12/01/2010 -

Tài liệu

486

 


Những Bài Giáo Huấn Về Đức Maria


BÀI 16


ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ


 


MaryEucharistCựu ước không chỉ ca ngợi những phụ nữ đã góp phần vào cuộc giải phóng dân tộc, nhưng còn tuyên dương những phụ nữ đức hạnh:  những đức tính của đàn bà trong gia đình, và nhất là lòng trung tín với luật Chúa. Những trang này chuẩn bị cho Đức Maria, phụ nữ toàn thiện trong Tân ước.


 


1.- Cựu ước và truyền thống  Do thái chứa đầy những lời tuyên dương đức hạnh của người phụ nữ,  được biểu lộ cách riêng qua thái độ tín thác vào Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện để xin ơn làm mẹ, qua việc khẩn nài xin Chúa cứu thoát Israel khỏi  những cuộc tấn công của quân thù. Đôi khi, như trong trường hợp của bà Giuđitha, những đức tính này đã được toàn thể cộng đoàn tuyên dương, trở thành đối tượng thán phục cho hết mọi người.


Cạnh những mẫu gương sáng ngời của các anh thư cũng không thiếu những chứng tá tiêu cực của một vài phụ nữ, tựa như bà Đalila người đã quyến rũ ông Samson vào chỗ diệt vong (Tl 16, 4-21),  những bà ngoại kiều đã lôi cuốn lão vương Salômon xa tránh Thiên Chúa và thờ lạy tà thần (xc. 1V 11,1-8). Bà Gezabel đã tàn sát  tất cả các ngôn sứ của Chúa (xc. 1V 18, 13), và đã giết ông Nabot để chiếm vườn nho cho vua Acab (1V 21), bà vợ của ông Giop đã mắng nhiếc ông ta trong cơn hoạn nạn, xúi giục ông nổi loạn (G 2,9).


Trong những trường hợp này, thái độ của người đàn bà làm ta nhớ tới bà Evà. Tuy vậy, viễn cảnh ở trong Kinh Thánh vẫn là chiều hướng được gợi lên nơi Phúc âm tiên khởi, nhìn người đàn bà như là đồng minh của Thiên Chúa.


2.- Thực vậy, nếu các người phụ nữ ngoại kiều bị tố cáo là đã làm vua Salomon xa lạ chính đạo của Chúa, thì  Sách bà Ruth cho  thấy khuôn mặt cao quý của một phụ nữ ngoại kiều: bà Ruth người Moap là gương mẫu của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và của sự khiêm tốn thành thực và quảng đại. Bà đã chia sẻ đời sống và đức tin của dân Israel, bà đã trở thành bà cố nội của vua Đavit và bà tổ của Đấng Mêsia. Khi xen tên của bà vào sổ gia phả của Chúa Giêsu, ông Matthêu  (1,5) đã đặt bà làm dấu chỉ của ơn cứu rỗi phổ quát và loan báo tình thương của Thiên Chúa mở rộng đến hết mọi người.


Trong hàng tổ tiên của Đức Giêsu, ông Matthêu cũng nhắc tới bà Thama, bà Racap và vợ của ông Uria, ba người phụ nữ tội lỗi tuy không phải là hạng trắc nết; họ đã được kể vào bậc tổ tiên của Đấng Mêsia để tuyên dương rằng lòng lân tuất của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi. Nhờ ân sủng, Thiên Chúa  đã cho phép những cuộc kết hôn ngang trái của họ  cũng góp phần vào kế hoạch cứu rỗi, và như vậy chuẩn bị cho tương lai.


Một mẫu gương tận tụy khiêm nhường, khác với bà Ruth, là trường hợp của con gái ông Giepte. Chị đã chấp nhận trả giá cuộc chiến thắng của cha mình bằng cái chết bản thân (Tl 11,34-40). Khi than tiếc số phận hẩm hiu của mình, chị ta đã không phản loạn nhưng tự nguyện chết để thực hiện một lời khấn hứa dại dột của thân phụ, trong bối cảnh của những tục lệ sơ khai (xc. Gr 7,31; Mik 6,6-8).


3.- Văn chương khôn ngoan, tuy thường vạch ra các khuyết điểm của phụ nữ, nhưng cũng nhận ra nơi họ một kho tàng giấu ẩn :”Ai tìm được một người vợ là tìm được một kho tàng, tìm được một ân huệ của Chúa”(xc. Cn 18,22). Như thế tác giả sách Châm ngôn đã bày tỏ sự trân trọng đối với phụ nữ, coi như một bảo vật Chúa ban.


Vào cuối sách,  tác giả phác họa chân dung một phụ nữ lý tưởng. Đây không phải là một hình bóng xa vời,  nhưng là một đề nghị cụ thể, phát xuất từ kinh nghiệm của những phụ nữ đáng giá: “Ai kiếm được một phụ nữ hoàn hảo? Giá trị của họ quý giá gấp ngàn lần trân châu ngọc bảo”(Cn 31,10).


