03/12/2012 -

Suy tư, nghiên cứu

2176

An-rê Đỗ Xuân Quế 


 


 


 Hoạt động này là mục đích chung của toàn dòng và riêng của mỗi tu viện, vì tu viện nào cũng gọi là tu  viện hoạt động, trừ tập viện và học viện. Nhưng trong hai tu viện này vẫn có những anh em làm việc tông đồ như giảng dạy trong các đai chủng viện, học viện dòng tu , cộng đoàn tu trì và các phân khoa đại học.


Vì vậy trong bài này, tôi xin nói về công việc tông đồ của toàn dòng, từng tỉnh dòng, mỗi tu viện và mỗi tu sĩ. Trước hết, xin nhắc sơ qua về ý niệm  tông đồ.


 


1.Ý niệm tông đồ                                                           


Tông đồ là người được sai đi để loan báo Tin Mừng. Đức Giê-su đã sai các Tông đồ đi và các ông đã hoàn thành xuất sắc công việc này đến độ hy sinh cả mạng sống. Tông đồ và sứ vụ là những từ đi đôi với nhau. Tông đồ được sai đi để hoàn thành một sứ vụ. Sứ vụ đó là loan báo triều đại Thiên Chúa. Vì vậy, những ai làm công việc này thường được gọi là tông dồ hay nhà truyền giáo.


 


2.Hoạt động tông đồ của Dòng.


Dòng chúng ta có chủ trương truyền giáo. Truyền giáo là mối bận tâm lớn của Dòng. Dòng đã hoạt động có hiệu quả, khi sai anh em đi truyền giáo ở Nam Mỹ với những tên tuổi lẫy lừng như Batoloméo de las Cazas, sang Phi Châu và Á châu do lệnh truyền của Chúa và gương của thánh phụ muốn đi truyền giáo cho nguời Cumans và mong được phúc tử đạo. Nhiều Tỉnh Dòng có nhà, tu viện, cơ sở truyền giáo ở ngoại quốc. Hình thức hoạt động tông đồ của Dòng mang tính đặc thù do hoàn cảnh lịch sử, khi Dòng được thành lập. Miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XIII bị bè rối Albigeois lan tràn và khống chế. Để đối phó với bè rối này, Dòng Đa Minh đã ra đời để bênh vực chân lý và đẩy lui sự lầm lạc. Vì vậy, chân lý được Dòng chọn làm khẩu hiệu và coi như mục tiêu phấn đấu của mình bên cạnh lý tưởng nghèo khó trong thân phận những kẻ khất thực. Hồi đầu, Dòng được định nghĩa là Dòng Giáo Sĩ Khất Thực (Ordo clericalis mendicantium) và các tu sĩ được ĐGH Innocentio III goi là các kiện tướng của đức tin (pugiles fidei) mà mục tiêu là mưu ích cho người ta bằng lới nói và chữ viết, dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, các tu sĩ của Dòng được tặng cho danh hiệu là những đại biểu loan báo Lời Chúa. Tất cả hoạt động của Dòng được bao gồm trong những chữ sau đây : rao giảng (praedicare), cử hành (benedicere), ca tụng (laudare) nghĩa là rao giảng, cử hành thánh lễ, bí tích và đọc hay hát kinh phụng vụ. Nền tảng của công việc tông đồ này là chiêm niệm rồi truyền thông những điều đã chiêm niệm được cho người khác. Ngay từ đầu Dòng đã chú trọng đến chiêm niệm. Chiêm niệm ở đây có nghĩa là miệt mài học hành, nghiên cứu, cầu nguyện. suy nghĩ trong thinh lặng để thấy Chúa rồi đẹm Chúa đến cho người khác. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa của  “chuyên cần học hỏi chân lý về Chúa” mà tôi đã được nghe dạy, khi ở Nhà Tập Angers năm 1956.


