23/09/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

1181

Gia đình là hai tiếng thiêng liêng gợi lên cho ta biết bao những hình ảnh đẹp và những tình cảm ấm áp. Nơi đây, ta được sinh ra, nuôi dưỡng và dưỡng dục để trở nên người. Ai cũng được sinh ra bởi một người nữ mà ta gọi thân thương là mẹ và được một người đàn ông dạy dỗ mà ta gọi là bố, là cha. Từ đó, một gia đình gồm cha, mẹ và con cái được thành hình. Thế nhưng, người ta chỉ sử dụng từ gia đình khi nơi đó có sự hiện của tình yêu nếu không thì nó có thể trở thành “địa ngục trần gian” đối với các thành viên. Phải, tình yêu là điều kiện quan trọng bậc nhất trong định nghĩa về gia đình. Nếu không may mắn sinh ra trong một gia đình bình thường, những đứa trẻ thiếu cha hay mẹ vẫn gọi các cô nhi viện là gia đình vì nơi đó chúng được nuôi dưỡng, bảo bọc trong tình thương.

   Chính vì tình yêu thương nên các gia đình Kitô giáo đã truyền trao đức tin cho con cái mình. Vì đức tin là thứ tốt nhất mà họ có thể trao cho chúng. Họ không chỉ lo cho chúng cuộc sống đời này mà còn cả về đời sống đời sau nữa. Vấn đề này ngày càng trở nên cần thiết cho xã hội hôm nay hơn nữa khi mà các mối dây trong các gia đình đang bị rệu rạo. Do vậy, việc phúc âm hóa cho các gia đình là việc làm cấp bách trong thời đại ngày nay.

Phúc Âm Hóa

Phúc Âm

Phúc Âm là sách ghi chép về cuộc đời và các lời giáo huấn của Đức Giêsu mà các Thánh sử dưới tác động của Chúa Thánh Thần viết ra. Chúa Giêsu khi ở trần gian không tự mình viết các giáo huấn để truyền lại cho các tông đồ làm tài liệu rao giảng. Các môn đệ sau khi sống chung với Thầy của mình đã nhớ lại các lời giảng của Người mà biên chép lại thành sách mà chúng ta có ngày nay. Phúc âm theo thánh Mátthêu, Phúc âm theo thánh Máccô, Phúc Âm theo thánh Luca, Phúc Âm theo thánh Gioan đều là những câu chuyện về Đáng Cứu Thế và giáo huấn của Đức Giêsu.

Ngoài ra, Phúc Âm còn có một nghĩa khác vừa cao cả vừa đẹp. Theo linh mục Huỳnh Trụ, Phúc Âm “ có nội dung rất phong phú, sâu sắc, bao hàm nhiều điều tốt đẹp may mắn trời đất cho, để con người được thỏa mãn mơ ước của mình, lại gần với triết lý và văn hóa Đông Phương, có Ngũ Phúc hay Phúc Lộc Thọ, nhất là có thể hội nhập với giáo lý Kitô giáo.”[i] Theo nghĩa đó, ta có Phúc Âm của Đức Giêsu và Phúc Âm về Đức Giêsu.

Phúc Âm của Đức Giêsu là thông điệp mà Người muốn loan báo cho cả nhân loại biết về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng nên vũ trụ và ban cho con người làm chủ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã cứu rỗi và cứu chuộc con người qua Người Con của mình là Đức Giêsu Kitô. Phúc Âm của Đức Giêsu là thông điệp về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Phúc Âm về Đức Giêsu là Người tự mặc khải cho chúng ta về chính Người. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu tuyên xưng. Chỉ qua Đức Kitô con người mới được cứu độ để trở về cùng Thiên Chúa. Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người là Đấng Cứu Độ đồng thời Người cũng là con đường để cho chúng ta có thể đi qua mà hưởng ơn cứu độ. Người đã chỉ cho chúng ta con đường phải theo là chúng ta phải tin vào Người đồng thời sống theo các lời giáo huấn của Người thì sẽ được hưởng ơn cứu độ

