29/06/2024 -

Thần học

1386
Đây là vị đứng đầu trong tông đồ đoàn, được Đức Giêsu đặt làm đá tảng, trên đó Người xây dựng Giáo hội. Có thể nói, đây là nhân vật nổi bật của Nhóm Mười Hai, được các Tin Mừng nhắc đến nhiều nhất. Vì Phêrô có vị trí quan trọng đặc biệt, nên đức Bênêđictô XVI dành ba buổi tiếp kiến chung để nói về ngài:

- Ngày 07 tháng 05 năm 2006: giới thiệu gốc tích, thân thế của vị tông đồ và điểm qua những nét chính yếu về tính cách của ngài theo các Tin Mừng.

- Ngày 24 tháng 05 năm 2006: suy ngẫm về hai khoảnh khắc quan trọng mang tính quyết định trong cuộc đời Phêrô, có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội sau này.

- Ngày 07 tháng 06 năm 2006: nói về vai trò và sứ mạng đặc biệt của Phêrô so với các tông đồ khác.



Anh chị em thân mến!

Sau Đức Giêsu, thánh Phêrô là nhân vật được đề cập nhiều nhất trong các bản văn Tân Ước. Ngài được nhắc đến 154 lần với tên gọi Pétros, nghĩa là đá. Như chúng ta biết, Pétros là một thuật ngữ Hy Lạp, được chuyển dịch từ danh xưng Cephas (Kêpha) trong tiếng Aram, mà Đức Giêsu đã trực tiếp đặt cho Phêrô. Còn danh xưng Cephas chỉ được nhắc đến 9 lần, đặc biệt trong các thư của thánh Phaolô. Ngoài ra, cũng phải kể đến một tên gọi khác, xuất hiện khá thường xuyên, đó là Simon (75 lần). Đây là dạng thức Hy Lạp hóa của từ Simeon trong tiếng Hípri,[1] nguyên gốc có nghĩa là gấp đôi. Simon Phêrô là “con của ông Gio-an”[2] (nói theo thể thức tiếng Aram là “Bar-Jona”[3]), quê ở Bếtsaiđa,[4] một thị trấn nhỏ phía đông Biển Hồ Galilê. Đây cũng là quê hương của Philípphê, và tất nhiên, của cả Anrê, anh của Simon Phêrô nữa.

1. VỊ NGƯ PHỦ

Phêrô sử dụng phương ngữ của miền Galilê. Giống như Anrê, ông là một ngư phủ, ngày ngày cùng với gia đình bác lác giềng Dêbêđê (thân phụ của hai anh em Giacôbê và Gioan) hành nghề chài lưới trên biển hồ Ghênêsaret.[5] Vậy hẳn là Phêrô có điều kiện sinh sống ổn định.

Phêrô có lòng đạo chân thành, tâm trí luôn hướng về Chúa, hằng ước mong Người ra tay hành động, can dự vào thế giới này. Lòng khao khát ấy thôi thúc Phêrô cùng với anh mình đi đến tận miền nam Giuđêa, nghe ông Gioan rao giảng.[6]

Phêrô là một người Do Thái đầy lòng tin và tuân thủ luật pháp. Ông tín thác vào sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc, đau đáu trong lòng khi chưa nhìn thấy Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Người trong các biến cố ông kinh qua ở thời điểm đó. Phêrô đã lập gia đình và nhạc mẫu của ông sống tại Caphácnaum, trong ngôi nhà mà chính ông cũng đã ở. Đức Giêsu đã từng đến ngôi nhà ấy.[7] Những cuộc khai quật khảo cổ gần đây đem lại tia sáng mới. Bên dưới nền khảm hình bát giác trong một ngôi nhà thờ Byzantin nhỏ, có những dấu tích về một ngôi thánh đường cổ hơn được xây dựng trong ngôi nhà đó. Người ta phát hiện có những hình vẽ và chữ viết mô phỏng một lời cầu khẩn với thánh Phêrô.

Các Tin Mừng cho chúng ta biết: Phêrô là một trong bốn môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu[8] (thêm vào số bốn môn đệ ấy là một người thứ năm, mang danh xưng Lêvi,[9] để hợp với truyền thống, mỗi Rabbi phải có năm môn đệ). Khi Đức Giêsu nâng số các môn đệ từ năm lên mười hai,[10] thì nét mới mẻ trong sứ vụ của Người được tỏ hiện. Người không phải là một trong số những Rabbi thời đó, nhưng Ngài là một Rabbi hoàn toàn mới, đến để quy tụ tất cả mọi người vào đoàn dân Israel cánh chung. Điều này được biểu tượng hóa bằng con số mười hai: con số các chi tộc Israel.