Văn chương khôn ngoan cho thấy sự trung thành của phụ nữ đối với giao ước Chúa như là tuyệt đỉnh mọi khả năng của họ và ngọn nguồn gây niềm cảm phục. Thực vậy dù đôi khi họ có thể gây thất vọng, nhưng phụ nữ sẽ vượt lên hết mọi kỳ vọng khi con tim của họ trung thành với Chúa: “nhan sắc giả dối, nhưng người phụ nữ nào kính sợ Thiên Chúa thì đáng được ca ngợi “ (Cn 31,30).


4.- Trong bối  cảnh đó, Sách Macabê, trong truyện một người mẹ với bảy đứa con chịu tử đạo nhân cuộc bách hại của vua Antiôcô, đã trưng bày cho chúng ta một gương mẫu của tâm hồn cao thượng trong cơn thử thách.


Sau khi đã tả lại cái chết của bảy anh em, tác giả bình chú: “Bà mẹ thật là đáng ca ngợi và đáng được ghi nhớ muôn đời, bởi vì khi thấy bảy đứa con của mình chết trong một ngày, bà đã chịu đựng một cách bình thản nhờ niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa. Bà đã khuyên nhủ từng đứa con một bằng tiếng mẹ đẻ, chất chứa những tâm tình cao thượng, và bà đã dung hòa vẻ dịu dàng của nữ  tính với lòng can trường của nam nhân”. Bà đã phát biểu niềm hy vọng vào sự sống lại tương lai như sau: “Chắc chắn rằng Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã dựng nên con người và đã xếp đặt sự sinh sản của mọi người, do lòng lân tuất Chúa sẽ ban lại cho chúng ta thần khí và sức sống, như các con bây giờ đã dám từ bỏ mạng sống để tùng phục luật Chúa” (2Mcb 7, 20-23).


Khi khuyến khích đứa con út chấp nhận thà chịu chết còn hơn là vi phạm luật của Chúa, bà mẹ đã bày tỏ niềm tin vào công trình của Thiên Chúa đã tạo dựng hết mọi sự từ hư không: “Con ơi, mẹ van con hãy nhìn trời đất, hãy xem tất cả mọi vật trong vũ trụ và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm tất cả từ hư vô; và nguồn gốc của loài người cũng vậy. Con đừng sợ tên lý hình này, nhưng con hãy tỏ ra xứng đáng với các  anh của con, hãy chấp nhận cái chết, ngõ hầu mẹ có thể gặp lại con cùng với các anh trong ngày lân tuất của Chúa”(2Mcb 7, 28-29).


Sau cùng, tới lượt mình phải chịu cái chết dữ dằn sau khi đã chứng kiến bảy lần tử đạo trong con tim, bà đã chứng tỏ một đức tin kiên cường, một niềm hy vọng vô biên và lòng can đảm anh hùng.


Nơi những khuôn mặt phụ nữ trên đây, qua đó các kỳ công của ơn Chúa được biểu lộ, chúng ta thoáng nhìn thấy Đấng sẽ trở thành một phụ nữ vô song: Thánh mẫu Maria[1].


 


BÀI 17


THIẾU NỮ SION


 


Theo các nhà chú giải, Tân ước đã áp dụng cho Đức Maria nhiều tư tưởng mà các ngôn sứ dành cho “thiếu nữ Sion”. Đây là một biểu tượng của dân Israel được phục hưng, trông chờ Đấng Mêsia để tái lập giao ước tình yêu vĩnh cửu. Trong bài hôm nay, Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa của từ ngữ “thiếu nữ Sion”. Trong bài tới, ngài sẽ giải thích việc áp dụng vào Đức Maria.


 


1.- Kinh thánh thường dùng từ ngữ “thiếu nữ Sion”[2], để ám chỉ dân cư thành phố Giêrusalem, nơi mà núi Sion là địa điểm quan trọng hơn cả xét về lịch sử và tôn giáo (xc. Mk 4, 10-13; Xp 3,14-18; Gr 2,14; 9, 9-10).


Sự diễn tả một thành phố bằng hình ảnh một thiếu nữ  làm cho dễ hiểu việc giải thích mối tình Thiên Chúa và Israel qua những quan hệ hôn nhân, thường được mô tả qua các hạn từ: “kẻ đính hôn” hay “hiền thê”.


Lịch sử cứu rỗi là lịch sử tình yêu về phía Thiên Chúa, nhưng thường cũng là lịch sử bất trung về phía loài người. Lời Chúa thường khiển trách dân-hiền thê đã bẻ gãy hôn  ước mà Chúa đã thiết lập: “Ví như một người vợ đã bât trung với chồng mình, thì các ngươi, hỡi nhà Israel, các ngươi đã bất trung với Ta cũng thế”(Gr 3, 20);  và Lời Chúa mời con cái Israel hãy tố giác bà mẹ của mình: “Hãy tố giác  bà mẹ các ngươi, hãy tố cáo bà ta đi, bởi vì bà không còn là vợ của Ta nữa và Ta không còn là chồng của nó nữa!”(Hs 2,4).


Tội bất trung của Israel, “hiền thê” của Gia-vê, nằm ở chỗ nào? Tội nặng nhất ở chỗ thờ lạy tà thần ngẫu tượng: theo Sách thánh, đối với Chúa việc dân ưu tuyển đi thờ tà thần  ngẫu tượng thì giống như tội ngoại tình.


