Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Nt. Têrêsa Quỳnh Giao, Đa Minh Thánh Tâm
LTS: Cầu nguyện là một trong ba “việc lành” được khuyến khích trong Mùa Chay, và một phương thế cầu nguyện tốt đẹp nhất là cử hành Các Giờ kinh Phụng vụ. Nhằm giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa của các thánh vịnh và thánh ca của Giờ Kinh Sáng Kinh Chiều, chúng tôi xin dịch những lời hướng dẫn vắn tắt theo tiến trình bốn cấp như sau:
- Ý chính của thánh vịnh hay thánh ca (nghĩa văn chương).
- Áp dụng vào Đức Kitô.
- Áp dụng vào Hội thánh.
- Áp dụng cho các tín hữu.
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng trong vòng bốn tuần lễ.
*****
KINH SÁNG VÀ KINH CHIỀU
CHÚA NHẬT TUẦN III
Kinh Chiều I
Tv 112: Danh Chúa đáng ca ngợi
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,52).
I. Thánh vịnh 112 là lời mời gọi ca ngợi Danh Thánh Chúa; là thánh vịnh đầu tiên trong bộ Hallel, nhắc nhớ đến hai vai chính trong mầu nhiệm cứu độ:Thiên Chúa và con người, nêu bật tình yêu mang lại ơn cứu độ.
II. Đức Giê-su đã cầu nguyện thánh vịnh này trong nhiều năm nhân dịp bữa tiệc vượt qua; nhưng thánh vịnh này mang một ý nghĩa mới trong bữa tiệc ly, khi Người sắp thực hiện cuộc cứu chuộc.
III. Cầu nguyện thánh vịnh này, Giáo Hội ra gặp gỡ Vua Thái Bình và ngơi khen Người vì đã chọn mình làm hiền thê và mẹ của muôn vàn con cái.
IV. Chúng ta cũng được thông dự vào sự sống lại và vinh quang của Đức Ki-tô, sau khi đã được nâng dậy từ thân phận hèn hạ vì tội lỗi để được thông phần vào sự sống thần linh.
Tv 115: Tạ ơn Chúa trong Đền Thánh
Ta hãy lấy lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, nhờ trung gian của Đức Ki-tô (Dt 13,15).
I. Thánh vịnh 115 (thứ bốn trong bộ Hallel) là lời kinh tạ ơn trong Đền Thờ; vịnh gia tuyên bố lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, và dâng lên Người lễ tế tạ ơn vì Người luôn phù trợ mình.
II. Chén cứu độ trở thành máu thánh của Đức Ki-tô, hiến dâng trong Bữa Tiệc Ly, nhờ đó mầu nhiệm cứu chuộc được hoàn thành và đời sống Ki-tô hữu được canh tân.
III. Giáo Hội thông dự vào chén cứu cứu độ của Đức Ki-tô lúc cử hành Thánh lễ, khi Giáo Hội, nhờ Đức Ki-tô, dâng hy lễ chúc tụng Thiên Chúa.
IV. Đức Ki-tô, trong chúng ta và với chúng ta, vẫn tiếp tục uống chén khổ nạn và chén chúc tụng cho đến gịot cuối cùng; chúng ta cũng hãy cộng tác với Ngài, chấp nhận những đau khổ bằng đức tin.
Tc Pl 2, 6-11: Đức Ki-tô, tôi trung của Thiên Chúa
I. Có lẽ đây là một bài thánh ca phụng vụ đã có trước thánh Phaolô, trình bày Đức Ki-tô tự nguyện trở thành người tôi tớ của Thiên Chúa; chính vì thế mà Người được tôn vinh.
II. Bài thánh ca nhắc lại những biến cố trong cuộc sống của Ngôi Lời Nhập Thể: từ điạ vị cao sang, Người đã tự hạ xuống đến chỗ thẳm sâu nhất, để đạt đến vinh quang phục sinh.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tin nhận sự hằng hữu của Chúa Ki-tô và thiên tính của Người, đồng thời nhắc nhớ rằng nhân tính của Người được tôn vinh sau khi đã trải qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá.
IV. Bài thánh ca này chuẩn bị cho chúng ta cử hành hàng tuần sự phục sinh của Chúa Ki-tô, nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có con đường thập giá mới dẫn đến vinh quang.
Kinh Sáng
Tv 92: Chúa Hóa Công rực rỡ huy hoàng
Đức Chúa là Thiên Chúa toàn năng đã lên ngôi hiển trị: Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh (Kh 19, 6.7).
