04/05/2024 -

Thánh dòng Đa Minh

2161
Các tín hữu Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với bức tượng ông thánh có đôi cánh thiên thần và ngọn lửa trên đầu – Thánh Vinh Sơn Phêriê hay Vincentê, thuộc Dòng Đa Minh. Hình ảnh này mô tả sứ vụ giảng thuyết đặc biệt của thánh nhân, được ví như sứ mạng của các Thiên thần thổi loa loan báo “giờ Người phán xét” trong sách Khải Huyền. Vị tông đồ rảo khắp Châu Âu rao giảng sứ điệp sám hối, kêu gọi dân chúng hoán cải đời sống, vì Chúa Kitô, vị Thẩm Phán đang “đứng trước cửa và gõ” (Kh 4,20).

Thánh Vinh Sơn sinh năm 1650 tại Tây Ban Nha. Gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết vào năm 17 tuổi, người tỏ ra xuất sắcc trong học tập và nhiệt thành sống kỷ luật tu trì. Năm 32 tuổi, người lãnh tác vụ linh mục, rồi dành hết tâm trí tận tuỵ với sứ vụ giảng thuyết. Hai mươi năm cuối đời, được ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vị Tông đồ Giảng thuyết rảo khắp Tây Âu đem Tin Mừng đến cho lương dân, kêu gọi các Kitô hữu hoá cải, thúc đẩy sự hoà giải trong Giáo hội. Không chỉ là một nhà giảng thuyết xuất sắc, mà người con là một tu sĩ thánh thiện và được ơn làm nhiều phép lạ. Người qua đời ngày 5 tháng 4 năm 1419 tại Van, nước Pháp. Ngày 29 tháng 6 năm 1455, Đức Giáo Hoàng Calíttô III ghi tên người vào sổ bộ các thánh. Lịch phụng vụ Giáo hội mừng kính thánh Vinh Sơn ngày 5 tháng 4. Lịch phụng vụ Dòng Đa Minh, với phép của Toà thánh, đã chuyển lễ mừng kính thánh nhân vào ngày 5 tháng 5.

Thánh Vinh Sơn đến Việt Nam theo chân các nhà truyền giáo Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI và được các tín hữu sùng kính một cách đặc biệt. Vị thánh trở nên nổi tiếng và dễ gần hơn với người Công giáo Việt Nam nhờ danh hiệu “Vị thánh hay làm phép lạ”.

(Hình chụp lễ bổn mạng Tu viện Vinh Sơn, Cát Đàm, 2021)

Nhân dịp mừng lễ thánh Vinh Sơn, chúng tôi trích đăng một chương của cuốn “Thánh Vinh sơn Phêriê : Thiên sứ ngày cánh chung” của tác giả Andrew Pradel, O.P. do Học Viện Đa Minh chuyển ngữ  và xuất bản năm 2014, từ trang 65-74.
ĐỜI SỐNG THÁNH THIỆN VÀ LỜI GIẢNG LÔI CUỐI
 
Mặc dù, được các Đức Giáo hoàng ủy quyền trọn vẹn, thánh Vinh Sơn sẽ không giảng tại bất kỳ nơi nào trước khi được Giám mục giáo phận chúc lành và ưng thuận, đồng thời được các bề trên địa phương của Dòng cho phép. Cha buộc mình thực hiện nguyên tắc cứng rắn khi đi đường là luôn đi bộ dù đường xa, dù nhiều khó khăn trên đường đi và thời tiết khắc nghiệt. Chỉ hai năm cuối đời, một vết thương đau đớn trên đùi buộc cha phải dùng phương tiện đi lại. Nhưng dù vậy, cha vẫn giữ tinh thần giản dị và khó nghèo. Cha từ chối sử dụng ngựa, và chọn một con lừa hạng trung, điều đó làm cho cha càng trở nên giống Đấng Cứu Độ hơn.