Simon Phêrô xuất hiện trên các trang Tin Mừng là người có tính khí nóng nảy và cương quyết. Ông sẵn sàng bày tỏ chính kiến của bản thân, kể cả bằng bạo lực (hãy nhớ lại biến cố Phêrô sử dụng thanh gươm trong vườn Cây Dầu).[11] Ông cũng tỏ ra là một người ngây ngô, sợ hãi, nhưng có lòng thành thực và hoán cải tận căn.[12]

Các Tin Mừng cho phép chúng ta từng bước theo gót Phêrô trên hành trình tâm linh của ngài. Xuất phát điểm là lời kêu gọi của Đức Giêsu, xảy đến vào một ngày rất đỗi bình thường, khi Phêrô đang tất bật với công việc đánh cá của mình. Đức Giêsu xuất hiện tại biển hồ Ghênêsaret và đám đông đang quy tụ quanh Người để nghe giảng dạy. Số lượng thính giả gây ra một tình huống khó khăn. Đức Giêsu trông thấy hai chiếc thuyền được đậu sát bờ biển, chủ thuyền đã lên bờ và đang giặt lưới. Người xin phép lên thuyền (thuyền ấy là của Simon), yêu cầu ông chèo ra xa bờ một chút. Sau khi ngồi xuống, từ trên thuyền, Người bắt đầu giảng dạy cho dân chúng.[13] Trong hoàn cảnh ấy, chiếc thuyền của Phêrô đã trở nên “giảng đường” cho Đức Giêsu.

Sau khi giảng xong, Người nói với ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”.[14] Ông đáp: “Thưa Thầy! Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.[15] Ở đây Đức Giêsu chẳng đưa ra lời giải thích nào, Người đòi hỏi Phêrô phải có lòng tin. Và quả thực, Phêrô, một người hành nghề chài lưới đã lâu, hoàn toàn tin tưởng, vâng lời Đức Giêsu, dù rằng Người chỉ là anh thợ mộc chứ không phải ngư phủ rành nghề.

Phản ứng của Phêrô trước mẻ cá lạ lùng được biểu lộ qua sự kinh ngạc và sợ hãi: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”.[16] Đức Giêsu đáp lời bằng việc mời gọi ông tín thác và sẵn sàng cho một chương trình vượt trên tất cả những gì ông mong đợi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.[17] Phêrô không thể mường tượng một mai kia ông sẽ đến Rôma, và tại đó, ông trở thành “kẻ lưới người” cho Chúa. Ông đã đón nhận lời mời gọi bất ngờ này và để cho chính mình bước vào một cuộc phiêu lưu vĩ đại: trở nên cởi mở và rộng lượng hơn. Ông nhận ra giới hạn của bản thân, nhưng lại tin tưởng vào người đang mời gọi và thấu hiểu những nghĩ suy trong thâm tâm mình. Phêrô đã thưa “vâng”, tiếng “vâng” đầy can đảm và quảng đại, để trở nên môn đệ của Đức Giêsu.

Phêrô cũng trải qua một khoảnh khắc quan trọng khác trong chuyến hành trình tâm linh của mình lúc ở gần Cêsarê Philípphê, khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu quan trọng: “Người ta bảo Thầy là ai?”[18] Các ông tường thuật cho Người điều người ta nói, nhưng Chúa không thỏa mãn với những lời ấy. Chúa muốn nghe ý kiến riêng của những kẻ chấp nhận bước vào tương quan cá vị với Người.

Cuối cùng, Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”[19] Chính Phêrô đã đại diện cho những môn đệ khác để trả lời: “Thầy là Đức Kitô”,[20] nghĩa là Đấng Mêsia (Đấng được xức dầu). Câu trả lời đó Phêrô được mặc khải không phải bởi “xác phàm” nhưng bởi Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.[21] Lời đáp trả ấy chứa đựng hạt giống lời tuyên xưng đức tin sau này của Giáo hội. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, bản thân Phêrô vẫn chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu, đúng theo nghĩa mới của từ này. Chỉ ít lâu sau, Phêrô đã chứng thực điều đó, ông suy luận ra Đấng Mêsia mà mình theo đuổi trong tâm trí khác xa với chương trình đích thực của Thiên Chúa. Phêrô giật mình khi nghe Thầy loan báo về cuộc khổ nạn và tỏ thái độ can ngăn, thế nên Đức Giêsu đã quở trách ông.[22]

Phêrô muốn Đấng Mêsia, “một người đến từ Thiên Chúa”, phải làm thỏa mãn mọi mong đợi của nhân loại, qua việc bày tỏ quyền năng trên tất cả mọi người: chúng ta cũng mong đợi một Đức Chúa sẽ ra tay thực thi quyền năng của Người và nhanh chóng biến đổi trái đất này. Đức Giêsu bày tỏ chính mình là “Thiên Chúa mang bản tính con người”, là vị Tôi tớ của Thiên Chúa, sẽ đảo ngược mọi khát vọng của đám đông bằng con đường khiêm hạ và đau khổ.