2.- Ngôn sứ Hôsê là người đã khai triển, bằng những hình ảnh rất là mạnh mẽ và bi thảm, đề tài về giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa với dân Người và sự phản bội của họ: cuộc đời bản thân của ông trở thành biểu tượng hùng hồn của sự phản bội đó. Thực vậy, khi đứa con được sinh ra, ông ta đã nhận được lệnh như sau: “Hãy gọi nó là đứa-không-được-yêu, bởi vì Ta không còn yêu thương nhà Israel nữa, Ta không còn thương xót nó nữa”, và Chúa còn thêm: “Hãy kêu nó Không-phải-Dân-Ta bởi vì các ngươi không phải là Dân Ta và Ta không còn đoái hoài đến các ngươi nữa”(Hs 1,6.9).


Lời khiển trách của Chúa và kinh nghiệm chua chát của việc chạy theo ngẫu tượng  đã làm cho người vợ bất trung phải hối hận và bà đã thốt lên: “Tôi sẽ trở về với chồng cũ, bởi vì hồi đó tôi được hạnh phúc hơn bây giờ” (Hs 2,9). Nhưng chính Thiên Chúa đã ước ao tái lập lại giao ước, và lúc ấy Lời Chúa nhắc nhớ lại lòng lân tuất và âu yếm: “vì thế này đây Ta sẽ lôi kéo nó lại, Ta sẽ mang nó vào sa mạc và thỏ thẻ vào tim nó”(Hs 2,16). Thực vậy sa mạc là nơi mà Thiên Chúa, sau khi đã giải thoát dân tộc khỏi cảnh nô lệ,  đã thiết lập giao ước vĩnh viễn với Dân của mình.


Qua những hình ảnh yêu đương vừa nói, diễn tả mối quan hệ trắc trở giữa Thiên Chúa và Israel, ngôn sứ cho thấy cảnh bi đát của tội lỗi, sự bất hạnh của con đường bất trung, và những nỗ lực của tình yêu Chúa để thủ thỉ vào trái tim con người và đưa nó trở về với giao ước.


3.- Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ, loan báo một giao ước hoàn hảo hơn trong tương lai: “Vào ngày ấy - sấm ngôn của Chúa - ngươi sẽ kêu Ta: Chồng tôi chứ không còn gọi: Ông chủ tôi nữa... Ta sẽ đặt ngươi làm vợ của Ta mãi mãi, Ta sẽ đặt ngươi thành vợ của Ta trong công chính và luật pháp, trong tình yêu lân tuất, Ta sẽ đính ước với ngươi trong tình chung thủy và ngươi sẽ nhận biết Chúa của ngươi” (Hs 2,18.21-21).


Thiên Chúa đã không nản  lòng trước những yếu đuối của con người, nhưng Người đã đáp lại những bất trung của con người bằng cách đề nghị một cuộc kết hợp bền chặt hơn: “Ta sẽ gieo hạt giống mới và Ta sẽ yêu kẻ-không-đượcyêu: và với đứa đã mang tên là Không-phải-Dân-Ta, Ta sẽ gọi nó  là Dân-Ta, và nó sẽ thưa lên: Chúa của tôi” (Hs 2,25).


Viễn tượng một giao ước mới cũng được ngôn sứ Giêrêmia trình bày cho dân chúng đang bị lưu đày: “Vào ngày ấy - sấm ngôn của Chúa -  Ta sẽ là Thiên Chúa của hết mọi chi tộc Israel và chúng sẽ là dân của Ta”. Đây là Lời Chúa : “Ta đã tỏ lòng ưu ái trong sa mạc đối với một dân được thoát lưỡi gươm; Israel hướng tới một nơi an cư lạc nghiệp”. Chúa đã hiện ra từ xa xa với họ: “Ta đã yêu ngươi với tình yêu muôn thuở, chính vì thế mà Ta luôn tỏ lòng thương xót ngươi. Ta sẽ tạo dựng ngươi một lần nữa và ngươi sẽ được tái dựng, hỡi người trinh nữ Israel” (Gr 31,1-4).


Bất chấp những bất trung của dân, tình yêu muôn thưở của Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng tái lập giao ước tình yêu và ban ơn cứu  thoát vượt lên trên mọi sự mong đợi.


4.- Ngôn sứ Ezekiel và Isaia cũng nói tới hình ảnh của một người vợ bất trung được tha thứ.


Qua miệng ông Ezekiel, Chúa đã nói với người vợ như sau: “Ta sẽ nhớ tới giao ước đã ký kết với ngươi lúc thanh xuân và Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh viễn” (Ez 16,60).


Sách Isaia đã ghi lại một sấm ngôn rất là tình tứ:  “Hôn phu của ngươi là Đấng Tạo thành ngươi...  Ta đã bỏ rơi ngươi trong giây lát, nhưng Ta đã lấy lại ngươi trong tình yêu vô bờ bến. Trong cơn nóng giận Ta đã ẩn mặt đi một lát: nhưng với tình yêu vĩnh viễn Ta lại thương xót ngươi, đó là Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, nói như vậy”(Is 54,5.7-8).