I. Thánh vịnh 92 tán dương quyền năng của Đấng Hóa Công; sau khi trở về từ Ba-by-lon, vịnh gia sáng tác ca khúc ngợi khen sức mạnh của vương quyền Thiên Chúa với những nét rõ rệt về vị Mê-si-a.
II. Thánh vịnh này tán dương vương quyền của Đức Ki-tô và dâng bài ca chúc tụng lên Chúa, Đấng nắm giữ vương quyền nhờ cuộc khổ nạn và cái chết.
III. Xưa Chúa đã dùng nước để làm cho đất đai màu mỡ và giải phóng dân khỏi ách nô lệ; ngày nay, qua nguồn nước thanh tẩy của bí tích rửa tội, Chúa giải phóng con người khỏi tội, ban cho họ sự sống thần linh và tập họp họ trong Giáo Hội của Người.
IV. Chúng ta thuộc về vương quốc của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô; những gì bài thánh vịnh tuyên bố thì chúng ta hãy thực hiện và minh chứng trong cuộc sống.
Tc Đn 3, 57-88.56 – Muôn loài muôn vật hãy ca ngợi Chúa
Nào ca ngợi Chúa đi, hỡi những ai hằng kính sợ Người (Kh 19,5).
I. Với bài thánh ca, ba trẻ được cứu thoát khỏi ngọn lửa hồng mời gọi tất cả thụ tạo, khởi đầu từ các tầng trời, hãy kết hiệp với họ trong bài ca tạ ơn Thiên Chúa.
II Hết mọi thụ tạo phải ngợi khen Thiên Chúa, vì Người là Đấng tạo dựng nên muôn loài, và trong Ngôi Lời Nhập Thể, Người đã hợp nhất tất cả với mình; đặc biệt loài người được Đức Kitô cứu chuộc phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.
III. Với bài thánh ca này, Giáo Hội mời gọi tất cả thụ tạo, loài sinh động cũng như vô tri vô giác, hãy tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, và hãy ngợi khen Đức Ki-tô là vua vũ trụ.
IV. Được Thiên Chúa đặt làm chóp đỉnh của mọi loài thụ tạo, chúng ta được mời gọi, hãy nhân danh muôn loài mà ngợi khen Chúa qua bài ca chúc tụng này.
Tv 148: Chúc tụng Chúa Hóa Công
Xin chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và bái phục Đấng ngự trên ngai và Con Chiên đến muôn đời (Kh 5,13)
I. Thánh vịnh 148 chúc tụng Chúa là Chủ tể và Hóa Công; vịnh gia mời gọi tất cả các loài thụ tạo, gọi tên từng loại một, hãy hợp chung lời ca tụng.
II. Đức Kitô, vị tư tế hoàn vũ, đứng ở giữa thế giới diệu kỳ ngợi khen Thiên Chúa; hết mọi tiếng nói của vũ trụ tìm được trong Đức Kitô lời diễn đạt tốt đẹp nhất bên cạnh Chúa Cha.
III. Lời kinh ban mai nhắc nhớ biến cố phục sinh của Đức Ki-tô; nhờ quyền năng của vị Thủ lãnh của mình, Giáo Hội cũng cầu xin cho được trở nên cộng đoàn các thụ tạo mới, cộng đoàn những kẻ đã được phục sinh để chúc tụng Đấng Hóa Công bằng chính cuộc sống của mình.
IV. Hướng về Đức Ki-tô phục sinh, mỗi người chúng ta hãy lấy bài thánh vịnh như là của riêng mình để tôn vinh và chúc tụng Đấng Hóa Công và Đấng Cứu Chuộc.
Kinh Chiều II
Tv 109, 1-5. 7: Đức Ki-tô là Vua và Thượng Tế
Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người(1 Cr 15, 25).
I. Thánh vịnh 109 nói về Đấng Mêsia, là Vua và Thượng Tế. Điều này cũng được truyền thống Do Thái khẳng định về chức vụ vương giả và tư tế của Đấng Mêsia.
II. Với việc tiến dâng bánh và rượu, Đức Giê-su đã móc nối hy lễ của giao ước mới với nghi thức của vua Men-ki-xê-đê; nghi lễ mới này dành cho tất cả mọi tín hữu, trong khi nghi lễ cũ của Mô-sê chỉ dành riêng cho người Do Thái.
III. Giáo Hội cầu nguyện thánh vịnh này trong kinh chiều II của tất cả các Chúa Nhật và lễ trọng, để cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc và để thông phần vào vinh quang của Phu quân.
