04/02/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

801

 


Phụng Tiên


Quốc Văn, OP.


Trong văn hóa Việt Nam, vấn đề đạo đức được coi trọng. “Đạo ông bà” là từ ngữ chung để chỉ loại “tôn giáo” đặc biệt, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.


Các gia đình Việt Nam thường có bàn thờ gia tiên, thường là nơi phòng khách - nơi trang trọng nhất. Nhang đèn được thắp liên tục, hầu như quanh năm. Tổ tiên, ông bà luôn hiện diện với con cháu trong gia đình. Vào dịp tết, có đón ông bà về ăn tết là đón những “ông bà bạn” để cùng ăn tết với “ông bà nhà” cho vui.


Đến với bạn đọc vào dịp Tết Nguyên Đán, chúng tôi xin đăng bài “Phụng Tiên” tức “thờ phụng tổ tiên” để cùng hội nhập vào văn hóa Việt Nam.


Bài gồm hai phần: Tự ngôn như một lời tự tình đối với ông bà tổ tiên. Phần sau là Lễ gia tiên, đã được cử hành trang trọng tại Trung tâm sinh hoạt Đa Minh Phú Nhuận, ngày 23 tháng chạp năm Mậu Dần, thời gian dài  1 giờ, với khoảng 150 người tham dự.


Tự ngôn


Dẫu có vô tình như chiếc lá rụng theo gió mùa thu, lá cũng rơi về cội; dẫu có là hạt mưa rơi, là bụi sương mù, hay là cả một dòng sông cuồn cuộn, nước cũng chảy về nguồn. Ca dao Việt Nam đã diễn tả những trật tự “huyền nhiệm” này trong những câu thơ rất nhẹ nhàng thi vị:


“Chim có tổ, suối có nguồn


Con người có tổ tiên...”


Từ khi mở mắt chào đời, con đã được ướp trong tiếng à ơi... của mẹ. Chập chững bước ngắn bước dài, con bập bẹ gọi “ba”. Bầu trời tuổi thơ của con bát ngát tuyệt vời, đó là tình cha nghĩa mẹ.


Nét bút nào kể hết được công cha, lời thơ nào toát hết được tấm lòng người mẹ! Mẹ cha gần gụi và liêng thiêng là thế. Ôi tuyệt diệu thay đạo làm người, đạo hiếu, đạo nhân. “Đạo ông bà” là vậy.


Hơn ai hết, người Việt Nam sống trọn vẹn “Đạo” này. Dẫu cho bao nỗi thăng trầm của lịch sử, bao cuộc kết duyên văn hóa và tín ngưỡng, “đạo ông bà” vẫn là dòng chảy, là tâm hồn của người Việt Nam. Đặc biệt khi nền văn hóa Khổng Mạnh đến Việt Nam, “đạo ông bà” lại càng được củng cố, càng bám rễ sâu hơn vào lòng con dân Việt. Chữ “Đạo” và chữ “Hiếu” đã giao thoa tạo nên nét độc đáo của người dân ôn hòa, trọng tình, giàu nghĩa.


Trân trọng là vậy, thân thương là vậy, gần gụi là vậy, nhưng đôi lúc


1. Một thời lạc mất...


Cánh chim Lạc Việt xoải cánh bay xa không một lối đi về. Đã có thời con sống trong “ác mộng”, bởi chưng bao bọc quanh con toàn “bụt thần ma quỉ”, con đăm đăm đuổi theo và ghì chặt những chân giá trị, quay lưng lại với bào đệ của mình, họ là những người rất gần nhưng cũng rất xa. Họ cúng, họ tế, họ vái, họ lạy, ôi làm sao mà con chịu nổi, danh Chúa của con bị xúc phạm mất rồi? Không thể thế được! Chúa đã dạy rồi, chỉ thờ mỗi một mình Người mà thôi. Con muốn cho danh Chúa tỏa sáng, muốn mọi người từ bỏ tất cả những hình thức cúng tế của họ đi, để chỉ cúi đầu thờ một Chúa. Chẳng hiểu vì sao lòng người Việt bao dung, luôn cởi mở như vậy; thế mà họ lại lắc đầu chối từ, thà chết chứ không thà “phản bội” tổ tiên.


