24/02/2012 -

Suy tư, nghiên cứu

180

 


 


TÁI KHÁM PHÁ CHIỀU KÍCH CHIÊM NIỆM 1/3


 


Bài phát biểu của Fr. Paul Murray, o.p, tháng 7-2001


tại Tổng Hội Dòng Đa Minh, Providence, Rhode Island


Hoàng Dũng OP chuyển ngữ


Khi được nhận vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo, mỗi chúng ta được hỏi : "Anh em xin gì ?", và chúng ta thưa : "Xin lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng thương xót của các anh". Sáng nay, hiện diện nơi đây, tại Tổng Hội của Dòng, để nói với anh em về đề tài đời sống chiêm niệm, hơn bao giờ hết tôi cảm thấy những giới hạn của mình và vì thế rất cần đến sự lượng thứ và cảm thông của anh em. Có Thiên Chúa biết, tôi chỉ là một người tập sinh trong đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Và thú thật chưa bao giờ tôi được yêu cầu làm một bài thuyết trình khó khăn như bài này. Thưa anh em, vì thế ngay từ mở đầu, tôi xin anh em thông cảm cho tôi và những gì tôi sắp trình bày.


Trong số các thánh, các vị giảng thuyết nổi tiếng của Dòng Đa Minh chúng ta, có nhiều vị nổi bật về sự trung thành lớn lao với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Nhưng trong Hội Thánh, ít là cho tới thời gian gần đây, Dòng được chú ý cách chung bởi những thành tích về mặt trí thức hơn là sự nhiệt thành chiêm niệm. Tuy vậy, mọi sự đã bắt đầu thay đổi. Chẳng hạn, khác với trước đây, ta thấy ngày càng có nhiều bản dịch các bài viết của Johannes Tauler, của Catherine de Sienne, của Henry Suso và của tôn sư Eckart. Và thánh Tôma Aquinô, người vẫn được trọng kính là thần học gia về tín lý trong Giáo Hội, nay cũng bắt đầu được nhiều người coi là bậc thầy về đời sống tâm linh.


Như vậy, có thể nói chúng ta có cơ hội để cho chiều kích chiêm niệm trong truyền thống của chúng ta lên tiếng với một uy tín sâu xa và thuyết phục cho một thế hệ mới. Nhưng nhiệm vụ hiện giờ của chúng ta, và tất nhiên cũng là lý do của bài thuyết trình này, là để cho truyền thống ấy lên tiếng trước tiên với tất cả chúng ta, đang ở đây và lúc này, và để cho truyền thống ấy ngỏ lời không phải chỉ với lòng với trí của chúng ta, mà cả với cách chúng ta đang sống với tư cách là một người giảng thuyết.


Dĩ nhiên, tất cả chúng ta ở đây đều là những người mắc nợ chứng tá của các chị em Đa Minh sống đời chiêm niệm. Chính bản thân tôi còn mắc nợ các chị cộng đoàn Siena, ở Droheda, Ái Nhĩ Lan nhiều hơn là tôi có thể nói. Và nếu không phải tất cả, thì một số trong chúng ta, đều biết rằng cha Timothy đã nhận định cách rõ ràng đầy đủ chứng tá chiêm niệm và sự nâng đỡ của các nữ đan sĩ trong bức thư cuối cùng của Cha gởi toàn Dòng.


Phải nói rằng, không phải tất cả các hình thức chiêm niệm đều đã được các đấng tiền nhân của Dòng Đa Minh công nhận. Mà thực như vậy, trong VitaeFratrum, ta đọc thấy câu chuyện sinh động về một người anh em khốn khổ, gần như đánh mất đức tin bởi "chiêm niệm" quá nhiều ! Cũng theo hướng đó, cha Humbert de Romans, trong khảo luận dài về giảng thuyết, đã than phiền không úp mở về những người "lúc nào cũng chỉ lo chiêm niệm, chiêm niệm". Cha nói, những người này tìm kiếm "một đời sống ẩn giấu, yên lặng" hay "một nơi xa cách đó để chiêm niệm" và rồi từ chối đáp lời mời gọi hữu ích cho tha nhân bằng việc giảng thuyết".