Đây quả là cuộc biến chuyển lớn lao mà chúng ta phải không ngừng tiếp nhận: hoặc chúng ta ưu tiên cho những khát vọng của bản thân, để rồi mà chối bỏ Đức Giêsu, hoặc chấp nhận Đức Giêsu trong chân lý về sứ vụ của Người và gác lại tất cả những mong ước quá phàm tục của bản thân chúng ta.

Phêrô, với tính khí nóng nảy, đã không do dự đặt Đức Giêsu sang một bên và khiển trách Người. Lời đáp của Đức Giêsu đã làm sụp đổ hoàn toàn những ước vọng sai lầm của ông. Lời đáp ấy mời gọi Phêrô hoán cải và bước theo Chúa: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là tư tưởng của người phàm”.[23] Không phải Phêrô sẽ chỉ cho Đức Giêsu con đường để đi; nhưng chính Đức Giêsu sẽ đi con đường của Người, còn phần của Phêrô, ông “hãy theo Thầy”.

Có lẽ, Phêrô đã hiểu được bước theo Đức Giêsu thực sự nghĩa là gì. Lời mời gọi thứ hai của Phêrô, tương tự như lời mời gọi ông Ápraham được ghi lại trong sách Sáng Thế chương 22, tiếp nối lời mời gọi ở chương 12: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.[24] Đây là quy luật tất yếu cho việc bước theo Đức Kitô: phải từ bỏ thế gian để nắm giữ những giá trị chân thực, để cứu lấy linh hồn và bảo vệ sự hiện hữu của Thiên Chúa trên mặt đất này.[25] Dẫu cho còn nhiều khó khăn, nhưng Phêrô đã chấp nhận lời mời gọi và tiếp tục hành trình theo Thầy Chí Thánh. Anh chị em thân mến! Đối với tôi, những cuộc hoán cải của thánh Phêrô qua từng giai đoạn cũng như trong toàn bộ cuộc đời ngài là nguồn an ủi và bài học đáng quý cho tất cả chúng ta. Chúng ta cũng khao khát Thiên Chúa, cũng muốn trở nên quảng đại hơn, nhưng đồng thời, chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa bày tỏ uy quyền để biến đổi thế giới này hoàn toàn, theo ý tưởng của chúng ta, theo cách chúng ta mong muốn.

Ấy thế nhưng, Thiên Chúa lại chọn một cách thức khác. Người chọn con đường cảm hóa các tâm hồn trong đau khổ và khiêm hạ. Và chúng ta, cũng giống Phêrô, phải hoán cải không ngừng. Chúng ta phải bước theo Đức Giêsu, chứ không vượt lên phía trước để chỉ lối cho Người. Chính Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết con đường phải đi.

Vì thế, đây là điều mà thánh Phêrô nói với chúng ta: bạn nghĩ rằng mình có phương thức hoàn hảo và biết cách thay đổi tâm hồn người khác, nhưng thực ra, chính Thiên Chúa mới làm điều đó. Người biết phải thực hiện cách nào. Người vẫn nói với tôi và nói với anh chị em rằng: “Hãy theo Thầy”. Chúng ta phải can đảm và khiêm hạ bước theo Người, vì Người là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.[26]

2. LÃNH NHẬN SỨ MẠNG TRÔNG COI GIÁO HỘI

Chúng ta đã cùng nhau suy gẫm về hai khoảnh khắc quyết định trong cuộc đời thánh Phêrô: đó là giây phút Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ đầu tiên tại biển hồ Galilê, và lời tuyên xưng đức tin của vị tông đồ: “Thầy là Đức Kitô”. Như đã nói, lời tuyên xưng ấy chưa hoàn trọn, đó mới chỉ là bước khởi đầu, đã chính thức được khai mở. Phêrô bước vào hành trình theo Chúa. Và như thế, lời tuyên xưng của Phêrô tựa như hạt giống mang trong nó đức tin tương lai của Giáo hội.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm hai biến cố quan trọng khác trong cuộc đời thánh Phêrô: đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều và việc Chúa đặt ông làm người đứng đầu Giáo hội hoàn vũ.

