29/04/2025 -

Thánh dòng Đa Minh

156

Vào năm 1517, linh mục - học giả Martin Luther đã đến gần cánh cửa nhà thờ Castle ở Wittenberg, Đức quốc, và đóng vào đó một mảnh giấy chứa 95 ý kiến mang tính cách mạng vốn sẽ là khởi nguồn của cuộc Cải cách của anh em Tin Lành. Lúc này, các vương quốc châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức và Giáo hội rất cần cải cách. Một số nhà cai trị dân sự đã chiến đấu để giữ cho lãnh thổ của mình vẫn là mảnh đất của Công giáo, trong khi những người khác chiến đấu để loại bỏ đức tin Công giáo. Trong Giáo hội, cải cách là cần thiết để giải quyết các lạm dụng tài chính, gia đình trị, giáo sĩ kém chất lượng, sự yếu kém trong quản trị, các cuộc tranh luận thần học và thiếu sự thống nhất trong Phụng vụ. Giữa bối cảnh hỗn loạn ấy, một vị Thánh được sinh ra cho chúng ta[1].

Một vị thánh được sinh ra cho chúng ta

Đức Thánh Cha Piô V sinh ngày 17 tháng 1 năm 1504 tại làng Bosco (xứ Piémont) Alêsan. Năm 1520 Ngài gia nhập Dòng Anh em Giảng thuyết. Từ lúc đó, ngài mang tên là Micae Ghiliêri, O.P.. Cùng với sự say mê học hành, đời sống khó nghèo và chuyên cần rèn luyện nhân đức, thầy Micae đã sống trọn vẹn ơn gọi của một tu sĩ Đa Minh. Sau thời gian dùi mài kinh sử, học hỏi thánh khoa, chuyên tâm chiêm niệm, năm 1528, thầy Micae được truyền chức linh mục ở Genoa. Ngài đã làm giáo sư triết và thần học ở đại học Bologne suốt 15 năm. Vì nổi trội về khả năng học vấn và cả trong đàng nhân đức, vị linh mục trẻ này đã nhanh chóng được Dòng tin tưởng cắt cử đảm trách nhiều chức vụ khác nhau, như giám sư tập sinh, bề trên nhiều tu viện. Dù ở cương vị nào thì cha vẫn luôn quan tâm đến việc giữ luật dòng nghiêm túc. Ở cha nổi bật lên hai điểm sáng, đó chính là vâng phục và bác ái. Chính hai nhân đức đó đã giúp cha trở thành một trong những nhân tố quan trọng giúp cải cách đời sống tu trì trong Dòng. 

Trong khoảng thời gian 16 năm sống tại tu viện Pavia, ngoài việc phụ trách giảng dạy triết học và thần học, cha Micae còn được bổ nhiệm làm Cao ủy Tòa án Dị giáo, sau đó được thuyên chuyển sang Como và Bergamo, cũng cùng trách nhiệm này. Trong những nơi mà cha Micae được gửi đến trong tư cách là Cao ủy Tòa án Dị giáo[2], thì Como là nơi nguy hiểm hơn cả. Thụy Sĩ lúc bấy giờ là trung tâm của Cải cách. Trong suốt thời gian thi hành sứ mạng tại đây, ngài thường phải đối diện với nhiều hiểm nguy, kể cả liên quan đến tính mạng. Nhưng Thiên Chúa đã che chở cho ngài.

Với lòng nhiệt thành, sự thông minh và lòng nhân ái nhưng đầy quả cảm, năm 1555, Đức Giáo hoàng Piô IV đã đặt ngài làm giám mục Népi và Sutri, rồi bộ trưởng thánh vụ. Chỉ hai năm sau đó, Giáo hoàng Piô IV cất nhắc ngài lên hồng y[3]. Năm 1559, Giáo hoàng lại giao cho ngài tòa Mondovi trong xứ Piémont. Dù trên ngôi cao, ngài vẫn giữ sự khắc khổ, khó nghèo: ăn mặc thô sơ và từ chối mọi của cải, gia tài cha mẹ chia cho ngài. Ngày 7 tháng 1 năm 1566, ngài được cơ mật viện bầu làm giáo hoàng khi ngài được 62 tuổi. Ngài trở thành người kế nhiệm Giáo hoàng Piô IV và lấy tên là Piô V.[4]

