23/04/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

837

 


Mầu Nhiệm Phục Sinh, Nguồn Hy Vọng Của Chúng Ta


 


Mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh quá là mầu nhiệm “sống còn” đối với niềm tin Kitô giáo chúng ta. Việc Đức Kitô phục sinh chính là bảo chứng cho phần phúc và nguồn hy vọng của chúng ta. Việc sống lại của Đức Kitô mãi vẫn là mầu nhiệm đối với những người tin. Đức tin là ân sủng Thiên Chúa ban, nhưng cũng là sự đáp trả của con người không chỉ bắng ý chỉ mà con bằng cả lý trí. Ngoài ơn Chúa ra, còn có truyền thống các Tông đồ và Thánh Kinh là nền tảng cho đức tin và nguồn hy vọng của chúng ta. Nói như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng ta ra uổng công và đức tin của anh em cũng ra vô ích” [1].


1. Chúng tôi đã gặp Chúa


Cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ người thì bỏ về quê, số khác thì sợ hãi ngồi ru rú trong nhà cửa đóng then cài và lo âu cho số phận của mình, còn số khác nữa thì hoang mang thất vọng, vì bấy lâu nay theo Thầy là để được làm quan đại thần khi Thầy khôi phục vương quốc.


Trong số những người hoang mang lo sợ, thất vọng chán chường phải kể đến hai môn đệ làng Emmau. Cũng như những lần trước, khi lên Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua với Thầy Giêsu, nhưng oái ăm thay, lần này lên Giêrusalem Thầy Giêsu bị người ta giết chết. Cái chết của Thầy đã làm cho các ông hoang mang thất vọng nên họ đã lầm lũi ra về trong tâm trạng nao nao buồn vào lúc trời đã xế chiều. Họ quên mất lời của Phêrô đã thưa với Thầy: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” [2].


Giữa lúc chán nản thất vọng, cách tốt nhất là các ông bỏ về quê may ra còn mấy sào ruộng để canh tác kiếm kế sinh nhai. Ngay lúc đó Đức Giêsu đến và đồng hành với họ, nhưng họ không nhận ra Người bởi lòng họ đang bị ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng của cây Thập giá.


Giữa lúc các ông đang trong tâm trạng kinh hoàng sợ hãi, thì Thầy Giêsu đồng hành, chia sẻ, giải thích Kinh Thánh, bẻ bánh… và rồi làm cho tâm hồn họ bừng cháy, giúp họ mở lòng mở trí và họ đã nhận ra Chúa. Lập tức hai ông quay trở lại Giêrusalem để báo tin cho các anh em và những người khác. Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” [3].


Còn Nhóm Mười Một thì sao? Mặc dù các ông đã được tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy Giêsu. Nhưng sự tang tóc và hoảng sợ đã xâm chiếm hết tâm trí và não trạng nên họ đã không thế nhớ được lời của Thầy đã nói khi còn ở với họ.


Sau khi Thầy chết, ước vọng làm quan đã không thành, các ông đã lui về Galilê để sống nghề cũ, là chài lưới, Phêrô là người đầu tiên nói với các đồng bạn, tôi đi đánh cá đây; họ trả lời: chúng tôi cùng đi với anh. Thiết nghĩ, Phêrô và các bạn đi đánh cá có lẽ để quên đi nỗi buồn mất Thầy, nỗi thất vọng vì cuộc đời dường như đang đi vào ngỏ cụt và để quên đi thời khắc đau thương ảm đạm đang ngự trị trong lòng các ông.


Trong tâm trạng hoang mang, chán chường về cái chết của Thầy và một đêm thức trắng mà không bắt được con cá nào. Đang mang nỗi lòng u uất, thất vọng lại càng thêm buồn thảm thất vọng hơn, vì dường như cái nghề chuyên môn là đánh cá, nay cũng không còn hiệu nghiệm nữa, bằng chứng là một đêm thức trắng mà không bắt được con cá nào.


