18/06/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

2860

 


TRỞ NÊN NGƯỜI MÔN ÐỆ ÐỨC KITÔ


Giacôbê Vũ Thế Hanh, O.P.


dauchanƠn gọi của mỗi Kitô hữu là "trở nên người môn đệ Ðức Kitô". Những tu sĩ được mời gọi "trở nên người môn đệ" ở mức độ đậm đà khắng khít hơn nữa vì họ là những người "bỏ mọi sự để bước theo Ðức Kitô".


Ðể có một cơ sở Thánh Kinh nhất định, tôi khởi đi từ một câu trong Tin Mừng Gioan : "Lời trở thành xác phàm" (1,14) làm trọng tâm khai triển chủ đề này.


Ở đây, chúng ta chú ý đến động từ trở thành, (become, egeneto). Từ này liên hệ giữa "Lời" và "xác phàm". Hạn từ này biểu hiện một hành động rất đặc biệt vì hành động đã làm thay đổi chủ thể của hành động đó. Tâm điểm niềm tin của Kitô giáo chuyển động quanh sự thay đổi này. Vì trục niềm tin của chúng ta là "Lời trở thành xác phàm" nên chân lý niềm tin Kitô giáo sẽ là Thiên Chúa trở thành một người trần, Ðấng thánh trở thành phàm nhân, đời sống và lịch sử của Thiên Chúa trở thành lịch sử của nhân loại. [1] Niềm tin của chúng ta xoay quanh sự chuyển động của Thiên Chúa về phía nhân loại : Chúa chấp nhận sống cuộc sống nhân loại ; đi vào lịch sử nhân loại và Thiên Chúa trở thành tôi tớ.


Nếu niềm tin của chúng ta cuộn vào một "Thiên Chúa trở thành xác phàm" thì ơn gọi của chúng ta là "trở thành môn đệ của Chúa".


Như vậy, trở thành môn đệ Ðức Kitô chính là cách chúng ta tiệm tiến tham dự vào căn tính của Ðức Kitô để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi nào chúng ta có "chất Chúa" ở trong chúng ta càng nhiều thì chúng ta càng là môn đệ và càng giống Chúa Kitô.


"Chúa trở thành xác phàm và chúng ta trở thành môn đệ (hay trở thành Chúa)". Ðây là tình yêu song phương : Tình yêu phát xuất từ hai phía : phía Thiên Chúa và phía con người. Thiên Chúa hạ xuống thật thấp và con người vươn lên để gặp gỡ, đụng chạm và cuộn vào nhau. Ðó là yêu thương, đó là cứu độ.


"Trở thành" có nghĩa là tiệm tiến đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời thường của chính mình. "Trở thành" nghĩa là "tập" thường xuyên. Không chỉ một năm tập nhưng là cả đời tập. Tập sống như Chúa Kitô, suy nghĩ như Chúa Kitô và hành động như Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.


Lấy Ðức Giêsu làm chuẩn mực, tôi khai triển chủ đề theo ba ý chính : trở thành người, trở thành bằng hữu và trở thành tôi tớ.


1. Trở thành người (làm người)


Mỗi chúng ta đã là người nhưng chúng ta "làm người" ở những mức độ khác nhau. Ðiều nghịch lý là đôi lúc chúng ta muốn trở thành thánh cấp tốc bằng cách chúng ta xa lìa với những thực tại trần thế. Hệ quả kéo theo là ta khinh thường những thực tại đời thường và rồi dần dần trở nên chai lỳ trước nỗi đau của tha nhân. Chúng ta nhận thấy những bậc "đại thánh" Kitô giáo lại chính là những con người sống thân phận "làm người" ở mức cao nhất. Mẹ Têrêsa Calcutta chẳng là bậc "đại thánh" trong thời đại chúng ta là gì, mẹ đã làm người một cách triệt để.


Ðức Giêsu là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa nhưng đã "mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" và Ngài đã "làm người" ở mức độ tuyệt hảo, mười phân vẹn mười và là kiểu mẫu để chúng ta trở thành.