Lời hứa với thiếu nữ Sion là một tình yêu mới và chung thủy, một niềm hy vọng bao la vượt xa việc bỏ rơi bà vợ bất trung: “Hãy nói với thiếu nữ Sion: này đây, Đấng cứu thoát ngươi đang tới, Người mang theo phần thưởng với mình, và thành tích đi ngay trước mặt. Người ta sẽ kêu họ là dân thánh được Thiên Chúa cứu chuộc. Ngươi sẽ được gọi là Kẻ được tìm kiếm, Thành không bị bỏ rơi” (Is 62,11-12).


Ngôn sứ  xác định thêm :” Không ai còn kêu ngươi là Kẻ bị bỏ rơi, không ai gọi đất của ngươi là Đất hoang tàn, nhưng ngươi sẽ được gọi là Đấng Ta yêu dấu. và đất của ngươi được gọi là Hiền thê, bởi vì Thiên Chúa thương xót ngươi và đất của ngươi sẽ có một vị hôn phu. Thực vậy, cũng như một thanh niên kết hôn với một trinh nữ, thì ngươi cũng sẽ kết hôn với chủ tể của ngươi; cũng như hôn phu vui mừng vì hôn thê, thì Thiên Chúa của ngươi cũng vui mừng vì ngươi” (Is. 62,4-5).


Những hình ảnh và những cử chỉ âu yếm đó được sách Diễm ca đã tóm kết qua lời như sau: “Ta thuộc về người yêu của Ta và người yêu thuộc về Ta” (Dc 6,3).  Và như thế, mối tương quan giữa Giavê và dân Người đã được trình bày lại một cách hết sức lý tưởng.


Khi nghe đọc những sấm ngôn của các ngôn sứ, chắc hẳn Đức Maria đã nhìn tới viễn tượng đó và  đã nuôi dưỡng trong tâm hồn niềm hy vọng vào thời Mêsia.


Những lời than trách dân tộc bất trung chắc hẳn đã gợi lên trong Người sự cam kết nồng nhiệt sẽ trung thành với giao ước, mở rộng tinh thần của Người tới đề nghị thông hiệp bền bỉ với Chúa mình trong ân sủng và tình yêu. Chính qua giao ước đó mà ơn cứu rỗi đã được ban cho toàn thể thế giới.


 


***


 


BÀI 18 


THIẾU NỮ SION MỚI


 


Từ bài hôm nay, Đức Thánh Cha bước sang phần chú giải những đoạn văn Kinh thánh Tân ước bàn về Đức Maria. Đoạn văn súc tích hơn cả là cảnh thiên sứ truyền tin (Lc 1,26-38). Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa thâm thúy của  những lời mở đầu của thiên sứ  nếu đối chiếu với các sấm ngôn Cựu ước mời gọi thiếu nữ Sion hãy vui mừng vì Vua Mêsia đến. Đức Maria là hiện thân của “thiếu nữ Sion”, tức là dân Israel, đón tiếp tin vui mừng. Hơn thế nữa, Người đại diện cho cả nhân loại để đón nhận Thiên Chúa đến với chúng ta.


 


1.- Vào lúc Truyền tin, Đức Maria , “thiếu nữ  Sion tuyệt vời” (xc. HT 55), đã được  thiên sứ chào mừng như là đại diện nhân loại, được yêu cầu bày tỏ sự ưng thuận việc Nhập thể của Con Thiên Chúa .


Lời đầu tiên của sứ thần hướng tới Đức Maria là một lời mời gọi hoan hỉ: Khairê, có nghĩa là: hãy vui lên. Danh từ Hy lạp được dịch sang tiếng Latinh là “Ave”, một lời chào thông thường, nhưng xem ra không tương xứng hoàn toàn với dụng ý của thiên sứ và với mạch văn của cuộc hội ngộ.


Thực ra, khairê cũng là một lời chào hỏi, thường được người Hy lạp sử dụng. Tuy nhiên, hoàn cảnh khác thường cho thấy những lời này vượt quá không khí một cuộc gặp gỡ thường lệ. Thực vậy, chúng ta đừng nên quên rằng thiên sứ ý thức là mình đang mang một lời loan báo độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại: vì thế mà một lời chào hỏi thông thường thì không hợp cảnh. Ngược lại, xem ra dịch khairê là “hãy vui lên” thì  thích hợp hơn với hoàn cảnh đặc biệt này. Như các giáo phụ Hy lạp thường chú giải khi trích dẫn  sấm ngôn của các ngôn sứ, lời mời gọi “vui lên” vốn  đi kèm theo việc loan báo Đấng Mêsia đến.


2.- Trước hết, chúng ta có thể trưng dẫn ngôn sứ Sophonia. So với sấm ngôn của ông, những lời của thiên sứ lúc truyền tin cho thấy sự tương đồng đầy ý nghĩa: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hãy rộn ràng lên, hỡi Israel, hãy nhảy mừng với tất cả con tim của mình, hỡi thiếu nữ Giêrusalem!” (Xp 3,14).


