20/04/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

1389

 


 


 


Linh Mục, Người Là Ai?


(Thần học về căn cước linh mục từ công đồng Vaticanô II)


Giuse Phan Tấn Thành, O.P


các bài liên quan


(tiếp theo và hết)


III. Căn cước linh mục dựa theo tông huấn "Pastores dabo vobis"


Từ công đồng Vaticano II đến nay, đề tài căn cước linh mục được đề cập nhiều lần trong các văn kiện chính thức, đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám mục họp năm 1971, và qua những bức thư mà hằng năm đức Gioan Phaolô II gửi cho các linh mục vào ngày thứ năm Tuần thánh. Một văn kiện tổng hợp chặng đường suy tư về căn cước linh mục là tông huấn Pastores dabo vobis (=PDV) đúc kết những cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng Giám mục họp năm 1990. Tuy rằng trọng tâm của văn kiện là việc đào tạo linh mục, nhưng việc đào tạo giả thiết một khuôn mẫu được đặt làm mục tiêu nhằm tới (số 11). Cái khuôn mẫu chính là căn cước linh mục. Chương 2 của văn kiện được dành cho đề tài căn cước linh mục (từ số 11-18). Dầu sao cũng nên thêm rằng việc đào tạo không chấm dứt với lễ truyền chức; các linh mục cần phải tiếp tục công cuộc đào tạo suốt đời, ngõ hầu càng ngày càng phát lộ trung thực căn cước của mình hơn nữa (vocatio "ad" sacerdotium - "in" sacerdotio: số 70).


Tông huấn đã tìm hiểu căn cước của linh mục dựa theo mô hình của Giáo Hội xét dưới ba khía cạnh "mầu nhiệm - thông hiệp - sứ vụ" (mysterium – communio – missio). Mô hình này dung hợp mối tương quan với Đức Kitô và mối tương quan với Giáo Hội và thế giới. Số 12 viết như sau: "Chính trong lòng mầu nhiệm của Giáo Hội, như là mầu nhiệm của sự thông hiệp Ba Ngôi hướng tới sứ vụ, mà ta có thể khám phá ra căn cước của người Kitô hữu cũng như căn cước đặc biệt và tác vụ của linh mục. Thực vậy, do sự thánh hiến nhận lãnh từ bí tích truyền chức, linh mục được Chúa Cha sai đi, qua Đức Giêsu Kitô, Đấng được linh mục tượng trưng cách riêng như là Đầu và mục tử của Dân ngài, ngõ hầu nhờ sức mạnh của Thánh Thần, trót cả cuộc sống và hoạt động của linh mục nhằm để phục vụ Giáo Hội và phần rỗi thế giới". Tông huấn viết tiếp rằng: căn cước của linh mục được kết thành bởi một chuỗi những mối tương quan, khởi nguồn từ mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa, kéo dài qua sự thông hiệp của Giáo Hội, hướng tới sứ mạng cứu rỗi thế giới. Lồng trong bối cảnh đó, căn cứơc của linh mục được nổi bật lên với những khía cạnh: Ba ngôi, Giáo Hội, cánh chung. Ở số 16, chúng ta đọc thấy những dòng như sau:


Linh mục phục vụ Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội mầu nhiệm, thông hiệp và sứ vụ. Do sự kiện được thông dự vào sự "xức dầu" và "sứ vụ" của Đức Kitô, linh mục có thể tiếp nối trong Giáo Hội kinh nguyện, lời giảng, hy lễ và công trình cứu độ của Ngài. Do đó linh mục phục vụ Giáo Hội mầu nhiệm bởi vì hiện thực các dấu chỉ nhiệm tích của sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh. Linh mục phục vụ Giáo Hội thông hiệp bởi vì - liên kết với giám mục và hợp tác chặt chẽ với linh mục đoàn - linh mục xây dựng sự hợp nhất của cộng đoàn Giáo Hội trong sự hài hòa các ơn gọi, đặc sủng và tác vụ đa dạng. Linh mục phục vụ Giáo Hội sứ vụ bởi vì làm cho cộng đoàn trở thành kẻ loan truyền và chứng tá Tin mừng" (xc. số 59; 73).


Chúng ta thử tìm hiểu  căn cước linh mục dựa theo mối tương quan với Đức Kitô (số 13-14) và với Giáo Hội (số 16).