Ðức Khổng bảo "vi nhân nan", làm người thật khó. Ðức Phật bảo "đời là bể khổ" nên con người phải tu thân tích đức, phải thoát tục, vô chấp để đạt đến giác ngộ, đạt đến Niết Bàn. Không ai có thể cứu bản thân ngoại trừ chính mình. Còn Ðức Giêsu Kitô ? Ngài là Ðấng Thánh đã hụp lặn thật sâu xuống vũng lầy tội luỵ, xục tung lên, biến tội luỵ thành thánh, thành ân sủng. Ngài đã đi đến cùng tận của kiếp người để vực con người thành thánh.


Trong tác phẩm "Ngư ông và biển cả", đại văn hào Mỹ, Enest Hemingway đã viết : "Ðã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua, con người có thể bị tiêu diệt nhưng không thể bị khuất phục".


"Làm người" đó là một lần dong buồm ra khơi, và lần lên đường này lại là một lần lên đường duy nhất, không được quyền quay lui mà cũng không được quyền đầu hàng, không được phép trả giá cò ké bớt một bớt hai.


"Làm người" đó là chấp nhận cô đơn giữa trùng dương bao la ngút ngàn, không ai có thể thế chỗ của mình, một mình mình phải giật lấy cho được một vị thế.


"Làm người" đó là chấp nhận một cuộc thách đấu mà chỉ có người thua kẻ thắng chứ chẳng thể hoà, thách đấu với bao sóng gió, với bao thế lực, với bao yếu đuối của chính mình.


"Làm người" đó là dám hiên ngang ngay cả khi "ngọn cờ" của mình cũng chẳng còn phất phới bay, mà đã rách nát, ủ rũ, héo tàn. [2]


Thiên Chúa đã nhập thể làm người theo nghĩa đó. Ngài ở trong một gia đình mà trước khi Người sinh ra đã không mấy thuận tiện vì Giuse "định tâm bỏ cách kín đáo" (Mt 1,19). Ngài ở trong một hoàn cảnh mà chính Ngài đã chịu thân phận một người bị loại ra ngoài lề xã hội ngay từ khi mở mắt chào đời như Thánh Kinh diễn tả : "Không có chỗ cho ông bà trong quán trọ" (Lc 2,6) ; "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1,11). Người sống trong một đất nước mà người ta không chấp nhận sự hiện diện của Người : "Vua Hêrôđê tìm cách giết Hài Nhi đấy !" (Mt 2,13). Người sống cuộc sống mà không phải lúc nào mình cũng được hiểu, ngay cả với những người thân cận nhất : "Nhưng ông bà không hiểu lời Người đã nói" (Lc 2,50); "Nhiều môn đệ của Người nói : Lời này chói tai quá ai mà nghe nổi !" (Ga 6,60). Người đã sống trọn vẹn thân phận con người giữa muôn vàn tranh chấp của lịch sử, tranh chấp tôn giáo : "Chúng tôi có luật, và cứ theo luật ấy thì nó phải chết vì nó đã xưng mình làm Con Thiên Chúa" (Ga 19,7) và tranh chấp chính trị : "Ai tự xưng là vua thì chống lại Xêda".


Ðức Giêsu Kitô đã đảm nhận trọn vẹn những khổ đau của thân phận con người, vượt qua những thách đố gay cấn và tinh vi nhất của kiếp người, và đã trở nên con người thập toàn, không gì chê trách được. "Ðã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua. Con người có thể bị tiêu diệt nhưng không thể bị khuất phục". Người đã chiến đấu cho sự thật và lẽ phải đến hơi thở cuối cùng trong cơn thều thào : "Mọi sự đã hoàn tất, rồi Người gục đầu xuống tắt thở" (Ga 19,30).


Ðó chính là cách Thiên Chúa trở thành nhân loại. Ðó phải là con đường chúng ta bước đi để "trở nên người môn đệ Ðức Kitô". Không còn con đường nào khác ngoài con đường này. Và như vậy, Ðức Kitô, Lời trở thành xác phàm mời gọi mỗi chúng ta muốn làm người cho nên thì nhất cử nhất động, từ ăn uống ngủ nghỉ phải làm một cách rất chi là Thiên Chúa.


