Trong phụng vụ, chúng ta vẫn thường tung hô: Thánh, Thánh, Thánh. Trong Kinh thánh, chúng ta nghe Chúa phán: “Ta là Đấng Thánh”. Chúng ta cũng vẫn hay dùng từ thánh để chỉ về một vật gì đó dùng trong phụng vụ như: phòng thánh, khăn thánh, chén thánh… Chúng ta cũng được mời gọi nên thánh và gọi những người được trở về với Chúa là thánh. Vậy, từ thánh có chỉ về sự thánh thiện hay chỉ về một điều gì khác? Trong khuôn khổ cho phép, bài viết chỉ xin làm rõ nghĩa từ thánh trong sách Kinh thánh.
1. Vấn đề từ ngữ
Trong Kinh thánh, tiếng Híp-ri từ thánh là qadosh và được dịch sang tiếng Hy Lạp là hagios. Nghĩa ban đầu của từ này là cắt, tách rời. Khi từ này được dùng cho Thiên Chúa nó có nghĩa tách riêng ra với hàm ý tách ra khỏi những gì phàm tục và chỉ thuộc về thần linh.
Theo thời gian, từ thánh đặc biệt dùng để chỉ một trong các phẩm tính của Thiên Chúa. Theo đó, “Thánh là Đấng linh thiêng; nhân vật tột bực; người có đức độ trổi vượt; từ dùng để tôn xưng nhà vua, chỉ vật hoặc nơi thuộc về vua, về tôn giáo.” (Thánh, từ điển Công giáo)
2. Từ Thánh trong Cựu ước
“Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2) Thiên Chúa đã mặc khải cho dân của Người biết chính Người là Đấng Thánh, Đấng tách biệt ra khỏi phàm tục. Trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ cho thấy sự uy nghiêm cao cả cũng như vinh quang của Người qua các biến cố thần hiện, thiên tai, động đất mỗi khi Người xuất hiện. Người còn tỏ ra mình là Đấng siêu việt có quyền cai quản trên mọi biến chuyển của trời và đất. Người cũng tỏ ra mình là Đấng giàu lòng thương xót khi đã chậm giận không ra tay trừng phạt dân. “Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận...vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Hs 11,9) Vì thế, sự thánh thiện của Thiên Chúa vượt xa tầm trí hiểu của con người. Sự thánh thiện của Người không chỉ bị giới hạn trong sự tách biệt hay tính siêu việt mà còn được tỏ lộ nơi lòng nhân hậu, không chỉ là một phẩm tính dành cho Người nhưng còn là chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng Thánh nhưng Người không giữ riêng điều ấy cho riêng mình mà chia sẻ cho muôn loài thụ tạo. Người thông chuyển sự thánh thiện này cho muôn loài đã được dựng nên. Việc lưu truyền sự thánh thiện của Thiên Chúa qua việc thánh hiến, tách rời người và vật ra khỏi thế giới phàm tục để dành riêng cho Người. Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, dân chuyên lo việc tế tự phụng thờ Thiên Chúa. Trong dân riêng, chi tộc Lê-vi được cắt cử là chi tộc dành riêng để lo công việc nhà Chúa. Trong phụng tự, một số đồ vật được thánh hiến để dùng tế tự.
Tuy nhiên, trước khi được dành riêng cho Thiên Chúa, người và vật phải chịu thanh tẩy theo luật định. Tỷ dụ, các vị thượng tế tiến vào nơi Cực Thánh để dâng hương cho Thiên Chúa thì phải thanh tẩy mình trước đó. Việc thanh tẩy này nhằm nói lên con người hoàn toàn bất xứng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Thật vậy, sự thánh thiện của Thiên Chúa là tuyệt đối và con người chỉ thông phần vào sự thánh thiện Người. Được tuyển chọn, được tách biệt giữa chư dân, dân tộc Israel đã trở thành dân riêng của Thiên Chúa. Với tình yêu, Người đã đến và ở giữa dân. “Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi” (Hs 11,9) Cũng vì tình yêu, Người thánh hóa dân riêng trở nên xứng đáng với mình. Thiên Chúa đã ban Lề luật giúp dân sống đúng với con đường đã được tuyển chọn. Giữa chư dân, Lề luật đã giúp họ trổi vượt về đời sống thờ phượng cũng như đời sống luân lý hầu có thể phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Thế nên, dân Israel phải tự thánh hóa mình để xứng với ơn riêng của Thiên Chúa. Xuyên suốt dọc dài lịch sử của mình, dân đã không ngừng nỗ lực thánh hóa chính mình. Từ khi ký kết Giao ước và được Thiên Chúa ban Lề luật trên núi Xi-nai dân đã cố gắng chu toàn cũng như trung thành với những điều đã ký kết. Thế nhưng, với bản tính mỏng dòn, dân cũng đã liên tục vi phạm Giao ước cũng như đã sống một cuộc sống bê tha trái với luân thường đạo lý. Mỗi lúc như thế, Thiên Chúa đã sai sứ giả của Người đến để nhắc nhở dân trung tín với Giao ước và chỉnh đốn đường lối cũng như đời sống của mình. “Hãy nên thánh, vì Ta, Giavê là Đấng Thánh” (Lv 19,2; 20,26)
3. Sự thánh thiện trong Tân ước
Trong Tân ước, Đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Thánh. Chúng ta đọc thấy trong Tin mừng Luca, Mátthêu và Gioan đã xưng tụng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đây là danh hiệu làm cho người Do Thái chống đối vì đã xúc phạm đến việc thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất của họ. Thế nhưng, các tác giả không chỉ xưng tụng Đức Giêsu là Đấng Thánh mà còn thuật lại cho chúng ta thấy công việc và quyền uy của Người. Đức Giêsu đã làm các công việc phi thường của bậc thần minh. Người cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què được đi và cho người chết sống lại thậm chí Người chứng tỏ uy quyền của mình trên các hiện tượng tự nhiên cũng như siêu nhiêu khi đã ra lệnh cho gió bão cũng phải phục lệnh và trên các thần ô uế cũng như khi trừ quỷ trong dân.