Đường lối suy nghĩ cổ điển của Dòng là như thế. Ngày nay, giới trẻ trong Dòng có thể  nghĩ và làm khác.. Nhưng khác thế nào thì khác, phần tôi, tôi nghĩ không thể phủ nhận kinh nghiệm quí giá tích lũy từ bao đời do các bậc cha anh đã để lại cho hậu thế. Những nhà thần học lỗi lạc của Dòng trong thế kỷ XX như cha Marie-Dominique Chenu, cha Yves Congar, những nhà nhân bản nổi tiếng như các cha Lebret, Suavet, những nhà hoạt động tên tuổi trong giới thợ thuyền như cha Jacques Loew, những nhà hoạt động tông đồ độc đáo như chân phước Joseph Lataste (mới được phong chân phước tháng sáu năm 2012 vừa qua) là những người đã sống và thừa hưởng gia tài truyền thống quí giá của Dòng. Giới trẻ có thể nghĩ khác, làm khác như mới nói, nhưng thiết tưởng nếu muốn cho công việc hoạt động tông đồ của mình có giá trị và ảnh hưởng lâu dài thì không thể bỏ qua kinh nghiệm của  những Yves “ở đời hơn mà lại ít thuộc về đời hơn” hay của Marie-Dominique Chenu “ở biên giới của sự lầm lạc mà không rơi vào”.


 


3.Hoạt động tông đồ của Tỉnh Dòng


Định hướng chung của hoạt động toàn Dòng là như thế, còn mỗi Tỉnh Dòng, do hoàn cảnh văn hóa, địa lý, lịch sử, tôn giáo lại có những hình thức và chọn lựa riêng cho phù hợp với hoàn cảnh của mình mà điển hình là Tỉnh Dòng Pháp và Tỉnh Dòng Nữ Vương Mân Côi Rất Thánh Tây Ban Nha.


Tỉnh Dòng Pháp do ảnh hưởng của cha Lacordaire, người đã phục hồi Dòng Đa Minh tại Pháp và mở đường cho các dòng bị trục xuất  trở về cố hương giữa thế kỷ XIX, thiên về hoạt động tông đồ trong giới trí thức và địa hạt giáo thuyết, chú trọng đến việc giảng dạy trong các học viện, phân khoa thần học, ngành truyền thông, xuất bản sách báo, còn Tỉnh Dòng Tây ban Nha  Phi-luật-tân thì thiên về lương dân, các họ đạo, các hội đoàn công giáo tiến hành.


Mỗi lần họp đại hội, tỉnh dòng nào cũng duyệt xét lại đường lối hoạt động tông đồ của mình để diều chỉnh cho đúng hướng. Vì vậy, mỗi tu viện trong tỉnh dòng phải nhắm theo đường hướng đã được chú trọng mà hoạt động cho phù hợp. Bởi thế, mỗi tu viện cũng như mỗi tu sĩ phải nương theo những điều Công Hội Tỉnh Dòng đã đề ra và dựa theo đó mà hoạt động.


4.Hoạt động tông đồ của mỗi tu sĩ


Dòng Đa Minh là dòng giảng thuyết. Bình thường những ai vào tu trong dòng đều cảm thấy thích giảng và có năng khiếu về vấn đề này như ăn nói dễ dàng trôi chảy, có khả năng trình bày một vấn đề cách rõ ràng, ăn ý mạch lạc trước sau, biết viết lách đôi chút và thích học hành nghiên cứu v.v… Có như thế mới nên vào Dòng Đa Minh. Bằng không thì là trệch hướng và khó tìm được sự thoải mái trong Dòng. Ấy là nói về phía bên ngoài.