Một giáo hoàng của kỷ luật và canh tân

Là vị Giáo Hoàng đầu tiên sau Công đồng Trentô, Đức Piô V là người thi hành các sắc lệnh của Công đồng một cách rất triệt để. Ngay từ khi đảm nhận vai trò kế vị thánh Phêrô, ngài đã bắt tay ngay vào việc cải tổ đời sống Giáo hội, trước hết thúc đẩy việc canh tân hàng giáo sĩ. Ngài yêu cầu các giáo sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng. “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Chính bản thân ngài, dù đã trở thành Giáo hoàng, nhưng vẫn giữ một đời sống nhiệm nhặt của một tu sĩ Đa Minh. Không những thế ngài cũng dành thời gian tiếp xúc với dân nghèo. Cứ chiều thứ năm hằng tuần, ngài rửa chân cho mười hai người nghèo và hôn kính họ. Ngài tập trung lo lắng cho họ qua những cánh tay trung gian như hội “Nhân ái Florence”, bệnh viện của Dòng Gioan Thiên Chúa. Theo tục lệ, ngài sẽ phải trích tặng hàng trăm đồng tiền vàng cho các đại sứ dịp lễ Đăng quang. Thay vì vậy, ngài lại dùng số tiền đó để trợ giúp những tu viện nghèo nhất ở Rôma. Khi đối diện với những lời phàn nàn của người khác về hành động đó (vì nó ảnh hưởng đến vấn đề ngoại giao trong nội bộ thế giới Kitô giáo), ngài nói: “Thiên Chúa sẽ không trừng phạt tôi chỉ vì tôi cướp đi một bữa tiệc linh đình của hoàng gia, nhưng chính Người đòi tôi phải chia sẻ tiền của với những người túng thiếu, là những người thân cận của Người.”[5]

Ngay từ những ngày đầu trong cương vị Giáo hoàng, ngài đã tỏ ra mình thực sự là thanh gươm của Tổng lãnh Thiên thần Micae, được Thiên Chúa dùng để canh tân Giáo hội. Nhân đức khó nghèo không phải là một thứ để phô diễn, cốt để người khác khen. Nhưng đó là một phương thế khôn ngoan để con người trở nên khiêm tốn khi lắng nghe Lời Chúa. Người ta sẽ dễ dàng tìm thấy sự khó nghèo nơi ngài không chỉ ở những cải tổ nơi hàng giáo sĩ, mà còn nơi những tu sĩ, những giáo dân có dịp tiếp xúc với ngài. Thật vậy, trong dinh thự của ngài, ngài đã thiết lập một quy định dành cho những người làm việc trong đó, bất kể họ có là giáo sĩ hay không. Ngài luôn yêu cầu mọi người rèn luyện nhân đức trong mỗi việc làm hằng ngày. Ngài không bao giờ để cho một việc xấu xa nào được phép xảy ra trong dinh thự của ngài. Ngài đã làm cho dinh thự đó trở nên như một tu viện, mà mọi người nơi đây sống với nhau như một cộng đoàn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì khao khát lớn nhất của ngài là chỉ cần sống trong một tu viện Đa Minh với tư cách là một tu sĩ thấp hèn.
Nhưng khi đã được đặt vào ngai tòa Phêrô, khi ngài không thể sống trong một tu viện được nữa, thì ngài lại chủ động lập nên một tu viện ngay chính phủ Giáo hoàng. Cộng đoàn tu viện này vẫn có những kỷ luật tu trì riêng, nhất là được thể hiện nơi đời sống chiêm niệm và cầu nguyện. Ngài yêu cầu mỗi tuần phải dành ra ba buổi, mỗi buổi đủ một giờ đồng hồ để mọi người quy tụ lại cùng nhau nghe và suy niệm Lời Chúa, cũng như đọc sách thiêng liêng. Vốn là một giáo sư Dòng Đa Minh, ngài đặc biệt quan tâm đến việc truy tìm chân lý qua học hành, nên ngài còn sẵn lòng cung cấp sách một cách rất chân thành và tận tâm cho mỗi người, để bên cạnh những giờ suy niệm chung, họ có những phút giây thinh lặng và chiêm niệm riêng.