 

 

Phúc Âm hóa

   Phúc Âm hóa là cụm được Công đồng Vatican II sử dụng với ý nghĩa là loan báo, truyền giảng, đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm biến đổi nhân loại từ bên trong, và làm cho nhân loại nên mới (xem Tông huấn Loan Báo Phúc Âm của Đức Phaolô VI). Theo nghĩa đó, Phúc Âm hóa các gia đình  là các gia đình để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhuần trong đời sống của mình.

Gia đình – Trường dạy Phúc Âm Hóa

   Gia đình bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa thông truyền cho đôi bạn trẻ khi họ bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân. Tình thương của họ được thông trao lại cho con cái. Chính trong môi trường gia đình, đứa trẻ cảm nhận được tình yêu vô vị lợi của người khác trao ban cho nó. Cũng chính trong môi trường này, Thiên Chúa đã bắt đầu chương trình cứu độ của Người khi cho con của mình là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Người được sinh ra bởi trinh nữ Maria và được bác thợ mộc Giuse nuôi dưỡng. Trong môi trường gia đình thánh, tình yêu của hai vị bảo trợ đã giúp cho trẻ Giêsu nhận ra ơn gọi của mình là Đấng Kitô. Con người được hình thành trong tình yêu và cũng được lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa thông qua các nhân vị khác nhau. Đó là tinh thần quan trọng của Phúc Âm mà con người cần phải nhận ra, tình yêu Thiên Chúa.

   Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua dòng sữa của người mẹ và bàn tay nâng đỡ của người cha. Dòng sữa ngọt ngào của người mẹ nuôi dưỡng đứa trẻ cho nó cảm nhận tình thương nồng ấm. Bàn tay cương nghị nhưng đầy tình thương của người cha cho con trẻ nhận ra sự quan tâm, bao bọc. Thế nhưng, tình thương của cha mẹ không đủ làm thỏa mãn khát vọng sâu xa trong lòng của mỗi người con. Vì “con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ từng Lời từ miệng Thiên Chúa phán dạy.” ( Mt 4,4). Dần dà, con người khám phá ra sự khát khao Thiên Chúa tận trong cõi lòng mình. Khi đó, con người sẽ trở về cùng với Thiên Chúa. Do vậy, gia đình là nơi đã gieo trồng mầm đức tin.

   Từ các nhận định trên ta, có thể kết luận rằng nền tảng của gia đình xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Tình thương của cha mẹ phải hướng con cái mình về tình yêu của Thiên Chúa. Vì chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới giúp cho con người hoàn trọn được ơn gọi của mình là được trở về với Cội Nguồn Yêu Thương.

   Các gia đình phúc âm hóa

   Bằng chứng về Chúa Ba Ngôi được thể hiện rõ nét nhất nơi các gia đình yêu thương nhau. Sự hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình nói lên sự hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy sống trong một gia đình nhưng các nhân vị vẫn độc lập và riêng biệt nhau. Các thành viên được liên kết với nhau bằng mối dây tình gia đình. Cũng vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa tuy là một Chúa nhưng các ngôi vị không chồng chéo. Mỗi ngôi vị quyền năng, cao cả như nhau nhưng công việc khác nhau. Sống hiệp thông, đoàn kết và yêu thương nhau giữa các thành viên để gia đình trở thành môi trường yêu thương là các gia đình đang phúc âm hóa cho môi trrường sống chung quanh mình.

                                                                                       Giuse Phạm


[i] Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Tìm hiểu tại sao Tân Phúc-Âm-hoá, trên http://www.hdgmvietnam.org/tim-hieu-tai-sao-tan-phuc-am-hoa/5467.42.10.aspx, cập nhập ngày 02/08/15

 

 

114.864864865135.135135135250