21/07/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

1292

 


 


XIN CHA LẤY SỰ THẬT MÀ THÁNH HIẾN HỌ


(Gioan 17:17)



Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền


Cha Timothy Radclife, khi được hỏi đã tiếp nhận những gì từ hai vị song thân, đã kể lại ngài chưa bao giờ nghe cha mẹ cãi vả và buông lời giận dữ. Thân phụ của ngài là một người hết sức chân thật. Ngài không thể hình dung cha mình nói dối, trong khi chính ngài đôi khi bỏ phéng các sự kiện tẻ nhạt để giữ cho câu chuyện được hay. Ước vọng trở nên một con người của sự thật giống như cha, cách nào đó, hướng ngài đến với dòng Đa-Minh, một hội dòng lấy Chân Lý làm phương châm. Rồi niềm khao khát sự thật trong Radclife trở nên mãnh liệt khi cha có dịp gặp gỡ các bạn không phải là kitô hữu và những người bạn này luôn tìm cách thuyết phục ngài tin rằng niềm tin của là một sự điên rồ. Ngài tự hỏi: đức tin của mình có thực không? Chính cuộc hành trình tìm kiếm sự thật từng bước dẫn ngài đến với dòng Đa Minh, một hội dòng lấy Chân Lý làm phương châm.[1]


Câu chuyện của cha Radcliffe giúp tôi hiểu và tin rằng chính sự thật và lòng khao khát sự thật đã thúc đẩy anh em trở thành con cái của thánh Đa Minh trong hội dòng này. Hơn ai hết, anh em là những người thấm thía với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Gioan 17,17). Cùng với Chúa Giêsu chúng ta cũng tha thiết nguyện xin như vậy.


Khi xin Chúa lấy sự thật hay lời của Người mà thánh hiến chúng ta, chúng ta ý thức rằng lời hay sự thật ở đây trước hết là Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và cùng đích của mọi loài, Đấng mà thánh Augustinô khắc khỏai tìm kiếm cho đến khi được an nghỉ trong Ngài mới thôi. Lời hay sự thật ở đây còn là Đức Kitô, lời Thiên Chúa phán dạy ta trong thời sau hết (x. Dt, 1, 2). Như thế, Sự Thật vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta cũng như khả năng diễn tả của ngôn từ. Chúng ta không thể làm chủ hay chiếm hữu sự thật này. Điều chúng ta có thể làm là để cho Lời hay Sự thật chiếm hữu và biến đổi ta thành khí cụ phục vụ Lời, là đón nhận Lời hay Sự thật với đức tin và lòng vâng phục, với sự hiền lành và khiêm nhượng.


Theo cha Radcliffe, chúng ta thường bị cám dỗ tìm nắm giữ hay chiếm hữu sự thật rồi tóm gọn nó trong một vài công thức. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi trong một xã hội coi trọng tư hữu thì mọi thứ đều có thể chiếm lĩnh. Nhưng sự thật của Chúa thì không ai có thể chiếm hữu và nắm giữ. Lời Chúa là sự thật tìm biết và thăm dò ta. Nó là thanh gươm hai lưỡi. De Chazal bảo rằng Thánh Kinh không phải là cuốn sách ta đọc nhưng nó đọc ta (not a book that we read; it reads us). Lời Chúa đặt ta đối diện với sự thật về mình, chạm trán với ta qua sự thật về người khác, và hướng ta đến sự thật khó có thể tưởng tượng về Thiên Chúa là Đấng Thánh.