Chúng ta thấy một lời mời hãy vui mừng : “Hãy nhảy mừng với tất cả con tim của mình” (14). Chúng ta thấy nói tới sự hiện diện của Thiên Chúa : ”Vua Israel là Thiên Chúa ở giữa ngươi” (15). Chúng ta thấy có lời khuyến khích đừng sợ hãi: “Này Sion, đừng sợ, đừng để tay buông xuôi” (16). Sau cùng có lời hứa Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu độ: “Thiên Chúa ở giữa ngươi là một Đấng Cứu Tinh quyền năng” (17). Những điểm trùng hợp vừa nhiều vừa sát nghĩa đưa chúng ta nhìn nhận nơi Đức Maria quả thực là “ thiếu nữ Sion” mới, có đủ lý do để vui mừng bởi vì Thiên Chúa đã quyết định thực hiện chương trình cứu độ.


Một lời mời hãy vui mừng tương tự,  tuy  trong một mạch văn khác, cũng gặp thấy nơi ngôn sứ Gioel:  “Đừng sợ, hỡi địa cầu, nhưng hãy vui lên bởi vì Thiên Chúa đã làm nên những việc lạ lùng... các ngươi sẽ nhận ra rằng Ta ở giữa dân tộc Israel...” (Ge 2,21.27).


3.- Ngoài ra sấm ngôn của ông Zacaria, được trưng dẫn vào lúc Chúa Giêsu  vào thành Giêrusalem (xc. Mt 21,5; Ga 12,15) cũng có ý nghĩa. Trong đoạn văn này, lý do của sự vui mừng là  Vua Mêsia ngự đến: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng, hỡi thiếu nữ Giêrusalem! này đây, Vua của ngươi đang đến. Người là Đấng công chính và chiến thắng, khiêm tốn, … Người sẽ loan báo bình an cho các dân tộc” (Dcr 9,9-10).


Sau cùng, sách Isaia đã bộc lên lời loan báo vui mừng cho Sion mới, trước một đàn con đông đảo, dấu chỉ của sự chúc lành của Thiên Chúa: “Hãy vui lên, hỡi người son sẻ không sinh con, hãy nhảy mừng, kẻ đã không cảm thấy đau đớn, bởi vì con cái của kẻ bị bỏ rơi thì đông hơn đàn con của phụ nữ có chồng, Chúa đã phán như vậy” (Is 54,1).


Có ba lý do trong lời mời hãy vui mừng: sự hiện diện của Thiên Chúa  cứu độ giữa Dân người, Vua Mêsia đang ngự đến, và sự phong nhiêu dồi dào; cả ba động lực này được thể hiện đầy đủ  nơi Đức Maria. Chúng  cho thấy ý nghĩa mà truyền thống đã gán cho lời chào của sứ thần mang. Khi mời Đức Maria hãy ưng nhận việc thực hiện lời hứa về Đấng Mêsia và loan báo cho Người chức phận cao vời của Thân mẫu Thiên Chúa, những lý do ấy  đương nhiên mời Người hãy vui mừng. Thực vậy, như công đồng Vatican II đã nói “với Người là thiếu nữ Sion tuyệt vời, sau khi đã chờ đợi lời hứa từ lâu năm, thì thời gian đã hoàn tất và khai trương một nhiệm cục mới, khi mà Con Thiên Chúa đã mặc lấy nơi người bản tính nhân loại, để giải thoát con người ra khỏi tội lỗi bằng những huyền nhiệm của thân xác Người” (HT 55).


4.- Trình thuật của cuộc Truyền tin cho phép chúng ta nhìn nhận nơi Đức Maria “thiếu nữ Sion” mới, được Thiên Chúa mời gọi hãy vui mừng khôn xiết. Nó nói lên vai trò phi thường của Thân mẫu Đấng Mêsia, và hơn thế nữa, vai trò của Thân mẫu Con Thiên Chúa. Đức Maria  đã đón nhận sứ điệp nhân danh toàn dân Đavit; nhưng cũng có thể nói rằng Người đã đón nhận sứ điệp nhân danh toàn thể nhân loại, bởi vì Cựu ước đã mở rộng vai trò của Đấng Mêsia tới hết muôn dân (xc. Tv 2,8; 71,8). Trong ý định của Thiên Chúa, lời truyền tin cho  Đức Maria nhằm tới sự cứu độ toàn thế giới.


Để xác định cho viễn tượng phổ quát của chương trình cứu rỗi, chúng ta có thể nhắc lại một vài bản văn của Cựu ước và của Tân ước, khi so sánh ơn cứu rỗi với một bữa tiệc của hết muôn dân ở trên núi Sion (Is 25,6) và loan báo bữa tiệc cánh chung ở trong nước Thiên Chúa (xc. Mt 22,1-10).


Với tư cách là “thiếu nữ Sion”, Đức Maria là Trinh nữ của giao ước được Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại. Vai trò đại diện của Đức Maria trong hoàn cảnh này thật là rõ rệt. Và thật là việc đầy  ý nghĩa khi một người phụ nữ được mời  chu toàn chức vụ đó.


5.- Thực vậy, với tư cách là “thiếu nữ Sion” mới, Đức Maria là kẻ xứng hợp để ký kết một  giao ước hôn nhân với Thiên Chúa. Người xứng đáng hơn hết mọi phần tử của Dân được tuyển chọn, Người đã có thể dâng hiến cho Chúa con tim của Hiền thê.