Còn phía bên trong là hiến thân đi tìm sự hoàn thiện của đức mến yêu là mến Chúa và yêu người . Căn bản đời tu là Chúa. Vì vậy, đi tu là theo Chúa Ki-tô trên bườc đường giảng dạy của Người. Đi tu là đi tìm Chúa để thấy Chúa rồi đem Chúa đên cho người khác. Đi tu không phải là để thành một chuyên viên về  bộ môn này hay bộ môn khác, mà chính là trở nên một dụng cụ của Chúa để cứu vớt linh hồn người ta, đành rằng có thể nhờ Dòng mà thành chuyên viên trong ngành này ngành nọ. nhưng chung qui không ngoài mục đích tông đồ. Bởi vậy, mỗi tu sì Đa Minh, sau thời gian huấn luyện để ra làm việc tông đồ phải ướm xem sức mình có thể làm được những gì và công việc nào thích hợp với khả năng và chuyên môn của mình. Nếu chưa có chuyên môn thì liệu xem mình hướng về cái gì và cái đó có ở trong đường hướng hoạt động tông đồ của Đa Minh là có ích cho linh hồn người ta bằng lời nói và chữ viết, dưới nhiều hình thức khác nhau hay không ? Những người huấn luyện tân binh thường nói : thao trường đổ mồ hôi nhiều thì sa trường ít đổ máu, nghĩa là khI làm lính mà chịu khó luyện tập thì khi ra trận địa có thể biết cách để tránh nhiều tổn thất. Cũng vậy, một tu sĩ khi ở học viện chịu khó đầu tư thời giờ sức lực để luyện tập học hành, thì khi ra làm việc tông đồ sẽ biết cách làm và làm có kết quả. Trong tỉnh dòng, có người ra trường rồi thì được bổ nhiệm vào một tu viện, tu xá hay họ đạo. Nếu ở trong tu viện thì có những điều kiện để làm việc tông đồ khả quan hơn như thư viện, đời sống chung, bầu khí yên lặng. Nếu ở ngoài họ đạo mà muốn làm việc tông đồ tốt thì phải cố gắng nhiều hơn, như sắp xếp thời giờ để vừa làm việc tông đồ vừa sống đời tu Đa Minh, với một kỷ luật cá nhân tự đặt ra cho mình trong cách  làm việc và lối sống v.v… Nói tóm lại là dành thời giờ công sức vào công việc đã được giao phó và làm cho thật chu đáo.


5, Hai mặt của công việc tông đồ


5.1. Mặt bên trong (missio ad intra)


Mặt bên trong là nội bộ, tức những công việc ở bên trong Giáo Hội, trong họ đạo, trong dòng tu, trong tu viện, trong giới công giáo với nhau. Xưa nay, xem ra người Công Giáo  chú trọng về mặt này nhiều hơn, thường để ý đến các sinh hoạt của Giáo Hội và nhậy cảm với những gì liên hệ đến mình nhiều hơn. Các tạp chí như Information catholique internationale, Documentation catholique, Actualité religieuse phản ánh tình trạng và khuynh hướng này. Hiện nay, nhờ mạng Vietcatholic, người ta theo dõi và biết đựợc nhiều tin tức về Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam. Về mặt hoạt động bên trong của Giáo Hội, ai nấy cần cảm thông cùng Giáo Hội, lo làm cho người bên ngoài hiểu đúng bản chất của Gíao Hội. Như vậy, mọi người phải tiếp tục tìm hiểu lịch sử và theo dõi nhịp sống của Giáo Hội qua các tông huấn, thông điệp, tông thư vẫn được tiếp tục ban hành như tài liệu về Năm Đức Tin chẳng hạn.


5.2. Mặt bên ngoài (missio ad extra)


Nói chung là công việc truyền giáo ở khắp nơi đối với những người ở xa và bên ngoài Giáo Hội. Làm thế nào đến được với người ta và đưa người ta đến với mình. Có lẽ vì vậy ĐGH Gio-an XXIII mới dùng từ cập nhật hóa để làm cho Giáo Hôi và thế giới ngày nay quay mặt vào nhau thay vì quay lưng lại với nhau. Ngài nói  đại khái :”Mở cửa ra thì gió bụi và ruồi muỗi có thể bay vào, nhưng như thế mới có gió làm cho người bên trong đỡ ngột ngạt. Phải mở cửa ra cho thế giới nhìn vào và mình nhìn ra thế giới. Người ta nhìn vào thì không phải chỉ nhìn thấy những cái dở mà còn nhiều cái hay của Giáo Hội nữa. Bao lâu nay những cái hay của Giáo Hội một phần nào bị che khuất thì bây giờ phải cho người ta nhìn thấy.


