17/02/2011 -

Tài liệu

791

 


 


 


Đức Mẹ Và Mầu Nhiệm Nhập Thể


Nhập Thể là Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời trong cõi vô hình và vĩnh hắng đã nhận lấy nhân tính chúng ta, trở thành một con người ở giữa nhân loại, trong thế giới hữu hình và hữu hạn. Ngài hòa mình vào thân phận con người, tùng phục mọi cảnh huống của đời người, như sinh ra nhờ một người mẹ, trải qua sướng khổ buồn vui và phải chết, nghĩa là chấp nhận mọi điều kiện của thân phận làm người, chỉ trừ tội lỗi.


Nói về Đức Maria và Mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc là nhất thiết nói đến mối liên hệ không thể thiếu, nói đến vai trò quan trọng và vị trí vô song của Mẹ Maria đối với Mầu nhiệm ấy.


I. MỐI LIÊN HỆ KHÔNG THỂ THIẾU


Trước hết, bảo rằng giữa Đức Maria và Mầu nhiệm Nhập Thể có liên hệ không thể thiếu bởi vì đó là liên hệ giữa người mẹ và người con: Con Thiên Chúa làm người đã có và phải có một người Mẹ. Người Mẹ đó là Đức Maria. Nói đến Con là cũng nói đến người Mẹ của người Con.


Về điểm này, ngay từ trong Kinh Thánh Cựu Ước, đã có nhiều tiên báo hay ám chỉ về Mẹ Maria. Chẳng hạn, ngôn sứ Isaia nói đến “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Nhất là sách Khởi nguyên nhắc đến sự kết án của ĐỨC CHÚA đối với con rắn, hình ảnh của ma quỉ, sau khi nó cám dỗ hai ông bà nguyên tổ: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (Kn 3,15).


Sang đến Kinh Thánh Tân Ước, mối liên hệ giữa Mẹ Maria với Con Thiên Chúa Nhập Thể là Đức Giê-su còn được đề cập đến nhiều hơn nữa. Các tác giả Tân Ước nhấn mạnh đến tư cách “Trinh Nữ” của Mẹ. “Trong môi trường Palestina, vấn đề đức trinh khiết có liên hệ tới sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a hình như là một sự kiện mới mẻ. Cho đến lúc đó, Sách Thánh vẫn không dành cho đức trinh khiết một giá trị tôn giáo nào. Dường như phái Essêniô ở Qumran là những người Do-thái đầu tiên tình nguyện tiết dục, cố gắng sống trong sạch theo luật định. Trái lại, Luca đã gán cho sự trinh khiết của Đức Maria một tầm quan trọng lớn lao. Trong cả tác phẩm, ông đã lưu tâm đến việc tiết dục… (VTB, Maria).


Bên cạnh sự nhấn mạnh đến đức trinh khiết của Mẹ Maria, Tân Ước cũng đề cấp đến vai trò làm Mẹ của Người. Ở mọi mức độ của truyền thống Tin Mừng, trước hết, Đức Maria là “Mẹ Đức Giêsu”. Nhiều bản văn chỉ gọi Mẹ bằng tước hiệu đơn giản ấy. Trong tư cách ấy, Mẹ đã tự nhận thiên chức làm mẹ. Câu chuyện Truyền Tin nêu rõ điều đó. Và hậu quả là: nhiệm vụ của Đức Maria, như bao nhiêu bà mẹ khác, chỉ mới bắt đầu khi sinh hạ Đức Giêsu. Mẹ còn phải dưỡng dục Đức Giêsu. Đức Maria vẫn còn là Mẹ khi Đức Giêsu đã đến tuổi trưởng thành. Người đứng bên cạnh con mình trong những lúc ly biệt đau thương (Mc 3,21; Ga 19,25 tt)… (VTB, Maria).


II. ĐỨC MARIA GÓP PHẦN VÀO MẦU NHIỆM NHẬP THỂ


Như ta vừa thấy khi nhắc lại sự kiện Truyền Tin, đứng trước ơn gọi bất ngờ mà thiên thần loan báo, Đức Mẹ đã băn khoăn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và sau khi hiểu rõ, Mẹ đã chấp thuận: “Này tôi là tôi tá Chúa. Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài” (Lc 1,38).


