20/08/2011 -

Suy tư, nghiên cứu

1658

 




Lectio Divine (Đọc Và Suy Niệm Lời Chúa)


 


 


Khẩu hiệu của Dòng Đa Minh là: nói với Chúa và nói về Chúa (Cum Deo vel de Deo). Muốn đạt được điều ấy chúng ta cần phải biết đọc và suy niệm Lời Chúa (Lectio divina). Tông huấn “Lời Chúa” viết: “Origen, một trong các bậc thầy vĩ đại của lối đọc sách thánh này (Lectio divina), chủ trương rằng muốn hiểu Thánh Kinh, hơn nữa muốn nghiên cứu nó, người ta cần phải gần gũi với Chúa Kitô và cầu nguyện”.


Khi một người đọc Lời Chúa và cầu nguyện, người ấy có thể chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Khi các giáo lý viên thực hành thường xuyên việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh (qua Lectio divina), họ đã đặt nền móng cho việc chia sẻ Đức Tin chân chính, như một tài nguyên giúp cộng đồng chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giêsu (qua các Sách Tin Mừng). Lectio Divina liên hệ với sứ vụ Phúc Âm hóa của các giáo lý viên, cũng là sứ vụ truyền giáo của Tin Mừng, sứ vụ của Chúa Giêsu, và tất nhiên, sứ vụ của Giáo Hội, của mỗi Kitô hữu.


Phương pháp Lectio Divina được thực hành theo bốn bước:


* Bước 1: LECTIO: Bước đầu tiên trong tiến trình cầu nguyện là “đọc” (lectio). Các Giáo phụ thời sơ khai hiểu rằng thành quả của các ngài tùy thuộc vào sự đơn giản, kính cẩn, và mở lòng của mình ra với Chúa Thánh Thần là Đấng đưa “người đọc” đến gần Lời Thiên Chúa. Cần chú ý là đừng vội vàng đọc cho hết vài chương Thánh Kinh, mà chỉ nên đọc một đoạn Thánh Kinh ngắn, ngừng lại ở từng chữ hay cụm từ làm cho tâm trí rung động.


* Bước 2: MEDITATIO: Việc “đọc” đưa đến bước thứ nhì là “suy niệm” (meditatio), là bước mời gọi người ta suy niệm về điều vừa đọc. Tiến trình này là một sự suy nghĩ sâu xa và chậm rãi về Lời Chúa, một sự suy đi nghĩ lại. Khi mà Lời Chúa được đọc trong bước này, sẽ kéo sự chú tâm của người suy niệm từ những quan tâm của trí khôn (suy nghĩ, tìm hiểu Lời Chúa) đến những quan tâm của tâm hồn (yêu mến Lời).


* Bước 3: COMTEMPLATIO: Lời Chúa đánh động lòng người cách sâu xa hơn với bước thứ ba, đó là “chiêm niệm” (comtemplatio). Đặc tính của chiêm niệm là mở tâm hồn ra, nhờ đó người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa, Đấng cho phép người đang chiêm niệm nhận biết Lời Chúa mà không cần lời nói hay hình ảnh. Nhờ ơn Chúa, contemplatio cho người ta một khả năng đặc biệt để liên kết những hiểu biết mới được khám phá ra những kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, bằng một sự hứng khởi đến từ Lời Chúa.


* Bước 4: ORATIO: Bước cuối cùng là “cầu nguyện” (oratio), mời người ta đáp lại Lời Thiên Chúa. Sự đáp trả này có tính cách đối thoại và có thể được hiểu như là “một cuộc đàm đạo giữa bằng hữu”. Thiên Chúa đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” (Hiến Chế “Tín Lý về Mạc Khải” – "Dei Verbum", 2).