Ở đây, nên thoáng lưu ý là trong những văn bản đầu tiên của Dòng Đa Minh, từ "chiêm niệm" không mang tính cách bí truyền và cao siêu như sau này ở thế kỷ XVI. Thực ra, từ này có thể đôi khi được liên kết với những khái niệm như "hồi tâm" (recollection) và "tĩnh tâm", nhưng hàm ý hướng nhiều hơn về nghĩa trần tục. Thực tế, thường nó ít có nghĩa là một hành vi chú ý hay học mà lại cầu nguyện. (Ngày nay người ta còn gán thêm nghĩa lộn xộn, không rõ ràng, chúng ta có khuynh hướng dùng từ "chiêm niệm" như một từ đồng nghĩa căn bản với chính việc cầu nguyện).


Hẳn cha Humbert de Romans không hề có ý đối lập đời sống cầu nguyện với đời sống giảng thuyết. Cha viết : "Vì nỗ lực của con người không thể hoàn thành được điều chi mà không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, cho nên đối với một nhà giảng thuyết, điều quan trọng nhất phải cậy nhờ lời cầu nguyện". Nhưng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm như cha Humbert de Romans và những tu sĩ Đa Minh tiên khởi nói tới – chiêm niệm cũng là mục tiêu của bài thuyết trình này – là điều thúc bách chúng ta "phải nêu lên", theo kiểu nói tinh tế của cha Humbert, nghĩa là phải gắn chặt mình với nhiệm vụ giảng thuyết.


Mở đầu những suy nghĩ của chúng ta, trước tiên tôi đề nghị chúng ta cùng xem lại một văn bản không thuộc loại nổi tiếng trong truyền thống của chúng ta, nhưng là bản văn của một tu sĩ Đa Minh khuyết danh người Pháp ở thế kỷ XIII. Tôi tìm thấy bản văn này nằm lẫn trong một bản chú giải Thánh Kinh dài về sách Khải Huyền mà nhiều thế kỷ đã được coi là của thánh Tôma Aquino. Hiện nay, người ta cho rằng công trình này do một nhóm các tu sĩ Đa Minh làm việc tại Saint-Jacques, Paris soạn ra khoảng 1240 và 1244, dưới sự chỉ đạo tổng quát của một tu sĩ Đa Minh, Huges de Saint Cher. Dù rằng phần lớn bản chú giải đọc rất chán, nhưng một số đoạn trong tác phẩm được soạn ra với sự sáng sủa và một sức mạnh khiến lập tức người ta liên tưởng đến tác phẩm của một nhà chiêm niệm đương đại của Pháp, Simone Weil. Trong một đoạn, tác giả Đa Minh của chúng ta ghi nhận rằng trong số những điều "một người thấy trong chiêm niệm" và phải "ghi vào cuốn sách là lòng mình", có "những nhu cầu của tha nhân":


Người ấy phải thấy trong chiêm niệm những gì người ấy ước mong cho mình, nếu chính người ấy đang có nhu cầu như vậy, và phải thấy con người ta mong manh yếu đuối biết chừng nào… Hiểu hoàn cảnh của tha nhân căn cứ vào những gì bạn biết về chính bản thân mình (Intellege ex te ipso quae sunt proximi tui). Và điều bạn thấy nơi Đức Kitô, trên thế giới này và nơi tha nhân, bạn hãy ghi tất cả vào trái tim bạn.