IV. Là những người được hòa giải với Chúa Cha nhờ máu Đức Ki-tô, và được thông phần vào quyền năng tư tế và vương giả của Chúa Giê-su; chúng ta phải thực hiện chức vị này cách xứng đáng.
Tv 110: Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách
Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu (Kh 15,3).
I. Thánh vịnh 110 là bài ca chúc tụng và tạ ơn, nhớ lại những công trình kỳ diệu Chúa đã làm cho dân, đặc biệt là ban cho họ man-na, lề luật, cuộc chinh phục đất Ca-na-an và cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập.
Tc Kh 19,1-7: Hôn lễ Chiên Thiên Chúa
I. Đây là bài vinh tụng ca long trọng cuối cùng của sách Khải Huyền, bài thánh ca của niềm vui tiếp theo cuộc chiến thắng của Đức Kitô sau biến cố sụp đổ của Ba-bi-lon.
Đức Kitô, tôi trung của Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu đau khổ
I. Đọc bài thánh ca, chúng ta công bố những gì mà thánh Phê-rô đã viết cho các nô lệ: họ bị đối xử bất công cũng giống như Đức Ki-tô; để những đau khổ đó có giá trị, họ cần phải bắt chước Đức Ki-tô.
Tv 83: Ước mong về Đền Thánh
Trên đời này, chúng ta không có thành trì vững chắc, chúng ta đang tìm kiếm thành trì tương lai (Dt 13,12-15).
I. Thánh vịnh 83 gợi lên lòng mong được tiến lên Đền Thờ và để chiêm ngắm nơi thánh; thánh vịnh tăng thêm nghị lực cho những người tín hữu trong hành trình vất vả về Giê-ru-sa-lem.
Tc Is 2,2-5: Núi đền thờ Chúa đứng tận đỉnh các non cao.
Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan (Kh 15,4).
I. Bài thánh ca loan báo rằng thành của Thiên Chúa là trung tâm của toàn thể nhân loại; tiên tri I-sa-i-a ca ngợi thành thánh Giê-ru-sa-lem và quả quyết rằng dân dân sẽ lũ lượt tiến về thành.
Tv 95: Chúa là vua và thẩm phán toàn cầu
Các thánh hát một bài ca mới trước tòa Thiên Chúa và Con Chiên (x. Kh 14,3).
I. Thánh vịnh 95 là bài ca chúc tụng dâng Chúa, là vua và thẩm phán toàn cầu; vịnh gia hối thúc tất cả các thụ tạo hãy tôn vinh vương quyền của Thiên Chúa, và mời gọi mọi người hãy tiến dâng lễ vật lên Người.
Kinh Chiều
Tv 122: Dân Chúa đặt hy vọng nơi Người
Hai người mù kêu lên: “Lạy Ngài, lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi (Mt 20,30).
I. Đây là thánh vịnh lên đền, khẳng định niềm tín thác nơi Chúa; ngay cả khi Chúa phạt dân khá nặng nề, Ít-ra-en vẫn tin nhận Chúa là Đấng cứu độ duy nhất của họ.
Tv 123: Chúng ta được hộ phù khi kêu cầu danh Chúa
Chúa nói với Phao-lô: “Đừng sợ, có Thầy ở với anh” (Cv 18,9-19).
I. Thánh vịnh 123 (một ca khúc lên đền) đảm bảo rằng ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa; đây là lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, nhưng luôn giải thoát dân khỏi tay kẻ thù.
Tv 84: Ơn cứu độ chúng ta đã gần kề
Khi Đấng cứu chuộc chúng ta sinh xuống trần gian, Thiên Chúa đã chúc lành cho đất nước của Người (Ô-ri-giê-nê)
I. Thánh vịnh 84 loan báo rằng ơn cứu độ đã gần kề; vịnh gia cầu xin Chúa hướng dẫn để công cuộc của Chúa được hoàn thành với sự ra đời của Đấng Mê-si-a.
Tc Is 26, 1-4.7-9.12: Khải hoàn ca
Tường thành xây trên mười hai nền móng (x. Kh 21,14).
I. Bài thánh ca diển tả niềm vui sau khi chiến thắng; đây là bài ca tụng Giê-ru-sa-lem được Thiên Chúa tái thiết lại, và mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào Chúa, vì Chúa ban bình an cho những ai cậy trông vào Người.
Tv 66: Muôn nước hỡi, hãy xưng tụng Chúa
Anh em hãy biết rằng: Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được gửi đến cho dân ngoại (Cv 28,28).