Thời Công Đồng Vatican II và liền sau đó, những ý tưởng này rất được hoan nghênh và con người ĐGH Gio-an XXIII được cả thế giới mến chuộng. Nhưng rồi Huynh Đoàn Pio X của cố giám mục Henri Lefebvre phủ nhận Công Đồng và giữ nguyên mọi sự như cũ. Một số người khác thấy những xáo trộn và lỏng lẻo xẩy ra trong Giáo Hội cũng tỏ ra ngao ngán và luyến tiếc thời xưa. Vì thế, báo Figaro năm 1978 mới nói ĐGH Gio-an Phao-lô II lên làm giáo hoàng là để xoáy chặt “những cái đanh bù-lon của đức tin lại” (serrer les boulons de la foi).


Quả thật, những người nói trên đã không chịu nhìn nhận ảnh hưởng tốt lành của Công Đồng trên nhiều địa hạt như Phụng Vụ, Kinh Thánh, Tự Do Tôn Giáo, chính sách có mặt của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, nên mới ly khai như thế. Gần đây những cuộc phỏng vấn của ký giả Peter Seewald trong cuốn sách Muối cho đời cũng cho thấy một lô những vấn đề khúc mắc GH đang phải trải qua như sự mất đạo trầm trọng ở nhiều nước Ău châu (Đức, Pháp, Ý, Tây ban Nha), phong trào tục hóa, tính hậu hiện đại, cơn khủng hoảng ơn gọi linh mục, vấn đề độc thân linh mục, phụ nữ làm linh mục v.v… Đó là những vấn đề làm cho ĐGH Biển Đức XVI phải bận tâm đối phó cộng thêm với thảm trạng lạm dụng tình dục ấu nhi của một số linh mục bên Mỹ, Đức và Ai-len. Người ta tấn công Giáo Hội về những vụ việc này cũng như gần đây trong vụ rò rỉ thông tin liên quan đến tài liệu mật ở phủ giáo hoàng khiến nhiều người tỏ ra lo ngại cho danh dự và uy tín của Tòa Thánh.


Người ta vẫn thường quen với câu “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng vì chuộng sự trong sáng, Giáo hội không ngại chấp nhận sự thật và khiêm nhường xin lỗi khi phải xin lỗi, như ĐGH Gio-an Phao-lô II và ĐGH Biển Đức XVI đã làm, khi các ngài xin lỗi thế giới vì những lầm lỗi của Giáo Hội trong thời Trung Cổ và gần đây trong vụ lạm dụng tình dục ấu nhi ở Mỹ và Ai-len.


Một đàng Giáo Hội chịu đựng những nỗi bất hạnh xảy đến cho mình, đàng khác vẫn không ngừng hoạt động cho việc truyền giáo ở khắp nơi. Ngoài ra, Giáo Hội lại tìm cách hiện diện với thế giới trong các tổ chức Công Lý và Hòa Bình cũng như dân sinh như WHO và FAO v.v…


Kết luận


“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-19) Đó là lệnh truyền hoạt động tông đồ của Chúa. Trong lệnh truyền này có bao hàm chương trình hành động và sự bảo trợ lâu dài của Người. Chúng ta hãy vui mừng đón nhận lệnh này và can đảm dấn thân đi rao giảng Tin Mừng.


 


 


Câu hỏi gợi ý trao đổi :


1.  Các nhà thờ Dòng Đa Minh có nên là một họ đạo như những họ đạo khác, hay còn thêm một nét đặc thù Đa Minh nào nữa, với tư cách một họ đạo bên cạnh một tu viện mang sứ mệnh giáo thuyết ?


2.  Nếu có thì nét đặc thù đó là gì ?


 

114.864864865135.135135135250