Trong tâm trạng cùng cực, bi thương của Phêrô và các môn đệ thì Thầy Giêsu xuất hiện và hỏi các ông một cách rất thân thương: “Này anh em, không có gì ăn ư?” [4]. Với dân chài lưới, thì câu hỏi như vậy có nghĩa là các anh có bắt được con cá nào không? Với câu hỏi này dường như làm cho các ông càng buồn hơn, càng mệt mỏi hơn, vì thực tế họ không bắt được gì cả.


Cảm nhận được sự thất vọng, chán nản và mệt mỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu đã khích lệ: “Anh em hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt cá” [5]. Lại một lần nữa, câu này dường như chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp của các ông, vì thả lưới lúc ban ngày và thả bên thuyền thì lấy đâu ra cá.


Bao nhiêu năm trong nghề, các ông hiểu rõ chuyên môn về chài lưới hơn một người lạ đang bảo các ông thả lưới chứ. Thế nhưng các ông đã bỏ qua cái chuyên môn, cái kinh nghiệm nghề nghiệp để vâng lời một người mà chính các cũng chưa rõ ông ấy là ai và làm theo một lời đề nghị không bình thường (thả lưới ban ngày) của vị khách lạ.


Với sự vâng lời vô điều kiện của các môn đệ mà phép lạ “mẻ cá lớn” của Chúa được thực hiện. Từ mẻ cá lớn đã giúp các ông nhận ra Thầy đã sống lại thật rồi và đang hiện diện với họ: “Chính Thầy đó”. Phép lạ này xảy ra tại biển hồ Tibêria gần thành Betsaida quê hương của Phêrô và Gioan. Đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các Tông đồ sau khi Người từ cõi chết trỗi dậy.


Cũng tại đây, Chúa trao cho Phêrô quyền cai trị và chăn dắt Giáo hội của Chúa nơi trần gian. Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” [6]. Thế rồi, Người bảo ông: Hãy theo thầy.


2. Bình an cho anh em


Trước cái chết của Thầy, tâm trạng bất an, lo sợ cho số phận hẩm hiu của mình thì đột nhiên Thầy xuất hiện với lời trấn an rất thân thương: “Bình an cho anh em” [7]. Có lời an ủi nào cần thiết hơn cho các môn đệ lúc này bằng lời: Bình an cho anh em. Ai ai cũng cần có sự bình an, sự bình an dường như cần thiết hơn cơm ăn áo mặc, hơn gia đình và sự nghiệp. Đặc biệt với hoàn cảnh của các ông lúc này thì sự bình an thật quý giá. Trong sự hoang mang lo sợ, các ông đang rất cần sự bình an, vì có sự bình an sẽ giúp các ông định vị lại con người, cân bằng được cuộc sống.


Ngày nào nơi hang đá Belem cũng đã vang lên lời cầu chúc của các thiên thần: “Bình an đưới thế cho loài người Chúa thương” [8]. Chính Chúa Giêsu cũng đã cho ta biết sự bình an của Chúa ban không giống như bình an theo kiểu thế gian. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” [9]. Bình an của Chúa là bình an vĩnh cửu, bình an đích thực, vì ở đâu có Chúa hiện diện là ở đó có bình an.


Sau khi các môn đệ đón nhận được bình an của Chúa phục sinh, họ đã được thấy rõ con người của Chúa với thân xác sau khi sống lại và những vết thương trên tay, chân và cạnh sườn. Điều đó cũng minh chứng cho các ông rằng: chính Thầy đây, Thầy đã chết thật trên Thập giá, vì các dấu vết trên thân mình Thầy vẫn còn đây cơ mà.


Một minh chứng nữa cho ta thấy, Chúa còn hiện ra với bà Maria Mácđala, đó là vào ngày thứ ba sau vụ người Do Thái đóng đinh Thầy trên Núi Sọ. Maria Mácđala là người đã có mặt bên Thầy trong hành trình rao giảng, trong cuộc khổ hình và có mặt bên Thầy lúc hấp hối trên Thập giá. “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” [10].