Những dòng trên đáng chú ý vì nói đến sự chú ý đầy thương cảm dành cho tha nhân trong bối cảnh chiêm niệm. Nhưng tôi cũng xin nhấn mạnh, căn cứ vào những dòng này, đến sự biết mình thật và sự rộng mở chân thành đối với Đức Kitô, đối với tha nhân, đối với thế giới. Đó là điểm có tính cách Đa Minh đặc biệt. Bản văn kết thúc bằng cách nhắc một cách đơn giản nhưng không kém phần ấn tượng đến bổn phận giảng thuyết. Tác giả khuyên chúng ta, trước hết, phải biết chính mình và chú ý đến tất cả những gì chúng ta thấy trong thế giới chung quanh chúng ta và nơi tha thân chúng ta đang chung sống, rồi suy nghĩ sâu xa trong lòng về những điều chúng ta đã chứng kiến. Nhưng rồi chúng ta được bảo lên đường và giảng thuyết : "Trước tiên hãy nhìn, sau đó viết, rồi gửi đi … Điều cần trước tiên là học hành nghiên cứu, sau đó suy nghĩ trong lòng, rồi giảng thuyết


Phần còn lại trong bài nói này được chia làm ba phần :



  1. Chiêm niệm : cái nhìn về Thiên Chúa


2. Chiêm niệm : cái nhìn về thế giới


3. Chiêm niệm : cái nhìn về tha nhân





Chiêm niệm : cái nhìn về Thiên Chúa


Nếu anh nêu lên chủ đề chiêm niệm, thì nhiều người tự nhiên có thể nghĩ ngay đến vị tu sĩ dòng Cát Minh người Tây Ban Nha, thánh Gioan Thánh Giá. Nhưng ở đây tôi không có ý nói đến thánh Gioan Cát Minh. Thay vào đó, tôi xin nhận xét đôi chút về một tác giả đời sống tâm linh rất ít được biết đến, một người có tên, trùng với tên của vị thánh trên, Juan de la Cruz, Gioan Thánh Giá. Nhưng Gioan Thánh Giá ít nổi tiếng này lại là một tu sĩ Đa Minh, tác giả về đời sống tâm linh thế kỷ XVI.


Khi Juan de la Cruz, tu sĩ Đa Minh, xuất bản tác phẩm chính của mình, cuốn Diálogo (Đối Thoại), vào giữa thế kỷ XVI, thì đời sống cầu nguyện hoặc chiêm niệm ở nhiều nơi trong Châu Âu đi đến chỗ bị coi như là hoạt động buồn tẻ và và rất chuyên biệt. Vì thế, có nguy cơ rất lớn là toàn thế hệ dân chúng bắt đầu mất đi mối tương giao với Tin Mừng, mối tương giao tuy đơn giản nhưng không kém phần vững chắc, và thậm chí ngưng tìm kiếm sự khích lệ trong giáo huấn của chính Đức Kitô liên quan đến cầu nguyện. Điều tôi cảm thấy ấn tượng nơi Juan de la Cruz, tu sĩ Đa Minh, đó là cách anh trình bày, tuy có cường điệu, việc nhấn mạnh theo thời đó, nhu cầu đối với những kinh nghiệm đặc biệt nội tâm và cả cách anh bênh vực lối khẩu nguyện đơn giản, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng, trong sự biến đổi tâm linh, của việc chiến đấu bình thường và hằng ngày của người Kitô hữu để sống một đời sống nhân đức.


Trong tác phẩm Đối Thoại, Juan de la Cruz rõ rệt muốn thách thức những người đồng thời với anh, đã có những bài viết muốn làm cho việc cầu nguyện vượt khỏi tầm tay con người, và đã nói về việc chiêm niệm theo kiểu ưu tuyển, dành cho một số người đặc biệt chứ không phải cho mọi người. Vì thế, trong những lời của anh có vị mặn của Tin Mừng – và pha chút hài hước, – người tu sĩ Đa Minh này tuyên bố : "Nếu quả thực chỉ có những người chiêm niệm, hiểu theo nghĩa chặt, mới có thể vào thiên đàng, thì phần tôi, tôi phải nói những gì Hoàng đế Constantin đáp lại Giám mục Acesius, người tỏ ra cực kỳ cứng rắn tại công đồng Nicea : "Hãy giữ lấy thang của ngài và leo lên trời bằng những phương tiện của riêng ngài nếu ngài có thể. Vì đám chúng tôi còn lại, chúng tôi chẳng là gì khác mà chỉ là những kẻ tội lỗi !"