“Thà đui mà giữ đạo nhà


Còn hơn có mắt  ông cha không thờ”


(Nguyễn Đình Chiểu)


Con càng hăng say rao giảng Tin mừng, thì quê hương con lại càng rạn nứt. Người ta chống đối, người ta bách hại, coi đó là một thứ Giatô tả đạo. Ôi lòng con xót xa thay! Máu hàng vạn người đã đổ ra vì những lấn cấn giữa văn hóa và niềm tin này. Hoa trái của các anh hùng tử đạo trổ sinh nhưng không ít những hạt giống Tin mừng bị vùi dập, lún sâu dưới hố ngăn cách tín ngưỡng - văn hóa, khó có thể nẩy mầm lên được. Theo đạo thì theo, bỏ đạo ông bà thì không bỏ được. Thì ra, lương dân dị ứng với Tin mừng là vậy. Người rao giảng Tin mừng phải cưa sạch, nhổ sạch, đốn sạch những gì là tín ngưỡng - văn hóa bản địa để gieo hạt giống Tin mừng vào đó. Kết quả là gì? Lương - giáo chém giết lẫn nhau.


Không phủ nhận nỗ lực của bao vị thừa sai đã dấn thân gieo hạt giống Tin mừng lên mảnh đất Việt Nam màu mỡ này. Thành quả của các bậc cha anh là chính đức tin của người kitô hữu hôm nay. Không dám đòi hỏi gì hơn, hoàn cảnh lịch sử là thế. Nhưng giá mà... con không quá dấn sâu những bước chân lạc lõng, thấy được đức tin và Tin mừng đã tiềm ẩn ngay trong dòng chảy văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam này, thì... bộ mặt Giáo hội Việt Nam ngày nay có lẽ khác chăng? Con đã ý thức điều đó và...


2. Nay... trở về...


Giáo hội Mẹ đã nhắc nhở con: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Thì ra giữa lòng dân tộc, Phúc âm vẫn có thể trổ hoa, kết trái. Không phải là “có thể nữa, mà là “phải”, Phúc âm phải sống động ngay trong lòng dân tộc.


Với tinh thần cở mở và đối thoại, Hội thánh nhìn nhận và tôn trọng mọi giá trị tích cực tiềm tàng trong các nền văn hóa và các tôn giáo (xc. Hiến chế Hội thánh, số 16 và Sắc lệnh truyền giáo, số 9).


Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hội thánh ngày nay là vấn đề Hội nhập văn hóa. Làm sao để Tin mừng của Đức Kitô không dập tắt đi di sản văn hóa tôn giáo của các dân tộc, nhưng trái lại, Tin mừng phải là ánh sáng thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo, phải là “ánh sáng các dân tộc” (Lumen Gentium), ánh sáng trần gian (xc. Ga 8,12).


Đặc biệt là với Á châu, một mảnh đất màu mỡ, xanh tươi, “đa phức tôn giáo”, việc hội nhập văn hóa lại càng trở nên bức thiết và không kém nan giải. Thống kê mới đây của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu cho thấy:


Trung Quốc với số dân 1 tỷ 232 triệu, nhưng vỏn vẹn chỉ có 10 triệu người công giáo (tỉ lệ 10%);


Hồng Kông dân số 6 triệu 191 ngàn, Công giáo là 237 ngàn người (tỉ lệ 3,84%);


Thái Lan dân số 58 triệu 703 ngàn, Kitô giáo chiếm 247 ngàn người (tỉ lệ 0,42%);


Lào dân số 5 triệu 35 ngàn, Kitô giáo chiếm 42 ngàn 100 người (tỉ lệ 0,73%);


Việt Nam dân số 74 triệu 540 ngàn, Kitô giáo chiếm 5 triệu 921 ngàn người (tỉ lệ 7,94 %)...