Xin bắt đầu với phép lạ hóa bánh ra nhiều. Bối cảnh là dân chúng đã nghe Đức Giêsu giảng dạy hằng giờ liền. Vào cuối ngày, Người lên tiếng nói với các tông đồ: họ đã mệt và đói cả rồi, chúng ta phải lo cho họ chút gì đó để ăn. Các ông cũng bối rối hỏi Đức Giêsu phải làm cách nào; thế rồi, Anrê, bào huynh của Phêrô, đã hướng sự chú ý của Thầy vào một cậu bé đang giữ năm chiếc bánh với hai con cá. Nhưng các ông lại thấy, ở đây có quá nhiều người.[27] Chúa yêu cầu đám đông ngồi xuống, rồi phân phát bánh và cá. Tất cả mọi người đều được ăn no nê. Hơn thế nữa, Chúa giao cho các môn đệ - trong đó có Phêrô - nhiệm vụ thu gom các vụn bánh còn thừa, và kết quả là mười hai thúng đầy.[28]

Sau khi chứng kiến phép lạ (mang dáng dấp của hình ảnh Manna mới, của tấm bánh ân huệ từ trời cao), dân chúng muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Người không chấp nhận và lên núi cầu nguyện một mình. Ngày hôm sau, tại bên kia biển hồ ở Hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu giải thích phép lạ này. Nó không mang ý nghĩa bày tỏ vương quyền đối với nhà Israel qua sức mạnh trần thế, theo cách thức mà đám đông trông chờ, nhưng đó là một quà tặng, một hồng ân cao quý: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.[29]

Đức Giêsu loan báo về Thập giá, và cùng với Thập giá, phép lạ hóa bánh ra nhiều đích thật ở đây là Thánh Thể. Đó là cách thức bày tỏ vương quyền hoàn toàn mới, gần như trái ngược với những gì người ta mong chờ.

Có thể thấy rằng những lời này của Đức Giêsu (Đấng không muốn phải hóa bánh ra hằng ngày, không muốn ban tặng cho Israel quyền lực trần thế) thực khó chấp nhận đối với đám đông dân chúng: “Ông ta ban tặng thịt của ông ta. Điều đó nghĩa là gì?” Ngay cả với các tông đồ, những lời Đức Giêsu nói cũng thật khó chấp nhận. Theo lý trí tự nhiên, lời ấy quá “chướng tai”, nhưng lời đó lại là một cuộc thử nghiệm đức tin.[30] Nhiều môn đệ đã bỏ đi. Họ mong muốn một ai đó thực sự có khả năng biến đổi Vương quốc Israel, chứ không phải một thầy dạy tuyên bố rằng: “Tôi sẽ ban tặng chính thịt tôi”.

Có thể hình dung những lời như thế cũng gây khó khăn biết bao cho Phêrô, như khi ở Cêsarê Philípphê, ông đã phản đối lời tiên báo về Thập giá. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”[31] Phêrô đã đáp lại với lòng nhiệt thành của một tâm hồn quảng đại, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Đại diện cho các tông đồ, Phêrô trả lời bằng một câu bất hủ, và cũng là lời đáp trả của chúng ta hôm nay: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.[32]

Ở đây, như trường hợp ở Cêsarê, thánh Phêrô bắt đầu với lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, trở thành người phát ngôn thay cho các tông đồ, cho chúng ta và cho mọi tín hữu qua mọi thời đại. Điều này không có nghĩa là Phêrô đã hoàn toàn thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô trong toàn bộ chiều kích sâu thẳm của mầu nhiệm ấy; lòng tin của Phêrô vẫn chỉ là bước khởi đầu của một hành trình đức tin mà thôi, nhưng nó sẽ đạt đến tầm mức viên mãn thực sự, khi trải qua những kinh nghiệm của biến cố Vượt Qua.

Dù sao, đấy cũng là một đức tin làm mở ra thực tại lớn lao nhất, mở ra cách đặc biệt vì không phải là tin vào điều gì đó, nhưng là tin vào một ai đó, và người ấy là chính Đức Kitô.
Vì thế, đức tin của chúng ta luôn là một đức tin khởi hành. Chúng ta phải bắt đầu một hành trình vĩ đại. Điều chính yếu ở đây là chúng ta có một đức tin rộng mở và cho phép chính mình được dẫn dắt bởi Đức Giêsu, vì Người không những biết Con Đường, mà còn chính là Con Đường.