Trước khi vào bất cứ thành nào, cha quỳ gối, ngước mắt lên trời và tuôn rơi đẫm lệ. Cha cầu nguyện cho những người sẽ nghe cha giảng về sự phán xét. Cha thường được đón tiếp long trọng. Đức giám mục, hàng linh mục, các quan tòa, giới quý tộc và đông đảo dân chúng ra đón gặp cha. Họ đón tiếp cha dưới tán lọng với lòng kính trọng như đối với nhân vật hoàng gia, hay hơn nữa như một vị tông đồ hoặc một thiên thần. Họ hát những bài thánh ca, thánh vịnh, thánh thi với niềm phấn khởi khôn tả. Tại những nơi họ gặp cha, một cây thánh giá được dựng lên để mãi mãi ghi nhớ biến cố hạnh phúc ấy. Đôi khi người ta tập trung đông đến nỗi cần phải dựng những hàng rào gỗ bảo vệ cha khỏi đám đông hăm hở chen lấn xung quanh để nhìn thấy, và thậm chí chạm đến cha. Trong giây phút vinh quang kỳ diệu ấy, lòng khiêm nhường của cha vẫn không suy suyển. Những lúc như thế, lòng trí và môi miệng cha không ngừng vang lên lời Thánh vịnh: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ” (Tv 113 B,1).

Đến bất cứ nơi nào, điều cha quan tâm đầu tiên là thăm viếng thánh đường chính, để dâng lời cầu nguyện tha thiết trước Thánh Thể và phó thác cho Thiên Chúa việc giảng thuyết của mình. Sau đó, trở lại với dân chúng, cha khiêm tốn xin họ đón tiếp những người đồng hành của mình không thể có chỗ tại các quán trọ công cộng. Nếu trong thành có tu viện của Dòng, cha luôn lui về đó, trừ khi Đức Giám mục muốn cha tới Tòa giám mục, nơi cha có thể giúp ích nhiều hơn cho mọi người. Còn tại các làng quê nơi Dòng chưa hiện diện, cha chọn cách cư ngụ tại một đan viện nam hoặc ở cùng cha xứ. Trên đường tới nơi trọ, cùng với những người đồng hành, cha hát kinh cầu Đức Bà hoặc những kinh nguyện đạo đức khác.

Tuy hành trình mệt mỏi, cha chỉ nghỉ ngơi đôi chút tại những nơi cha lưu lại. Cha tiếp tục làm những việc theo thói quen: ăn chay, khổ chế, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Chúng ta biết rằng Hiến pháp của các Anh Em Giảng Thuyết không buộc thành tội, và chúng tôi sẽ nói thêm, ngoài tu viện, Dòng chấp nhận một sự miễn chuẩn hầu như tất cả những khoản luật tạo nên đời sống đan viện, nhưng vị thánh của chúng ta đã không sử dụng bất cứ sự miễn chuẩn nào, mà triệt để tôn trọng Hiến pháp với lòng thành tín của một tập sinh sốt sắng nhất. Cha tuân giữ mọi việc khổ chế, và còn thêm những việc khác nữa. Thế nên, cha luôn mặc chiếc áo nhặm. Hằng đêm, trước khi dùng bữa nhẹ, cha đánh tội đến chảy máu, và khi quá yếu đuối để tự làm việc này, cha xin một trong những người đồng hành, nhân danh Sự Thương Khó của Chúa, giúp đỡ và không miễn cho cha. Cha chỉ cho phép mình ngủ 5 giờ. Giường cha nằm thường là nền cứng hoặc một ít bó cây khô; một hòn đá hay cuốn Kinh Thánh được cha dùng như chiếc gối.

Lúc tảng sáng, cha thức dậy, thú tội và quỳ đọc kinh Thần Vụ; sau đó cha cùng những người đồng hành đến nhà thờ dâng lễ. Khi làm xong nhiệm vụ quan trọng đó, cha đi đến tòa giảng. Tòa giảng này được che bằng một chiếc lọng để bảo vệ cha khỏi bị ánh nắng thiêu đốt, đồng thời làm cho tiếng cha có thể vang đến được những thính giả xa nhất. Bằng lòng nhiệt thành dấn thân, cha giải thích các chân lý cao cả của tôn giáo với khả năng lôi cuốn và tài hùng biện Chúa ban.

Sau bài giảng, cha vẫn đứng dưới chân tòa giảng một thời gian để chúc lành cho rất nhiều người đau yếu được đem đến với cha, và cha thường chữa lành họ cách lạ lùng. Lúc ấy, một hồi chuông mời gọi người ta đến, và chuông ấy được gọi là Chuông phép lạ.