Tổng cộng, Á châu chỉ có 2% là Kitô giáo trong số 3,3 tỷ dân trên toàn thế giới.


Một vài con số thống kê như thế cho ta thấy số lượng những người được biết Chúa trên mảnh đất Á châu này còn rất ít ỏi. Lời mời gọi của Thầy Giêsu là “hãy ra đi loan giảng Tin mừng cho muôn dân” vẫn là một mệnh lệnh khẩn thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải rao giảng Tin mừng như thế nào, thì vẫn còn là những bước dò dẫm, khai phá. Thiết nghĩ, một cuộc trở về với bản sắc dân tộc, có thể gợi mở một hướng đi cho người kitô hữu hôm nay.


Từ một vài cảm nhận cá nhân như vậy, người viết xin góp nhặt và trình bày đôi nét về Lễ gia tiên, một truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.


Lễ Gia Tiên


Trước hết, xin được phân biệt một chút giữa Lễ gia tiên và Lễ gia thần.


Gia tiên là danh từ gọi chung cha mẹ, chú bác, ông bà, cụ, kỵ, tổ tiên đã khuất. Tuy các ngài khuất đi, nhưng các ngài vẫn gần gụi, vẫn hiện diện với con cháu lúc vui lúc buồn, mỗi dịp lễ tiết... Con cháu có nhiệm vụ phải tôn kính, thờ cúng các ngài cho tròn đạo hiếu, đạo làm con.


Còn gia thần thì khác, có nhà thờ thần này, có nhà thờ thần kia.


Theo Lễ ký, gồm có ngũ tự gia thần: Thần Cổng, thần Cửa, thần Bếp, thần Giếng và thần Trung lưu (tức thần giữa sân). Một tài liệu khác coi ngũ tự gia thần là: Táo quân (thần Bếp), Thổ công (thần Đất), Tiên sư (thần cai quản về nghề nghiệp làm ăn), Môn gia hộ úy (thần giữ cổng), Nhân Súc y thần (thần bảo vệ sức khỏe người và súc vật) (xc. Tân Việt, Phong tục cổ truyền Việt Nam, tập Văn cúng gia tiên, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, trang 12).


Sau đây, chúng tôi chỉ trình bày về Lễ gia tiên.


1. Tinh thần buổi lễ:


Đây là một buổi lễ mang tính thuần túy văn hóa và tín ngưỡng dân tộc. Như ta đã biết, việc hiếu kính đối với chư đấng tiên linh là việc hết sức trân trọng. Đức Khổng Phu Tử dạy rằng: “Tế tắc chí kỳ nghiêm” (việc tế lễ phải hết sức nghiêm trang, cung kính). Do vậy, tinh thần buổi lễ tuy rất thân thiện, đơn sơ, nhưng cũng rất trang trọng, kính cẩn.


Lễ vật cúng tế không cần phải là mâm cao, cỗ đầy, có khi chỉ là ba chém rượu lạt, ba bát nước trắng, nhưng với tất cả tâm thành, thế là các bậc tổ tiên vui lòng chứng giám.


2. Đôi nét bày trí án thờ


Án thờ tế gia tiên phải được sắp đặt ở một nơi trang trọng nhất trong nhà. Thường có hai cái bàn, bàn ở phía ngoài cao hơn, trên đó đặt lư hương, và hai bên là hai giá đặt đèn cầy. Lư hương thường có bầu hình tròn tương trưng cho bầu thái cực (thiên viên, địa phương - trời tròn, đất vuông). Những nén hương thắp lên mùi trầm nghi ngút, tàn hương nhấp nháy tượng trưng cho những vì tinh tú trên trời. Hai cây đèn cầy hai bên tượng trưng cho hai vầng sáng lớn, nhật nguyệt quang minh. Trên án thờ còn có bình bông, tượng trưng cho những tinh anh của trời đất. Sau lư hương đặt một bình phong nhỏ, ý muốn che đậy đi những điều sai quấy của con cháu, để linh hồn những người quá cố được an bình. Còn cái bàn nhỏ, thấp hơn, đặt ở phía trong gọi là giường thờ, phía dưới trải 4 chiếc chiếu để các vị tế lễ phủ phục lễ bái.