Với Đức Maria, “thiếu nữ Sion” không còn phải là một chủ thể tập đoàn nữa, nhưng là một cá nhân thay mặt  cho nhânloại và, vào lúc Truyền tin, đã đáp trả cho lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa bằng chính tình yêu hôn thê của mình.


Như thế, Đức Maria đã tiếp đón  một cách đặc biệt niềm vui mà các ngôn sứ đã loan báo, niềm vui đạt tới tột đỉnh, vào lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành. 


 


***


 


BÀI 19 


“NGƯỜI ĐẦY ƠN PHÚC”


 


Thiên sứ chào Đức Maria là “kẻ đầy-ơn-phúc”, kiểu như gọi bằng một tên riêng, biểu lộ lòng ưu ái của Thiên Chúa đổ tràn đầy ân huệ xuống trên một tạo vật thấp hèn.


 


1.- Trong trình thuật Truyền tin, lời đầu tiên của thiên sứ: “Hãy vui lên” tạo nên một lời mời vui mừng, nhắc tới những sấm  ngôn  của Cựu ước hướng tới “thiếu nữ Sion”.  Trong bài huấn giáo trước đây chúng ta đã nêu bật điểm đó cùng với việc trình bày những lý do thúc đẩy vui mừng: sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, vua Mêsia ngự đến và sự phong nhiêu của bà mẹ. Ba lý do ấy đều ứng nghiệm ở nơi Đức Maria.


Sau lời chào  khairê “hãy vui lên”, thiên sứ Gabriel ngỏ lời với Trinh nữ Nazaret,  đã gọi Người là  kekharitomêne,  “Đầy ơn phúc”.


Trong bản văn Hy lạp, hai từ KhairêKekharitomene có tư tưởng liên lạc mật thiết với nhau: Đức Maria được mời gọi hãy vui mừng bởi vì Thiên Chúa  yêu thương Người và đổ tràn ân phúc trên Người nhằm tới chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa .


Đức tin của Hội thánh và kinh nghiệm của các Thánh đều dạy rằng ân sủng là nguồn vui mừng và niềm vui  chân thực bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nơi Đức Maria, cũng như nơi các Kitô hữu,  ân huệ của Thiên Chúa phát sinh ra một niềm hoan lạc sâu  đậm.


2.- Kekharitomene: hạn từ này dành cho Đức Maria được coi như là một đặc tính của một phụ nữ được Chúa định làm Thân mẫu Đức Giêsu. Hiến chế về Hội thánh đã khẳng định như sau: “Trinh nữ Nazaret, do lệnh Chúa, đã được thiên sứ đến truyền tin chào kính là ‘đầy ơn phúc’” (HT 56).


Việc thiên sứ gọi Người bằng danh xưng này mang lại cho lời chào của sứ thần một giá trị rất là quan trọng: nó bày tỏ kế hoạch cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa đối với Đức Maria.   Như tôi đã viết trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu Thế:  “Sự đầy tràn ơn phúc ám chỉ tất cả việc ban phát siêu nhiên dồi dào mà Đức Maria nhận lãnh, bởi vì Người đã được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô” (số 9).


“ Đầy ơn phúc” là tên gọi mà Đức Maria được đặt  dưới con mắt của Thiên Chúa. Thực vậy, theo như  trình thuật của thánh sử Luca, thiên sứ đã dùng danh xưng đó trước khi kêu  tên Maria, muốn làm nêu bật  khía cạnh trổi vượt mà Chúa đã nhận ra nơi bản thân của người Trinh nữ Nazaret.


Thành ngữ  “Đầy ơn phúc” dịch từ Hy lạp kekharitomêne là một phân-từ thể thụ động. Để có thể lột hết sự súc tích của bản văn Hy Lạp thì thay vì nói rằng “đầy ơn phúc “ cần phải dịch là “được tràn ơn phúc” hay là “được đổ đầy ơn phúc”; điều này có nghĩa là một hồng ân được Chúa ban cho Trinh nữ. Từ ngữ, đặt ở thể quá khứ, cũng xác định hình ảnh của một ân phúc toàn hảo  và bền vững kèm theo sự sung mãn. Cũng động từ ấy, theo nghĩa  “ban cấp ân huệ” được  sử dụng trong thư gửi Ephêsô để ám chỉ sự dồi dào ân sủng mà Chúa Cha đã đổ tràn cho chúng ta trong Thánh tử yêu dấu (1,6). Đức Maria đã lãnh nhận sự dồi dào ân sủng như là hoa trái đầu mùa của ơn cứu chuộc (xc. Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 10).


3.- Trong trường hợp của Đức Trinh nữ,  hành động của Thiên Chúa quả là phi thường.  Đức Maria không có một tước hiệu phàm trần nào để đáng lãnh nhận lời loan báo Đấng Mêsia sẽ đến. Người không phải là một vị Thượng tế đại diện chính thức cho đạo Do thái, cũng chẳng phải là một người nam,  nhưng chỉ là một cô gái không có ảnh hưởng gì trong xã hội đương thời. Hơn thế nữa, Người xuất thân từ  Nazaret, một làng không hề được nhắc tới trong Cựu ước. Nazaret chẳng được tiếng tăm gì, theo như lời ông Natanael được kể lại trong Phúc âm thánh Gioan: “Từ Nazaret có cái gì tốt đâu ?” (Ga 1,46).