A. Linh mục với Đức Kitô


Trước công đồng Vaticano II thần học trình bày căn cước của linh mục bằng cách quy chiếu về Đức Kitô Thượng tế, trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại. Công đồng trình bày căn cước của linh mục dựa theo ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả.  Tông huấn PDV sử dụng hình ảnh Đức Kitô mục tử để phân tích căn cước linh mục, với 4 lợi điểm sau:


1/ Hình ảnh này dựa vào Kinh thánh, đặc biệt là Tân ước. Đức Kitô đã tự ví như người mục tử (các đoạn văn Tân ước được trích dẫn ở số 22). Các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng được ví như mục tử được đặt để dẫn dắt đoàn chiên Chúa (Cv 20,5; 1Pr 5,2)


2/ Hình ảnh mục tử làm nổi bật vai trò dìu dắt lãnh đạo cộng đoàn. Có thể nói là tư tưởng then chốt về căn cước linh mục là "hiện thân của Đức Kitô nguyên thủ và mục tử" (tựa đề số 13). Một đàng tư tưởng này nói lên được liên hệ đặc biệt giữa linh mục với Đức Kitô: qua bí tích truyền chức, linh mục được thánh hiến nên giống Đức Kitô, mục tử và đầu của Giáo Hội (số 21). Đàng khác, tư tưởng đó hướng linh mục tới liên hệ với Giáo Hội: sở dĩ có mục tử là vì có đoàn chiên cần được chăm sóc; nếu không có chiên thì đâu cần mục tử! Linh mục cũng là phần tử của đoàn chiên của Chúa Kitô, và được kêu gọi để phục vụ đoàn chiên. Tuy nhiên, giữa đoàn chiên, linh mục được đặt làm hiện thân của mục tử, nghĩa là hiện thân của người làm đầu. Linh mục đứng vào chỗ của Đức Kitô thủ lãnh (in persona Christi Capitis) làm dấu chỉ và dụng cụ của ngài để công bố Lời Chúa, lặp lại những cử chỉ tha tội và cứu rỗi (số 15). Linh mục vừa ở trong Giáo Hội vừa đối diện với Giáo Hội (in Ecclesia et erga Ecclesiam: số 16).


3/ Hình ảnh mục tử làm nổi bật tinh thần bác ái phục vụ. Thực vậy, tuy rằng linh mục được đặt làm người dìu dắt cộng đoàn, nhưng tư thế đó không cho phép đặt mình vào vai trò thống trị theo thói đời. Đức Kitô là đầu cai quản nhưng đồng thời cũng là kẻ hầu hạ: thay vì bóc lột đoàn chiên, vị mục tử đó phục vụ đoàn chiên đến nỗi hiến mạng vì đoàn chiên (Mt 20,28; Ga 13,1-20: số 13.15). Linh mục cần phải lấy đó làm mẫu mực hoạt động (số 21). Linh đạo của linh mục lấy động lực từ "bác ái mục tử" (caritas pastoralis), hay còn được ví với tình yêu của lang quân (số 23). Cũng trong động lực này mà linh đạo của linh mục mang tính cách truyền giáo, bởi vì người mục tử còn phải đi tìm những chiên lạc để đưa về một đàn (Ga 10,16).


4/ Sau cùng, nếu muốn trở thành một mục tử tốt, linh mục không những phải học hỏi mẫu gương từ Đức Kitô nhưng còn phải sống thân mật với ngài nữa. Để xứng đáng làm mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô, linh mục cần phải luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi của Ngài: "con có yêu mến Thầy hơn những người này hay không?" (số 42). Linh mục phải trở nên  bạn hữu với Đức Kitô (số 46).


Nên lưu ý là khi trình bày căn cước linh mục, tông huấn PDV sử dụng hình ảnh Mục tử làm tiêu chuẩn. Còn tư tưởng về ba chức vụ của đức Kitô được sử dụng trong chương 3, khi nói về đời sống tinh thần của linh mục: việc thi hành các chức vụ thánh đòi hỏi các linh mục phải nên thánh (số 26).


B. Linh mục với Giáo Hội


Trải qua lịch sử, thần học đã trình bày bản tính của Giáo Hội bằng những hình ảnh khác nhau, và căn cước của linh mục cũng bị lệ thuộc vào những hình ảnh đó. Với một hình ảnh Giáo Hội như là một xã hội có cơ chế phẩm trật thì linh mục được nhìn như là quan cai trị. Với một hình ảnh Giáo Hội như là một xã hội dân chủ thì linh mục được nhìn như là một nhân viên do cộng đoàn đề cử ra để chăm sóc việc công. Cả hai hình ảnh đều thiếu sót và lệch lạc. Giáo Hội cần được nhìn như một mầu nhiệm, thông hiệp và sứ vụ.


