ĐIỀU GÌ ĐÃ ĐÓNG ĐINH ĐỨC GIÊSU ?
(vụ án Đức Giêsu dưới cái nhìn của một thần học gia Do Thái)
Ellis Rivkin
Thế Hanh, OP chuyển ngữ
ĐIỀU GÌ ĐÃ ĐÓNG ĐINH ĐỨC GIÊSU? (phần cuối)
Suốt những thế kỷ qua, Người Do Thái và Kitô hữu đã vật lộn với di sản Tin Mừng. Kitô hữu yêu mến những trình thuật diễn tả cuộc đời, cuộc xét xử, đóng đinh và bằng chứng phục sinh của Đức Giêsu giống như những người Do Thái yêu mến câu truyện của Môsê trong sách Ngũ Thư vậy. Vì Tin Mừng Matthêu (5,17-18) thuật lại việc Đức Giêsu nói với những người theo Người rằng Người không đến để phá hủy nhưng là để kiện toàn Lề Luật, nên các thừa tác viên Kitô đã loan giảng rằng không được bỏ qua một chấm một phết nào trong Tinh Mừng cho tới khi tất cả những điều ấy được loan giảng và hoàn tất. Quả thực, người Kitô hữu xác tín mạnh mẽ họ khó tìm được chứng cứ nào mạnh mẽ cho bằng những gì Tin Mừng đã diễn tả.
Tuy nhiên, những gì Kitô hữu coi là sự thật Tin Mừng thì người Do Thái lại coi là phi sự thật Tin Mừng. Ngay hôm nay cũng thế, hầu hết những người Do Thái đều xem Tin Mừng là mạc khải giả và Đức Giêsu là một đấng Mêsia giả. Đối với họ, Tin Mừng là cội nguồn những cảm nghiệm bi thảm của họ với Kitô hữu, không chỉ ở trong thời Trung Cổ nhưng hôm nay vẫn thế. Người Do Thái luôn cảm nhận Tin Mừng là cội nguồn gây nên cho họ bao rắc rối : bị quấy rầy, nhục mạ, tàn sát hàng loạt, trục xuất, loạn ly cho đến tận hôm nay. Thật vậy, nhiều người Do Thái cảm nhận rằng chủ nghĩa bài trừ Do Thái sẽ không bao giờ qua đi bao lâu một chấm một phết trong Tin Mừng chưa bị xoá bỏ. Bao lâu Kitô hữu còn đọc đoạn Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu lên án những Kinh Sư Pharisêu là hạng giả hình, những mồ mả tô vôi, loài rắn độc và là con cái của địa ngục (Mt 23,13-33); bao lâu Kitô hữu còn đọc trình thuật diễn tả cảnh những người Do Thái gào thét trước toà Philatô : “Đóng đinh nó vào thập giá !” (Mc 15,13 ; Mt 27,22 ; Lc 23,21 ; Ga 19,6) hoặc là việc người Do Thái khăng khăng ép Philatô đóng đinh Đức Giêsu : “Chúng tôi có luật và cứ theo luật ấy thì nó phải chết, vì nó đã tự xưng là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7) thì chủ nghĩa bài trừ Do Thái là “cây thập giá” vẫn còn. Bao lâu người Do Thái còn sống giữa những Kitô hữu thì họ sẽ luôn phải cưu mang nỗi đau trên.
Theo các nhà nghiên cứu phê bình Thánh Kinh thế kỷ 19 và 20, hình như ơn cứu độ nào đó cho người Do Thái đã đến gần. Những học giả không phải là Do Thái, trong đó có nhiều người là Kitô hữu khảo sát tỉ mỉ những tường thuật Tin Mừng và kết luận rằng mặc dù những tường thuật trong Tin Mừng là sự thật, nhưng những câu chuyện trong Tin Mừng đôi khi cũng thiếu “sự thật Tin Mừng”. Dù trong số đó có những học giả không phải là Do Thái có thể bài trừ Do Thái, còn hầu hết họ nhìn nhận Kitô giáo là một tôn giáo ở vị thế cao hơn là Do Thái giáo, tuy nhiên họ đã hé mở những cánh cửa phủ nhận Tin Mừng. Thật vậy, một số học giả đã đi quá xa chẳng hạn như nêu ra những vấn nạn như thực sự có một Đức Giêsu đã sống hay không. Giả như Tin Mừng không còn là “sự thật của Tin Mừng” thì những những đoạn bài trừ Do Thái quá khắc nghiệt trong Tân Ước là những đoạn ghi lại những điều dối trá quanh co do những truyền thống Kitô tiên khởi đã thổi phồng nhân vật Giêsu, và thậm chí còn thay đổi những điều cần thiết khi họ truyền bá Tin Mừng cho các dân tộc trên thế giới. Việc Đức Giêsu chống đối người Do Thái như Tin Mừng thuật lại có thể được giảm nhẹ nếu thay đổi quan niệm từ sự chống đối của Đức Giêsu thành quan niệm chống đối của những tác giả Tin Mừng, chính những tác giả Tin Mừng đã gán cho Đức Giêsu lịch sử những cảm tưởng chống đối đó vào những thế kỷ sau.
Hãy còn đó những cảm nghiệm không thể xoá bỏ được. Chỉ có nước là chúng ta đồng tình với một vài học giả đã đặt vấn nạn: thực ra có một Đức Giêsu hay không, hoặc chúng ta có thể né tránh những sự kiện Đức Giêsu bị xét xử, bị đóng đinh và các môn đệ của Ngài đã chứng kiến Ngài phục sinh vào thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn và Caipha là thượng tế. Giả như những sự kiện rõ mồn một trong Tin Mừng là thực thì việc quy trách nhiệm chắc chắn sẽ còn được nêu ra mãi. Vì Đức Giêsu không phải là một người bình thường, cuộc tử nạn và bằng chứng phục sinh của Người cũng không phải là những dữ kiện bình thường. Cuộc sống, cuộc xét xử và niềm tin vào sự phục sinh của Người đã khơi mở một tôn giáo mạnh mẽ, sâu xa và lớn mạnh. Đối với những người đi theo Đức Giêsu, cuộc sống, cuộc xét xử, cuộc xử tử thập hình và sự sống lại từ cõi chết của Đức Giêsu là những dữ kiện quan trọng hơn hết. Bởi trên tất cả, đó là những dữ kiện thuộc niềm tin. Đức Giêsu phục sinh là một sự kiện có một không hai. Nếu như không tin vào Đức Giêsu phục sinh thì sẽ không phải Kitô giáo. Sự sống của Đức Giêsu đã kết thúc với cái chết nhưng số phận của Ngài lại hoàn toàn khác với số phận của của Gioan Tẩy Giả – không phải là vấn đề Ngài đã chữa bao nhiêu cánh tay bại liệt, Người đã trừ bao nhiêu quỷ, hoặc Người đã ủi an bao nhiêu người đau khổ nhưng vì cuộc sống của Người đã kết thúc vào Sự Sống nên Kitô hữu tin rằng mình cũng sẽ được phú ban cho sự sống đó. Nếu không có việc loan giảng Người là Con Thiên Chúa, là Vua-Mêsia và không có sự kiện đóng đinh đi theo lời loan giảng thì sẽ chẳng có sự phục sinh. Vì thế bất chấp mọi thứ, kiếm tìm của các học giả, sự kiện bộ ba - xét xử, đóng đinh và sự phục sinh được chứng nhận – luôn củng cố Kitô giáo.
Xung khắc giữa Do Thái và Kitô hữu về những sự kiện xoay quanh việc Đức Giêsu là Mêsia, Đức Giêsu phục sinh không còn là xung khắc quan trọng nữa, mặc dù ước muốn loan giảng Tin Mừng về Đức Giêsu và tin mừng về đạo Do Thái không phải là kiến thức hiểu biết nhưng là khát khao của niềm tin. Như vậy việc Do Thái giáo sẽ chấp nhận sự phục sinh như là một sự kiện, hay những Kitô hữu xác tín rằng sự phục sinh đã không xảy ra quả thật là một chuyện viễn mơ. Vì là những cộng đoàn đức tin, Do Thái giáo và Kitô giáo đi theo những con đường khác hướng.
Tuy nhiên, xung đột giữa Do Thái giáo và Kitô giáo sẽ không thể tránh khỏi khi đề cập đến sự kiện xét xử và đóng đinh. Tin Mừng đã viết ra một tờ cáo trạng, một sự cáo trạng luôn gợi lên vấn nạn : “Ai đã giết Đức Giêsu ?”. Mỗi lần nhắc đến câu hỏi đó, theo bản năng chúng ta tập trung vào những người hữu trách. Họ là những người Do Thái chứ không phải Phongxiô Philatô. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi từ quan niệm đổ trách nhiệm cho những người liên quan đến cuộc xét xử và đóng đinh sang quan niệm đổ trách nhiệm cho thời gian, nơi chốn và tình huống, như thế có lẽ chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề trong một nhãn quan mới mẻ hơn. Có lẽ điểm then chốt ở đây không phải là một ai nhưng là một điều gì. Bởi vì cả Josephus lẫn Tin Mừng đã gợi lên rõ mồn một rằng thủ phạm không phải là người Do Thái nhưng là thể chế đế quốc Rôma. Chính hoàng đế Rôma đã bổ nhiệm thống đốc (tổng trấn hoặc sau này là người đại diện). Thống đốc bổ nhiệm thượng tế và chính vị thượng tế này đã triệu tập công nghị bí mật của ông. Chính thể chế đế quốc Rôma đã bắt dân Do Thái phải cống nộp cách thô bỉ. Chính những hành động bóc lột của những thống đốc Rôma đã làm cho người ta trở thành điên dại và tạo nên những cuộc bạo động triền miên ở Giuđêa. Chính thể chế đế quốc Rôma đã nhào nặn nên những người cách mạng và sản sinh ra những vị được linh hứng.
Như vậy, Chính thể chế đế quốc Rôma phải chịu trách nhiệm về việc sai trái trên chứ không phải thể chế của Do Thái giáo. Nhóm Xađốc, Kinh Sư Pharisêu và nhóm Étxen chẳng hướng dẫn ai gây bạo động và cũng chẳng ươm trồng mầm mống những người được linh hứng. Chẳng có khoản văn Luật hay khẩu Luật nào trong Thánh Kinh cho phép thượng tế được bổ nhiệm hay bị thu hồi chức vụ tư tế theo ý thích của ông vua bù nhìn hoặc là một tổng trấn kiêu căng như thế cả. Người ta cũng chẳng tìm thấy bất kỳ một khoản Văn Luật hay Khẩu Luật nào chứng thực cho việc thượng tế triệu tập toà thượng hội đồng vì bất kỳ một lý do nào đó. Xa hơn nữa, trong ngày này, những nhóm Xađốc, Kinh Sư Pharisêu và Étxen đã bị thu hồi quyền trừng phạt chống lại những người rao giảng những tư tưởng lầm lạc. Việc Kinh sư Pharisêu cho phép những thượng tế Xađốc đi vào gian Cực Thánh trong ngày lễ Xá Tội chứng thực rằng họ đã theo thủ tục của Pharisêu. Và việc họ cho phép nhóm Xađốc rao giảng những quan điểm “lạc đạo” của mình cũng minh chứng rằng họ đã không giả vờ đóng kịch cách công khai.
Trong chừng mực toà bet din (boulè) Pharisêu có liên quan, đó chỉ là việc thực thi quyền lực trên những người tự do chọn lựa đi theo chính sách của Kinh sư Pharisêu, đó chỉ là việc hướng dẫn cách thờ phượng chung và sử dụng lịch phụng vụ. Thật vậy không những toà bet din là một boulè và cũng không phải là toà thượng hội đồng, nhưng là một tổ chức do một nasi điều khiển, ông không phải là thượng tế, vì tổ chức này dành riêng cho những bậc thầy thuộc Luật kép (twofold Law). Nếu không có thể chế đế quốc Rôma, Đức Giêsu hẳn sẽ phải đối diện với sự tra tấn bằng những lời lẽ mạnh bạo, đối diện với những tra tấn tinh xảo dựa vào những bản văn trong Kinh Thánh, chịu sự chế nhạo của cả hai nhóm Xađốc và Kinh Sư Pharisêu, Người sẽ không bị xét xử tại một phiên toà và cũng không bị kết án đóng đinh.
Điềm nổi bật là chính Tin Mừng thừa nhận rằng thể chế của Do Thái giáo không hề dính líu đến cuộc xét xử và đóng đinh Đức Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy vị thượng tế được bổ nhiệm vi phạm đến cả Luật đơn và Luật kép; cả Luật đơn lẫn Luật kép đều không cho phép thượng tế triệu tập toà thượng hội đồng ; Luật đơn và Luật kép không phê chuẩn vị tổng trấn được Rôma bổ nhiệm; hình phạt đóng đinh thập tự không hề có trong cả Luật đơn lẫn Luật kép. Chúng ta lùng sục trong Tin Mừng để tìm toà bet din của nhóm Kinh sư Pharisêu, tìm kiếm một nasi, người điều khiển toà này, tìm kiếm những thủ tục liên quan đến Văn Luật và Khẩu Luật hoặc những gì có liên quan mà Đức Giêsu đã vi phạm – nhưng tất cả đều vô hiệu.
Điều chúng ta tìm được trong Tin Mừng trước tiên là nhân vật Joseph Arimathea, ông là một thành viên của bet din (boulè) – không phải là thành viên của thượng hội đồng – người đã dâng cúng ngôi mộ mới để chôn cất thi hài Đức Giêsu (Mc 15,43 ; Lc 23,50) ; kế đến là vị Nasi Gamaliel thuyết phục toà thượng hội đồng để cho Phêrô và những người bạn đồng liêu của ông được tự do (Cv 5,34); sau nữa, Phaolô phá vỡ một thượng hội đồng khi nhóm Pharisêu ủng hộ niềm tin của ông vào sự phục sinh (Cv 23,6-10) ; và cuối cùng, sự kiện Đức Giêsu được phục sinh từ cõi chết cũng chính là trọng tâm giáo huấn của của nhóm Kinh Sư Pharisêu.
Tin Mừng vẽ lên chân dung nhóm Pharisêu là những người chống lại những lời loan giảng của Đức Giêsu, điều này hoàn toàn đúng. Hình ảnh của những vị Kinh Sư Pharisêu do Tin Mừng vẽ lên là những người hợp tác với chính quyền cũng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, những sự kiện trên khác xa với việc họ có quyền xét xử Đức Giêsu. Nhóm Kinh Sư đối lại với nhóm Xađốc bằng những lời lẽ không kém phần giận dữ, cay nghiệt, thậm chí còn lăng mạ nữa, nhưng chỉ bằng lời nói thôi. Và như vậy, việc nhóm Kinh Sư Pharisêu hợp tác với chính quyền không phải là sự kiện có liên quan đến những hệ quả tôn giáo, nhưng đó chỉ là những hệ quả chính trị hợp lý có thể xảy ra với toàn thể dân Do Thái.
Quả thật những hậu quả chính trị này có thể đang bị phá hủy trong suốt những năm 30 cn. Chỉ vài năm trước đó trong vụ hạ bệ đại bàng vàng (the gold eagle), ngàn ngàn người Do Thái đã phải thiệt mạng. Và rồi không đếm xuể những con người khác đã bị giết chết trong trận chiến đẫm máu do động lực tôn giáo giữa những thái thú Lamã và những ông vua bù nhìn. Như chúng ta đã biết, vào thời Đức Giêsu, những nhãn quan ngôn sứ không phải là chuyện bỡn đối với luật lệ giống như thời Jêrêmia vậy. Khi những lời giảng dạy của Đức Giêsu thu hút quần chúng, người ta hoảng sợ. Chính họ xác tín rằng Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia, Vương Quốc Thiên Chúa không đến gần. Có lẽ một vài Kinh Sư Pharisêu đã bày tỏ quan điểm của họ về những hậu quả hợp lý rằng điều rất có thể xảy ra đó là đám đông sẽ buột khỏi tay họ và lại tiếp tục hoành hành. Chính họ và ngay cả Hêrôđê cũng suy luận rằng phó mặc cho số phận là việc hết sức liều lĩnh khi mà số tiền đặt cược ở mức quá cao. Có một sự phân chia những liên hệ này – những liên hệ không phát xuất từ nội dung tôn giáo trong những lời Đức Giêsu loan giảng, nhưng phát xuất do những liên quan chính trị đối với chính quyền. Sau hết, nhóm Kinh Sư Pharisêu đã phải ủy thác cả hai đạo lý sống-và-để-cho-sống trong phạm vi tôn giáo và đạo lý hai lãnh vực trong phạm vi chính trị.
Nội dung của đạo lý hai lãnh vực : trả lại cho Xêza những gì thuộc về Xêza và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Cả ba nhóm Kinh Sư Pharisêu, nhóm Xađốc và nhóm Étxen đều đồng tình với đạo lý trên vì đạo lý này diễn tả được niềm hy vọng bảo tồn những thành viên Israel là dân của Chúa. Trọng tâm của họ là Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa chứ không phải với hoàng đế Rôma. Giao Ước gọi mời họ tuân theo Luật Thiên Chúa mạc khải : Văn Luật đối với nhóm Xađốc ; Văn Luật và Khẩu Luật đối với nhóm Kinh Sư Pharisêu ; Văn Luật và nhiều khoản khác trong sách thánh đối với nhóm Étxen. Đối với họ, miễn là Giao Ước được bảo tồn thôi còn vấn đề chủ quyền chính trị không có quan trọng. Sau hết, kéo dài hơn hai thế kỷ, những thượng tế thuộc dòng tộc Aharon đã không trông coi bàn thờ và không bảo tồn Giao Ước dưới thế lực hoàng đế – trước tiên là triều đại Persians, sau đó là triều đại Alexander sau nữa là Ptolenmies. Nếu như việc bảo tồn Giao Ước của Chúa đòi hỏi phải phục vụ cho luật lệ Rôma, cống nộp cho Rôma, hoặc là lũ Rôma ăn không ngồi rồi đàn áp những đám đông ương ngạnh, thì đó chỉ là giá rất rẻ để trả cho sự tồn tại tinh thần. Không phải bởi sức mạnh, quyền lực, vũ lực nhưng là do Thánh Linh mà dân Thiên Chúa vẫn được cứu sống.
Trả cho Xêza những gì thuộc về Xêza và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa đã trở thành học thuyết khá quan trọng trong Kitô giáo tiên khởi. Thật vậy, chính Đức Giêsu cũng đã nói điều đó (Mc 12,7 ; Mt 22,21 ; Lc 20,25). Đức Giêsu không kêu gọi những người theo Ngài trốn đóng thuế cho Rôma, Ngài cũng không kêu gọi những người theo Ngài lật đổ luật lệ Rôma bằng vũ lực. Chính Thiên Chúa chứ không phải con người sẽ mở ra Vương Quốc đó. Giống như những Kinh sư Pharisêu, Đức Giêsu trung thành với luật hai lãnh vực trong toàn bộ đời sống trần thế của Ngài. Những người đầu tiên theo Ngài cũng trung thành như thế. Chí ít là một lần, điều này thể hiện rõ nét khi cộng đoàn tiên khởi mong đợi sự giáng lâm lần hai của Đức Giêsu mãi không thấy, họ xin Rôma nới rộng quyền tự trị tôn giáo như đã nới rộng cho người Do Thái. Miễn là hoàng đế không ngăn cản Kitô hữu tin rằng Chúa của họ, Thầy của họ đã phục sinh từ cõi chết và miễn là họ được phép tự do loan giảng Tin Mừng cho những người Do Thái và những người ngoại giáo đế quốc thì những người lãnh đạo Kitô giáo sẽ nhiệt tình thuyết phục những người theo họ cầu nguyện cho hoàng đế được hạnh phúc và phú quý, cũng giống như những người Do Thái vẫn tế lễ cầu nguyện cho hoàng đế được khoẻ mạnh hạnh phúc cho tới cuộc Nổi Loạn năm 66-70. Vấn đề hệ tại ở chỗ Kitô hữu tiên khởi muốn thực hiện hiệp ước trên nhưng hoàng đế lại không đồng ý. Cuối cùng thì ước muốn này trở thành hiện thực vào thời Contantine. Những nhà lãnh đạo Kitô giáo đồng ý ngay không một chút chần chừ.
Vậy nghĩa là sao ? Cũng giống như động cơ thúc đẩy những nhóm Sađốc, nhóm Kinh Sư Pharisêu và nhóm Étxen. Kitô hữu là người của Đức Kitô. Họ là Israel đích thực. Giống như những người Israel, không phải họ được bảo tồn bằng sức mạnh, quyền lực, vũ lực nhưng bởi Thần Khí của Chúa. Họ chính là dân đang ở trong trong lũng đầy nước mắt ước mong đạt đến một đời sống vĩnh cửu sẽ dành riêng cho họ trong thế giới bên kia. Thậm chí cả khi Kitô giáo đã lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội vẫn không ngừng loan giảng rằng Kitô hữu chỉ tìm thấy ơn cứu độ đích thực trong thánh tâm Đức Giêsu chứ không phải nơi trái tim của bất kỳ bậc quan quyền nào khác.
Hơn nữa, khi Kinh sư Pharisêu tìm kiếm việc bảo tồn dân Chúa bằng việc tách rời hai lãnh vực của Xêza và lãnh vự của Thiên Chúa thì họ đã dọn đường cho những Kitô hữu đi tới. Khi nhóm Kinh sư Phariêu đề phòng những vị được linh hứng và những người có vẻ như là mêsia, ngăn chặn những ảo tưởng của họ để khỏi gây ra bạo động thì cũng vậy những nhà lãnh đạo Kitô giáo tỏ ra e dè khi một cá nhân nào đó nói đến việc Đức Kitô giáng lâm lần thứ hai. Tuy nhiên, có sự khác biệt ở chỗ : nhóm Kinh sư Pharisêu có thể nói lên những bận tâm âu lo của mình nhưng họ không có quyền khống chế vì thời của Đức Giêsu không phải là thời “Do Thái” cũng như Thời Trung Cổ là thời của Kitô giáo. Chỉ có quan tổng trấn và những thượng tế được tổng trấn bổ nhiệm và thượng hội đồng của ông mới có quyền kết án nội dung những bài giảng có hàm chứa sự nguy hiểm của vị được linh hứng. Chỉ họ mới có quyền bắt giam, xét xử và nộp vị được kinh hứng cho toà án. Quan tổng trấn là người định đoạt số phận của vị được linh hứng. Từ khởi điểm cho đến kết cuộc vụ án, nhân tố chính trị độc quyền quyết định cán cân công lý. Như vậy, việc Đức Giêsu bị kết án bắt nguồn từ điều luật hai lãnh vực chứ không phải bắt nguồn từ những bài giảng “lạc giáo” của Người.
Sau đó nếu chúng ta định mức trách nhiệm, một lần nữa chúng ta tự đặt nó vào hệ thống đế quốc Rôma, một hệ thống tạo nên điều luật hai lãnh vực cần thiết cho sự sống còn của đạo Do Thái. Thời buổi này là thời buổi bất thường, cơn bão táp bất thường, cảnh hỗn loạn bất thường và những xáo trộn rối reng cũng bất thường. Thời đại cực kỳ hỗn mang này đã sinh ra Đức Giêsu, một vị được linh hứng. Thời đại hỗn mang này thể hiện rõ nét rằng không thể nào có được một sự phân xử (đúng nghĩa). Hoàng đế Rôma giữ tính mạng của người Do Thái trong lòng bàn tay ông ; thanh gươm của quan tổng trấn luôn ở trong tư thế sẵn sàng ; tai mắt của thượng tế nhan nhản khắp nơi, luôn liếc ngang liếc dọc và rất nhạy bén ; quân lính luôn ở trong tư thế hăm hở tàn sát. Những vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái trong tình trạng chao đảo hết ngày này qua ngày khác, họ không biết nên làm điều gì không nên làm điều gì, họ không biết phải nói gì và tránh nói những gì, không biết có nên thúc đẩy hay không. Ai đã rơi vào mớ bòng bong như thế thì không thể nào thoát ra được. Bất cứ điều gì họ làm đều sai, bất cứ những gì họ nghĩ đều không đúng, bất cứ những gì họ hy vọng đều bị coi là phản bội. Dẫy dụa trong một thế giới mà tính nổi cáu không còn nữa, dãy dụa trong một thế giới bạc nhược trước mọi quyết định và hành động, họ chỉ có một chọn lựa là trở nên nhu nhược vì họ nghĩ đó là điều đúng đắn phải làm. Hoàng đế tìm cách thống trị đế chế, tổng trấn tìm cách ngăn chặn hỗn loạn, thượng tế nỗ lực bảo tồn chức vụ, những thành viên thượng hội đồng cố tránh không đụng chạm đến những ai gắn liền với những hậu quả nguy hiểm có mang nhãn giới về Vương Quốc Thiên Chúa mà chính họ đã tin rằng Vương Quốc ấy không thực sự đến gần. Nhóm Kinh sư Pharisêu thì hướng dân tộc từ những trầm luôn của thế giới này đến một thế giới vĩnh hằng hoan lạc. Những người theo Đức Giêsu tìm kiếm ý nghĩa trong sự hỗn loạn, kinh hoàng đang bao trùm vào những ngày cuối đời của Thầy họ.
Vào thời buổi, nơi chốn và hoàn cảnh nhiễu nhương như thế, một thời buổi luôn nối tiếp những bão táp sóng gió tròng trành với những con người mù loà lạc lõng như vậy thì sự kiện đóng đinh Đức Giêsu đã diễn ra. Không phải người Do Thái đã đóng đinh Đức Giêsu cũng không phải là người Rôma nhưng chính là thể chế đế quốc, một thể chế đã đàn áp người Do Thái, trù dập người Rôma và ngược đãi với Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã hiểu. Trên thập giá, Người phải gánh chịu hai nỗi khổ đau : khổ đau vì hình phạt man rợ của đế quốc Rôma và sự thờ ơ đến tàn nhẫn về phía tinh thần con người. Lúc đấy, Đức Giêsu hướng mắt về Thiên Chúa và cầu nguyện : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
- hết -