I. Thánh vịnh 66 mời gọi mọi người hãy xưng tụng Chúa; sau một mùa gặt bội thu, vịnh gia cầu xin ban thêm những ân huệ khác, ngõ hầu có thể tỏ cho thế gian thấy dung nhan đích thật và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Kinh Chiều
Tv 124: Chúa gìn giữ dân Người
Chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an (Ga 6,16).
I. Thánh vịnh 124 (một ca khúc lên đền) tuyên bố rằng Thiên Chúa gìn giữ dân Người; kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và kết luận là khẩn nài Thiên Chúa luôn gần gũi những người công chính.
Tv 130: Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa
Hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29).
I. Thánh vịnh 130 mời gọi con người đạt niềm tin nơi Chúa, như trẻ thơ tin tưởng ở mẹ mình; thuộc về ca khúc lên đền, thánh vịnh diễn tả trạng thái bình an của một tâm hồn hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa.
Tc Kh 4,11; 5,9.10.12: Những người được Chúa cứu chuộc, dâng lời ca ngợi Chúa
I. Đây là bài thánh ca của những người được Chúa cứu chuộc, được kết hợp từ ba bài thánh ca dâng lên Đức Ki-tô khi Người, là Con Chiên được sát tế, mở ra quyển sách có bảy dấu ấn.
Tv 85: Người khó nghèo cầu nguyện trong cơn quẫn bách
Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn thử thách (2Cr 1,3.4).
I. Thánh vịnh 85 là lời cầu nguyện trong cơn quẫn bách; nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, vịnh gia cảm tạ về những ân huệ Chúa ban và cầu xin Người bảo vệ ông khỏi tay kẻ thù.
Tc Is 33, 13-16: Thiên Chúa xét xử công minh
Lời Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở chốn xa xăm (Cv 2,39).
I. Thánh ca đảm bảo rằng Thiên Chúa sẽ xét xử công minh, đòng thời cho biết những điều kiện cần thiết để thoát khỏi bị trừng phạt và đạt được phần thưởng đời đời.
Tv 97: Chúa toàn thắng khi xét xử
Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân (Lc 2, 30.31).
I.Thánh vịnh 97 loan báo cuộc toàn thắng của Thiên Chúa; nó có thể ám chỉ cuộc giải phóng chính trị cho Ít-ra-en, nhưng đúng hơn thì nó nhắm đến vị Mê-si-a, và tuyên bố cuộc khải hoàn cánh chung của Thiên Chúa.
Kinh Chiều
Tv 125: Chúa là nỗi vui mừng và niềm hy vọng của chúng ta
Anh em đã đồng lao cộng khổ, ắt sẽ được chung phần an ủi (2 Cr 1,7).
I. Đây là một ca khúc lên đền, khẳng định rằng Thiên Chúa là niềm vui đích thực của dân; vịnh gia nhắc lại nỗi hân hoan của dân Ít-ra-en khi từ Ai Cập trở về, niềm vui tràn trề đến nỗi họ tưởng chừng như đang ở trong giấc mơ.
II. Sự phục hồi của Ít-ra-en ám chỉ đến thời đại vị Mê-si-a, mà lịch sử của dân tộc Do Thái ngóng trông; trong thời đại này, trong Đức Kitô, mọi niềm hy vọng của con cái Ab-ra-ham sẽ được thực hiện.
III. Trên đường lữ hành dương thế, Giáo Hội tin chắc rằng sẽ đến ngày một ngày Chúa dẫn đưa các tù nhân trở về quê hương, và Người sẽ lau sạch nước mắt của họ.
IV. Với bài thánh vịnh này, chúng ta hãy bày tỏ niềm vui vì đã tìm được đường hoán cải sau khi phạm tội, và hãy diễn tả niềm vui sướng của chúng ta vì đã bắt đầu cuộc sống mới trong Đức Ki-tô.
Tv 126: Vất vả uổng công nếu không có Chúa
Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới là đáng kể (1 Cr 3,7)
I. Thánh vịnh 126, cũng là một ca khúc lên đền, tin rằng nếu không có Thiên Chúa giúp đỡ thì con người không thể sống an lạc, không thể bảo vệ thành trì, tạo nên sự sung túc cho gia đình.
II. Thiên Chúa đã thương xót dân Người, và sai Đức Ki-tô đến để thiết lập cho loài người một ngôi nhà và một thành trì mới, đó là Giáo Hội.
III. Thiên Chúa ban phúc lành cho Giáo Hội, ngôi nhà do Đức Ki-tô thiết lập, và vẫn tiếp tục làm cho Giáo Hội hân hoan với đổng đảo con cái; chúng ta hãy luôn nhớ rằng duy co Chúa là Đấng làm cho tăng trưởng.
