảng.

Những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, chẳng hạn do bệnh tật thể lý hoặc tâm thần, do sự mất mát một người thân, do sự thất bại trong công việc. Dĩ nhiên, những hoàn cảnh rất là cá biệt, và không thể dự đoán được. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm của khoa tâm lý học, người ta có thể phân biệt được vài “chu kỳ” trong cuộc đời, thường dễ gây khủng hoảng, được nói khá tỉ mỉ trong các văn kiện của Tòa thánh về đào tạo giáo sĩ và tu sĩ: a) những năm đầu tiên sau khi mãn khóa; b) tuổi trung niên; c) người cao niên.

a) Tu sĩ trẻ vừa mới hoàn tất việc đào tạo sơ khởi.

Việc chuyển đổi môi trường rất dễ gây sốc. “Quy chế về đào tạo tổng quát” đã lưu ý các bề trên về sự bổ nhiệm đầu tiên. Không nên để tu sĩ này sống một mình, nhưng cần có người đồng hành. Ngoài ra cũng cần có những cuộc họp hằng năm cho các tu sĩ mới ra trường trong vòng 6 năm để có dịp chia sẻ kinh nghiệm (đ.184-185). Thêm vào đó, “Quy chế học vấn tổng quát” còn nói đến những lớp học bổ túc hoặc chuyên ngành (đ.24-25). Đây là điều mà chúng ta chưa làm.

b) Lứa tuổi trung niên.

Khoảng 10 năm sau khấn trọn đời hay chịu chức. Tu sĩ đã dần dần quen hoạt động, với nguy cơ là sống cách máy móc, đó là chưa kể giảm sút sức khỏe hoặc không thu lượm được nhiều thành quả. Vì thế đương sự cần được giúp đỡ để lấy lại niềm hăng say. Nhiều nơi đề nghị một kỳ nghỉ « sabat », để bồi dưỡng chuyên nghiệp hoặc tâm linh, mục vụ[8].

c) Tuổi cao niên

Sức lực đã suy giảm. Tu sĩ bắt đầu rút lui khỏi hoạt động. Dễ cảm thấy bị bỏ rơi, trở thành vô dụng. Cộng đoàn cần làm thế nào để nâng đỡ tinh thần cho người anh em ấy, để giúp họ cảm thấy mình luôn luôn có thể góp phần xây dựng Nước Chúa, bằng hy sinh, cầu nguyện, truyền thụ kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ngoài ra, mỗi người cũng cần chuẩn bị cho tuổi già, qua lời dạy của thánh vịnh 92,12 : « Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan », biết phân biệt cái gì là chính yếu trong cuộc đời, và cái gì là thứ yếu.

Dù sao, chúng ta không thể bỏ qua những cuộc "khủng hoảng"[9] nằm trong chính ơn gọi của mình, sự căng thẳng giữa đời sống cộng đoàn và công tác mục vụ, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa sáng kiến riêng và sự hợp tác chung, vv …

Kết luận

Để kết luận, chúng tôi xin tóm lại ba điểm quan trọng đã làm thay đổi quan điểm về thường huấn (đào tạo thường xuyên) trong đời tu vào những năm gần đây.

1/ Thường huấn không phải là phụ thêm cho huấn luyện sơ khởi, nhưng là ngược lại: huấn luyện sơ khởi chuẩn bị cho thường huấn. Việc huấn luyện kéo dài suốt đời.

2/ Việc thường huấn không chỉ giới hạn vào lãnh vực trí thức mà còn bao gồm toàn thể con người, trong đó chiều kích tâm linh giữ vai trò trọng yếu. Nói khác đi, việc thường huấn nhắm đến việc nên thánh, qua việc duy trì tình bạn hữu thân mật với Chúa Giêsu.

3/ Do đó, người có trách nhiệm đầu tiên của việc thường huấn là chính mỗi người tu sĩ (hay giáo sĩ). Những nhân viên, cơ quan, thể chế được đặt ra nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của đương sự. Nếu thiếu sự quyết tâm của đương sự thì các hỗ trợ ấy không mang lại ích lợi gì.

Cuối cùng, đừng bao giờ quên rằng việc đào tạo không chỉ tùy vào nỗ lực của ta, nhưng còn là kết quả của sự hợp tác với ơn thánh Chúa: ơn kêu gọi cũng như ơn trung thành. Cũng như các trường hợp khác của ơn gọi, chính Chúa là tác nhân chính; chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa. Người đứng ở cửa và gõ … (Kh 3,20). Đôi khi chính Ngài gây ra những cuộc khủng hoảng để lay động chúng ta và mời gọi chúng ta hãy lên đường. 