Bên cạnh đó, ngài cũng cho soạn thảo và ban hành cuốn Kinh bổn Công đồng (1566). Cuốn sách này được dùng như tài liệu chính thức giúp cho Giáo hội, nhất là giáo dân hiểu biết kĩ càng mầu nhiệm đức tin của Giáo hội. Cũng cần nhắc lại, sở dĩ lạc giáo có điều kiện phát triển rộng khắp là do giáo dân còn quá mù mờ về đức tin Kitô giáo. Lược đồ của cuốn sách này hiệu quả đến mức mà Công đồng Vatican II sau này, đã dựa vào nó mà phác thảo lược đồ sách giáo lý mới. Chính trong Tông hiến Fidei Depositum, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu: “Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo, một mặt lấy lại cách sắp xếp cũ, đã trở thành truyền thống mà Sách Giáo Lý của thánh Piô V đã theo, và chia nội dung thành bốn phần.”Còn đối với hàng giáo sĩ, Đức Piô V cho xuất bản bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô để hàng giáo sĩ nghiên cứu. Ngài còn yêu cầu các Đại học, khi giảng dạy thánh khoa, phải sử dụng bộ sách đó như tài liệu chính thức. Để đề cao giá trị của bộ sách này, cũng như tôn vinh tác giả, ngài đã tôn phong thánh Tôma Aquinô lên bậc Tiến sĩ Hội thánh (1567). Một trong bốn trụ cột của đời sống Đa Minh là học hành, nghiên cứu, nên vì vốn là một tu sĩ Đa Minh, ngài đặc biệt chăm lo cho việc học hỏi, nghiên cứu thánh khoa.

Nhận thấy sự cần thiết của việc giữ gìn di sản đức tin, và để củng cố xác quyết của Công đồng về tầm quan trọng của Thánh truyền đối với mạc khải, nên ngài đã yêu cầu tu sĩ Laurent Surius soạn thảo công trình Đời sống các thánh Tông phụ.[6] Ngài cũng cho chỉnh lý lại Sách Kinh nguyện Phụng vụ (1568) và Sách Lễ (1570). Trong mọi nhà thờ, ngài truyền phải đọc kinh Thần Vụ hằng ngày. Vì với ngài, như trước đây đã từng yêu cầu anh em trong Tu viện phải giữ các giờ kinh Thần Vụ với cộng đoàn, nếu “không nguyện kinh Thần Vụ là không có lòng đạo đức, không biết thờ phượng Chúa và cũng không mang lại ơn lành của Chúa cho cộng đoàn. Ngược lại, muôn ân phúc sẽ tuôn đổ trên chúng ta khi chúng ta cao rao ngợi khen Thiên Chúa.”[7] Đối với Sách Lễ, theo quyết nghị của Công đồng, Đức Piô V đã thống nhất hình thức cử hành phụng vụ trong toàn Giáo hội. Ngài là người đầu tiên đưa ra những quy định rất rõ những gì buộc làm, được làm, không được làm trong các cử hành Phụng vụ – điều mà ngày nay chúng ta gọi là Luật chữ đỏ.

Giữa bao chông gai, ngài luôn một lòng tín thác nơi Chúa.

Một trong những điểm nhấn trong triều đại của Đức Thánh Cha Pio V đó là lòng sùng Kính Đức Maria, đặc biệt qua biến cố trận chiến tại vịnh Lepantô vào thế kỉ XVI. Lúc ấy, với uy thế đang gia tăng trên chiến trường Âu châu, đế quốc Ottoman bắt đầu tiến công vào vịnh Lepanto. Nếu các nước thuộc vùng Italia bây giờ bị thất thủ, Tòa Thánh sẽ bị đe dọa. Khi ấy, Đức Piô V đã kêu gọi mọi người cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng. Ngày 7/10/1571, quân Ottoman bại trận, hòa bình được lập lại tại vịnh Lepanto cũng như tại các nước lân cận. Mọi người đều tin rằng Mẹ Maria đã can thiệp để cứu giúp Giáo hội. Trong bối cảnh đó, Đức Piô V quyết định thiết lập lễ Đức Bà chiến thắng để ghi nhớ biến cố này, sau đó, lễ này đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi; và với bửu sắc Consueverent Romani Pontifices, ngài thêm phần thứ hai của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…” với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.