IV. Thánh vịnh này nhắc nhở rằng đang khi lo lắng về những sự thế gian, chúng ta hãy ý thức về giới hạn của mình; bởi vì tất cả sẽ thất bại nếu Thiên Chúa không ở gần chúng ta để cứu giúp và chúc lành cho chúng ta.
Tc Cl 1,12-20: Quyền trưởng tử của Đức Ki-tô
Đức Ki-tô được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, là trưởng tử của những người được sống lại từ cõi chết.
I. Có lẽ bài thánh ca phụng vụ này đã có trước thánh Phao-lô, loan báo quyền bá chủ của Ngôi Lời nhập thể trong trật tự tạo dựng cũng như trong trật tự cứu chuộc.
II. Được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, Đức Ki-tô - trong hình dạng con người hữu hình, đã mạc khải cho nhân loại về Thiên Chúa vô hình; Người cũng là trưởng tử trong trật tự sáng tạo, và mở rộng hoạt động ra toàn thể vũ trụ.
III. Qua bài thánh ca này, Giáo Hội mời gọi mọi người nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, để cho Người trở thành vua của họ.
IV. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta được trở nên công dân nước trời; tạ ơn Đức Ki-tô vì nhờ bửu huyết của Người đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha.
Tv 86: Giê-ru-sa-lem là mẹ của muôn dân
Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta (Gl 4,26).
I.Thánh vịnh 86 loan báo rằng Giê-ru-sa-lem là mẹ của muôn dân; nơi đây vang dội lời của các ngôn sứ về sự vĩ đại của thành, được Thiên Chúa yêu mến hơn tất cả các thành khác.
II. Giê-ru-sa-lem là thành của Đấng Mê-si-a, và tất cả những gì nói về thành được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô, Đấng Mê-si-a, vua đích thực của họ; Đức Ki-tô phục sinh là Đền Thờ của sự hiện diện của Thiên Chúa và là nguồn mạch của một nhân loại mới.
III. Truyền thống Ki-tô giáo dễ dàng nhận ra nơi thánh vịnh này lời tôn vinh Giáo Hội, người mẹ thiêng liêng của mọi dân tộc, là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa và là nguồn mạch của các ơn phước.
IV. Chúng ta hãy vui mừng vì được làm thành phần của Giáo Hội lữ hành, đang chờ đợi để được là công dân Nước Trời, là “Giê-ru-sa-lem thượng giới” (Gl 4,26).
Tc Is 40, 10-17: Mục tử nhân hậu chính là Chúa tối cao thượng trí
.Đây, Ta sắp tới, đem theo phần thưởng (Kh 22,12).
I. Bài thánh ca khẳng định rằng Thiên Chúa là mục tử nhân lành; đồng thời cũng cho biết con người không thể làm gì chống lại quyết định của Đáng Toàn năng, và mọi nước chỉ là không không trước mặt Chúa.
II. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta trong Đức Ki-tô: chúng ta hãy dâng bài thánh ca này lên Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng dù là Chủ tể và Tạo Hóa, đã muốn trở thành người tôi tớ chỉ vì yêu thương loài người.
III. Thiên Chúa vẫn tiếp tục công trình của mình qua Giáo Hội; thật vậy, Giáo Hội thông phần vào quyền năng Thiên Chúa khi thực hiện những việc kỳ diệu nơi tâm hồn các tín hữu nhờ các bí tích.
IV. Chúng ta hãy dâng bài thánh ca này lên Chúa và Đức Ki-tô của Người, vì mặc dầu chúng ta chỉ là cát bụi, Người đã nhớ đến chúng ta và trở thành người mục tử tốt lành của chúng ta.
Tv 98: Thiên Chúa chúng ta là Đấng Thánh
Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá, khi trở nên giống chúng con, Chúa đã biến đổi tình trạng sa đọa của thế giới .
I. Thánh vịnh 98 tuyên bố Thiên Chúa là Đấng Thánh; sự thánh thiện của Thiên Chúa gây ra nỗi kinh hoàng sợ hãi nơi con người, nhưng đồng thời cũng gợi lên lòng ước muốn thâm sâu là được trở nên một với Chúa.
II. Với biến cố Ngôi Lời nhập thể, sự thánh thiện của Thiên Chúa đã tỏ hiện giữa loài người; do đó tình trạng khốn cùng của thế giới và con người đã được biến đổi.