Điều này đòi hỏi chúng ta xem lại cách thức tiếp cận Lời Chúa. M. Robert Mulholland tác giả của Shaped by the Word mời gọi chúng ta giữ quân bình trong hai lối tiếp cận vốn tiếp nối và bổ sung cho nhau nhưng thường bị đặt ở thế đối nghịch và triệt tiêu lẫn nhau: giữa informational & formational, giữa functional & relational, và giữa doing & being. Thay vì tiếp cận Lời Chúa với chủ đích tìm nắm bắt nội dung ý nghĩa và làm chủ bản văn để rồi ra sức mổ xẻ, phân tích, phê bình … và như thế, biến lời Chúa biến thành đối tượng nghiên cứu, thành phương thế giải quyết những vấn đề cuộc sống, chúng ta hãy mở rộng tâm trí, chấp nhận bị tổn thương, chấp nhận được thay đổi, và sẵn sàng để Chúa lôi cuốn vào mối tương quan mật thiết của Người. Theo Mulholland, lời Chúa mở ra cho ta một thời buổi hay một thế giới mới; đó là thời viên mãn đã khởi sự từ cuộc nhập thể của Chúa Giêsu và kết thúc với cuộc trở lại của Ngài trong vinh quang (kairotic existence). Người kitô hữu được mời gọi sống và tận dụng thời buổi ấy (Eph 5:16 và Col 4:5) để được Đức Kitô dẫn vào sâu trong thế giới của tình yêu, tự do, và quyền năng của Thiên Chúa và nên một với Ngài. Muốn thế họ phải chết đi cho con người cũ (breaking the crust), học biết vâng phục (spiritual discipline), và mặc lấy con người mới (nurturing growth).


Hành trình nội tâm và thiêng liêng này đòi hỏi chúng ta phải đi vào trong thinh lặng và chiêm niệm của Thiên Chúa. Trong bài giảng dành cho các thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế ngày 6 tháng 8 năm 2006 cũng là ngày lễ kính thánh Bruno – viện phụ, ĐTC Bênêđictô XVI đã nói với các nhà thần học rằng sứ mạng của thánh Brunô là thinh lặng và chiêm niệm. Ngài sử dụng thinh lặng và chiêm niệm để tìm ra, trong các sinh hoạt của ngày sống, một sự kết hợp sâu xa và liên tục với Thiên Chúa. Còn sứ mạng của các nhà thần học là nói và trong khi nói, họ làm cho Chúa và Lời của Chúa hiện diện giữa thời đại “hay nói” hoặc “lạm phát lời nói” của chúng ta. Nhưng làm sao họ có thể làm cho Lời hiện diện giữa biết bao lời của thế giới, nếu như lời nói của họ không được thanh luyện? Và làm sao lời nói của họ được thanh luyện, nếu như họ không đi vào trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, nơi mà Lời đã phát sinh?


Dõi theo một truyền thống lâu dài, thánh Tôma Aquinô xác quyết trong thần học Thiên Chúa không phải là đối tượng để ta nói về Ngài, nhưng Ngài là chủ thể của thần học và Ngài nói trong thần học. Còn lời nói và suy tư của ta chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để nói với con người. Vì thế, nhà thần học được mời gọi bỏ các ý riêng và thanh luyện tâm hồn nhờ vâng phục sự thật (x. 1Pr 1, 22) để những lời họ nói trở thành những lời chân thật, những việc họ làm trở thành những hành động chân chính. Chỉ nói để được tung hô hay tán thưởng, chỉ nói những gì người ta muốn nghe, và chỉ nói theo sự độc đoán của dư luận thì khác nào làm điếm trong lời nói và tâm hồn. Nhà thần học đích thực không ép mình theo những thước đo, không đi tìm những tiếng vỗ tay khen thưởng, nhưng tìm vâng phục sự thật. Vâng phục sự thật là nhân đức căn bản của nhà thần học, giúp họ trở nên người cộng tác với sự thật, nói lời sự thật, và mang sự thật.