Sự thánh thiện nơi Đức Giêsu phát xuất từ Thiên Chúa Cha. Nguồn gốc của Đức Giêsu là một đề tài tranh cãi trong mọi thời đại và cũng là nguyên nhân người Do Thái không tin vào Đức Giêsu. Họ không tin Đức Giêsu phát xuất từ Chúa Cha. Đối với họ, Đức Giêsu cũng chỉ là một ngôn sứ bình thường như bao vị ngôn sứ đã xuất hiện trong thời gian. Họ Không tin Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu hiện diện bên Chúa Cha ngay từ khởi đầu. Các việc làm và đời sống Đức Giêsu đã chứng minh Người là Con Thiên Chúa nhưng không đủ để thuyết phục họ tin vào Người. Bởi lẽ, họ mang trong mình một não trạng và khái niệm Thiên Chúa khác với hình ảnh Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng tin rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa dựa trên các sách Tin mừng được viết ra và trên lời chứng của các tông đồ cũng như máu của các vị tử đạo.
Đức Giêsu là đến trần gian, đã sống kiếp phàm nhân để thánh hóa chúng ta. Người đã sống một đời vâng phục Chúa Cha hoàn toàn. Trong mọi công việc, Đức Giêsu đều cầu nguyện để xem thánh ý Chúa Cha và Người chỉ thực hiện điều đẹp lòng Chúa Cha. Người vâng lời Chúa Cha đến nỗi đã hy sinh chính mạng sống mình làm giá chuộc cứu độ nhân loại. Người đã chịu đau khổ, vác thập giá và đổ màu đào của chính mình mà thanh tẩy chúng ta mọi tội lỗi. Máu của Người đã đổ để thanh tẩy tận căn con người, giúp con người trở về với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa.
Chính nhờ thế, Đức Giêsu đã thông chuyển sự thánh thiện cho chúng ta. Nhờ cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu mà Kitô hữu được thông phần vào trong sự thánh thiện của Người. Chúng ta đã giặt sạch áo mình trong máu của Con Chiên. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm mình cái chết của Chúa và trỗi dậy cùng với Người trong sự sống mới của Đức Giêsu. Người đã thánh hóa chúng ta qua hy tế trên đỉnh đồi Canvariô.
Đức Giêsu đã khai thông nguồn thánh thiện cho chúng ta nhưng chính Chúa Thánh Thần mới là tác nhân thông chuyển cho con người. Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân huệ của Thiên Chúa xuống trên tín hữu. Người giúp họ trở nên xứng đáng lãnh nhận và làm triển nở ân sủng của Người. Vai trò của Chúa Thánh Linh là kiện toàn, thánh hóa các tín hữu. Ngài có sức biến đổi lòng người, biến đổi thực tại. Nhờ sự biến đổi của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể đón nhận sự thánh thiện và ra đi rao giảng cho Thầy của chúng ta như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy”(Cv 1, 8)
Kết
Trong Cựu ước, từ thánh được dùng để chỉ về sự tuyển chọn được dành riêng cho Thiên Chúa. Còn trong Tân ước, từ thánh được chỉ về các Kitô hữu. Thật vậy, những ai được dìm vào trong cái chết và trỗi dậy cùng với Đức Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy thì đã trở thành một thực tại khác dành riêng cho Thiên Chúa. Họ đã được thánh hiến để trở thành một “chủng tộc thánh”, là các tư tế, vương giả và ngôn sứ cho Thiên Chúa. Chính vì vậy, các Kitô hữu được mời gọi chết đi cho con người cũ mỗi ngày mà trở nên một với Đức Kitô.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô