08/01/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

665

 


 


 


Cứu Chuộc


Ý niệm “cứu chuộc” (Hy lạp, lytrosis hay apolytrosis) hay “chuộc lại” (Hy lạp, lytrousthai) mà nó gắn kết với ý niệm “thu được” (Hy lạp, peripoièsis) hay “mua được” (Hy lạp, agorazein) thì sát với ý tưởng “cứu độ” trong Kinh Thánh: ý niệm này chỉ rõ phương cách đặc tuyển được Thiên Chúa chọn để cứu Israel và giải phóng Israel khỏi nộ lệ Ai Cập (Xh 12,27; 14,3; x. Is 63,9) đồng thời thiết lập “dân riêng” của Ngài (Xh 19,5; Đnl 26,18). Trong Tân Ước, đoạn thư gửi Titô 2,13 phản ánh một thứ giáo lý sơ khai đã biểu lộ rõ cội nguồn mà tác giả thư này dựa vào để mô tả công trình của Đức Kitô: Đức Giêsu là “Đấng Cứu Chuộc” trong khi Ngài “cứu chúng ta khỏi điều bất chính” và “thanh tẩy dân riêng của Ngài”. Như vậy kế hoạch cứu độ xuất hiện liên tục, nếu không sự ứng nghiệm các lời tiên tri đưa ra luôn mới lạ và không thể đoán trước sẽ bị phủ nhận.


I. CỨU CHUỘC TRONG CỰU ƯỚC


1. Xuất Hành và Giao Ước. Chính vì vấn đề Xuất Hành mà Cựu Ước rất thường nói đến “cứu chuộc”: kinh nghiệm tôn giáo của Israel đã cho phép Israel nắm bắt cách tốt nhất nội dung của ý niệm này. Vì trong ý thức của người Do thái, Xuất Hành không thể tách rời Giao Ước: Thiên Chúa chỉ cứu dân Ngài khỏi nô lệ vì muốn gắn bó với dân ấy: “Ta là Giavê… Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi nô lệ…. Ta sẽ dùng uy quyền giải phóng “chuộc lại” các ngươi…Ta sẽ nhận các ngươi làm dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 6,6…; x. 2 Sm 7,23…). Dựa vào Giao Ước, Israel trở thành một dân “thánh”, “được thánh hiến cho Giavê”, “dân riêng” của Thiên Chúa (Xh 19,5…). “Dân thánh” và “những người được Giavê chuộc lại” đều có nghĩa tương đương nhau (Is 62,11…) còn Giêrêmia thì có thể ghi lại ngày Giao Ước mà “Thiên Chúa cầm tay dẫn đưa dân Ngài thoát khỏi Ai Cập” (Gr 31,32).


Vả lại ý niệm cứu độ về bản chất thì tích cực: sự kết hiệp với Thiên Chúa được khẳng định không kém sự giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi. Đó cũng là nghĩa gốc của từ latin redemptio nữa: trước hết từ này chỉ rõ một thứ “mua được” (emere) nó chỉ “giải phóng” chúng ta để “đạt được” chúng ta cho Thiên Chúa; và không khác từ tiếng Anh “atonement” thường dùng để dịch từ này, nó có nghĩa gốc là “nối hợp”, “hòa giải” (“at-one-ment”.


2. Sự cứu chuộc của Đấng Mêsia. Các tiên tri thường cố ý sử dụng lại những mẫu thức giống nhau liên quan đến việc giải thoát khỏi lưu đày, và “Đấng Cứu Chuộc” trở thành một trong những tước hiệu của Giavê được yêu thích, nhất là trong phần thứ hai của sách Isaia. Chẳng ai ngạc nhiên rằng đối tượng của niềm hy vọng lớn lao vào Đấng Mêsia còn được diễn tả bằng từ “cứu chuộc”: “Ở bên Giavê là ân sủng, gần Ngài, gần Ngài chan chứa “cứu chuộc”, chính Ngài sẽ “cứu chuộc” Israel khỏi mọi tội lỗi” (Tv 130,7-8). Êdêkien còn nhấn mạnh hơn đến tính nhưng không tuyệt đối của “sự cứu chuộc” như thế dành cho những tội nhân (Ed 16,60-63; 36,21…); và khi lấy lại những lời sấm truyền của Giêrêmia (Gr 31,33), ông xác định bản chất của “giao ước mới” này: đó không còn là tặng phẩm của một thứ luật lệ rất hoàn hảo, nhưng là thông hiệp vào thần trí của Giavê (Ed 36,27).


II. CỨU CHUỘC TRONG TÂN ƯỚC


1. Tiếp nối Cựu ước. Dẫn ra bối cảnh chờ đợi Đấng Mêsia ở đây đôi khi dễ thấy rõ: Da-ca-ria chúc tụng Thiên Chúa, Đấng “đã cứu chuộc dân Ngài” còn tiên tri An-na thì nói về Hài Nhi cho “tất cả những ai đang chờ ngày cứu chuộc của Giêrusalem” (Lc 1,68; 2,38). Cũng vậy, giống như phần lớn những ý niệm Cứu Tinh xuất phát từ Cựu Ước chúng có thể được áp dụng hoặc sự lên ngôi lần thứ nhất hoặc sự lên ngôi lần thứ hai của Đức Kitô, từ “cứu chuộc” không chỉ dùng để xác định công trình được Đức Kitô thực hiện trên đồi Can-vê (Calvaire) (Rm 3,24; Cl 1,14; Ep 1,7), nhưng cũng là công trình mà Ngài sẽ hoàn thành vào thời sau hết khi Đấng Quang Lâm xuất hiện và các thân xác sống lại vinh hiển (Lc 21,8; Rm 8,23; Ep 1,14; 4,30), và trong cả hai trường hợp, đó là sự giải phóng, giải thoát, nhưng có lẽ còn là sự “đạt được”, là “Thiên Chúa giành lại sở hữu” nữa.


Hơn nữa đây là lý do tại sao Tân Ước đã diễn đạt ý niệm này nhờ động “mua” (Hy lạp agorazein, 1 Cr 6,20; 7,23; x. Gl 3,13; 4,5). Không phải Tân Ước muốn coi sự cứu chuộc như sự trao đổi hàng hóa thương mại được quy định bởi luật qua lại hay luật bù trừ, nơi viên cai ngục chỉ chấp nhận thả tù nhân hay trả lại hàng hóa cho kẻ buôn với điều kiện không bị mất gì! Rõ ràng Tân Ước muốn nói rằng chúng ta đã trở thành tài sản của Thiên Chúa căn cứ vào bản hợp đồng mà các điều khoản đã được điền đầy đủ, đặt biệt là tài sản mà người ta không quên chỉ ra cái giá phải chi (1 Cr 6,20; 7,23; x.1 Pr 1,18). Nhưng phải lưu ý rằng ở đây chỉ chú trọng vào ẩn dụ, chứ chưa bao giờ nói đến một nhân vật đòi hỏi hay nhận giá vốn. Thật vậy, ở đây Tân Ước có vẻ như dựa vào ý niệm mua được như đã biết đến trong Cựu Ước; dù sao chăng nữa, với cùng động từ “mua”, sách Khải Huyền rõ ràng dựa vào giao ước trên núi Sinai: bằng máu của Con Chiên, mọi người thuộc các dân tộc trở thành tài sản riêng của Thiên Chúa cũng như xưa kia Israel đã trở thành dân riêng của Ngài dựa vào Giao Ước được đóng dấu bằng máu (Kh 5,9); trong khi ấy để trình bày thực tại giống vậy, sách Tông đồ công vụ 20,28 đã giữ lại thuật ngữ dành riêng cho Cựu Ước và nói về “Giáo Hội của Thiên Chúa đã được mua bằng chính máu của Ngài” (x. 1 Pr 2,9; Titô 2,14).


Lối diễn giải này vả lại bắt nguồn từ chính Đức Kitô: khung cảnh bữa tiệc ly được chọn sau khi đã cân nhắc kỹ và việc nhắc lại rõ ràng máu của giao ước thì hiển nhiên đủ để không ai nhầm lẫn điều ấy (Mt 26,28; 1 Cr 11,25).


2. Đức Kitô tự nguyện chịu chết. Tuy nhiên Tân Ước rõ ràng nhấn mạnh không ít đến khoảng cách nó tách việc thực hiện khỏi nhân vật thực hiện. Giống như Giao Ước cũ, Giao Ước mới được đóng dấu ấn bằng máu, nhưng máu này là máu của chính Con Thiên Chúa (1 Pr 1,18…; Dt 9,12; x. Cv 20,28; Rm 3,25).


“Giá” của sự cứu chuộc: sau hiến sinh vô lý là sự tự nguyện hy sinh bản thân của Tôi Tớ Giavê, Đấng “đã hiến thân chịu chết” (Is 53,12) và “đã tận tình phục vụ cộng đoàn” (53,11 LXX, Bản ). Đức Giêsu “không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá chuộc vì cộng đoàn” (Mt 20,28; Mc 10,45): sự hy sinh của Ngài sẽ là công cụ giải thoát (lytron) chúng ta. Chính đặc điểm tự nguyện chịu chết của Đức Kitô mà trình thuật của Gioan về Cuộc Khổ Nạn muốn nêu lên (chẳng hạn Ga 18,4-8), hay như sự kiện còn rõ ràng hơn nữa, nếu có thể nói thế, ở các sách Nhất Lãm, đó là trình thuật về Bữa Tiệc Thánh Thể nơi Đức Kitô hoàn toàn tự hiến dâng chịu chết.


III. SỰ THÔNG HIỂU MẦU NHIỆM CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU


1. Đức Kitô chiến thắng sự chết. Đối với các môn đệ, cái chết của Đức Kitô đã là một xì-căng-đan, bằng chứng là Đức Kitô không phải là “Đấng cứu chuộc” được chờ đợi (Lc 24,21). Được soi sáng nhờ kinh nghiệm của lễ Phục Sinh và  lễ Hiện Xuống, được trở nên những chứng nhân của Đấng Phục Sinh (Cv 1,8; 2,31…), các môn đệ hiểu rằng có lẽ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thất bại, nhưng cuộc Khổ Nạn và cái chết của Thầy các ông đã thực hiện “theo Sách Thánh” (1 Cr 15,4); viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường (Cv 4,11= Tv 118,22; 1 Pr 2,7), là nền tảng của Đền Thờ mới (Mt 21,42); Người Tôi Tớ đã thật sự “được nâng lên” (Cv 2,33; 5,31) và “được tôn vinh”, theo đúng như hai từ được mượn ở Is 52,13; hơn nữa, Người Tôi Tớ “đã hiến mình chịu chết” (Is 53,12; Ph 2,9). Tuy bề ngoài thất bại nhưng cái chết của Đức Kitô thực tế lại là một chiến thắng trước sự chết và Satan, tác giả của sự chết (x. Dt 2,14).


2. Chết và sống lại. Trong các bài giảng đầu tiên về mầu nhiệm cứu chuộc, sự Phục Sinh đóng một vai trò nổi bật đến nỗi đôi khi chỉ thấy được đề cập (chẳng hạn 1 Pr 1,3) với Đấng Quang Lâm (1 Tx 1,10). Thế nhưng, được Thần Khí hướng dẫn, các Tông Đồ dần dần phân định rõ ràng trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh hai biến cố chúng không chỉ quyết định lẫn nhau (chẳng hạn Ph 2,9) nhưng hòa trộn vào nhau đến nỗi tạo thành hai mặt không thể tách rời của mầu nhiệm cứu độ duy nhất.


Luca đã quan tâm bố trí một đoạn văn dài nói về Đức Giêsu lên thành Giêrusalem dưới dấu chỉ Thăng Thiên (Lc 9,51) nhưng trái lại khi mô tả cuộc sống “vinh quang” của Đức Kitô thì Luca lại cố ý nhắc đến cuộc Khổ Nạn và cái chết của Ngài (24,7.26.39.46; x. 9,31). Cũng vậy, chỗ nào Phaolô chỉ đề cập đến sự chết thì chỗ ấy Phaolô cũng không ngừng nghĩ đến sự phục sinh: cuộc sống mà Phaolô thường ám chỉ đến thì luôn được quan niệm như một sự tham dự vào cuộc sống của Đấng Phục Sinh (chẳng hạn Gl 2,20; 6,14; Rm 6,4.11; 8,2.5). Sau hết, đối với Gioan, tính thống nhất của mầu nhiệm thì sâu sắc hơn các từ ngữ đến nỗi những từ này trong giáo lý thời sơ khai chỉ rõ sự phục sinh của Đức Giêsu thì đã được sử dụng để chỉ cùng lúc cuộc Khổ Nạn và vinh quang của Đức Kitô (Ga 12,23.32.34); cũng thế, Con Chiên trong sách Khải Huyền xuất hiện trông như Đấng đang “đứng” , dấu chỉ của phục sinh, và đồng thời “như bị cắt tiết”, dấu chỉ của sát tế (Kh 5,6).


3. Mầu nhiệm tình yêu


a) Thánh Gioan. Theo thánh Gioan thì mầu nhiệm cứu chuộc về bản chất là mầu nhiệm tình yêu và do đó là mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Tình Yêu của Cha “đã quá yêu thương thế gian đến nỗi ban cho thế gian Con Một của Ngài” (Ga 3,16; 17,23; 1 Ga 4,9), nhưng cũng là tình yêu của Con dành cho Cha (Ga 14,31) và cho con người (10,11; 1 Ga 3,16; Kh 1,5); tình yêu mà Con lãnh nhận từ Cha và lệ thuộc hoàn toàn vào Cha, nên cũng là tình yêu “vâng phục” (Ga 14,31); tình yêu mà không có gì lớn hơn được (15,13). Vì nếu toàn bộ cuộc sống của Đức Kitô là “yêu thương những kẻ thuộc về mình”, thì cuộc Khổ Nạn là thời điểm Ngài “yêu thương họ đến cùng”, đến cả “dâng trọn” (Hy lạp, telos) tình yêu (13,1): cụ thể, điều này có nghĩa là cho đến khi chấp nhận bị Nhóm Mười Hai phản bội (18,2…), bị người đứng đầu Nhóm chối bỏ (18,25…), bị kết án là kẻ phạm thượng theo Lề Luật (19,7) và chết cách nhục nhã nhất, chết trên Thập Giá như một kẻ gian ác mà xác của kẻ bị treo trên giá ấy đã làm ô uế đất của Israel (19,31). Vào đúng thời khắc này, Ngài có thể tuyên bố sự thật rằng tình yêu của Cha – đã đạt đến “hiện trạng” siêu việt – “được dâng trọn” (19,30: Hy lạp, tetelestai) giống như tình yêu được mặc khải trong Sách Thánh và được nhập thể vào trái tim con người của Đức Giêsu. Và nếu Ngài chết vì tình yêu thì chính là để thông truyền tình yêu này cho mọi người, những người anh em của Ngài: từ cạnh sườn “bị đâm thủng” (19,37; Da 12,10), Gioan thấy vọt ra “nguồn suối cho nhà Đavit và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Da 13,1), báo trước sự đổ tràn Thần Khí (Ga 20,22) mà Gioan Tẩy Giả đã thấy đậu xuống Đấng chịu phép rửa và ngự trên Đấng Mêsia (1,32…).


b) Thánh Phaolô. Dẫu vậy, khía cạnh này thấy ít nổi bật nơi Phaolô. Trước hết, Phaolô cũng phân định mầu nhiệm tình yêu qua cái chết của Đức Kitô: tình yêu của Cha (Rm 5,5-8; 8,39; Ep 1,3-6; 2,4; x. Cl 1,13), “trong khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8), là “những kẻ thù nghịch” của Ngài (5,10); tình yêu của Con vừa dành cho Cha dưới hình thức vâng phục, nên cũng sửa chữa sự bất phục tùng của Ađam thứ nhất (5,19; Ph 2,6), vừa dành cho mọi người (Rm 5,7…; 8,34). Về vấn đề này, không chỉ Phaolô lấy lại dạng thức giáo lý thời sơ khai (x. Mc 10,45) nó có lẽ được gợi hứng từ Is 53,10.12, và tuyên bố rằng “Đức Kitô đã tự hiến mình vì chúng ta” hay “vì tội lỗi chúng ta” (Gl 1,4; 1 Tm 2,6; Titô 2,14), nhưng còn xác định rõ rằng Ngài đã làm điều đó “vì Ngài đã yêu thương tôi” (Gl 2,20; Ep 5,2.25)


Cũng như Gioan, Phaolô biết rằng không có tình yêu nào lớn hơn việc thí mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13); nói cách khác, tình yêu con người bị điều kiện hóa, “bị trung gian hóa” bởi những hoàn cảnh nó thể hiện. Một tình yêu đặc biệt nhất thiết tương ứng với những hoàn cảnh đặc biệt; cụ thể hơn, khi đón nhận tình yêu của Cha, Đức Kitô đã đón nhận tình yêu ấy ở một mức độ siêu vượt tương ứng với những hoàn cảnh mà Cha Ngài đã sắp đặt. Phaolô cũng nhìn ra điều ấy qua sự khẳng định rằng “Thiên Chúa đã không tha cho Con Ngài, nhưng đã trao nộp Con Ngài vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32), thử thách tiêu biểu nhất của “tình yêu của Đức Kitô” (8,35), đúng hơn, của “tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô Chúa chúng ta” (8,39).


Giữa những hoàn cảnh như thế này, Phaolô cũng như Gioan đặc biệt gợi lên sự ô nhục của Thập Giá mà các Kitô hữu tiên khởi có vẻ cảm thấy xấu hổ về điều đó (x. Cv 5,30; 10,39): như Người Tôi Tớ xưa kia “người ta tưởng bị Thiên Chúa giáng họa” (Is 53,4), “Đấng Công Chính” đã chấp nhận trở nên kẻ “bị nguyền rủa”, kẻ phạm Lề Luật dưới mắt thế gian (Gl 3,13). Đối với Đức Kitô, ta không thể hình dung sự hạ mình nào tận cùng đến thế (Pl 2,8), nhưng cũng còn là hành vi vâng phục và yêu thương cao vời đến nỗi chấp nhận cái chết. Chính bởi điều này mà Đức Kitô đã “chuộc lại” nhân loại, “đã kéo con người về với Cha Ngài”.


Mặt khác, vì đây là hành động của một thành viên của nhân loại, thành viên ấy đã chia sẻ trọn vẹn thân phận phải chết của chúng ta dù vượt qua sự chết bằng thần tính của mình, nên nhân loại xem như “được chuộc lại”, “được Thiên Chúa mua về” bằng một sự biến đổi được thực hiện ngay trong chính nhân loại. Theo Gioan, chính nơi Thánh Giá mà “Thủ Lĩnh thế gian bị kết án” (Ga 16,11), nghĩa là “bị tống ra ngoài” (12,31; x. Kh 12,9…), bị truất vương quyền. Khi tuyên bố “Thiên Chúa đã kết án Tội Lỗi trong xác thịt” (Rm 8,3), Phaolô xác định rằng qua chiến thắng của Đức Kitô trước Tội Lỗi, chiến thắng này của Thiên Chúa được thực hiện ngay chính nơi Satan tin sẽ thống trị mãi mãi, đó là “trong xác thịt”; ngài giải thích rằng đến thời hạn “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến mang thân xác giống thân xác tội lỗi”, nghĩa là giống thân phận mà thân xác của Đức Kitô tuy không như thân xác chúng ta là “công cụ của tội lỗi” nhưng lại giống thân xác mau hư mất của chúng ta do tội lỗi; và văn cảnh chỉ cho biết, đối với các Tông Đồ, Thiên Chúa đã chiến thắng Tội Lỗi trong xác thịt đồng thời ban truyền sự sống của Thần Khí (8,2.4) cho thân xác này, cho thân xác của Đức Kitô qua cái chết và phục sinh trở nên “Thần Khí ban sự sống” (1 Cr 15,45), và cũng cho thân xác của chúng ta nữa bởi vì từ nay trở đi “chúng ta không còn ở trong xác thịt nhưng trong Thần Khí” (Rm 8,9; x. 8,4). “Sự trở về với Thiên Chúa”, “sự cứu chuộc” đã được thực hiện nơi điều mà Đức Kitô đã trải qua từ tình trạng “xác thịt” đến tình trạng “tinh thần”, và chúng ta ở trong Ngài.


Hơn nữa, bằng một công thức đặc biệt táo bạo, Phaolô tuyên bố rằng “Thiên Chúa đã làm cho Con Ngài tội lỗi vì chúng ta, để nơi Con Ngài chúng ta trở nên công chính của Thiên Chúa” (2 Cr 5,21). Những lối diễn đạt mà người ta thường lạm dụng này có lẽ được giải thích tùy theo ngữ cảnh: để trong Đức Kitô, qua sự liên kết với Đấng đã trở nên một với chúng ta, chúng ta được lãnh nhận những lợi ích tốt của quyền lực sự sống mà Kinh Thánh và thánh Phaolô gọi là “sự công chính của Thiên Chúa”, Cha đã muốn rằng qua sự liên kết với con người tội lỗi, Con Cha buộc phải gánh lấy những hậu quả xấu của quyền năng sự chết là Tội Lỗi; những hậu quả này có lẽ tạo nên “điều kiện tốt” cho hành vi yêu thương và vâng phục lớn lao nhất chúng có thể được hình dung.


Như vậy công trình xấu xa của tội lỗi được sửa chữa, nhân loại được khôi phục, “được chuộc lại”, được giải hòa với Thiên Chúa và lại được hưởng sự sống của Thiên Chúa. Theo sấm truyền cũ (Ed 36,27), Thần Khí của Giavê đã được truyền ban cho xác thịt. Nhưng lời tiên tri đã được thực hiện viên mãn qua trung gian hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Con Thiên Chúa làm người.


 


 


 


.

114.864864865135.135135135250