Khi kết thúc việc bác ái này, cha rút lui cùng các linh mục và các anh em đồng hành, để nghe những người trở lại xưng tội. Cha vẫn bận rộn cho tới trưa, tức là tới giờ ăn. Cha dùng thời giờ giữa bữa ăn thanh đạm và kinh Chiều để đọc sách thiêng liêng hoặc thinh lặng chiêm niệm; sau Kinh Chiều, cha giảng thuyết lần nữa. Cha dùng thời gian còn lại trong ngày để nghe xưng tội, hoặc giảng cho các đan sĩ, các linh mục ở bất cứ nơi nào cảm hứng thần linh dẫn dắt cha. Khoảng chập tối, cha bảo một trong những người đồng hành rung chuông phép lạ. Khi tiếng chuông ai cũng biết này vang lên, những kẻ đau ốm tập trung vào nhà thờ để được chữa lành. Buổi chiều khép lại cùng với một dòng hối nhân, những người công khai nhận kỷ luật, và với nghi thức đó, thánh Vinh Sơn kết thúc việc thi hành sứ vụ hằng ngày của mình.

Vị Hoàng tử của những nhà giảng thuyết được phú ban tố chất diễn thuyết có khả năng gây ấn tượng nơi nhiều người. Vẻ bề ngoài ưa nhìn cũng thêm vào ơn Chúa ban cho cha. Cha có tầm thước trung bình cân đối; tính cách dễ dàng và trang nghiêm; khuôn mặt dễ thương. Kiểu tóc vành rế được tạo ra bằng bộ tóc hoe đỏ rất đẹp. Vào cuối đời, bộ tóc này điểm vài sợi bạc. Cha có vầng trán rộng, uy nghi và điềm tĩnh; đôi mắt lớn, đen huyền rực lên tia sáng của trí thông minh và đức khiêm nhường. Khi còn trẻ, cha có nước da ửng hồng, nhưng việc khổ chế trường kỳ làm cho nét mặt cha xanh xao khổ hạnh, một dấu hiệu rõ ràng của cuộc đời sám hối. Khi đứng trên tòa giảng, chỉ diện mạo của cha cũng đủ làm cho tất cả các tâm hồn thống hối, vì khuôn mặt cha rực rỡ với sự thánh thiện và nhân đức kèm theo.

Các cử chỉ diễn đạt đầy ân sủng và sức mạnh, đồng thời phù hợp một cách tự nhiên với lời cha giảng. Giọng nói của cha, một giọng nói ran giòn như cây đàn bằng bạc, phù hợp với từng thời điểm và kèm theo hiệu quả lạ lùng. Khi lớn tiếng chống lại thói hư tật xấu, giọng cha trở nên mạnh mẽ và sắc sảo, đưa nỗi khiếp sợ vào tâm hồn thính giả. Khi khuyến khích họ yêu mến Thiên Chúa, thực hành các nhân đức, và ước muốn Thiên Đàng, lập tức giọng cha trở nên thân thương, ngọt ngào, dễ gây xúc động làm họ rơi lệ. Khi nói về sự thương khó của Chúa, về những đau khổ của Đức Mẹ, hoặc về linh hồn nơi luyện ngục, giọng cha buồn thảm não nề, bị cách quãng bởi những tiếng thở dài, gây nên lòng tôn kính và sự thương cảm sâu sắc. Khởi đầu bài giảng thường được ghi dấu bằng một giọng nghiêm trang, sắc sảo, có khả năng thu hút sự chú ý, còn kết thúc thì bằng một giọng đầy yêu thương và ngọt ngào nhất. Vẻ mặt cha thường xuyên như bừng cháy, nhưng khi gần kết thúc lại trở nên trắng như tuyết.

Ân huệ bề ngoài này nơi vị thánh của chúng ta đáng được so sánh với những phẩm chất trí tuệ. Trong những trang này, như chúng ta đã thấy, thánh Vinh Sơn dạy triết học và thần học tại các trường công trong một thời gian dài. Nhờ công việc này và sự thông minh thiên phú, cha đã tích lũy một kho rộng lớn học thuyết và thủ đắc được phương pháp lý luận tuyệt vời. Trí nhớ tài tình giúp cha nói năng trôi chảy. Cha thuộc lòng toàn bộ Thánh Kinh; và quen thuộc phần lớn tư tưởng của các Giáo phụ và Tiến sĩ Giáo hội. Cha làm cho mảnh đất quý giá thêm tốt tươi bằng việc chiêm niệm khi đi từ thành này qua thành khác, và suốt đêm cha vẫn chuẩn bị bài giảng trong trầm tư.