[1] Điều này không có nghĩa là Dòng không có quy tắc gì về việc đào tạo! Không phải thế, những quy tắc về việc đào tạo được bàn rải rác trong Hiến pháp, nhưng không được gom thành một “Ratio” hệ thống. Xem Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2016, trang 56-58 (Việc đào tạo các nhà giảng thuyết)

[2] Xin đừng vội nhăn nhó hay trợn mắt! Đây là tình trạng chung trong Giáo hội, như sẽ nói trong phần thứ hai của bài thuyết trình. Các văn kiện của công đồng Vaticanô II chỉ đề cập đến việc thúc đẩy sự học hỏi nơi các giáo sĩ (Sắc lệnh Presbyterorum ordinis số 19), chứ chưa nói đến đào tạo thường xuyên. Đối với các tu sĩ cũng vậy (xem Sắc lệnh Perfectae caritatis số 18). Hơn thế nữa, non 20 năm sau khi công đồng bế mạc, bộ giáo luật ban hành năm 1983 cũng chỉ nói sơ sài về việc đào tạo « sau ngày khấn đơn » (đ.659-661).

[3] Xem Nguyễn Tất Trung (chủ biên) Theo Chúa Kitô. Những văn kiện đời tu, tập I, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2015, trang 510-591. Việc thường huấn còn được đề cập đến trong nhiều văn kiện khác, chẳng hạn: “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” (2-2-1994), số 43-45. Nên biết là Bộ giáo luật 1983 dành các điều 641-658 cho việc đào tạo sơ khởi, đặc biệt là tập viện; nhưng chỉ có ba điều (659-661) cho việc huấn luyện “sau khi tuyên khấn lần đầu”. 

[4] Những điểm này sẽ được lặp lại trong Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (ngày 19-5-2002), số 15.

[5] Nội dung của 6 chương là: 1/ Tình hình hiện tại (đ.5-10). 2/ Bản chất và sứ mạng của chức tư tế thừa tác (đ.11-18). 3/ Đời sống tâm linh của linh mục (đ.19-33). 4/ Mục vụ ơn gọi (đ.34-41). 5/ Việc đào tạo các ứng sinh linh mục (đ.42-69). 6/ Việc đào tạo thường xuyên của các linh mục (đ.70-81). 

[6] From the « Propositum » of the Order to the conventual project of apostolic life (21/9/2015).

[7] CEI Commissione per il Clero, La formazione permanente dei presbiteri (Lettera 18 maggio 2000), nn.4-7. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (2013), mô tả chi tiết các phương tiện này từ số 99-104.

[8] Nên ghi nhận rằng thường tuổi trung niên được hiểu vào khoảng 40-45 tuổi. Trước năm 1975, tu sĩ hoặc chủng sinh ra trường năm 26 tuổi, và người ta thấy đến tuổi 40 thì đã có nhiều người làm giám mục hoặc bề trên cao cấp. Ngày nay, tuổi ra trường là 35, và người ta cứ muốn trẻ mãi, cho nên hiếm khi thấy một giám mục dưới 60 tuổi !

[9] “Khủng hoảng” dịch bởi chữ “crisis” (tiếng Anh và crise tiếng Pháp). Theo tầm nguyên Hán Việt, “khủng hoảng” có nghĩa là quá sợ hãi, làm đầu óc rối loạn (Khủng: sợ hãi; hoảng: đầu óc rối loạn, không còn phân biệt gì). Tuy nhiên, gần đây, người ta nhận thấy rằng crisis được chuyển sang tiếng Hoa là “nguy cơ”. Từ này gồm bởi hai từ: “nguy” (là sợ hãi vì điều tai hại có thể xảy đến) và “cơ” (vừa có nghĩa là căn cớ, vừa có nghĩa là cơ hội, dịp may). Như vậy, nó sát với nguyên gốc Hy lạp, bởi vì krisis có nghĩa là “phân tích, cân nhắc, thử thách”. Do đó cái crisis không hẳn là tiêu cực, nhưng có thể trở thành cơ may để trưởng thành.

[Trích Thường huấn Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam - Số 2, 2024, tr. 143-167]
114.864864865135.135135135250