Câu trả lời sắc sảo và sống động này làm cho tôi nhớ lại một lời phê bình cũng không kém phần sống động mà cũng buồn cười của một tu sĩ Đa Minh cao tuổi thuộc Tỉnh dòng thánh Giuse. Người ta gọi cha cách thân mật là cha "Buzz". Cha quê ở, Memphis, bang Tennessee. Một lần nọ, thấy trong người không khỏe lắm, cha đi khám bệnh. Bác sĩ nói với cha : "Thưa cha, con e rằng cách tốt nhất cho cha lúc này là cha phải bỏ rượu hoàn toàn. Người tu sĩ Đa Minh này trả lời : "Thưa bác sĩ, tôi không xứng đáng với cách tốt nhất ấy. Bác sĩ có cách tốt nhất thứ hai nào khác không ?"


Đằng sau lời chỉ trích và hài hước phê phán trên của người tu sĩ Đa Minh, Juan de la Cruz ẩn chứa một khẳng định quan trọng. Đó là cầu nguyện hoặc chiêm niệm không phải là một cái người ta có thể đạt tới chỉ bằng nỗ lực thuần túy con người, cho dù là với hảo ý hoặc quyết tâm dũng cảm. Cầu nguyện là hồng ân. Đó là tặng phẩm nâng chúng ta vượt lên tất cả những gì mà chính chúng ta chẳng bao giờ có thể đạt đến bằng những tập luyện khổ hạnh hay những kỹ thuật nguyện ngắm. Như thế, hiệp thông với Thiên Chúa, tình bạn hiện tại với Chúa trong cầu nguyện, dù là điều không thể đối với người mạnh nhất, lại là một điều chính Thiên Chúa có thể hoàn tất cho chúng ta trong nháy mắt, nếu như Người muốn. Một bài giảng của tu sĩ Đa Minh thế kỷ XIII mạnh mẽ tuyên bố :"Có khi một người ở trong tình trạng tội lỗi, trước khi anh ta bắt đầu cầu nguyện và trước khi anh ta kết thúc, anh ta đã được ở trong tình trạng cứu thoát !"


Tác giả của bài giảng này, William Peraldus, đang trả lời cho câu hỏi "tại sao ai nấy phải vui vẻ mà học cho biết cầu nguyện", nói đến một điều mà hơn ba thế kỷ sau chúng ta hầu như không bao giờ nghe nói. Bởi vì, vào thời ấy, như tôi đã trình bày, cầu nguyện theo thể thức xác đáng nhất, người ta cách chung đều cho là một điều gì rất khó thực hiện. Nhưng tu sĩ Đa Minh Peraldus tuyên bố không chút ngần ngại hay e dè : "Cầu nguyện là một công việc rất dễ dàng !"


Lời quả quyết như thế có vẻ là ấu trĩ. Nhưng nó có uy tín, theo tôi nghĩ, vì xuất phát từ chính Tin Mừng. Vì theo Tin Mừng, chúng ta lại chẳng được chính Đức Kitô khích lệ cầu nguyện với hết lòng đơn sơ và chân thành đó sao ? Theo thời gian, khi các tu sĩ Đa Minh phải đương đầu với các phương pháp và kỹ thuật suy niệm chi li, và với những bản danh sách liệt kê những điều phải làm hay không được làm khi suy niệm, thì hầu như phản ứng của họ lúc nào cũng là : tự nhiên họ cảm thấy như có cái gì đó sai.


Phản ứng của Bede Jarett, chẳng hạn, là tiêu biểu. Ở một chỗ kia, cha ghi chú, với sự hối tiếc thực sự, làm sao thời khắc cầu nguyện lại "bị giản lược thành những qui tắc cứng rắn và chặt chẽ" rồi lại còn được "làm thành kế hoạch và chuẩn mực" đến nỗi cầu nguyện "ra như hoàn toàn không còn là ngôn ngữ của trái tim nữa". Theo những lời đáng ghi nhớ của Jarett, khi xảy ra như thế, thì "mọi phiêu lưu tìm kiếm, mọi tương quan cá nhân và tất cả sự chiêm niệm đều biến mất". Chúng ta quá lo lắng và nôn nóng nghĩ về Thiên Chúa. Những chỉ dẫn quá chi li và đòi hỏi đến nỗi chúng ta quên mất những gì chúng ta cố gắng để học. Hệ quả là chúng ta rơi vào tình trạng chán nản và chắc chắn là Thiên Chúa cũng thế.