Tính cách phi thường và ân huệ nơi sự can thiệp của Thiên Chúa lại còn được nổi bật hơn khi chúng ta đối chiếu với bản văn Luca thuật lại cảnh thiên sứ hiện ra với ông Zacaria. Thực vậy, thánh sử nêu bật điều kiện ông ta là một thượng tế, và đời sống của ông cũng như  của bà vợ Elisabet là khuôn mẫu của người công chính theo Cựu ước: hai ông bà “ tuân giữ nghiêm chỉnh tất cả lề luật của Thiên Chúa” (Lc 1,6).


Đối lại, nguồn gốc bà Maria thì không được thánh Luca nói tới : từ ngữ  “thuộc nhà Đavít” (Lc 1,27)  được dành cho ông Giuse mà thôi. Ngoài ra chúng ta cũng không thấy mảy may gợi ý đến tác phong của Người.  Với lối hành văn như vậy, thánh sử muốn nêu bật rằng nơi Đức Maria  tất cả đều là ân huệ của Chúa. Những gì được ban cho Người thì không phải do công trạng của mình, nhưng hoàn toàn do lòng ưu ái  của Thiên Chúa.


4.- Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là thánh Luca không muốn hạ thấp tư cách cao sang  của Đức Trinh Nữ. Đúng ra ông muốn trình bày Người như là hoa trái của lòng ưu ái của Thiên Chúa, Đấng đã chiếm hữu trọn vẹn Đức Maria đến nỗi theo như  lời của thiên sứ, “đổ tràn ân phúc” xuống cho Người. Chính sự dồi dào ân sủng tạo ra sự dồi dào thiêng liêng ẩn tàng nơi Đức Maria .


Trong Cựu ước, Chúa Giavê đã bộc lộ tình thương dồi dào qua thiên hình vạn trạng. Vào lúc bình minh của Tân ước,  lòng lân tuất của Thiên Chúa đạt tới cao điểm ở nơi Đức Maria. Nơi Người sự tuyển chọn mà Chúa dành cho dân riêng, đặc biệt là cho những người khiêm tốn và khó nghèo đã đạt tới chóp đỉnh.


Nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và nhờ cảm nghiệm của các thánh, Hội thánh  khuyến khích các tín hữu hãy đưa mắt nhìn lên Thân mẫu Đấng Cứu thế và hãy cảm thấy rằng mình cũng được Thiên Chúa yêu thương. Hội thánh  mời các tín hữu chia sẻ sự khiêm tốn và khó nghèo của  Người, ngõ hầu theo gương Mẹ và nhờ Mẹ chuyển cầu, họ có thể bền đỗ trong ơn sủng của Chúa thánh hóa và thay đổi  con tim.


 


***


 BÀI 20 


ĐỨC MARIA HOÀN TOÀN THÁNH THIỆN


 


Tiếp tục chú giải lời thiên sứ chào Maria là kẻ “đầy ơn phúc”, Đức Thánh Cha trình bày lịch sử tiến triển của tín điều Vô nhiễm nguyên tội (kéo dài cho đến bài 23). Bắt đầu từ đặc tính “tòan thánh” của Đức Maria vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế, từ thế kỷ thứ VI, vài giáo phụ đã suy tư về sự thánh thiện ngay từ lúc bắt đầu cuộc đời.


 


1.- Nơi Đức Maria, “đầy ân phúc”,  Hội thánh đã nhận biết “kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi”, “ngay từ lúc thụ thai đã được trang điểm với những ánh quang thánh thiện hết sức đặc biệt” (HT 56).


Lời tuyên dương này đã đòi hỏi một chặng đường suy tư đạo lý lâu dài, cuối cùng đưa tới việc xác định long trọng tín điều Vô nhiễm nguyên tội.


Danh xưng “được đổ tràn ơn thánh”, do thiên sứ chào Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã gợi lên một ân huệ khác thường mà Thiên Chúa đã ban cho thiếu nữ Nazaret nhằm tới chức vụ làm mẹ, nhưng tự nó từ ngữ này mô tả hiệu quả mà ân phúc Chúa đã để lại nơi Đức Maria. Đức Maria đã được thấm nhuần ân phúc và vì thế  đã được thánh hóa. Đặc tính kekharitomene mang một ý nghĩa rất súc tích, mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng giúp Hội thánh  đào sâu thêm.


2.- Trong bài huấn giáo trước,  tôi đã nêu bật rằng trong lời chào của thiên sứ, từ ngữ  “Đầy ân phúc” có giá trị như là tên riêng: đó là tên của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa. Theo phong tục Do thái, tên biểu lộ tính chất của một người và một đồ vật. Do đó, danh xưng  “Đầy ân phúc”  bày tỏ khía cạnh sâu đậm nhất nơi nhân cách của thiếu nữ Nazaret: Người đã được ân huệ và tình thương của Chúa nhào nặn đến nỗi đã có thể được định nghĩa bằng lòng ưu ái riêng biệt như vậy.