Trên đây chúng ta đã nói tới vị trí của linh mục trong cộng đoàn dựa theo hình ảnh của Đức Kitô mục tử. Chúng ta có thể bổ túc cho đề tài này khi đặt mối tương quan giữa linh mục với cộng đoàn dưới tác động của Thánh thần (số 15). Thánh thần vừa điều khiển Giáo Hội qua các nhà lãnh đạo (nhận được quyền hành do thánh chức) vừa dìu dắt Giáo Hội qua những linh ân ban cho bất cứ tín hữu nào Ngài muốn. Dĩ nhiên Thánh thần không thể nào tự mâu thuẫn, dùng tay trái của mình để phá hủy việc làm của tay phải! Không, Thánh thần là nguyên ủy của sự thông hiệp Giáo Hội: ngài vừa làm tác nhân của sự đoàn kết lại vừa là tác giả của hồng ân đa dạng. Linh mục cũng là dụng cụ của Thánh thần phục vụ sự thông hiệp Giáo Hội.


Công đồng Vaticano II đã nói tới những mối dây thông hiệp liên kết linh mục với Giáo Hội: từ sự liên kết tới sứ mạng phổ quát của Hội thánh toàn cầu cho đến sự liên kết với hàng giám mục, với linh mục đoàn, với giáo phận, với cộng đoàn địa phương. Những điều này được tông huấn lặp lại ở  số 74. Xem ra một khía cạnh mới mà Tông huấn PDV muốn nêu bật là vai trò của linh mục trong việc xây dựng sự thông hiệp giữa các đặc sủng. Thực vậy, cộng đoàn các tín hữu không phải chỉ là tổng hợp những cá thể vô thanh vô sắc. Không, cộng đoàn các tín hữu được Thánh thần trang điểm với những linh ân khác nhau. Những sắc thái khác biệt đó vừa làm giàu cho cộng đoàn lại vừa có thể gây ra ghen tị xích mích giữa cộng đoàn. Tông huấn Christifideles laici (Tín hữu giáo dân, 1988) đã nói tới một vai trò của các mục tử là phối hợp các linh ân khác nhau (số 31). Tông huấn PDV cũng lặp lại tư tưởng ấy ở các số 26 (đoạn cuối) và số 31. Trong cộng đoàn được cử đến phục vụ, linh mục phải lưu tâm không những đến từng cá thể, mà còn phải liên kết các hàng ngũ khác nhau (tu sĩ, giáo dân), các hiệp hội, đoàn thể, phong trào. Ngoài ra, khi nói đến các linh ân của Thánh Thần, linh mục đừng chỉ nghĩ tới các đặc sủng hướng tới hoạt động tông đồ truyền giáo song còn phải nhớ tới linh ân thánh thiện nữa. Nói cách khác, linh mục không phải chỉ lo thúc đẩy các tín hữu hoạt động tông đồ nhưng còn phải để ý tới việc thúc đẩy họ nên thánh, và chính mình phải nêu gương trước (số 24; 32).


Sau cùng, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, linh mục không những kiến tạo mối hiệp thông trong Giáo Hội nhưng còn mở rộng dây  thông hiệp đến tất cả mọi người: cố gắng tạo ra những mối dây huynh đệ, phục vụ, truy tầm chân lý, cổ võ công lý hòa bình với hết mọi người (số 18).


Kết luận


Trong bài này chúng tôi chỉ giới hạn vào cuộc tranh luận về căn cước linh mục từ công đồng Vaticanô II, nghĩa là trong vòng 40 năm gần đây. Dĩ nhiên đây chỉ một cái nhìn hạn hẹp so với hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội[1]. Ngoài ra chúng ta chỉ mới nhìn khía cạnh đạo lý của vấn đề chứ không đề cập những hệ luận cho đời sống linh mục.


Chúng ta đã thấy hai khuynh hướng chính khi bàn về căn cước của linh mục: quy chiếu về Đức Kitô hoặc quy chiếu về Hội thánh. Thực ra hai khuynh hướng này không loại trừ nhau; ngoài ra, mỗi khuynh hướng còn hàm chứa nhiều lối tiếp cận khác biệt.