Trong thời gian trận chiến Lepanto diễn ra, người ta đã trông thấy Đức Piô V yếu đi hẳn. Nhưng ngài vẫn cố gắng vượt qua những giới hạn của thể xác để gắng gượng chiến đấu bảo vệ Giáo hội. Sau trận Lepanto, sức khỏe của ngài sút giảm trầm trọng, nhất là từ tháng Một năm 1572. Tuy vậy, ngài vẫn ráng sức làm việc và chu toàn các trách nhiệm của mình. Những đau đớn thể xác càng ngày càng tăng thêm. Và để chính mình không ngã lòng trông cậy, ngài thường quỳ gối trước Thánh giá và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin tăng thêm sự đau đớn nơi con, nhưng cũng ban cho con sức chịu đựng những đau đớn đó”. Đây là một lời nguyện tuyệt vời. Bởi từ trong lời nguyện này, chúng ta thấy được Đức Piô V là một người luôn phó thác mọi sự cho Chúa. Sự phó thác này còn hàm chứa khao khát được trở nên một với Đức Giêsu thông qua việc gắn kết các đau đớn thể xác nơi bản thân với các vết thương chí thánh của Đức Giêsu. Đó là lý do vì sao người ta vẫn thường thấy Đức Piô V hôn kính năm dấu thánh của Thập giá Chúa Kitô. Hành vi thánh thiện này có thể được xem như là sự tỏ bày lòng thống hối của con người hèn mọn này trước Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng của đời mình, để suy tôn Đấng Cứu Độ, ngài đã yêu cầu đặt một cây Thánh giá giữa nhà nguyện, rồi ngài nằm phủ phục, thờ lạy, sau đó hôn kính các dấu thánh. Tuy càng ngày, sức khỏe càng cản trở việc thi hành sứ mạng Giảng thuyết và chăn dắt đoàn chiên của ngài, nhưng ngài vẫn cố gắng, dưới sự giúp đỡ của một vài người, xuất hiện trước công chúng dân thành Rôma vào Đại lễ Phục Sinh, để ban phép lành toàn xá. Và đây chính là lần cuối cùng ngài xuất hiện trước dân chúng. Khi biết được giờ của mình sắp đến, ngài muốn đi bộ đến bảy Vương cung thánh đường tại Rôma, như là những việc đền tội sau cùng. Các Hồng y đã can ngăn ngài, vì các vị lo sợ ngài sẽ ngã gục trong hành trình đó. Nhưng với tính cách cương quyết vì phần rỗi các linh hồn, ngài vẫn thực hiện mong muốn của mình. Khi đến Đền thờ Gioan Lateranô, ngài đã ngã quỵ. Những người đi chung đã phải dìu ngài về lại Dinh Tông tòa. Chiều hôm đó, ngài vẫn làm việc bình thường, rồi đi ngủ. Và ngài không thể ngồi dậy được nữa.