Công đồng nói rằng nhiều giáo phụ đã nhắc đến chân lý đó khi họ gọi Đức Maria là “ Đấng toàn thánh”, đồng thời các ngài cũng nói rằng” Đức Maria ra như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56).


Ân phúc, hiểu theo nghĩa là “thánh sủng” tác dụng sự thánh hóa bản thân, đã thực hiện nơi Đức Maria một sự tạo dựng mới,  hoàn toàn phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.


3.- Như vậy suy tư thần học đã có thể gán cho Đức Maria một sự thánh thiện hoàn hảo, mà để được đầy đủ ý nghĩa, cần phải bao gồm ngay cả lúc khởi đầu sự sống của Người.


Dường như tác giả đầu tiên của chiều hướng giải thích sự tinh tuyền nguyên thủy là một giám mục ở Palestina tên là Theoteknos Livias, sống khoảng giữa năm 550 và 650. Ông đã trình bày Đức Maria “thánh thiện và tuyệt đẹp”, “trong trắng không tì ố”, và bàn tới việc Người được sinh ra với những lời này:” Người sinh ra giống như các Kêrubim, bằng đất sét tinh ròng vô nhiễm” (Bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).


Những lời cuối cùng, nhắc đến việc tạo dựng con người đầu tiên, được tạo dựng bởi đất sét không bị hoen ố vì tội lỗi, đã gán cũng những đặc tính đó cho việc Đức Maria sinh ra : nguồn gốc của Đức Trinh nữ cũng  “tinh tuyền vô nhiễm”, nghĩa là không có tội gì. Việc so sánh với các Kêrubim còn muốn nói tới sự thánh thiện trổi vượt, đặc trưng của cuộc đời Đức Maria ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.


Khẳng định của Giám mục Theoteknos đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong suy tư thần học về mầu nhiệm Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Trước đó, các giáo phụ Hy lạp và Đông phương thường  nói tới một sự thanh tẩy do ơn thánh tác động nơi Đức Maria hoặc là trước khi xảy ra cuộc nhập thể, (T. Grêgôriô Nazian) hoặc là vào chính lúc Thiên Chúa nhập thể (thánh Ephrem, ông Saveriano Gabala, ông Giacobe Sarug).


Còn ông Theoteknos có lẽ muốn Đức Maria được thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống. Thực vậy, Đấng đã được Chúa định làm Thân mẫu Đấng Cứu Thế không thể nào không có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết.


4.- Vào thế kỷ thứ VIII, ông Anrê giám mục Crêta là nhà thần học đầu tiên đã coi ngày sinh nhật của Đức Maria như là một cuộc tạo dựng mới. Ông lập luận  như sau: “Hôm nay nhân loại đã nhận được vẻ đẹp cố hữu của mình với tất cả vẻ sáng ngời của sự tinh tuyền. Những hổ thẹn vì tội lỗi trước đây đã làm che khuất ánh sáng và vẻ đẹp của bản tính nhân loại; nhưng khi Thân mẫu Đấng Tuyệt Mỹ được sinh ra, thì bản tính nhân loại đã lấy lại những đặc ân cổ truyền ở nơi Người,  và  đã được đúc nặn lên theo khuôn mẫu hoàn bị mà Thiên Chúa đã muốn... Hôm nay bắt đầu việc canh cải bản tính con người, và thế giới cũ kỹ đã được Thiên Chúa biến đổi, nó  đã nhận được những hoa trái đầu mùa của cuộc tạo dựng lần thứ hai” (Bài giảng I lễ Sinh nhật Đức Maria).


Rồi lấy lại hình ảnh của khối đất sét nguyên thủy, ông nói tiếp :” Thân xác của Đức Trinh nữ là một  mảnh đất mà Thiên Chúa tác tạo, là hoa trái đầu mùa của dòng dõi Adam được  thần hóa nơi Đức Kitô, là hình ảnh thực sự giống với vẻ đẹp nguyên thủy, là đất sét đã được bàn tay của Nghệ sĩ thiên linh nhào nặn” (Bài giảng I Lễ An nghỉ của Đức Maria).


Do đó sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Maria được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô, khai nguyên một thời gian ân sủng dồi dào mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại.


Đạo lý này,  được  thánh Germanô Constantinopolis và thánh Gioan Đamascô, cũng vào thế kỷ thứ VIII, lặp lại, làm sáng tỏ giá trị của sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria, được trình bày như là khởi nguyên của sự cứu chuộc thế giới.


Vì thế, cuộc suy tư lý của Hội thánh đã làm phát triển ý nghĩa của tước hiệu “đầy ơn phúc”, mà thiên sứ đã gán cho Đức Trinh nữ. Đức Maria đầy tràn ơn thánh sủng, và ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Ơn thánh này, trong thư gửi Ephesô (1,6) được Chúa Kitô ban cho tất cả các tín hữu. Sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria trở thành một khuôn mẫu vô lường của hồng ân và của việc đổ tràn ân phúc Đức Kitô vào thế giới.




[1] Xem thêm: bài 20; 61.

[2] Cũng có người  dịch là: “cô gái Sion” hoặc  “con gái Sion”.

 

114.864864865135.135135135250