Việc bày trí án thờ có thể treo thêm câu đối hai bên, bức hoành phi và bài vị: những bày trí này không phải theo ngẫu hứng nhưng đều mang nét cân đối âm dương, phù hợp với tinh thần văn hóa của người Việt Nam (Viết theo sự gợi ý của Thầy giáo Nguyễn Gia Tường).


3. Trình tự buổi lễ:


Có những buổi lễ diễn ra cách đơn giản ngắn gọn, cũng có những buổi lễ long trọng, chi tiết hơn. Sau đây là trình tự một buổi lễ gia tiên. Anh em Học viện Đa Minh đã tế lễ gia tiên vào dịp đầu xuân Kỷ Mão. Người xướng tế bắt đầu xướng lên:


- Nhất, hành tế gia tiên trừ tịch tiết, chấp sự giả các tư kỳ sự (Thứ nhất, khởi đầu cuộc tế chư vong linh trong gia đình, các vị chấp sự phải lo cho tròn phận việc của mình).


- Nhị, khởi chung cổ (thứ nhì, bắt đầu đánh chuông trống).


- Tam, nhạc công tấu nhạc (thứ ba, phường bát âm cử nhạc).


- Tứ, Thuế cân nghệ quán tẩy sở (thứ tư, các vị dự tế rửa tay, lau tay).


- Ngũ, chánh tế viên tựu vị (thứ năm, viên chánh tế vào đứng ở chiếu thứ ba).


- Lục, Bồi tế viên tựu vị (các vị bồi tế vào đứng ở chiếu thứ tư).


- Thất, củ sát tế vật (thứ bảy, hai người chấp sự cầm đèn đưa viên chánh tế đi kiểm soát các lễ vật, coi xem có đủ chưa hay sơ suất gì không).


- Bát, tham thần cúc cung bái (thứ tám, chủ tế và bồi tế lạy bốn lạy theo nhịp xướng của người xướng tế. Bái là quì xuống lạy theo lối phủ phục toàn thân).


- Cửu, hành sơ hiến lễ, chánh tế viên nghị hương án tiền (thứ chín, làm lễ sơ hiến, viên chánh tế đi lên chiếu thứ nhất trước hương án).


- Thập, quỵ (thứ mười, viên chánh tế quỳ xuống).


- Thập nhất, tiến tước (thứ mười một, hai vị chấp sự đem rượu đến quỳ cạnh chủ tế cho chủ tế rót, chủ tế vái rồi đưa cho chấp sự đệ lên bàn thờ).


- Thập nhị, phủ phục, hưng bái (thứ mười hai, chánh tế cúi đầu bái lạy).


- Thập tam, bình thân, phục vị (thứ mười ba, chủ tế đi ra, vòng xuống đứng lại ở chiếu thứ ba).


- Thập tứ, Nghệ độc chúc sở tại hương án tiền (thứ mười bốn, chủ tế đi lên chiếu thứ nhất).


- Thập ngũ, Quỵ (Thứ mười lăm, chánh tế quỳ xuống).


- Thập lục, chuyển chúc (thứ mười sáu, hai chấp sự lên bàn thờ đem bản chúc xuống quỳ bên chánh tế).


- Thập thất, tuyên độc (thứ mười bảy, chánh tế hay có thể thay một ai khác, quỳ trước hương án và đọc sớ).


- Thập bát, phủ phục hưng bái (thứ mười tám, chủ tế khấu đầu lạy hai lạy).


- Thập cửu, bình thân phục vị (Thứ mười chín, chủ tế đi về chỗ cũ).


- Nhị thập, hành á hiến lệ nghệ hương án tiền (thứ hai mươi, dâng rượu lần thứ hai như lần sơ hiến).