Theo Đức Thánh Cha, việc phân tích lời của Chúa Giêsu chỉ giúp ta hiểu được phần nào, nhưng nó vẫn còn nằm trong tư tưởng của ta. Chỉ khi nào ta đi vào trong thinh lặng của Ngài, trong sự hiện hữu của Ngài với Chúa Cha mà từ đó phát xuất ra lời của Ngài, ta mới bắt đầu hiểu được chiều sâu của lời Chúa. Nói cách khác, vì lời của Chúa Giêsu phát sinh từ sự thinh lặng của Ngài trên núi, trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Cha, nên ta chỉ có thể hiểu được chiều sâu đích thực của những lời này khi đi vào sự thinh lặng của Ngài.  Chúa Giêsu mời ta lên núi với Ngài, và trong sự thinh lặng của Ngài, học biết cách mới mẻ ý nghĩa đích thực các lời của Ngài. Thánh Tôma, vào những tuần cuối cuộc đời, đã không viết gì nữa và cũng không nói lời nào. Các môn đệ đến hỏi: tại sao Thầy không nói nữa cũng không viết nữa? Thánh nhân trả lời: trước những điều tôi thấy lúc này, tất cả những lời của tôi trở nên như rơm rạ. Đức Thánh Cha giải thích: rơm rạ ở đây không phải không là gì, bởi giá trị lớn lao của nó hệ tại mang hạt lúa. Điều này giúp ta sinh động hóa cũng như đánh giá lại công việc của mình. Đó cũng là chỉ dẫn để lời ta nói, tựa như cọng rơm, thực sự mang lại hạt lúa của Lời Chúa và ngày một chân thật hơn.[2]


Thiết nghĩ những gì Đức Thánh Cha nói với nhà thần học cũng có thể dùng để nói với nhà giảng thuyết, vì thần học gắn với giảng thuyết và nhờ giảng thuyết mà thần học hiện hữu. Để có thể hiểu và giảng lời Chúa, nhà giảng thuyết cũng phải đi vào trong thinh lặng và chiêm niệm, thanh luyện tâm hồn và lời nói nhờ vâng phục sự thật, và khiêm tốn nhận rằng lời của mình quá ư nghèo nàn và bé bỏng trước sự cao cả của Chúa.


Được thanh luyện nhờ vâng phục vụ sự thật, người giảng thuyết sẽ có được sự tự tin và khiêm tốn cần thiết cho việc thực thi sứ vụ rao giảng. Theo cha Radcliffe, người giảng thuyết phải có hai tính cách xem ra đối nghịch nhau: tự tin và khiêm tốn. Họ cần có lòng tự tin của thánh Phaolô, người đã khẳng định và xác quyết rằng “nếu anh em thật lòng tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và hết lòng tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ trong cõi chết, anh em sẽ được cứu độ.” Không có lòng tự tin, chúng ta không thể giảng dạy.


Chúng ta phải dám can đảm tuyên xưng đức tin nhưng đồng thời phải có lòng khiêm tốn của người biết rằng mình biết quá ít. Như thánh Tôma đã nói, chúng ta chẳng biết gì về Thiên Chúa hết. Chúng ta là những kẻ ăn mày sự thật, hạnh phúc được soi sáng từng ít một từ những người chúng ta gặp trên đường. Như thánh Grêgoriô thành Nyssa đã nói, chúng ta cứ phải bắt đầu và bắt đầu lại mãi. Chúng ta phải học biết khiêm tốn khi đối diện với niềm tin của những người khác. Họ có thể lầm lẫn nhiều cách, nhưng vẫn có điều có thể dạy bảo ta. Thánh Tôma là nguồn cảm hứng cho chúng ta về sự quân bình tuyệt hảo giữa tự tin và khiêm nhường. Ngài đã viết Tổng luận Thần học nhưng lại bảo tất cả những gì mình đã viết chỉ là rơm rạ. Quả thật, sự cao cả của mầu nhiệm phá tan mọi sự ngạo mạn của con người.


Chúng ta chỉ có thể hiệp nhất trong sự thật. Thế nhưng, sự thật mà Giáo Hội xác quyết xem ra gây chia rẽ hơn là hiệp nhất. Các nhóm trong Giáo Hội có những lập trường và quan điểm khác nhau: bảo thủ, tự do, kinh viện, nữ quyền, giải phóng vv… Nhóm này không chấp nhận nhóm kia và những đối kháng giữa các nhóm ảnh hưởng đến chứng từ của chúng ta về Nước Trời. Chúng ta phải sống hòa thuận với nhau và người rao giảng Nước Trời phải cố gắng trở thành những người mang sự thật – sự thật vượt trên những chia rẽ và có khả năng hiệp nhất mọi người thuộc đủ mọi thứ văn hóa, quốc tịch, niềm tin tôn giáo, và chọn lựa chính trị.