Thánh Têrêsa Avila, khi viết về cầu nguyện, đã cho thấy một lời thú nhận đáng chú ý này. Chị nói là "một số sách viết về cầu nguyện" mà chị đang đọc, khuyến khích chị bỏ qua một bên, coi đó thực sự là một cản trở, "ý tưởng về nhân tính của Đức Kitô". Trong một thời gian, thánh Têrêsa cố theo con đường này, nhưng chị thấy ngay là một đời sống cầu nguyện mà loại trừ Đức Kitô thì ít nhất cũng sai lầm bằng với huyền bí vậy ! Tôi nhắc đến những chuyện đó ở đây bởi vì rất hữu ích để ghi nhận phản ứng của một tu sĩ Đa Minh khác ở thế kỷ XVI, một đồ đệ của thánh Tôma rất thực tiễn, Francisco de Vitoria, về thể loại thần bí trừu tượng này. Vitoria viết :


Có một loại chiêm niệm mới được các đan sĩ ở thời của chúng ta thực hành. Cách này hệ tại ở việc chiêm niệm về Thiên Chúa và về các thiên thần. Các đan sĩ này trải qua thời gian dài trong tình trạng được cất lên cao, không còn nghĩ đến đến điều gì nữa. Tất nhiên, như thế là tốt quá, nhưng tôi không thấy Kinh Thánh nói nhiều về điều ấy, và thành thật mà nói đó không phải là điều các thánh đòi. Chiêm niệm đích thực là đọc Kinh Thánh và học sự khôn ngoan chân thật.


Nếu tôi không lầm thì lời quả quyết sau cùng trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thánh Đa Minh. Thánh Đa Minh, như anh em biết rõ, không soạn cho anh em của người một bản văn, không để lại di chúc thuộc loại đạo đức hay tâm linh. Trước sau người là nhà giảng thuyết chứ không phải là nhà văn. Nhưng cho dù thời gian cách xa, truyền thống vẫn lưu lại cho chúng ta một số lượng bất ngờ về những chi tiết liên quan đến cách cầu nguyện và chiêm niệm của người. Một trong những nguyên nhân đó là khí chất lạ thường của riêng thánh Đa Minh. Người tự bản chất có một sự hăng say nồng nàn, thay vì bị đời sống cầu nguyện và chiêm niệm làm mất đi, thì ra như lại được đánh thức và giải thoát cách diệu kỳ. Đó là một con người, như có lần Đức Hồng Y Villot nói, "tự do cách bất ngờ". Nhất là khi cầu nguyện, hình như người khó có thể kiềm chế mình được. Thường người kêu gào thật lớn lên Thiên Chúa. Kết quả là chính việc cầu nguyện riêng của người là một loại sách mở rộng cho anh em. Ban đêm, khi chỉ còn một mình trong nhà nguyện, tiếng của người nghe vang khắp tu viện.


Như vậy, thánh Đa Minh cầu nguyện với toàn thể con người của người – cả thân thể lẫn trái tim. Người cầu nguyện riêng rất sốt sắng và khiêm nhường. Và cũng với niềm tin sâu xa và lòng sốt sắng cao độ này, người cầu nguyện cùng cộng đoàn khi dâng Thánh lễ. Cho dù đức tin và tình cảm sâu xa nơi thánh Đa Minh có thể là bất thường, cũng như việc người thức đêm này qua đêm nọ có vẻ là phi thường, còn lại thì lời cầu nguyện của người cũng chẳng khác gì lòng đạo đức thông thường của các thiện nam tín nữ. Không có gì là huyền bí. Nhưng cứ luôn luôn là giản dị, luôn luôn chung với Hội Thánh.