Tuy vậy, sự quảng đại của Phêrô không đảm bảo cho ông tránh khỏi những nguy nan gắn liền với yếu đuối của con người. Điều này mỗi chúng ta cũng nhận thấy trong đời sống riêng của mình. Phêrô bước theo Đức Giêsu với lòng nhiệt thành, vượt qua cơn thử thách đức tin, từ bỏ mạng sống vì Thầy. Tuy nhiên, cũng có những giây phút Phêrô rơi vào sợ hãi và vấp phạm: ông chối Thầy.[33]

Trường học đức tin không phải là cuộc diễu binh mừng chiến thắng, nhưng là hành trình diễn ra hằng ngày, với đau khổ, tình yêu, thử thách và lòng trung thành. Thánh Phêrô, người đã từng cam đoan giữ đức tin tuyệt đối, cũng thấu tỏ được thế nào là nỗi đắng cay và đau khổ của kẻ từ chối: ai kiêu căng sẽ nghiệm thấy bài học đắt giá về lòng khiêm nhượng. Thánh Phêrô cũng phải học cho biết bản thân mình yếu đuối và cần ơn tha thứ nhường nào. Một lần nữa, quan điểm của Phêrô thay đổi, ngài nhận ra chân lý hiện đang có trong tâm hồn yếu đuối của một tội nhân tràn trề tin tưởng, rồi khóc thương ăn năn thống hối. Cuối cùng, sau cơn khóc thương ấy, Phêrô đã sẵn sàng cho sứ vụ của mình.

Vào một buổi ban mai, sứ vụ chăm sóc đoàn chiên được chính Đức Kitô Phục Sinh trao phó cho Phêrô. Cuộc gặp gỡ diễn ra trên biển hồ Tibêria. Thánh Gioan đã kể lại chi tiết cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và vị tông đồ,[34] với một lối sử dụng ngôn từ đầy ý nghĩa. Trước hết, cần nhớ rằng trong tiếng Hy Lạp, động từ  filein diễn tả tình bằng hữu sâu sắc nhưng chưa hoàn hảo; trong khi đó, động từ agapan diễn tả một tình yêu không do dự, trọn vẹn và vô điều kiện.

- Lần thứ nhất, Đức Giêsu hỏi ông Phêrô: “Simon, anh có agapan Thầy không?”[35], nghĩa là có yêu Thầy bằng một tình yêu trọn vẹn, vô điều kiện không. Nếu Phêrô được hỏi trước khi có kinh nghiệm về sự sa ngã, thì có lẽ Phêrô sẽ trả lời agapan Thầy một cách dễ dàng. Nhưng giờ đây, một khi đã thấu hiểu nỗi cay đắng của kẻ phản bội, của những yếu đuối nơi bản thân, Phêrô chỉ trả lời khiêm tốn: “Lạy Thầy, Thầy biết con philein Thầy” (nghĩa là con mến Thầy với mối tình yếu ớt của con). 

- Lần thứ hai, Đức Giêsu hỏi: “Simon, anh có agapan Thầy không?” (nghĩa là anh có yêu mến Thầy bằng tình yêu trọn vẹn không?) Một lần nữa, Phêrô lặp lại: “Thưa Thầy, Thầy biết con philein Thầy” (nghĩa là thầy biết rõ con yêu bằng mối tình yếu ớt của con).

- Lần thứ ba, Chúa chỉ nói: “Simon, anh có philein Thầy không?” Bấy giờ, Phêrô hiểu rằng tình yêu bất toàn nơi ông cũng đủ đối với Đức Giêsu. Đấy là điều mà bản thân Phêrô có thể làm được; tuy nhiên, ông xót xa khi biết Thầy nói với mình theo cách thế ấy. Bởi vậy, ông trả lời: “Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con philein Thầy”.

Điều này cho thấy Đức Giêsu đã đặt chính Người vào vị trí và mức độ của Phêrô, thay vì Phêrô đặt bản thân ông vào vị trí và mức độ của Thầy. Chính lời xác quyết này mang lại niềm hy vọng cho Phêrô (người môn đệ kinh nghiệm về nỗi đau của sự phản bội), từ đó làm nảy sinh niềm tín thác mạnh mẽ, giúp Phêrô theo Chúa đến cùng: “Người nói vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: Hãy theo Thầy”.[36]

Kể từ ngày đó, Phêrô “theo” Thầy với sự ý thức rất rõ về những yếu đuối của bản thân; nhưng điều ấy không hề cản ngăn bước chân vị tông đồ. Quả thực, ngài hiểu rằng chúng ta có thể hy vọng vào sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ngay bên cạnh chúng ta.