Trở thành môn đệ của Chúa là luôn phải chiến đấu và lên đường chống lại với thế lực sự dữ, với tính lười biếng, ích kỷ và hẹp hòi của mình. Không có dạng môn đệ sìu sìu ển ển, gặp chăng hay chớ. Quyết đi là không ngoảnh lại. Trở thành môn đệ là sửa, là từ bỏ nhưng cũng thu lại gấp trăm gấp ngàn lần nhưng "cùng với sự bách hại". Chúng ta cần ghi nhớ điều này. Sứ mạng luôn cao cả nhưng nếu muốn trở thành môn đệ thì cũng phải chấp nhận "bị bách hại" như các tông đồ đã hy sinh và như các bậc anh hùng tử đạo đã hy sinh trong đó có cha ông ta.


Ta được mời gọi để "trở nên người môn đệ" theo nghĩa đó.


2. Trở thành bằng hữu


Ðức Kitô, Lời trở thành xác phàm nói với các môn đệ : "Thầy không gọi anh em là tôi tớ nhưng là bạn hữu." (Ga 15,15). Ðã là bạn thì không còn giấu giếm và không còn bí mật nên Ðức Kitô nói tiếp : "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha (Thầy không giữ lại cho riêng Thầy) nhưng Thầy đã tỏ lộ cho anh em biết". Toàn bộ cuộc sống của Ðức Giêsu Kitô đã diễn tả Thiên Chúa làm bạn với con người, Ðấng Thánh kết thân với phàm nhân, "Tín nghĩa ân tình hội ngộ, hoà bình công lý giao duyên" ngay trong con người của Ðức Kitô. Người cũng ước muốn các "bạn hữu" của Người chia vui sớt buồn, đồng lao cộng khổ với Người. Trong nỗi cô đơn tột cùng ở Vườn Cây Dầu, người đã nói trong nghẹn ngào : "Anh em không thức với Thầy được một giờ sao ?". Lời trách móc đầy yêu thương.


Trở nên bạn có nghĩa là hai bên ngang nhau, tự do, bình đẳng : có phúc cùng chia, có hoạ cùng sớt. Trở thành bạn là sự tự nguyện từ hai phía : Thiên Chúa "vén mặt" gợi ý và con người đáp trả. Ðức Giêsu đã gọi các tông đồ và các ông sẵn lòng đáp trả lời mời gọi đó.


Ðức Giêsu không chỉ dừng lại ở việc kết bạn với các tông đồ nhưng là mở rộng đến mọi tầng lớp. Người kết thân với người nghèo, người tội lỗi nhưng cũng không loại trừ người giàu.


Có lẽ khởi đầu việc trở nên bạn là gặp gỡ và đồng bàn. "Bạn nói với tôi bạn ngồi ăn với ai và tôi sẽ nói bạn là ai". Chúng ta không thể chối cãi việc Ðức Giêsu đã đồng bàn với hạng ăn xin và những người tội lỗi. Chính vì Người thường lui tới những địa chỉ này nên Người đã bị buộc tội là kẻ tham ăn, nát rượu. Ðức Giêsu đã đi bước trước gợi mở trong việc "kết giao" và buộc lòng những người hạ lưu kia ban đầu đành phải miễn cưỡng ứng sử theo lối "hòn chì ném lại" như Albert Nolan mô tả :


Rõ ràng lúc đầu bọn ăn xin rất miễn cưỡng còn những người tội lỗi hẳn đã phải suy đi tính lại mới mời Ðức Giêsu tới nhà của họ. Ðể vượt qua những tập tục thâm canh cố đế về việc phân chia giai cấp, có lẽ Ðức Giêsu đôi khi cũng đã ép buộc những kẻ ăn xin đến nhà mình và tự động đến nhà của những người tội lỗi. Luca đã minh hoạ việc Ðức Giêsu tự động đến nhà người tội lỗi như thế trong câu chuyện Giakêu.[3]


Cách thức Ðức Giêsu đến nhà hạng tiện dân dùng bữa và mời họ đến nhà mình dùng bữa là việc Ðức Giêsu đã chấp nhận họ là bằng hữu và ngang hàng. Với cử chỉ như thế, Ðức Giêsu đã cất đi nỗi xấu hổ, tủi nhục và tội lỗi của họ. Bằng việc chứng tỏ cho họ biết đối với Người, họ thật sự quan trọng như những con người, Người đã khiến họ ý thức được phẩm giá của họ và giải thoát họ khỏi kiếp tù tội. Việc Người thế nào cũng đụng chạm đến thân thể họ khi nằm ăn tại bàn (so sánh với Ga 13,25) và việc rõ ràng Người không bao giờ nghĩ đến chuyện cấm đoán việc đụng chạm đó (Lc 7,38-39) hẳn đã khiến cho họ cảm thấy mình thanh sạch và được chấp nhận. Khi họ tôn kính Ðức Giêsu là người của Thiên Chúa và ngôn sứ thì hành động đồng bàn của Ðức Giêsu giúp họ cảm nhận Thiên Chúa tha thứ và chấp nhận họ.