Theo tôi, một trong những đóng góp to lớn của truyền thống chiêm niệm Đa Minh là chống lại cách mạnh mẽ cảm giác thần bí hay những cách thức thần thiêng có khuynh hướng bao trùm lấy chủ thể chiêm niệm. Nhà giảng thuyết nổi tiếng của Tỉnh dòng Anh, một người Bắc Ái Nhĩ Lan Vincent Mc Nabb chẳng hạn, với tính hài hước khá đặc biệt, thỉnh thoảng thích đưa chủ đề chiêm niệm từ trời cao của chủ nghĩa huyền bí xuống mảnh đất màu mỡ của chân lý Tin Mừng. Ví dụ, khi trình bày dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, liên quan đến việc cầu nguyện, Mc Nabb viết :


Người thu thuế không biết rằng mình đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính. Nếu bạn hỏi anh ấy, ‘anh có biết cầu nguyện không?’ thì anh ấy sẽ trả lời, ‘không, tôi không cầu nguyện được đâu. Tôi đang tính đến chuyện phải hỏi ông Pharisêu kia. Ông ấy chắc biết mọi chuyện liên quan đến cầu nguyện. Còn tôi, tôi chỉ có thể nói rằng mình là kẻ tội lỗi thôi. Quá khứ của tôi xấu xa lắm. Tôi còn không thể hình dung ra mình cầu nguyện nữa là. Ăn cắp của người ta thì tôi rành hơn’.


Trong sách Chín Cách Cầu Nguyện, chúng ta thấy có lời bình về chính thánh Đa Minh khi người lặp lại lời cầu nguyện của người thu thuế, lúc thánh nhân nằm phủ phục trên mặt đất trước nhan Thiên Chúa. "Khi ấy, người thầm thĩ trong lòng những tâm tình thống hối chân thành. Người nhớ lại những lời giáo huấn trong Kinh Thánh. Đôi lúc, người đọc lớn tiếng để cho mình nghe thấy lời Tin Mừng này : "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".


Tôi thấy trong đời sống cầu nguyện của những người giảng thuyết Đa Minh mà tôi hâm mộ nhất không có chi là ngoại lệ khác thường, luôn luôn có cái gì đó là sự đơn giản của Tin Mừng, và có một sự nhận biết nào đó về những nhu cầu họ đang cần. Khi cầu nguyện, các người giảng thuyết này không sợ nói với Thiên Chúa cách trực tiếp như nói với một người bạn, nhưng họ luôn tự nhiên trở về với lời nguyện xin của Tin Mừng. Chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô đây :


Con như kẻ tội lỗi đến trước mặt Thiên Chúa. Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch của lòng thương xót, con nhơ bẩn, con xin Chúa rửa con cho sạch. Lạy Chúa là Mặt Trời công chính, con là kẻ mù loà, xin cho con được thấy… Lạy Chúa là Vua muôn vua, xin ban áo che thân cho con là kẻ khốn cùng.


Con lạy ơn Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng hằng có vậy, con bây giờ đến chịu phép bí tích này là Đức Chúa Giêsu, Con Một Đức Chúa Trời. Con như kẻ liệt đến tìm thầy thuốc cho sống. Con như kẻ dơ dáy tìm đến mạch nước cả. Con là kẻ tối tăm đến cùng hằng sáng. Con là kẻ khó khăn thiếu mọi sự mà đến cùng Chúa trời đất.


Những từ ngữ trong lời cầu nguyện này đượm trong tinh thần khó nghèo sâu sắc. Nhưng lời cầu nguyện này cũng được đọc lên với tất cả lòng tin tưởng phó thác. Tại sao vậy ? Tại vì những từ ngữ trong lời cầu nguyện này là những từ ngữ của Tin Mừng, và vì Đức Kitô là Đấng có sức chữa lành, làm cho sống và là nguồn mạch của lòng thương xót, Người là trung tâm của lời cầu nguyện này.


(còn tiếp)


 

114.864864865135.135135135250