Từ sự nhiệt thành, đơn sơ của thái độ xác quyết ban đầu, cộng với kinh nghiệm đau thương về sự phản bội và ý chí đổi mới, Phêrô đã thực sự tín thác nơi Đức Kitô, Đấng đã hạ mình chấp nhận khả năng yêu thương hèn kém của ông. Và trong cách thức ấy, vị tông đồ chỉ cho chúng ta con đường theo Chúa, dẫu mang những yếu đuối của phận người.

Chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã hạ mình, chấp nhận những yếu hèn nơi con người chúng ta. Chúng ta bước theo Người với khả năng vụng về và tin tưởng Chúa nhân lành luôn đón nhận, yêu thương.

Thánh Phêrô đã trải qua một hành trình dài để trở nên vị chứng nhân đáng tin cậy của Đức Kitô, trở nên “đá tảng” của Giáo hội, vì ngài luôn mở lòng ra cho ân sủng và tác động của Thánh Thần. Thánh Phêrô tự nhận mình là “chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai”.[37] Khi viết những lời này, có lẽ thánh nhân đã cao niên và đang hướng đến đích điểm cuộc đời dương thế, được đóng ấn bằng cuộc tử đạo gian khó.

Thế rồi, ngài sẵn sàng nói với chúng ta về niềm vui đích thực, đồng thời chỉ cho chúng ta nguồn mạch để có thể kín múc niềm vui ấy: đó là tin tưởng và yêu mến Đức Kitô với trọn vẹn yếu đuối của bản thân, cứ tin tưởng chân thành mặc cho những mỏng giòn của thân phận con người. Vì thế, thánh nhân viết cho các Kitô hữu thuộc cộng đoàn của mình như sau: “Những thử thách đó nhằm tôi luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời ngợi khen, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người”.[38]

3. PHÊRÔ, VIÊN ĐÁ TẢNG

Trong trình thuật về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và tông đồ Phêrô, thánh Gioan đã kể lại một sự kiện khá độc đáo: Chúa “nhìn vào ông và nói, anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (nghĩa là Phêrô)”.[39]

Hành động của Đức Giêsu không nhằm thay đổi danh xưng của người môn đệ: khác với biệt hiệu “những người con của thiên lôi” mà Chúa đã dùng để nói về hai người con ông Dêbêđê[40] trong một hoàn cảnh đặc biệt, và sau lần ấy, không bao giờ Người sử dụng lại nữa. Đức Giêsu chưa bao giờ đặt tên mới cho bất cứ môn đệ nào. Nhưng, ở đây, Người đặt cho ông Simon một danh xưng khác là “Kêpha”.

Danh xưng Kêpha được dịch sang tiếng Hy Lạp là Petros và tiếng La Tinh là Petrus. Được chuyển dịch chính xác như vậy, bởi nó không đơn giản là một tên gọi thông thường, nó là cả một sự ủy nhiệm mà Phêrô lãnh nhận từ Thiên Chúa. Danh xưng mới “Petros” (Phêrô) thường xuyên xuất hiện trong các Tin Mừng và chấm dứt việc nhắc đến “Simon”, tên thật của ông. Lần giở những trang Cựu Ước, chúng ta thấy rằng việc đổi tên cho ai đó thường mang ý nghĩa quan trọng: đổi tên đi kèm với trao phó một sứ vụ.[41]

Thực vậy, có nhiều dấu chỉ cho thấy ý định của Đức Kitô là trao cho Phêrô một vị thế đặc biệt trong nhóm tông đồ:

- khi ở Caphácnaum, Đức Giêsu trọ ở nhà Phêrô;[42]

- khi đám đông tụ tập chật kín nơi biển hồ Ghênêsaret, thấy hai chiếc thuyền đang đậu gần đó, Đức Giêsu chọn thuyền của ông Phêrô mà đi lên;[43]

- trong một vài biến cố đặc biệt, Đức Giêsu chỉ đem ba môn đệ cùng đi với mình, và Phêrô luôn được kể đến như người đứng đầu, cụ thể như trường hợp cứu sống con gái ông Giairô,[44] biến cố Chúa Hiển Dung trên núi[45] và cuộc hấp hối trong Vườn Ghếtsêmani.[46]