Từ sau hôm đó, tin đồn rằng ngài sắp đến giờ lâm chung được loan đi. Và tất nhiên, hương thơm thánh thiện của ngài đã khiến cho các tín hữu đau buồn. Họ từ khắp nơi tuôn về Thành Đô, trong nước mắt thương nhớ, họ cầu nguyện liên lỉ cho người mục tử nhân lành của mình. Vì chỉ còn có thể nằm trên giường, nên ngài không thể dâng lễ được nữa. Hằng ngày, ngài yêu cầu người khác đọc lớn tiếng và chậm rãi các Thánh vịnh sám hối, và nhất là Bài Thương khó của Đức Giêsu. Ngày 30 tháng Tư năm 1572, ngài lãnh Bí tích Xức dầu. Trong ngày hôm đó, ngài đã nói với những vị Hồng y đang hiện diện rằng: “Điều duy nhất tôi có thể làm lúc này là với tâm hồn mình, tôi tha thiết xin anh em hãy lựa chọn một Giáo hoàng luôn nhiệt tâm vì vinh quang Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi thứ nơi trần thế này; và không tìm kiếm điều gì khác ngoài thiện ích của Giáo hội.” [8] Cho đến cuối đời, mối bận tâm duy nhất của ngài vẫn là vì vinh quang Thiên Chúa. Và vinh quang Thiên Chúa lại được tỏ bày nơi ơn cứu độ dành cho hết thảy mọi người.

Vào chiều ngày 01 tháng Năm năm 1572, ngài đã ra đi, không một vướng bận, và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Đấng đã chịu khổ nạn và phục sinh. Chỉ cần điều này thôi, chúng ta đã có thể gọi ngài là một đấng anh hùng của Giáo hội, cũng như tin ngài đã được phúc hiệp đoàn cùng các phúc nhân.

Năm 1696, quá trình phong thánh cho Đức Piô V đã bắt đầu thông qua những nỗ lực của Tổng quyền Dòng lúc bấy giờ là cha Antonin Cloche. Đức Giáo hoàng Clêmentê X đã tuyên ngài lên bậc chân phước, Giáo hoàng Clêmentê XI (1700 - 1721) đã tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 24 tháng 5 năm 1712. Trong năm sau, 1713, ngày lễ nhớ thánh Piô V đã được đưa vào lịch Rôma. Năm 1969, ngày lễ kính của ngài đã được chuyển thành ngày 30 tháng 4, một ngày trước ngày kỷ niệm ngài rời bỏ thế gian.
Lạy Chúa, Chúa đã an bài cho thánh Piô V Giáo hoàng trở thành người bảo vệ đức tin và canh tân phụng vụ trong Hội Thánh. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con biết cử hành các mầu nhiệm của Chúa với đức tin sống động và lòng mến nhiệt thành.[9]
Quốc Trọng  - Đức Hữu tổng hợp
[1] https://mycatholic.life/saints/saints-of-the-liturgical-year/april-30-saint-pius-v-pope/ truy cập lúc 8h00, ngày 28/04/2025.

[2] Trong cuốn Lịch sử Giáo hội Công giáo, Quyển 1 (Calgary: Chân lý, 1999), Lm. Bùi Đức Sinh, OP. dịch chữ Inquisitio (Latin) hay Inquisition (tiếng Anh) là Tòa Truy tà. Tác giả giới thiệu như sau về Tòa Truy tà: Năm 1233, Đức Thánh Cha Gregorio IX trao cho dòng Đa Minh một sứ mạng rất tế nhị: Tòa Truy tà (Inquisition). Tòa này đã có từ năm 1184 dưới triều Giáo hoàng Lucio III, do các giám mục và khâm sai Tòa Thánh nắm giữ, có mục đích điều tra và tố cáo những người theo lạc giáo và trừng phạt các kẻ cố chấp gây nhiễu loạn. Từ nay, Giáo hội trao công việc này cho một cộng đoàn chuyên môn, có người thừa hành, có kế hoạch và phương pháp (tr. 352). Như vậy, từ năm 1233, các tu sĩ Đa Minh chính thức đảm trách các trách nhiệm của Tòa Truy tà. Nhưng Tòa Truy tà, hay Tòa án Dị giáo thời cha Ghislieri có sự thay đổi. Tác giả trình bày thêm ở trang 354 như sau: Lại cũng không nên lẫn lộn với Tòa Truy tà có tính chính trị, được thành lập năm 1478 tại Tây Ban Nha dưới triều Fernando V và Isabella, để thay thế cho Tòa Truy tà nói trên hầu như không còn […] Tòa Truy tà mới này ban đầu được trao cho linh mục Thomas Torquemada (1420-98) Dòng Đa Minh, rồi đến Đức Hồng y Jimenes (1436-1517) Dòng Phan Sinh, có mục đích tầm nã các người Do Thái và Mauro đã bị án, là thù địch nguy hiểm của đức tin và quốc gia. Tòa Truy tà này thực sự cũng không quá bạo tàn như người ta phê phán, nó buộc các tín đồ Do Thái và Mauro theo đạo Công giáo, nếu muốn được ở lại trên đất Tây Ban Nha (vì đã có lệnh nhà vua trục xuất họ). Do đó, tòa án này không những được toàn dân chấp nhận mà còn được hoan nghênh, vì nhờ có nó mà người Tây Ban Nha bảo toàn được đức tin Công giáo, thoát khỏi mọi xu hướng, nguy hiểm đến mất đạo trong thế kỷ XV và XVI dưới triều Felipe II (1557-98). Tòa án giống như thế còn hoạt động cả ở Hà Lan, để tầm nã những người theo lạc giáo. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm về Inquisitio trong cuốn Tìm hiểu dòng Đa Minh, Phan Tấn Thành, Học viện Đa Minh, 2013, tr. 258-269.