Muốn hiệp nhất, chúng ta phải có lòng bao dung, nhưng nguyên bao dung thì chưa đủ, vì lắm khi bao dung đồng nghĩa với “kẻ cả” hoặc “thỏa hiệp.” Chẳng lẽ nào khi những kẻ tin vào sự đầu thai bảo rằng kiếp trước họ là Nã-Phá-Luân và Đức Giêsu là con thỏ xanh, chúng ta chỉ xoa tay bảo rằng chẳng hệ chi, miễn điều ấy giúp bạn cảm thấy hạnh phúc là được, cứ tự nhiên và thoải mái ! Chúng ta xác tín rằng chỉ trong sự thật, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau. Và đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến chúng ta. Chỉ có Sự Thật mới có khả năng biến đổi chúng ta, xóa tan mọi tham vọng thống trị, đập tan mọi ý thức hệ, và phá đổ những ranh giới giữa người với người. Sự thật thánh hiến chúng ta trong tình yêu vốn là sự sống của Thiên Chúa.


Hầu hết những chia rẽ đều bắt nguồn từ một sự sợ hãi nào đó. Sở dĩ chúng ta tuyệt đối hóa quan điểm của mình vì chúng ta sợ những người có quan điểm khác với mình.  Sợ hãi làm cho hiểu biết chân thật của ta trở nên khô cứng và chuyển thành những ý thức hệ độc đóan hay những chủ nghĩa cực đoan. Những người bênh vực truyền thống thì sợ rằng truyền thống bị phản bội và Giáo Hội sẽ rơi vào sự hỗn loạn. Những người bênh vực nữ quyền sợ rằng sự khôn ngoan và giá trị của nữ giới bị từ chối. Các thần học gia giải phóng thì sợ những bất công trên thế giới cứ thản nhiên tồn tại mãi.


Chúng ta có thể hiểu và chia sẻ những nỗi sợ hãi này, nhưng chúng ta cũng tin rằng Chúa Giêsu đã xin Cha hiệp nhất chúng ta và chắc chắn Cha sẽ nhận lời Ngài nguyện xin. Vì thế, nếu chúng ta được thánh hóa trong sự thật thì không có gì phải lo lắng và sợ hãi. Chúng ta không cần phải ẩn núp trong pháo đài ý thức hệ để rồi nhắm bắn những người khác. Chúng ta cứ tiếp tục cuộc hành trình hướng tới sự thật vốn làm cho chúng ta trở nên những con người tự do, thánh thiện, và hiệp nhất với nhau trong niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng tac và làm cho chúng ta trở nên những người rao giảng đầy tự tin và khiêm tốn.[3]


Lạy Chúa Giêsu,

Trước khi con tìm Chúa, Chúa đã tìm con.

Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.

Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.

Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.

Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.

Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.

Trước khi con từ bỏ vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.

Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.

Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,

Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa

 


Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,

Chúa luôn đi trước con.

Chúa làm trước khi Chúa dạy.

Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con

đều chỉ vì lợi ích vĩnh củu của con mà thôi.

Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa

Với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen

(Trích trong Rabbouni)



Gợi ý suy tư:


Đâu là thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa: tìm chiếm hữu Lời Chúa hay để lời Chúa chiếm hữu ta ?







[1] Timothy Radclife, I Call You Friends (New York: Continuum, 2001), 6 & 168-69.




[2] x. Bênêdictô XVI, Bài giảng cho các Thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế ngày 6.8.2006 trong “Giáo Huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI” do Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả biên soạn (Roma: Mimeograph, 2007), 62-65.




[3] x. Timothy Radclife, I Call You Friends (New York: Continuum, 2001), 167-73)




 


 


.

114.864864865135.135135135250