- Nhị thập nhất, phủ phục hưng bái (thứ hai mươi mốt, chủ tế khấu đầu lạy hai lạy).


- Nhị thập nhị, bình thân phục vị (thứ hai mươi hai, chủ tế về chỗ cũ).


- Nhị thập tam, hành chung hiến lễ nghệ hương án tiền (thứ hai mươi ba, dâng rượu lần thứ ba) (Dâng 3 tuần rượu, số 3 chỉ tam cương “quân vi thần cương, phụ vị tử cương, phu vi thê cương").


- Nhị thập tứ, bình thân phục vị (thứ hai mươi bốn, chủ tế về chỗ cũ).


- Nhị thập ngũ, nghệ tộ sở (thứ hai mươi lăm, chủ tế lên chiếu thứ hai chờ lễ Tộ sở).


- Nhị thập lục, quỵ (thứ hai mươi sáu, chủ tế quỳ).


- Nhị thập thất, tứ phúc tộ (thứ hai mươi bảy, chấp sự lên bàn thờ lấy khay rượu... được gia tiên ban cho chủ tế).


- Nhị thập bát, thụ tộ (thứ hai mươi tám, chấp sự đưa khay cho chủ tế, chủ tế đón nhận, uống một hớp rượu tượng trưng. Khay rượu thịt cho chủ tế mang về sau khi lễ xong).


- Nhị thập cửu, phủ phục hưng bái (thứ hai mươi chín, chủ tế khấu đầu lạy hai lạy).


- Tam thập, bình thân phục vị (thứ ba mươi, chủ tế về chỗ cũ).


- Tam thập nhất, bình thân điểm trà (thứ ba mươi mốt, chấp sự dâng trà lên bàn thờ).


- Tam thập nhị, hành tạ lễ cúc cung bái (thứ ba mươi hai, chủ tế và bồi tế lễ tạ 4 lễ).


- Tam thập tam, bình thân phần chúc (thứ ba mươi ba, chủ tế và bồi tế đứng lui ra để chấp sự đốt sớ).


- Tam thập tứ, lễ tất (thứ ba mươi bốn, lễ xong, mỗi người vái bốn vái) (Vái bốn vái tức là vái vong linh người quá cố, số 4 là số chẵn chỉ về âm. Vái người sống thì 2 vái, các bậc thần thánh thì 3 vái, ý chỉ các vị luôn có hai cận vệ trực hầu hai bên).


4. Văn tế gia tiên:


- Phiên âm Hán văn


Tuế thứ Kỷ Mão niên, Xuân thiên, chánh nguyệt, Nguyên Đán. Tự tôn Hồng Bàng Học Sĩ, nguyên quán Việt Nam quốc, Nam kỳ xứ, Gia Định tỉnh. Hiện thường trú tại Sài Côn thị, Phú Nhuận quận, Đa Minh học viện.


Nhân phùng Xuân nguyên chí tiết, cảnh vật giai hoan, vị thử thiết lập tự đường, cung trí lễ nghi tại bản gia, cung thỉnh chư tiên tổ.


Cao, tằng, tổ khảo; Cao, tằng, tổ tỷ, bá, thúc, huynh, đệ, cô, dì, tỷ muội đẳng, chư hương hồn đồng lai lâm từ đường chứng giám.


Chấp kỳ bạc lễ, hiến mãn tam tuần.


Cầu thỉnh bảo hộ tự tôn, gia đình tứ thời cát khánh, bát tiết an khang, phúc lai tai khứ.


Vạn vọng


Cẩn cáo.


Dịch nghĩa:


Hôm nay là ngày Nguyên đán, tháng giêng, mùa xuân năm Kỷ Mão. Cháu (trưởng nối dòng) là Hồng Bàng Học Sĩ (Họ Hồng Bàng, tên là Học Sĩ). Nguyên quán ở tỉnh Gia Định, xứ Nam kỳ, nước Việt Nam. Hiện thường trú tại nhà học Đa Minh, thuộc quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn.