III. Sự thánh thiện của Thiên Chúa xưa kia ngập tràn hòm bia giao ước và đền thờ, và chỉ được tỏ bày cho một số người được tuyển chọn; giờ đây qua trung gian Giáo Hội, tất cả mọi người đều được thông phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.
IV. Chúng ta hãy cộng tác với ân sủng của Đức Ki-tô để cuộc sống của chúng ta trở nên biểu chứng của vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Kinh Chiều
Tv 131: Lời Chúa hứa cùng nhà Ða-vít
Thiên Chúa sẽ ban cho Ðức Giê-su ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người (Lc 1,32).
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 131 (thuộc nhóm bài ca lên đền) nhớ lại lời hứa của vua Đa-vit sẽ chuẩn bị một nơi bền vững cho Chúa ngự; tiếp đó thuật lại việc di chuyển hòm bia lên Giê-ru-sa-lem.
Il. Đức Kitô, với cái chết và sự phục sinh của Người, đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa; Người cũng chuẩn bị cho nhân loại trở thành nơi Chúa ngự.
III. Hòm bia mới và sống động là Giáo Hội, trở nên đền thờ mới: thực vậy, Thiên Chúa đã hứa sẽ mãi mãi ở lại trong Giáo Hội..
IV. Chúng ta hãy lấy mối ưu tư của vua Đa-vit như là của riêng mình: chúng ta đừng bao giờ nghỉ ngơi cho đến khi đã đặt Thiên Chúa vào trung tâm của đời mình.
Tv 131, 11-18; Việc tuyển cho vua Đa-vit và thành Sion
Những lời hứa cho ông Ap-ra-ham và dòng dõi ông ... nghĩa là cho Đức Kitô (Gl 3, 16).
I Phần thứ hai của thánh vịnh 131 nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa sẽ gắn liền ngôi vua của Israel với dòng dõi Đa-vit..
Il. Hẳn nhiên lời sấm ký mang một ý nghĩa quy về vị Mê-si-a; những lời của Chúa đã được hoàn tất nơi Đức Kitô: ngai báu của Đa-vit được trao vĩnh viễn cho Người.
III. Dòng dõi vương giả nhà Đa-vít được tiếp nối nơi Giáo hội là dân vương đế trên đó Chúa đổ ân phúc dạt dào.
IV. Thánh vịnh 131 bảo đảm cho ta rằng Thiên Chúa thưởng công bội hậu cho kẻ phụng sự Người cách trung tín và quảng đại.
Tc Kh 11,17-18; 12,10-12: Chúa xét xử thế gian.
I. Trong thánh ca này, phụng vụ kết nối bài hát nói về việc tái lập vương quốc của Đấng Mêsia với lời công bố sự chiến thắng vang lên trên bầu trời sau khi con rồng bị đánh bại.
II. Đức Ki-tô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu; tất cả mọi quyền lực chống đối quyền bính của Người, kể cả sa-tan, đều bị đánh bại.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì nhờ Đức Ki-tô, Chúa đã tái lập vương quốc của Người, thưởng công cho các tôi tớ Người và đã tống cổ con rồng xuống đất.
IV. Thật là chính đáng khi tạ ơn Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sa-tan, hoàn thành ơn cứu độ, tái lập vương quốc của Thiên Chúa và ban cho chúng ơn được trở thành công dân của vương quốc ấy.
Tv 50: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con
Anh em phải đổi mới tâm can, và mặc lấy con người mới (Ep 4,23-24)
I. Thánh vịnh 50, do vua Đa-vít soạn ra sau khi phạm tội ngoại tình và sát nhân, là lời khẩn nài của dân Chúa xin ơn tha thứ vì nhiều lần bất trung phạm đến Người.
II. Chúa Giê-su đền tội thay thế cho loài người, và với thánh vịnh này, Người khẩn nài Chúa Cha tha thứ; Người xưng thú tội lỗi của tất cả nhân loại và cầu xin Cha thương xót họ.
III. Thánh vịnh được dùng trong các ngày thứ sáu quanh năm và được Giáo Hội dùng trong nghi thức sám hối, nhằm khơi lên sự canh tân tâm hồn và trở thành bài ca chỗi dậy cuộc đời mới.
IV. Khi chúng ta sa ngã phạm tội, thánh vịnh này quả quyết cho chúng ta biết, nếu chúng ta muốn, Thiên Chúa sẽ tạo ra trong chúng ta một trái tim trong sạch và ban cho chúng ta niềm vui vì được cứu độ.