Ðức Giêsu ưu ái người nghèo nhưng cũng không thành kiến với người giàu. Nếu những người Pharisêu đã mời Người đến dùng bữa tại nhà họ (Lc 7,36 ; 11,37 ; 14,1) thì chắc chắn Người đã đáp lại bằng cách thỉnh thoảng cũng cũng mời họ đến nhà mình. Ðiều này cho ta thấy Người luôn mở lòng để trở nên bạn hữu cùng tất cả mọi người, mọi tầng lớp.


Mỗi chúng ta được mời gọi để trở thành bằng hữu của Người. Một khi chúng ta kết thân với Người thì chúng ta cũng hành động như Người đã hành động : trở thành bạn của mọi người. Theo Ðức Giêsu thì trở thành bạn không hệ tại ở những lời hoa mĩ đẹp đẽ nhưng là cách chúng ta chấp nhận tha nhân như chính bản thân của họ.


Trở nên bạn hữu tức là dám chấp nhận trở nên thành viên của một cộng đoàn trong đó có cả người chưa tốt. Hơn 500 năm trước đây, anh Savonarola viết thư cho một tập sinh, tập sinh này thực sự cảm thấy gương mù bởi tội lỗi của những người anh em. Anh Savonarola cảnh báo tập sinh đó về những người khi gia nhập Dòng đã nuôi hy vọng được vào thiên đàng ngay lập tức. Họ không bao giờ ở lâu được. Anh Savonarola viết :


Họ muốn được sống giữa các thánh, bằng cách loại trừ tất cả những người xấu và những người bất toàn. Rồi khi không được như ý, họ bỏ ơn gọi và lên đường. nhưng nếu muốn thoát khỏi những con người xấu xa, anh phải rời bỏ thế gian này. [4]


Trở nên bằng hữu tức là dám sống thành thực. Sự thành thực đôi khi làm ta phải tổn thương. Nếu trong tình bằng hữu mà có sự lạm dụng hay lừa dối thì đó không còn là bằng hữu nữa. Cha Timothy Radcliff viết :


Một trong những nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót, đó là nỗi lo nếu anh em thấy con người thực của chúng ta thì có thể họ sẽ không bỏ phiếu cho chúng ta được khấn. Chúng ta có thể bị cám dỗ giấu giếm bộ mặt thật của mình cho tới khi chúng ta được an toàn và được yên ổn trong Dòng, được tuyên khấn, lãnh tác vụ linh mục, và không ai làm gì được ta nữa. Chấp nhận điều đó có thể khiến cho việc đào tạo trở thành sự lừa dối, và như thế chỉ là nguỵ trang trong một Dòng có khẩu hiệu là Chân lý. Chúng ta phải tin vào anh em đủ để họ thấy chúng ta là ai và chúng ta đang suy nghĩ gì. Không có sự trong sáng ấy thì không có tình huynh đệ và bằng hữu. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải đứng lên giữa nhà cơm mà thú tội, mà là đừng tạo nên một cái mặt nạ và giấu mặt vào đó. Chúng ta phải dám nhận lãnh sự tổn thương và thiệt hại vì chính đức Kitô đã làm gương trước cho chúng ta. [5]


Trở nên bạn hữu tức là chia sẻ sự sống của mình khi người khác cần đến. Trở nên bạn hữu phải thể hiện bằng một thái độ sống : là xuống ngựa, cúi xuống, xoa dầu, bóp thuốc, vực dậy, mang lên ngựa, đưa đến quán trọ, trả tiền, về nhà rồi lại đến thăm. Ðó là hành trình cụ thể của người bằng hữu theo lời mời gọi của Ðức Kitô. Nếu chúng ta muốn trở nên bằng hữu của Thiên Chúa, không gì khác hơn là tập làm những việc như Chúa Giêsu đã làm cho tha nhân.