Nay nhân gặp tiết đầu xuân năm mới, cảnh vật đều tươi vui, vì thế xin trần thiết tự đường, chưng bày nghi lễ, cung kính thỉnh cầu chư tổ tiên liệt vị:


Cao, tằng, tổ khảo; Cao, tằng, tổ tỷ, bá, thúc, huynh, đệ, cô, dì, tỷ, muội. Tất cả chư hương hồn cùng đến nhà thờ tổ tiên chứng giám cho.


Xin vui hưởng ba tuần rượu, chấp nhận lễ mọn đạm bạc này.


Cầu mong chư tiên linh bảo hộ cho gia đình chúng cháu, bốn mùa vui đẹp, tám tiết bình an, tai qua phước đến.


Muôn trông.


Cẩn cáo


Bài văn tế viết trên giấy màu vàng, đọc xong rồi đốt. Khi đốt sớ, mọi người cùng chú mục vào ánh lửa linh thiêng ấy. Nhớ phải đốt sao cho cháy hết tờ sớ, đừng sót lại chút nào, nếu sót lại tức là dâng cho tổ tiên sớ rách, như thế là thiếu lòng tôn kính đối với chư vị.


Kết luận:


Nói đến hội nhập văn hóa, có lẽ chưa có Giáo hội địa phương nào dấn thân sâu xa cho bằng Giáo hội Ấn Độ. Người ta đã không ngần ngại đưa cả Bà-la-môn giáo, Ấn giáo, Ky-na giáo... hội nhập vào Tin mừng. Với tinh thần cởi mở như vậy, nhưng Giáo hội cũng không khỏi dè dặt sự mất đi căn tính Kitô giáo của mình, một khi Giáo hội quá dấn sâu vào một nền văn hóa đặc thù nào đó.


Ở Việt Nam chúng ta cũng thế, những dấu chân lịch sử còn ghi lại tâm thức của lương dân khi họ đón nhận Tin mừng thế nào? Có thể nói họ sốc vì Kitô giáo, vì họ nghĩ rao giảng Tin mừng đồng hóa với hành động thực dân. Tin mừng và văn hóa Tây phương là một. Muốn rao giảng Tin mừng thì phải xóa đi nền văn hóa địa phương của họ, không được cúng kiến, không được thắp nhang...


Ngày nay, những quan niệm như vậy không còn nữa, Giáo hội chân nhận những cái đẹp, cái hay của tất cả các nền văn hóa và tôn giáo và nhìn nhận chúng có một giá trị nhất định. Tuy nhiên cũng không nên đi từ cực này sang cực khác, không phải là bất cứ nét văn hóa nào cũng đưa vào Kitô giáo. Cần phải có quá trình nhạy bén, sáng suốt, chọn lọc.


Quả thực đây là một bài toán hóc búa của Giáo hội hôm nay, làm sao một mặt vẫn giữ được căn tính của mình, bảo vệ những nét tinh ròng, truyền thống của đạo lý; mặt khác luôn cởi mở, đối thoại, và đón nhận những tinh hoa từ các nền văn hóa và tín ngưỡng khác.


“Đạo ông bà” thiết tưởng chính là cốt lõi tinh túy của tâm hồn người Việt Nam. Chúa có dạy điều gì khác đâu, đó cũng


là yêu cha kính mẹ. Phụng vụ của Giáo hội cũng dành riêng những ngày cầu cho tổ tiên (ngày mồng hai tết), và dành riêng cả tháng 11 để cầu nguyện, tưởng nhớ đến các linh hồn. Hơn nữa, hàng ngày, trong thánh lễ vẫn nhắc nhớ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.


Sự trùng phùng hội ngộ giữa Kitô giáo và “đạo ông bà” của người Việt Nam là điều khả thi lắm chứ. Từ một thái độ cung kính, một tấm lòng thành khi cúng tế gia tiên, đến một tâm tình cầu nguyện sâu xa cho tiên tổ của mình trong thánh lễ misa vô giá là điều tuyệt vời và đáng mong lắm vậy.

114.864864865135.135135135250