Tc Gr 14, 17-21: Tiếng dân than vãn thời đói kém loạn lạc
Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi; anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
I. Bài thánh ca diễn tả tiếng kêu than của dân trong thời chiến tranh và đói kém; chứng kiến quanh mình những binh sĩ thiệt mạng và những người dân đói khát, tiên tri Giê-rê-mi-a kêu gào lòng thương xót của Chúa.
II. Đức Giêsu đã khóc thương thành Giê-ru-sa-lem khi đến viếng thành, và đã hiến thân mình làm của lễ đẹp lòng Chúa Cha, để nguyện cầu lòng thương xót cho thành và cho nhân loại tội lỗi.
III. Lịch sử Giáo Hội cũng đã chứng kiến những cảnh tượng như tiên tri Giê-rê-mi-a đã mô tả; dân mới của Chúa chắc chắn được giải thoát khỏi sự dữ nhờ cuộc xuất hiện của Đức Ki-tô.
IV. Đôi khi chúng ta đã lìa xa Chúa; chỉ cần chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ ban cho chúng ta sự bình an và niềm vui của giao ước mới.
Tv 99: Niềm vui của những người bước vào đền thánh
Chúa dạy những ai được ơn cứu chuộc hát bài ca chiến thắng (thánh A-tha-na-xi-ô).
I. Thánh vịnh 99 mời gọi những người bước vào đến thánh hãy hân hoan. Thánh vịnh được hát trong lúc dâng hy lễ tạ ơn, khuyến khíc tất cả mọi dân tộc, đặc biệt là Ít-ra-en, hãy ca ngợi Chúa.
II. Lòng nhân hậu mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho Ít-ra-en, được biểu lộ cách rõ ràng nơi Đức Ki-tô, Đấng đã mở cửa Giáo Hội cho hết mọi dân tộc.
III. Giáo Hội là dân mới của Chúa, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt; thánh vịnh này làm sống lại tấm lòng đạo đức nơi, mời gọi họ ngợi ca và chúc tụng Thiên Chúa.
IV. Chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của thánh vịnh: “Hãy phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ”, và hãy chúc tụng danh Chúa suốt cuộc sống trần thế, đang khi chờ đợi bước vào cửa thiên đàng với lời ca tạ ơn.
Kinh Chiều
Tv 134, 1-12: Ca tụng Chúa đã làm những kỳ công
Anh em là dân riêng của Thiên Chúa, hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người là Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1 Pr 2, 9).
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 134 mời gọi ngợi khen Chúa là Đấng thực hiện kỳ cong; thật vậy, không những Người làm chủ vạn vật nhưng còn giải thoát dân Israel khỏi Ai-cập và đem họ vào chiếm cứ đất Canan.
Il. Những công việc vĩ đại nhất của Thiên Chúa là cuộc Nhập thể của Ngôi Lời và sự cứu chuộc nhân loại nhờ cuộc khổ nạn, cái chết và sống lại của Đức Kitô.
III. Được hưởng nhờ những ân huệ của Thiên Chúa mà thánh vịnh nói tới, Hội thánh mời gọi mọi người hãy ngợi khen Chúa.
IV. Mong sao thánh vịnh này hướng dẫn chúng ta biết ngắm nhìn sự cao cả của Thiên Chúa được biểu lộ nơi lịch sử của đoàn dân ưu tuyển, nơi cuộc cứu chuộc, nơi đời sông Giáo hội và trong cuộc đời của mỗi người
Tv 134, 13-21: Duy một Thiên Chúa là Đấng cao cả và hằng hữu
Ngôi Lời .. đã làm người và dựng lều giữa chúng ta (xc. Ga 1,1.14).
I. Phần thứ hai của thánh vịnh 134 tuyên bố rằng duy một Thiên Chúa là Đấng cao cả, còn các thần linh là hư không; vịnh gia mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi ngự trị.
Il. Truyền thống Kitô giáo nhận ra nơi thánh vịnh này lời tuyên dương Thiên Chúa là Đáng đã bày tỏ sự cao cả nhất là khi Ngôi Lời làm người và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14).
III. Có thể xem thánh vịnh này như lời mời gọi của các thánh tông đồ và của Giáo Hội hướng đến mọi người, để họ từ bỏ các ngẫu tượng để quay về ngợi khen một Thiên Chúa chân thật mà thôi.
IV. Thánh vịnh 134 thúc đây chúng ta hãy nhìn nhận tính cách phù phiếm của bao nhiêu thần tượng mà chúng ta đã tạo ra, để rồi dành hết tâm lực mà phụng sự Chúa chân thật.
