12/03/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

249

 


Tránh Dịp Nguy Hiểm


 


Người ta thường nói : "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ở trong một môi trường tốt thì người ta dễ nên tốt, người ở trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu, đó là định luật tâm lý vì người ta hay bắt chước một cách vô ý thức.


Kinh Thánh nói : "Ai yêu sự nguy hiểm thì sẽ rơi vào sự nguy hiểm” (Gv 3,27) : chơi với lửa có ngày sẽ bỏng, chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với bùn có ngày lấm áo... Đó là kinh nghiệm ngàn đời của dân gian. Nên người ta khuyên :


Chim khôn tránh lưới tránh dò,


Người khôn tránh chốn xô đồ mới khôn.


(ca dao)


Người xưa cũng khuyên : "Cá, giải chán vực sâu mà ra chỗ nông, cho nên mắc phải chài lưới. Chim, muông chán rừng rậm mà xuống đồng bằng, cho nên bị phải cạm bẫy” (Hàn Thi ngoại truyện).


Chống lại chước cám dỗ là tốt, việc phải làm, nhưng cũng không nên gây ra dịp thuận tiện để cho cám dỗ ập tới. Tại sao không cố mà tránh cơ hội gây ra cám dỗ để khỏi bị mắc bẫy ?


 


Chim ham mồi sa lưới,

Cá ham thính mắc câu.

Con người phải nghĩ cho sâu,

Đừng ham danh lợi, sắc hầu sa cơ.

Tài danh là cạm giữa trời,

Hồng nhan là bả những người tài hoa.

(ca dao)


Người xưa cũng còn dạy : "Cẩn tắc vô ưu” : cẩn thận thì khỏi phải lo. Không ai dám nói được mình khôn ngoan, không bị sa vào cạm bẫy. Chúa Giêsu đã từng khuyên : "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41 ; Mc 14,38). Cẩn thận đề phòng là phương pháp tốt nhất để khỏi bị rơi vào cạm bẫy của ma quỉ đang giăng ra khắp nơi, như lời thánh Phêrô khuyên : "Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).


Truyện : Thuê tài xế lái xe.


Có một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.


Người giầu nói : "Tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống”.


Người tài xế thứ nhất tự nhủ : "Cái đó thì dễ ợt”. Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc.


Người thứ hai thầm bảo : "Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc”. Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc.


Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất kỹ, kết quả ông lái cách hào những một mét.


Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giầu lại bảo bác tài xế thứ ba rằng : "Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá”.


(W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20)


Bài học này dạy chúng ta lo tránh dịp tội. Chúng ta không được thử xem mình có thể đến gần tội bằng cách nào mà không phạm.  Chúng ta phải xa lánh tội. Vậy nếu đi đâu với người nào mà họ lại xúi chúng ta làm một điều gì xấu thì nên tránh xa người ấy. Ma quỉ cố cám dỗ chúng ta đến gần tội. Chúng biết rằng chúng ta mà cứ đến gần tội thì thế nào cũng sa vào đó. Nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể chơi xỏ lại ma quỉ bằng cách cứ tiếp tục giữ đường của mình, không đến sát  hào tội lỗi.

114.864864865135.135135135250