1/ Việc quy chiếu về Đức Kitô có thể hiểu về nhiều cách khác nhau:


- Người ta thường nghĩ đến linh mục như là thay mặt Chúa Giêsu khi chủ sự các bí tích: chính là Chúa Giêsu dùng linh mục để ban ân sủng (chẳng hạn ơn tha tội) hoặc dâng hiến lễ. Trong chiều hướng này, người ta cũng thường ví linh mục như là “trung gian” (môi giới) giữa Thiên Chúa với loài người: linh mục ban ơn Chúa cho loài người, và chuyển lời cầu của loài người lên Thiên Chúa.


- Chúng ta cũng có thể nhìn linh mục như là người được thánh hiến như Đức Kitô làm “Thượng tế và hy lễ” (sacerdos et victima), dựa theo tư tưởng của thư gửi Hipri. Dù sao, thần học nói rằng nhờ bí tích truyền chức, linh mục đã được thánh hiến  và mang ấn tích của Chúa Kitô trong mình.


- Linh mục cũng có thể nhìn như là “hiện thân” của Đức Kitô, người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên, người “tôi tớ” đến để phục vụ chứ không phải để phục vụ. (Tiếc rằng trong quá khứ lắm lần người ta chỉ giải thích vai trò này dưới nhãn giới của kẻ cầm đầu, nắm giữ quyền hành (potestas) để cai quản đàn chiên). Công tác phục vụ bao hàm việc giảng dạy, thánh hoá, bác ái (chứ không chỉ trong lãnh vực bí tích hoặc cai quản).


- Dù sao, linh mục đừng nên quên rằng tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi bắt chước Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, đặc biệt qua việc chứng tá Tin mừng. Thêm vào đó, mối tương quan với Đức Kitô cần được duy trì nhờ cuộc sống thân tình với Người bằng việc cầu nguyện.


2/ Việc quy chiếu vào cộng đoàn Hội thánh cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa.


- Một vài chủ trương cực đoan cho rằng linh mục là một chức vụ do cộng đoàn đặt ra, uỷ thác và có thể triệu hồi.


- Dưới một cái nhìn quân bình hơn, ta có thể nói rằng linh mục được thụ phong để phục vụ cộng đoàn. Ơn gọi làm linh mục khác với ơn gọi làm ẩn sĩ ở chỗ đó.


- Chính vì thế linh mục giữ một tương quan với cộng đoàn, dưới nhiều cấp độ: a) đối với một cha xứ, mối tương quan trực tiếp hơn cả là với cộng đoàn giáo xứ mà linh mục được cử đến phục vụ; b) kế đó cũng cần nói đến cộng đoàn giáo phận, trong đó linh mục được duy trì mối thông hiệp với giám mục và với linh mục đoàn; c) các linh mục “tu sĩ” thì cộng đoàn được hiểu cách riêng về “dòng tu” mà họ làm thành viên: họ phục vụ Giáo Hội theo đoàn sủng của dòng; d) chiều kích cộng đoàn cần được mở rộng không những đến Giáo Hội phổ quát mà còn bao gồm những người chưa thuộc về đoàn chiên của Chúa Kitô: ơn gọi linh mục bao hàm chiều kích truyền giáo nữa.


- Như đã nói trên đây, nếu hiểu linh mục như là môi giới giữa Thiên Chúa và loài người, thì chiều kích cộng đoàn cũng hàm ngụ rằng linh mục thay mặt cho cộng đoàn để dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và chuyển cầu cho cộng đoàn.


Dù sao hai chiều kích “Kitô” và “Hội thánh” gắn bó với nhau: linh mục tượng trưng cho Đức Kitô như hôn phu chăm sóc hiền thê của mình là Hội Thánh; đồng thời, linh mục cũng tượng trưng cho Hội thánh luôn gắn bó với hôn phu của mình. Đây là lý do huyền nhiệm của đời sống độc thân của linh mục: không phải là không lập gia đình, nhưng là dành con tim chung thuỷ cho Đức Kitô.


Thư tịch


N.Ciola - R. Gerardi, Indicazioni bibliografiche sul ministero presbiterale, in: "Lateranum" 56 (1990) 761-782. Agostino Favale, Identità teologica del presbitero, in: "Lateranum" 56 (1990) 441-483. Id. I presbiteri. Identità, missione, spiritualità e formazione permanente, LAS Roma 1999. Erio Castellucci, L'identità del presbitero in prospettiva cristologica ed ecclesiologica, in: "Seminarium" 42(1990) 92-139. Id, Il ministero ordinato, Queriniana Brescia 2002. José Saraiva Martins, Il sacerdozio ministeriale. Storia e teologia, Urbaniana University Press, Roma 1991


(trích TSTH số 8)


114.864864865135.135135135250