- cũng có thể đề cập thêm vài biến cố nữa, chẳng hạn: mấy viên thu thuế Đền thờ yêu cầu ông Phêrô và Đức Giêsu đóng tiền cho cả hai người;[47] Phêrô là người đầu tiên được Đức Giêsu rửa chân trong bữa Tiệc Ly[48] và Chúa cũng cầu nguyện cho một mình Phêrô để đức tin của ông luôn vững mạnh, nhờ đó, ông có thể nâng đỡ anh em khác.[49]

Hơn thế, dường như chính Phêrô cũng ý thức vị trí đặc biệt của mình: ngài thường xuyên thay lời anh em, lên tiếng xin Thầy giải thích những dụ ngôn khó hiểu,[50] diễn giải ý nghĩa chính xác của lời giáo huấn[51] hay lời hứa về phần thưởng mai hậu.[52] Các bản văn Tân Ước còn cho thấy Phêrô là người giải quyết những tình huống khó khăn bằng việc đứng ra đại diện cho tất cả. Vì thế, khi Đức Giêsu buồn phiền vì đám đông không hiểu bài giảng về Bánh Hằng Sống, Người hỏi các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”, thì Phêrô dõng dạc tuyên bố: “Thưa Thầy! Bỏ thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.[53]

Như vậy, một lần nữa, thay mặt Nhóm Mười Hai, Phêrô đã nói lên lời tuyên xưng đức tin. Lời này cũng mang một ý nghĩa quan trọng như lời ông tuyên xưng khi ở gần Cêsarê Philípphê. Đối với câu hỏi của Đức Giêsu: “Người ta nói Thầy là ai?” Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”.[54] Chúa đáp lại bằng việc đưa ra một phán quyết quan trọng, nhằm xác định vai trò của thánh Phêrô trong Giáo hội, chỉ một lần và cho tất cả: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy… Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.[55]

Ba hình ảnh ẩn dụ mà Đức Giêsu sử dụng ở đây thật sáng rõ:

- Phêrô sẽ là đá tảng mà trên đấy Người xây dựng tòa nhà Giáo hội;

- Phêrô sẽ nắm giữ chìa khóa Nước Trời để mở ra hay đóng lại cho những ai mà ngài thấy là xứng đáng; và cuối cùng;

- Phêrô có thể trói buộc hay tháo cởi, nghĩa là thiết định hay ngăn cản bất cứ điều gì mà ngài thấy đó là điều cần thiết cho đời sống Giáo hội.

 Giáo hội vẫn luôn là Giáo hội của Đức Kitô, chứ không phải của Phêrô. Những hình ảnh chói ngời này diễn tả điều mà Giáo hội sau này nghiệm thấy và tuyên nhận, thể hiện qua thuật ngữ: “Quyền tối thượng” (Primacy of Jurisdiction) của Phêrô.

Vị trí trổi vượt mà Đức Giêsu muốn trao cho Phêrô còn được biểu hiện sau biến cố Phục Sinh: Đức Giêsu ủy thác cho một số người nữ loan báo tin Phục Sinh một cách đặc biệt cho Phêrô, hoàn toàn khác với các tông đồ kia;[56] chính Phêrô và Gioan là những người được bà Maria Mađalêna chạy về báo tin tảng đá đã lăn ra khỏi cửa mồ,[57] và hai ông cùng chạy đến xem. Gioan đã lui lại sau để Phêrô vào trước và họ thấy ngôi mộ trống.[58]

Sau này, Phêrô phải là chứng nhân đầu tiên cho cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh.[59] Vai trò của ngài, được nhấn mạnh một cách dứt khoát,[60] đánh dấu tính liên tục giữa vị trí đứng đầu mà ngài có trong nhóm tông đồ và vị trí đứng đầu mà ngài tiếp tục có trong cộng đoàn được sinh ra cùng với biến cố Vượt qua, như sách Công Vụ Tông Đồ chứng nhận.[61] Hành vi của ngài được nhìn nhận là có tính quyết định đến độ gây ra sự chú ý và những lời chỉ trích.[62] Trong Công đồng Giêrusalem, Phêrô đóng vai trò chỉ huy;[63] và bởi ngài là chứng nhân của đức tin chân thực, nên Phaolô cũng phải nhìn nhận rằng Phêrô có phẩm chất của một vị “nguyên thủ”.[64]

Hơn nữa, còn một vài bản văn quan trọng khác cũng chỉ về Phêrô trong bối cảnh bữa Tiệc ly, khi ấy, Đức Kitô ủy thác cho ông sứ vụ nâng đỡ anh em.[65] Điều đó cho thấy trách vụ trao cho Phêrô là một trong những yếu tố thuộc về thiết chế của Giáo hội, sinh ra từ việc tưởng niệm biến cố Vượt Qua và được cử hành trong nghi lễ Tạ Ơn.