Mường tượng về cảnh này, có tác giả diễn tả rằng tuy chỉ là sự kiện diễn ra trong căn phòng nhỏ bé giữa thiên thần và Đức Maria, nhưng đây lại chính là sự kiện quyết định về số phận của cả nhân loại, của muôn ngàn thế hệ. Tất cả triều thần thiên quốc cũng như toàn thể nhân loại giống như đã phải hồi hộp chờ đợi trong nín thở và bồn chồn. Về phía Thiên Chúa, cách hành xử của Người luôn là ngỏ lời với thụ tạo, luôn là dạm ban hồng ân cho từng con người, nhưng không khi nào Người bắt ép ai phải chấp nhận lời ngỏ hoặc quà tặng của Người, trái lại Người luôn tôn trọng tự do của con người tối đa, thậm chí một cách tuyệt đối. Qua thiên thần, Người đã ngỏ lời với Đức Maria. Đức Maria có thể từ khước hoặc đồng ý. Mẹ toàn quyền trong quyết định của mình. Chỉ có điều, quyết định đó của Mẹ sẽ đưa đến một hậu quả hết sức quan trọng. Nếu Mẹ từ chối thì Mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc không có được, hoặc ít là chưa có được. Và kết quả là Thiên Chúa chưa thực hiện được chương trình cứu thế như Người dự tính, nhân loại tiếp tục ở trong thân phận đen tối trong hiện tại và tương lai, bởi vì phải tiếp tục sống trong quyền lực của tội lỗi và ma quỉ. Do đó lúc này giống như giây phút mọi người phải nghẹt thở vì một biến cố có tính định đoạt cả một vận mệnh… Và vui mừng thay, Đức Maria đã đáp lại ước mong của Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận sự ngỏ ý của Người qua vị sứ giả của Người.


Về điểm này, ta có quyền nói đến Mẹ như Đấng đã tích cực và quảng đại góp phần vào Mầu nhiệm Nhập Thể. Bởi vì chính nhờ tiếng “Xin Vâng” của Mẹ mà Thiên Chúa bắt đầu cho Con Một của Người mang lấy nhân tính, đi vào kiếp người.


Về sự góp phần này của Đức Maria, ta còn có thể xác định thêm nữa, khi suy nghĩ về đòi hỏi hay điều kiện tối cần làm nên Mầu nhiệm Nhập Thể.


Ta hãy dừng lại ở hai đoạn Tân Ước để suy niệm thêm. Một là đoạn thư thánh Phaolô gởi tín hữu Galát: “ Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử…” (4,4).


Từ “viên mãn” ở đây có thể có 3 nghĩa. Nhiều người thường hiểu theo nghĩa thời gian, tức là từ đời đời Thiên Chúa Cha đã ấn định năm tháng nào là thời viên mãn, và đến đúng năm tháng đó, Người sẽ bắt đầu thực hiện Công cuộc cứu chuộc. Cũng như về tận thế, Thiên Chúa đã ấn định đến thế kỷ nào, năm nào, ngày nào. Đó là điều chỉ một mình Người ấn định.


Hoặc hiểu viên mãn ở đây theo nghĩa là nhân loại đã tới lúc viên mãn trong sự chờ đợi, trong sự đạo đức, để xứng đámg chào đón Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa Cha thấy tình trạng của nhân loại, của Dân Israel đã thích hợp để Người sai Con Một vào trần gian. Thế nhưng điều này cũng không đúng. Bởi lẽ vào lúc cuộc Nhập Thể xảy ra, con người đâu đã chờ đợi đủ mức, con người đâu đã sống đức tin cách xứng đáng…


Cách hiểu thứ ba có thể là sụ viên mãn mà thánh Phaolô nói đến ở đây ám chỉ đến mức đầy đủ viên mãn của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Khi đến thời viên mãn nghĩa là khi đến lúc Thiên Chúa muốn thi thố ra hết mức tình thương xót của Người, đến lúc tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi đã thiết tha, rạo rực hết mức, không thể hơn được nữa, Thiên Chúa bắt đầu cho Đấng Thiên Sai vào trần gian.


Theo nghĩa này, Mầu nhiệm Cứu Chuộc là Mầu nhiệm do Thiên Chúa, khi Người thấy tình thương của Người  đối với đoàn con tội lỗi đạt đến mức độ tột cùng và muốn thi thố tình thương dạt dào đó.


Đoạn văn thứ hai là trình thuật Truyền Tin. Ở đây Thiên Chúa cũng là Đấng đi bước trước. Sứ thần của Người đến với Đức Maria một cách bất ngờ hoàn toàn. Sứ thần ngỏ lời với Mẹ, gợi đến sự kén chọn trước của phía Thiên Chúa, kèm theo việc Thiên Chúa đã đổ đầy ơn phúc trên Mẹ, “kính chào Đấng đầy ơn phúc” và muốn Mẹ trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa hành động chỉ vì tình thương, chứ không phải vì phía Mẹ, Mẹ đã xứng đáng, đã đầy công nghiệp, tuy điều này có đúng một phần. Thiên Chúa là Đấng phú ban. Con người – ở đây là Mẹ Maria – chỉ có việc mở lòng đón nhận và ưng thuận.