Nhưng, đặc biệt trong cầu nguyện vị Tông đồ thế kỷ XV đã tìm được những tư tưởng tuyệt vời, những tâm tình dịu dàng và niềm vui thiêng liêng, đốt cháy những lời cha nói. Ngày kia, một thính giả, vô cùng thích thú với giáo lý sâu sắc cha giải thích cách rõ ràng và sôi nổi, đã hỏi cha từ sách nào cha rút ra học thuyết uyên bác và tư tưởng đặc sắc cho các bài giảng như thế. Thánh Vinh Sơn đã chỉ cho anh cây thánh giá, và nói: “Anh hãy nhìn cuốn sách mà từ đó tôi thu thập tất cả những điều tôi giảng và trong đó, tôi nghiên cứu các bài giảng của tôi”. Thật vậy, văn chương thế tục không bao giờ cung cấp cho thánh nhân chất liệu giảng thuyết. Đó chỉ là Thánh Kinh, được các giáo phụ giải thích. Hiếm khi những mẫu gương hay tài liệu của các tác giả ngoại giáo vang lên nơi môi miệng cha. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy rao giảng Tin Mừng”, nhưng không nơi nào Người nói: “Hãy rao giảng Ovid, Virgil hoặc Horace”. Nguyên tắc của cha là như thế, và các nguyên tắc ấy được chứng minh bằng lý lẽ, vì như vòi nước không thể vọt lên cao hơn nguồn cung cấp, giáo thuyết phàm tục cũng vậy, bởi sinh ra từ thế gian, nó không thể vượt lên trên mức độ thế gian, trong khi đó Tin Mừng có thể đưa lên trời cả những người rao giảng và những người đón nhận.

Tuy nhiên, sự rõ ràng trong văn phong là một trong những giá trị lớn nhất nơi thánh nhân. Đôi khi, cha phải giải thích những điểm giáo lý khó hiểu nhất hoặc xa vời với khả năng hiểu biết bình thường, nhưng cha đã làm điều đó với cách chọn từ ngữ khéo léo đến nỗi những người lắng nghe lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng họ đã hiểu rõ ràng những điều trước đây dường như vượt quá khả năng hiểu biết của họ. Một sự thích hợp kỳ lạ ảnh hưởng trên cách diễn đạt của cha; cách diễn đạt cao nhã hoặc đơn giản thích hợp với tầm hiểu biết của thính giả. Bằng cách này, cha làm hài lòng người có học và chỉ dạy kẻ dốt nát. Khi ngỏ lời với người nghèo, cha dùng ngôn từ thích hợp lạ kỳ với điều họ nghĩ. Cha thường trích dẫn những sự kiện thú vị trong đời sống các thánh hoặc các giáo phụ; nhờ đó, cha làm cho họ chú ý, trong khi cha cũng xác nhận những lời của chính mình bằng uy tín qua việc nêu gương. Thỉnh thoảng, cha thuật lại cho họ những điều chính cha đã chứng kiến hoặc đã làm; và để người ta không nghi ngờ bằng chứng đã đưa ra, cha không bao giờ nói về mình trên diễn đàn trừ khi điều ấy gây cho thính giả chú ý ở mức cao nhất.

Cha thường chọn chủ đề giảng thuyết là Cuộc phán xét cuối cùng, và những kết luận thực hành rút ra từ đó là thống hối ăn năn, thay đổi cách ăn nết ở và một đời sống mới. Một điểm mà cha rất nhấn mạnh là lòng yêu mến kẻ thù. Vào thời đại này, những mối thù truyền kiếp vẫn thường xảy ra làm cho các thành phố hoặc các gia đình chiến đấu chống lại nhau, thường dẫn đến cái chết tàn nhẫn. Thánh Vinh Sơn không nghĩ rằng ngài đã làm được điều gì cho tới khi công khai hòa giải những kẻ bị tình trạng thù hằn chia rẽ. Đôi khi các bài giảng của cha kéo dài bất thường, bởi vì cha tự làm gián đoạn bằng những tiếng thở dài, những lời than vãn, mà tài năng hùng biện sôi nổi này nảy sinh từ thính giả. Có lúc, cha ngừng lại để khóc và để làm dịu cảm xúc của mình; những lần khác, thì để tiên báo một số sự kiện hay phép lạ. Tóm lại, những lúc ngừng lại này thường do trạng thái xuất thần gây ra, và khi ngừng xuất thần, cha lại tiếp tục mạch diễn thuyết của mình như chẳng có gì xảy ra.

Nơi tòa giảng, thánh Vinh Sơn là như thế!
114.864864865135.135135135250