Tc Kh 15,3-4: Những người được Chúa cứu chuộc đồng thanh ca ngợi và thờ lạy Chúa.
I. Bài thánh ca là thánh thi trên trời tôn vinh Con Chiên hiển thắng, được hát bởi những người trung thành với Đức Ki-tô trong cuộc giao tranh mà sa-tan bày ra để chống lại Đức Ki-tô.
II. Chúa Ki-tô, sau khi cứu rỗi nhân loại, dâng bài thánh ca lên Thiên Chúa, cũng giống như ông Mô-sê đã làm sau khi giải thoát dân khỏi Ai-Cập.
III. Giáo Hội hát dâng bài thánh ca này lên Thiên Chúa, vì Người đã thực hiện biết bao kỳ công, và đã tỏ bày sự thánh thiện và công lý của Người nơi biến cố nhập thể và cứu chuộc.
IV. Ghi nhớ rằng chúng ta đã được cứu chuộc nhờ máu của Đức Ki-tô, Chiên Thiên Chúa của giao ước mới, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa, thay cho tất cả mọi người, bài thánh ca mừng ơn giải thoát.
THỨ BẢY TUẦN III
Kinh Sáng
Tv 118, 145-152: Suy niệm Lời Chúa trong luật Người ban.
Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người (Ga 5,3).
I. Đoạn 19 của thánh vịnh 118 (được đưa vào Kinh sáng bởi vì nó gợi đến hình ảnh bình minh) là một lời hứa sẽ tuân thủ lề luật; vịnh gia chạy đến cùng Thiên Chúa bởi vì ông tin tưởng nơi Người.
II. Đức Ki-tô, trong cuộc khổ nạn, mặc dù cảm thấy như là Chúa Cha bỏ rơi mình, vẫn tiếp tục tin rằng Cha vẫn ở gần kề ; Đức Kitô cầu nguyện với Chúa Cha và tuyên bố sẵn sàng làm theo ý muốn của Người (x. Lc 22,42).
III. Ngay cả trong cơn bách hại, Giáo Hội vẫn trung thành với việc suy niệm Lời Chúa và tuân thủ luật Chúa; bởi biết rằng tình yêu đối với Thiên Chúa được thể hiện chủ yếu qua việc tuân giữ các điều răn của Người.
IV. Trong lúc xao xuyến âu lo, chúng ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta; nhưng hãy nhớ rằng, Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, và Người hướng dẫn chúng ta qua lề luật của Người.
Tc Kn 9,1-6.9-11: Lạy Chúa, xin cho con được khôn ngoan
Chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả các địch thủ của anh em không tài nào chống chọi lại được (Lc 21,15).
I. Thánh ca là một lời cầu xin ơn khôn ngoan cần thiết để biêt điều gì đẹp lòng Chúa và phù hợp với ý định của Người.
II. Thiên Chúa đã đón nhận lời nguyện này cách riêng khi tới thời viên mãn đã sai đến với nhân loại Con của Người, là đấng Khôn ngoan hằng hữu, để trở nên nhà hướng dẫn vũng chắc.
III. Với thánh ca này, Giáo hội xin Chúa hướng dẫn nhờ ân sủng, ngõ hầu có thể mang sự khôn ngoan đến cho loài người.
IV. Trên cuộc lữ hành dương thế, chúng ta cần được Thiên Chúa dẫn dắt; ước gì thánh ca này dạy chúng ta biết yêu mến và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Tv 116: Ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa
Tôi xin nói với anh em: dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người (Rm 15,8.9).
I. Thánh vịnh 116, ngắn nhất trong các thánh vịnh, mời gọi ngợi khen Thiên Chúa; thánh vịnh này là một phần của các bài ca Hallel và loan báo viễn tượng phổ quát mà mầu nhiệm phục sinh sẽ tỏ lộ.
II. Khi Đức Giê-su hát bài ca này trong bữa tiệc Vượt qua, thì lời tiên báo bắt đầu trở thành hiện thực; thật vậy, cuộc vượt qua của Đức Giê-su đã mở ra nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người.
III. Thánh vịnh 116 nhắc nhớ chiều kích truyền giáo của Giáo Hội; thật vậy, kể từ ngày lễ ngũ tuần, Giáo Hội luôn mời gọi tất cả các dân tộc hãy ca ngợi Thiên Chúa.
IV: Điều mong ước của thánh vịnh này là chúng ta hãy hiệp lời đồng thanh ca ngợi Chúa, và góp phần cộng tác để mọi người thuộc mọi chủng tộc và quốc gia cùng ca ngợi Chúa.