Vậy Mầu nhiệm Nhập Thể là Mầu nhiệm được làm nên bởi tình thương đi bước trước của Thiên Chúa, tình thương thực hiện mọi việc, tình thương phú ban -  và phía con người hay thụ tạo chỉ đón nhận. Sở dĩ Mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc có tương quan song phương “ban và nhận” như thế, vì trong vấn đề cứu độ, chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng thực hiện, là Đấng có quyền năng làm được mọi sự. Còn con người chỉ là những kẻ bất lực, những kẻ đau khổ cùng khốn nhưng không thể tự cứu lấy mình. Họ khác nào những kẻ sa xuống đáy vực thẳm, mà trong tầm tay hoàn toàn không có một phương tiện hay dụng cụ nào để thoát khỏi đó, ngoại trừ khi có người tốt bụng chìa tay xuống cứu vớt và chính họ chịu nắm lấy cánh tay vị ân nhân ấy.


Nói như thế, Mầu nhiệm Nhập Thể được làm nên bởi hai điều kiện: một bên là tình thương và công việc của Thiên Chúa, một bên là sự đón nhận của con người. Phần của Thiên Chúa là lớn, gần như tất cả, phần của con người là nhỏ, nhưng nhất thiết phải có cả hai phần. Khi ưng thuận với lời ngỏ từ phía Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp ứng điều kiện tối cần không thể không có ấy. Từ lời “xin vâng” của Mẹ, Mầu nhiệm Nhập Thể bắt đầu và Mẹ là người đầu tiên trong cả nhân loại ở vào chính lúc khởi thủy của Mầu nhiệm lớn lao ấy. Đó chính là diễm phúc và vị trí vô song của Mẹ trong Mầu nhiệm cao vời. Không một ai khác trong nhân loại đã có được.


Sự kiện này cũng đưa đến một vai trò quan trọng khác của Mẹ: vai trò trở nên gương mẫu của mọi con người muốn được cứu rỗi, bởi vì Mẹ là người đầu tiên biết mở lòng cho Thiên Chúa, biết đón nhận tình thương và hồng ân cứu độ Thiên Chúa muốn dạm ban.


Trường hợp của Mẹ hùng hồn minh chứng rằng: muốn được cứu độ, con người hãy đón nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa, chứ không phải như quan niệm hay suy nghĩ của nhiều người là chính mình hãy nỗ lực tự cứu, chính mình thử hết cách này đến cách kia, chính mình tra tay vào việc phá vỡ mọi bế tắc, đem hết mọi khả năng mình có, để giải quyết vấn đề nan giải mình đang mắc. Suy nghĩ hay cố gắng hành động như thế là vừa kiêu căng vừa vô hiệu. Bởi lẽ, như kẻ sa xuống đáy vực thẳm chỉ muốn tự cứu mình, không muốn cậy dựa vào ai khác, đúng là kẻ kiêu căng và cũng là kẻ chỉ gánh lấy thất bại ê chề. Kẻ đó không thể cứu mình, mà cũng không thể cứu được những người đang cùng cảnh ngộ, cùng bế tắc với mình.


Trong lãnh vức thực tế của đời sống (leo lên khỏi vực thẳm) đó đã là điều không tưởng. Trong lãnh vực siêu nhiên – cứu rỗi linh hồn – đó sẽ càng là điều vô phương hơn nữa. Đức Maria đã chỉ ra một phương thế: đó là khiêm hạ và mở lòng chấp nhận đề nghị yêu thương của Thiên Chúa.


Con đường Mẹ đã đi cũng phải là chính con đường mà mọi con người muốn được cứu độ nhất thiết phải dõi theo.


Hơn đâu hết, Mầu nhiệm Cứu chuộc – khởi đi từ cuộc Nhập Thể và Giáng Sinh của Ngôi Hai – chứng tỏ tình thương đi bước trước và thực hiện mọi sự của Thiên Chúa.


Và hơn ai hết, Đức Maria nổi bật lên vừa như Đấng có liên hệ chặt chẽ với Mầu nhiệm ấy, như Đấng đầu tiên trong nhân loại đáp ứng điều kiện tối cần làm nên Mầu nhiệm ấy và cũng là Đấng ở vào chính thời điểm lịch sử có một không hai, lúc Mầu nhiệm vĩ đại thành sự và khởi đầu.


 


LM. Antôn Trần thế Phiệt, CSsR


 


 


 


.

114.864864865135.135135135250