Việc bối cảnh hóa vai trò đặc biệt của Phêrô trong bữa tiệc sau hết, lúc Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trước cuộc Vượt Qua của Người, cũng cho thấy ý nghĩa tối hậu của Quyền tối thượng này: Phêrô phải là người coi sóc, giữ gìn sự hiệp thông với Đức Kitô trong mọi thời. Phêrô phải hướng dẫn mọi người bước vào sự hiệp thông với Đức Kitô, phải chắc chắn chiếc lưới không bị rách toang, để nhờ thế, sự hiệp thông phổ quát được duy trì. Mỗi người chúng ta chỉ có thể gắn kết với nhau khi ở với Đức Kitô, Đấng là Cứu Chúa của nhân loại.

Anh chị em thân mến!

Thánh Phêrô có trách nhiệm đảm bảo cho sự hiệp thông của Giáo hội với Đức Kitô và với tình yêu của Người. Thánh nhân phải hướng dẫn mọi người sống trọn tình yêu ấy mỗi ngày trong cuộc đời. Suy ngẫm về điểm này, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để Quyền tối thượng của Phêrô, ủy thác cho những con người hèn mọn, sẽ luôn được thực hành trong ý nghĩa nguyên tuyền của nó như lòng Chúa mong ước. Đồng thời, chúng ta cũng hãy cầu nguyện để ý nghĩa chân thực của Quyền tối thượng Phêrô được những anh chị em tín hữu khác, chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội, biết mở lòng ra đón nhận và trở về.
[1] Cv 15,14; 2
[2] Cf. Ga 1,42
[3] Cf. Mt 16,17.
[4] Cf. Ga 1,44.
[5] Cf. Lc 5,10.
[6] Ga 1,35-42.
[7] Mt 8,14t; Mc 1,29tt; Lc 4,38t.
[8] Cf. Lc 5,1-11.
[9] Cf. Lc 5,27.
[10] Cf. Lc 9,1-6.
[11] Cf. Ga 18,10.
[12] Cf. Mt 26,75.
[13] Cf. Lc 5,1-3.
[14] Lc 5,4.
[15] Lc 5,5.
[16] Lc 5,8.
[17] Lc 5,10.
[18] Mc 8,27.
[19] Mc 8,29.
[20] Ibid.
[21] Cf. Mt 16,17.
[22] Cf. Mc 8,32-33.
[23] Mc 8,33.
[24] Mc 8,34-35.
[25] Cf. Mc 8,36-37.
[26] Cf. Ga 14,6.
[27] Cf. Ga 6,1-10.
[28] Cf. Ga 6,12-13.
[29] Ga 6,51.
[30] Cf. Ga 6,60.
[31] Ga 6,67.
[32] Cf. Ga 6,66-69.
[33] Cf. Mc 14,66-72.
[34] Cf. Ga 21,15.
[35] Ga 21,15.
[36] Ga 21,19.
[37] 1Pr 5,1.
[38] 1Pr 1,7-9.
[39] Ga 1,42.
[40] Cf. Mc 3,17.
[41] Cf. St 17,5; 32,28.,etc.
[42] Cf. Mc 1,29.
[43] Cf. Lc 5,3.
[44] Cf. Mc 5,37; Lc 8,51.
[45] Cf. Mc 9,2; Mt 17,1; Lc 9,28.
[46] Cf. Mc 14,33; Mt 26,37.
[47] Cf. Mt 17,24-27.
[48] Cf. Ga 13,6.
[49] Cf. Lc 22,30-31.
[50] Cf. Mt 15,15.
[51] Cf. Mt 18,21.
[52] Cf. Mt 19,27.
[53] Cf. Ga 6,67-69.
[54] Mt 16,15-16.
[55] Mt 16,18-19.
[56] Cf. Mc 16,7.
[57] Cf. Ga 20,2.
[58] Cf. Ga 20,4-6.
[59] Cf. Lc 24,34; 1Cr 15,5.
[60] Cf. Ga 20,3-10.
[61] Cv 1,15-26; 2,14-40; 3,12-26; 4,8-12; 5,1-11,29; 8,14-17; 10; etc.
[62] Cf. Cv 15; Gl 2,1-10.
[63] Cf. Cv 15; Gl 2,1-10.
[64] Cf. 1Cr 15,5; Gl 1,18; 2,7,etc.
[65] Cf. Lc 22,31.
114.864864865135.135135135250