Và cũng chính bà và một số phụ nữ khác đã đến mộ Chúa từ khi trời con tối để thăm mộ và xức thêm dầu thơm, vì lúc táng xác chưa làm chu đáo lắm. “Vừa hết ngày Sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.” [11]


Khi đến mộ thì thấy cửa mộ đã mở toang, tấm đá đậy trên mộ đã lăn qua một bên. Bà hoang mang bối rối nên không còn nhớ gì lời Thầy đã tiên báo trước đây nữa là: sau ba ngày Thầy sẽ sống lại. Trong nỗi hoang mang, ưu phiền, bà đã nghĩ ngay là xác Thầy đã bị mất cắp, không còn chần chừ bà đã khóc lóc và chạy ngay về báo tin cho các môn đệ. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”[12]


Trong khung cảnh ảm đạm đó, chính Chúa đã xuất hiện, nhưng lúc đầu bà không nhận ra Chúa, vì tưởng là người làm vườn; nhưng khi Chúa gọi chính tên bà với giọng êm ái quen thuộc khi Thầy con sống đã từng gọi. Tiếng gọi của Thầy đã đem lại cho bà sức mạnh, bình an và vui sướng được thể hiện bằng lời mến thương: “Lạy Thầy!” rồi bà tiến đến ôm chân Chúa để thể hiện sự vui mừng được gặp Thầy từ cõi chết sống lại.


3. Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng


Ngày hôm nay mỗi chúng ta là Maria Mácđala, là các Tông đồ, là hai môn đệ trên đường Emmau. Trên hành trình đức tin, trên hành trình ơn gọi làm con Chúa, rất nhiều khi chúng ta cũng mang tâm trạng đau buồn, chán nản, hoang mang, thất vọng…; những lúc như vậy chúng ta có hăng say như Maria Mácđala; có âm thầm suy nghĩ, cầu nguyện như các Tông đồ trong nhà Tiệc Ly; hay có cởi mở chia sẻ nỗi lòng như hai môn đệ trên đương Emmau không?


Một Maria Mácđala thân yếu liễu tơ, nhưng nhờ sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc bà ra thăm mộ Chúa lúc trời còn tối, nhờ đó mà bà là người đầu tiên đón nhận và rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Một Phêrô hùng hổ, ăn to nói lớn đã bị xẹp như quả bóng xì hơi để phép lạ mẻ cá lớn được thực hiện. Sự thất vọng, chán nản, của hai môn đệ Emmau đã biết chia sẻ nỗi lòng để đón nhận Đấng Phục Sinh.


Các Tông đồ đã từng sống trong bất an, chán nản vì Thầy đã chết; lo sợ số phận của mình cũng bị liên lụy và sẽ chết nhục nhã như Thầy. Nhưng rồi Chúa đã hiện diện, đã củng cố đức tin và ban bình an cho các ông và sai các ông ra đi rao giảng Tin Mừng phục sinh cho muôn dân. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” [13].


Ngày nay chúng ta cũng có tâm trạng sợ cô đơn, sợ phải dấn thân, sợ phải từ bỏ hy sinh, sợ phải đối đầu với các thế lực sự dữ… Nhưng lời của Đấng phục sinh vẫn luôn vang vọng và thôi thúc chúng ta rằng: Đừng sợ! Hãy ra đi làm chứng cho Tin Mừng. Lời đó như một lệnh truyền cho hết mọi người chúng ta.


Hãy coi một đời Thầy Giêsu đã đi không ngừng nghỉ: Đi về Belem, đi sang Ai Cập, đi lên Giêrusalem, đi vào Sa mạc, đi rao giảng Tin Mừng, đi vào vườn Cây dầu, đi vào Dinh Philatô, đi lên đồi Gôngôtha. Có những nơi Chúa không tự đi (Belem, Ai Cập), có những nơi Chúa tự nguyện muốn (Giêrusalem, Sa mạc, rao giảng Tin Mừng), có những nơi Chúa không muốn (dinh Philatô, đồi Gôngôtha).