Cũng cần lưu ý: “Hãy để người tín hữu hân hoan đi tới với chính bản văn thánh, bất kể trong phụng vụ thánh, là phụng vụ đầy lời Chúa, hay khi đọc sách thiêng liêng hoặc khi làm những thao tác thích đáng và những hình thức trợ giúp khác, những trợ giúp hiện đang hết sức phổ quát khắp nơi trong thời đại ta, với sự chuẩn y và hướng dẫn của các mục tử Giáo hội. Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng việc cầu nguyện luôn nên đi đôi với việc đọc Sách Thánh” (Hc Tín Lý “Lời Chúa”, 25). Như Thánh Augustinô quen nói rằng: “Lời cầu nguyện của anh chị em chính là lời anh chị em nói với Chúa. Khi anh chị em đọc Sách Thánh, Chúa nói với anh chị em; khi anh chị em cầu nguyện, anh chị em nói với Chúa” (Enarrationes in Psalmos, 85, 7)


Đọc Lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện cộng đoàn, đã khiến người Kitô hữu không thể quên được hình ảnh các Tông đồ tập họp nhau cùng với Đức Mẹ cầu nguyện sau biến cố Thăng Thiên (Cv 1, 14). Và đó chính là tấm gương sáng để người Kitô hữu hiểu rõ hơn Lời Chúa khi tái khám phá ra những sự khôn ngoan cũng như chứng từ của Mẹ Thiên Chúa. Vì trong việc chú giải Thánh Kinh, cũng như trong toàn thể đời sống Kitô hữu, Đức Mẹ Maria là mẫu gương và là Đấng chỉ dạy chúng ta. Câu chuyện “Truyền Tin” trong Tin Mừng đưa chúng ta đến trọng tâm của việc đọc Thánh Kinh. “Lời” mà Mẹ đón nhận vào cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng” không những chỉ thành nhục thể trong lòng Mẹ, mà còn hình thành trong đời sống Mẹ. Vì thế, Mẹ trở thành một Kitô-hữu-môn-đệ đầu tiên. Đến câu chuyện “Thăm Viếng”, Người Kitô hữu môn đệ đầu tiên này đã trở thành người Kitô-hữu-truyền-giáo đầu tiên, vội vã ra đi chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với người chị em họ. Còn bà Elidabeth thì đã công bố rằng Đức Maria đã được chúc phúc bội phần vì đặc ân của Mẹ là được làm Mẹ Thiên Chúa (Lc 1, 42-43), và đức tin của Mẹ vào Lời mà Chúa của Mẹ đã phán hứa (Lc 1,45). Khi Đức Mẹ đáp lời bằng bài ca “Ngợi khen” (Magnificat), Mẹ đã chứng tỏ rằng Mẹ không những chỉ là người Kitô hữu môn đệ và nhà truyền giáo đầu tiên, mà cũng là người Kitô-hữu-giáo-lý-viên đầu tiên.


Tóm lại, "việc đọc lời Chúa nâng đỡ ta trên hành trình thống hối và trở về, giúp ta lớn lên trong sự thân quen với Lời Chúa. Như Thánh Ambrôsiô đã nói: “Khi ta tiếp nhận Sách Thánh trong đức tin và đọc nó với Giáo hội, ta bước đi một lần nữa với Chúa trong Địa Đàng” (Epistula 49, 3)" (T/H Lời Chúa, -nt-). Điều đó cho thấy Lectio Divina không những là kim chỉ nam cho những giáo lý viên, mà còn là kim chỉ nam cho toàn thể dân Chúa. Cũng bởi vì, như Thánh Augustinô từng nói: “Điều chủ yếu là phải hiểu rằng tình yêu là sự viên mãn của Lề Luật vì nó là tất cả Thánh Kinh… Bất cứ ai cho rằng mình hiểu Thánh Kinh hay bất cứ phần nào trong đó, nhưng lại không cố gắng, như một hệ luận, để tăng trưởng trong tình yêu kép, tức yêu Chúa và yêu tha nhân, thì nên hiểu rõ điều này: họ chưa thực sự hiểu sách ấy” ("De Doctrina Christiana" I - 35, 39 ; 36, 40). Và đừng bao giờ quên: “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Kitô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác” (ĐGH Phaolô VI – T/H Indulgentiarum Doctrina, 18-19).


Cô Tâm


(Chia sẻ HĐGDĐM tháng 8.2011)

114.864864865135.135135135250