[3] Có một điểm đáng chú ý, trong lòng hồng y đoàn, ngài mạnh mẽ chống lại Piô IV là người muốn chấp nhận Ferdinand de Médicis vào hồng y đoàn, bởi người này lúc đó chỉ mới mười ba tuổi, và cậu bé này lại thuộc dòng tộc Médicis – dòng tộc rất danh giá thời đó, và Đức Piô IV cũng thuộc dòng tộc này. Do vậy, bằng sự quyết liệt vốn có nơi mình, ngài đã phản đối Đức Giáo hoàng đến cùng. Trong những khốn khổ mà Đức Hồng y Ghislieri phải đối diện, điều cần lưu ý là ngài chỉ phản đối Đức Giáo hoàng, chứ không chống đối. Cần phải nhấn mạnh điều này để thấy được một điểm sáng nơi đức vâng phục và khiêm nhường của ngài. Là một Hồng y, chắc hẳn ngài phải biết rõ tầm quan trọng của việc trung thành với Giáo hội như thế nào. Và nhất là, thời đại của ngài là thời đại mà Giáo hội đang gặp căng thẳng với cuộc ly khai của Luther, dẫn đến việc thành lập Giáo hội Cải cách.19 Trung thành với Giáo hội phải khởi đi từ việc trung thành với đức tin của Hội thánh, do các Tông đồ truyền lại, đặt nền trên Kinh Thánh và Thánh Truyền. Và Đức Giáo hoàng, khi kế vị thánh Phêrô, có trách nhiệm bảo vệ đức tin đó. Việc Đức Piô IV bổ nhiệm một Hồng y chỉ mới mười ba tuổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tinh tuyền và vẹn toàn của đức tin. Hồng y Alexandria đã khảng khái nói rằng: “Giáo hội không cần những đứa trẻ, nhưng là những người đàn ông trưởng thành, là những người có khả năng gánh vác trên vai mình sự thánh thiện và tiếng nói công bằng của Giáo hội.” (Thomas A. Dyson, The Life of St. Pius the Fifth and other Saints, tr 34-35)

[4] Theo niên giám tòa thánh năm 1806 thì ngài đắc cử Giáo hoàng năm 1566 và ở ngôi Giáo hoàng trong 6 năm 3 tháng 25 ngày. Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định ngài đắc cử Giáo hoàng ngày 7 tháng 1 năm 1566, ngày khai mạc chức vụ mục tử đoàn chiên chúa là ngày 17 tháng 1 và ngày kết thúc triều đại của ngài là ngày 1 tháng 5 năm 1572.

[5] Thomas A. Dyson, The Life of St. Pius the Fifth and other Saints, tr. 39.

[6] Hương Việt, Hạnh các thánh, Tập 1, tr. 609.

[7] C. M. Antony Woodcock, Đức Piô V – Giáo hoàng của kinh Mân Côi, tr. 38.

[8] Thomas A. Dyson, Sđd, tr.111 – 112

[9] Lời Tổng nguyện lễ Thánh Pio V
114.864864865135.135135135250