3. Trở thành tôi tớ


Ðức Giêsu Kitô, Lời trở thành xác phàm nói với các môn đệ : "Thầy sống giữa anh em như một người tôi tớ". Và cuộc sống của người đã trở nên người phục vụ. Người bảo rằng càng làm lớn càng phải phục vụ : Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ. Ngài không chỉ nói bằng lời, nhưng còn bằng hành động.


Thật vậy, đang khi dùng bữa, Người đã cởi áo ngoài, thắt lưng, lấy thau, lấy nước, lấy khăn rửa chân và hôn chân các môn đệ. Ngài làm phận vụ của một người đầy tớ. Ngài bảo người khác sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài một khi chúng ta yêu thương và làm đầy tớ cho nhau.


Theo tâm lý thông, chúng ta muốn làm cha thiên hạ : Tôi hơn anh, anh phải nghe tôi và phải phục dịch tôi. Nếu không ý thức, chúng ta sẽ thể hiện điều này nhan nhản trong lời nói và cử chỉ của chúng ta. Nếu con đường Ðức Kitô đã đi là trở nên người tôi tớ thì một khi chọn lựa "trở thành môn đệ" của Ngài, chúng không thể đi con đường khác ngoài con đường Ngài đã đi.


Tác giả thư Do Thái đã viết rằng dẫu là Thiên Chúa, Ðức Giêsu phải trải qua đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Ðức Giêsu cũng phải "trần ai khoai củ" lắm lắm mới đạt đến tầm mức nô lệ chết trên thập tự. Như vậy, không phải một sớm một chiều chúng ta có thể trở thành tôi tớ. Chúng ta lại phải tập, không phải chỉ một năm tập nhưng là tập năm này đến năm khác và đến mãn đời, tập cả "khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thịnh vượng cũng như lúc mạnh khoẻ" may mới có cơ may sáng lên chân dung của người môn đệ Chúa : người tôi tớ.


Kết :


Nếu Ðức Giêsu, Lời trở thành xác phàm đã phải trải qua bao khổ cực mới đạt đến tầm mức con người mười phân vẹn mười, tầm mức của bằng hữu toàn thể nhân loại và trở thành tôi tớ của nhân loại thì chúng ta, những người "trở nên người môn đệ của Ðức Kitô" cũng phải lăn xả vào cách suy nghĩ, cách chọn lựa và lối sống như Chúa Kitô đã sống. Chệch khỏi con đường này là chúng ta "Làm tôi chủ khác" vì Chúa đã bảo không thể làm tôi hai chủ.


Ðức Giêsu đã đi trọn vẹn con đường nhân loại để cho vũ trụ này trở thành đẹp, trở thành Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin yêu, phó thác giống như Chúa trong thời đại của mình để làm lớn mạnh chất Chúa trong thời đại của chúng ta. Chúng ta phải tập và khởi đi từ những việc rất nhỏ của cuộc sống thường ngày để nhuốm chất Chúa làm người, làm bằng hữu và làm môn đệ vào đó hầu sục tung lên niềm vui giải thoát và cứu độ.



Non nước từ khi anh đến chơi


Hồ như thêm đẹp núi thêm tươi,


Lòng anh cũng thấy vui theo cảnh


Náo nức cũng anh nở nụ cười.



Ðó là nơi có bước chân của Ðức Kitô và ước gì đó cũng là niềm vui khi có bước chân của chúng ta, "những người môn đệ Ðức Kitô" vậy !
--------------------------------------------


[1] X. C.S.Song, Thời sự thần học số 36, tr. 17

[2] X. H. Alfonsius, Làm người, (trong tập Tình yêu giáng sinh 95, tr. 112)

[3] Albert Nolan, Ðức Giêsu trước khi Kitô giáo, Toà TGM Tp. HCM 1998, tr.81-82

[4] Timothy Radcliffe, Tôi đã nhìn thấy Chúa, trong "Trở nên người anh em", tr. 51

[5] Timothy Radcliffe, như trên, tr. 51-52
114.864864865135.135135135250