21/08/2021 -

Tản mạn, giải trí

1969

Dịch bệnh Covid 19 không còn là chuyện mới – xảy ra gần 2 năm rồi; không còn là chuyện đơn lẻ - lan tràn toàn các châu lục; và ai ai cũng “dính dáng” để trở thành nạn nhân của cơn đại dịch này.
Từ lần bùng phát thứ 4 của cơn đại dịch tại Việt Nam đến nay đã gần 4 tháng.
Xem ra đã có kinh nghiệm từ 3 lần trước nhưng việc phòng chống dịch bệnh lần này... sao khác quá??!! Cái gì cũng tăng: Chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch từ 15 tăng sang 16. Số ca nhiễm bệnh tăng dần từ 3 con số lên 4 con số và mấy ngày này là 5 con số rồi (số liệu ngày 18/8). Số địa phương có người nhiễm bệnh cứ mỗi ngày một nhiều hơn, các đơn vị bệnh viện mới cũng tăng dần để đáp ứng nhu cầu chữa trị, thông tin bệnh nhân tử vong do dịch bệnh với các con số tăng dần... thời gian cách ly, phong tỏa khu vực, địa phương kéo dài hơn...
Tất cả những điều sơ lược vừa nêu đã phát họa cho chúng ta một bức tranh không được sáng sủa, không có nhiều tín hiệu lạc quan với cơn dịch bệnh lần này. Hệ quả là tạo nên nơi dân chúng một tâm trạng bất an, lo sợ, gây ức chế, buồn phiền, chán nản...
Nhìn lại lịch sử thì đây không phải là cơn đại dịch thứ nhất. Thế giới đã trải qua nhiều cơn đại dịch cũng tồi tệ không kém và rồi cũng qua đi. Nhiều quốc gia, nhiều dân tộc đã đi lên từ đống đổ nát sau trận thiên tại, sau cơn bệnh dịch.
Nên chăng lúc này, chúng ta hãy tìm ra điều hay, điểm sáng trong tình hình thực tế đang diễn ra; nhờ đó chúng ta sẽ tìm được sự bình an, lòng can đảm và niềm hy vọng vươn lên cho cuộc sống chính mình. Hay nói cách khác, cần thiết chăng là bỏ qua những điều tiêu cực, những việc làm chướng tai gai mắt, những kiểu hành xử khó ưa, những câu nói nghe thật kỳ cục, những câu chuyện cười ra nước mắt... vẫn xảy ra nơi này nơi khác mà chúng ta đã thấy, đã nghe trong cơn dịch bệnh này để tìm thấy những điều thiện lương giữa một “trận chiến” chống dịch chưa có hồi kết này?
Khởi đi từ CÁI NHÌN LƯƠNG THIỆN, khi đối diện với cơn đại dịch chúng ta tìm học được những bài học thú vị giúp mỗi người “lớn hơn” trong suy nghĩ và cách sống:
- Phong tỏa khu vực, khu dân cư, dừng tất cả  mọi hoạt động: Nhờ vậy mà môi trường sống sạch hơn, không khói không bụi làm cho bầu trời trong xanh hơn, không tiếng ồn, không xả rác bừa bãi... bài học gìn giữ và bảo vệ môi trường.
- Phải ở nhà: Để ở gần những người thân, có điều kiện để chăm sóc, gần gũi, sẻ chia... Điều này lâu nay bị bỏ quên vì công việc, vì cuộc sống xã hội: Bài học biết yêu thương, biết trao ban, biết gìn giữ và bảo vệ mái ấm gia đình.
- Biết trân quý điều đang có: Trong hoàn cảnh thiếu thốn, hạn chế của việc giãn cách (phong tỏa), chúng ta có bài học tiết kiệm, không hoang phí, biết chắt chiu, trân trọng những gì mình đang có hôm nay: tiền bạc, thực phẩm, rau xanh, điện, nước... biết dùng thời giờ để học thêm, để trau dồi kỹ năng cuộc sống…
- Phòng bệnh, chống dịch: Bài học biết giữ gìn, tự chăm sóc sức khỏe, ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục nâng cao sức khỏe... lâu nay bị xem nhẹ trong đời thường.
- Biết tương thân tương ái: Thật vậy, cơn dịch bệnh này đã khơi dậy nơi chúng ta tình yêu thương, sự quan tâm và lòng quảng đại, biết cho đi với người thân cận; và bài học ý thức cộng đồng là biết sống vì người khác “một người nhiễm bệnh, cả xóm bị phiền”...
- Biết hy sinh – dấn thân: Đây là hình ảnh của những người chống dịch tuyến đầu: các y bác sĩ, các người trách nhiệm tuyến đầu, các thiện nguyện viên... nếu không phải vì lý tưởng của nghề nghiệp, nếu không phải vì ý nghĩa thiêng liêng của sự bác ái, của lòng từ bi đối với đồng bào... thì chắc nhiều người đã rút lui, đã bỏ cuộc. Bài học của sự dấn thân quên mình, biết hy sinh vì người khác...
- Biết nhìn thấy - biết suy tư: Nhìn hình ảnh các bệnh nhân tử vong và thấy được sự mong manh của phận người. Trái với lối sống thực dụng hiện nay, cơn đại dịch đã đánh thức lương tri, đã thúc đẩy mỗi người suy nghĩ lại cuộc sống, cách sống của mỗi người để tìm cho mình được ý nghĩa sống trong cuộc đời hiện tại.
- Bài học sống Đức tin của các Kitô hữu: Lòng tin kính đối với Thiên Chúa, sự trung thành trong cách sống đạo, đang được các tín hữu đem ra thực hành trong hoàn cảnh khó khăn của thời dịch bệnh này. Sống đạo cách linh hoạt và sống động trong thời kỳ giãn cách, sống đạo trong việc thực thi bác ái, biết quên mình khi đi phục vụ tha nhân nơi cách ly và bệnh nhân tại tâm dịch. Niềm cậy trông, lòng tín thác vào Thiên Chúa ngay trong những ngày chống chọi với dịch bệnh vẫn được nâng đỡ bằng những thánh lễ trực tuyến, những bài giảng, bài viết, những buổi cầu nguyện trực tuyến khắp nơi nhằm bổ dưỡng đức tin, động viên tinh thần cho các tín hữu trong cơn dịch bệnh...

Xem ra trong cơn đại họa, chúng ta cũng thấy có nhiều điểm son, điều tốt để rút tỉa cho cuộc sống.
Vậy là ĐẸP rồi, vậy là CÓ ĐIỂM SÁNG, vậy là chúng ta vẫn đón nhận được NIỀM VUI và có NHIỀU HY VỌNG khi chống chọi với cơn đại dịch này.
 “Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm” Câu nói này thật đúng với chúng ta trong lúc này, tại đây…
Cầu chúc bình an cho mọi người, mọi nhà…
Một tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta…
                                            Lm Lê Văn La Vinh – Dòng Đa Minh.
114.864864865135.135135135250