Mệnh lệnh truyền giáo có liên hệ mật thiết với sự sống lại của Chúa Giêsu. Hãy coi bà Maria Mácđala và các môn đệ đã buồn rầu, chán nản về cái chết của Chúa. Nhưng khi nhận ra Chúa phục sinh, họ đã vui mừng, hăng say nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người. Điều này được thánh Phaolô Tông đồ xác quyết: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” [14]. Ngày hôm nay, có biết bao con người, bao dân tộc chưa nhận biết Tin Mừng phục sinh, họ đang chờ đợi sự dấn thân của chúng ta để rao giảng Tin Mừng phục sinh của Đức Kitô.


Đức Kitô phục sinh vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không? Mầu nhiệm phục sinh cần phải có con mắt đức tin để nhận ra Ngài qua các biến cố, qua những cảnh vật, qua nhừng con người. Lời Chúa Giêsu nói: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân” vẫn còn vang vọng, vẫn còn thôi thúc chúng ta ra đi làm chứng cho Tin Mừng phục sinh của Đức Kitô trong thế giới hôm nay.


Tạm kết


Biến cố phục sinh của Đức Kitô đã làm đổi thay Maria Mácđala, một thân phận nữ nhi bị coi là thấp kém trong xã hội Do Thái thời đó, đã trở nên người đầu tiên loan báo Tin Mừng phục sinh. Các Tông đồ là những dân chài ít học, nhát đám đã trở nên những nhà hùng biện kiệt xuất, những người phi thường trong việc làm chứng cho Tin Mừng phục sinh của Đức Kitô. Từ một Phêrô sợ phải liên lụy đã chối Thầy trong dinh Thượng tế đã trở thành vị tông đồ can trường loan báo và sống chết cho Đấng phục sinh. Một Phaolô hung hăng sát hại những người thuộc về Đức Kitô phục sinh đã trở nên vị tông đồ hăng say rao giảng, chịu gông cùm, chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh.


Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Giữa cái chết và sự sống lại của Đức Kitô có một ý nghĩa gắn kết nhau, nhưng sống lại của Người mới là đỉnh điểm và nguồn hy vọng của chúng ta. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã khẳng định: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng ta ra uổng công và đức tin của anh em cũng ra vô ích” [15].


Chúa Kitô phục sinh bảo đảm cho lòng tin của chúng ta, lòng tin được dựa trên một Thiên Chúa, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Đấng đã cho người bệnh tật được lành, người mù được sáng, người điếc được nghe, người chết sống lại… Và cũng chính Đấng ấy đã toàn thắng sự chết nơi mình. Sự chết và sống lại của Đức Kitô là nguồn hy vọng của chúng ta.


Ngày xưa khi Khổng Tử qua đời, các đồ đệ vì thương Thầy đã xây nhà ở xung quanh phần mộ của Thầy để được gần Thầy. Nhưng Khổng Tử cũng chỉ để lại một nắm tro tàn; và với thời gian, các đồ đệ cũng tản mát bốn phương. Còn Chúa Giêsu Kitô sau khi sống lại đã quy tụ mọi người tản mát khắp nơi về cùng một đoàn chiên. Và Hội Thánh của Chúa Giêsu đã được khai sinh từ sự phục sinh của Đưc Kitô, đây cũng là nguồn ơn cứu độ và hy vọng của chúng ta.


GIUSE TRẦN VĂN YÊN


(nội san Tâp viện số 36)







[1] 1Cr 15,14




[2] Ga 6,68




[3] Lc 24,33




[4] Ga 21,5




[5] Ga 21,6




[6] Ga 21,15




[7] Lc 24,36b




[8] Lc 2,14b




[9] Ga 14,27a




[10] Ga 19,25




[11] Mc 16,1-2




[12] Ga 20,2




[13] Mc 16,15




[14] 1Cr 9,16b




[15] 1Cr 12,14



114.864864865135.135135135250