Đức Tin Người Trẻ Cần Phải Cắm Rễ Sâu Trong Chúa Kitô, Lời Chúa Và Cầu Nguyện
Trước làn sóng toàn cầu hoá hiện nay, người trẻ luôn là giới tiên phong trong việc xây dựng, đóng góp, cập nhật, hưởng ứng, chạy theo những trào lưu của văn minh tiến bộ. Bên cạnh những đóng góp, ảnh hưởng tích cực của sự phát triển khoa học kỹ thuật, xã hội, người trẻ hôm nay cũng đang bị ảnh hưởng bởi những hệ luỵ tiêu cực từ một thế giới của kỷ nguyên tiến bộ. Đó là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tiến bộ, phát triển của nhân loại. Từ đó, không thể không phát sinh ra những cuộc khủng hoảng đối với người trẻ trong chính đời sống của họ. Trong thế giới hiện đại hôm nay, những bức tranh về người trẻ bị khủng hoảng về đời sống ngày càng rõ nét hơn. Từ một thế giới rộng lớn, cho đến một thế giới nhỏ hơn ở cấp độ quốc gia, tỉnh thành, làng xóm, gia đình và trong chính bản thân một số người trẻ, người ta nhận rõ người trẻ hôm nay họ đang phải vật lộn, đấu tranh với nhiều cơn khủng hoảng cả về giá trị tinh thần lẫn vật chất. Có những người trong số họ đã bị rơi vào khủng hoảng và đánh mất chính mình; số khác nữa đang bị lôi vào thế giới của khủng hoảng mà không hề có được những chất kháng thể, để có thể vượt qua thử thách; số còn lại đã đi vào khủng hoảng nhưng được giải thoát vì họ đã được giáo dục, đào tạo để trưởng thành trong đời sống.
Những khủng hoảng người trẻ đang phải đối mặt
Trong thực trạng xã hội ngày nay, người ta nhận thấy giới trẻ đang phải chạm trán với rất nhiều thách đố. Họ phải sống chung với những cơn lũ, với những thảm hoạ tinh thần vồ vập lấy họ và có thể nhận chìm họ trong sự dữ. Không khó để mà nhận ra điều này khi suy nghĩ, hành vi và thái độ của những người này được thể hiện rất rõ nét trong lối sống riêng của họ. Quan niệm sống, cách chọn lựa, xếp loại bậc thang giá trị dựa trên những hư ảo cho thấy sự sa sút về tinh thần của họ. Những kiểu ăn chơi thể hiện đẳng cấp, nghiện ngập, tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân, chuyên dụng bạo lực, coi thường các giá trị đạo đức… của người trẻ đang trở nên tiếng chuông báo động cho tất cả mọi người. Những người trẻ này không đi tìm một cách sống có ý nghĩa cho cuộc đời và mọi người, nhưng chỉ biết đến bản thân và hưởng thụ với thái độ vô tâm, thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm, thiếu ý chí, sống thụ động, khép kín, giả dối, sống bất an, tuyệt vọng... với cuộc đời và mọi người.
Trong số những khuôn mặt người trẻ gặp khủng hoảng, suy vong ấy có cả những bạn trẻ mang danh Kitô hữu. Đối với các bạn trẻ này, khi bị đẩy vào trong một thế giới tục hoá, lan tràn phong trào chống Công giáo (anti-Catholic) tôn thờ các thần giả tạo, vật chất,… họ sẽ dễ đánh mất cảm thức về tội, xa lìa đời sống đạo đức, đức tin, lệch lạc trong việc tuân giữ các giá trị luân lý; sống buông thả chạy theo những đam mê xấu và cuối cùng có thể dẫn đến nguy cơ xa lìa Thiên Chúa, gạt bỏ Ngài ra khỏi đời sống. Hệ quả của những nguy hại đó đều phát sinh từ những lý do ngoại tại lẫn nội tại: từ môi trường xã hội không lành mạnh, từ phương thức giáo dục thiếu nghiêm túc, đúng đắn của phụ huynh cả về đời sống đức tin lẫn những giá trị nhân bản, và từ việc không có thói quen học hỏi, nuôi dưỡng, rèn luyện đời sống thiêng liêng, những đức tính cơ bản khác để trưởng thành. Những người trẻ này rơi vào thất bại, đánh mất chính mình cũng chính vì họ không có đủ nội lực để vượt thắng những cái xấu, thiếu sức mạnh, ý chí, kiên định để nói không với những cám dỗ nguy hại. Đặc biệt, nơi người trẻ Kitô hữu, họ chìm trong vũng lầy chính vì họ đã không có được một sức mạnh thiêng liêng, nguồn sống và nội lực tuyệt vời mà lẽ ra họ phải có, nhưng vì họ đã không trau dồi, nuôi dưỡng và tự đánh mất.
Để có thể sống đức tin mạnh mẽ, vượt qua được những cám dỗ, thử thách, khó khăn, thách đố, khủng hoảng đến từ muôn mặt trong đời sống, người trẻ cần có một nền tảng, sức mạnh vững chắc nào đó để có thể bơi ngược dòng, tìm đến sự sống đích thực đời mình. Nền tảng, sức mạnh vững chắc giúp họ trở thành những con người tốt lành cho xã hội, trở thành người Kitô hữu chân chính phải là hành trình:
CẮM RỄ SÂU ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN TRONG CHÚA KITÔ, LỜI CHÚA VÀ CẦU NGUYỆN
Đây là nguyên tắc rất quan trọng để người trẻ vượt qua được những phong ba bão tố, những con đường giăng đầy những thách đố, khủng hoảng trong thế giới hiện tại. Họ sẽ có được sức mạnh từ Thiên Chúa nhờ vào việc họ tháp nhập cành nho đời mình vào thân nho, cắm rễ, đặt nền tảng cuộc đời trong Chúa Kitô, trong Lời Chúa và cầu nguyện. Chính nhờ vào tương quan chặt chẽ này mà Thiên Chúa - Đấng luôn sẵn sàng bảo vệ, che chở và ban ơn cho những ai tín thác, trông cậy và tương quan gần gũi với Ngài - sẽ giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng trong bình an, hạnh phúc, được lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Cắm rễ đời sống tâm linh, đức tin trong Chúa Kitô, Lời Chúa và cầu nguyện phải trở nên một hoạt động cơ bản trong nhịp sống của người trẻ hằng ngày.
Cắm rễ sâu đời sống đức tin trong Chúa Kitô
P., một thanh niên Công giáo, bị vướng vào căn bệnh nghiện ma tuý, đã phải đi cai nghiện một lần, nhưng vẫn không sao thoát được cám dỗ của đê mê chết người. Gia đình lại gởi P. đi cai nghiện lần nữa tại một trung tâm khác. Lần này, gia đình mong P. sẽ không chỉ được giúp đỡ về căn bệnh phần xác, nhưng tin rằng với những hoạt động tâm linh tại trung tâm, P. sẽ có được sức mạnh để vượt qua những cơn cám dỗ bệnh tật của mình. Một thời gian sau, P. khoẻ mạnh trở lại, vui cười và gửi tâm tình của mình qua những ca từ bài hát “… và con tim vui trở lại… niềm vui đến cho tôi ngày mai…”[1] nhờ những liều thuốc chữa bệnh, và đặc biệt nhờ những lần P. được đi đọc kinh, cầu nguyện, viếng Đàng Thánh giá Mùa Chay. Nhưng niềm vui đến không được bao lâu, P. lại buông xuôi theo cám dỗ…
Câu chuyện đó chỉ riêng của mình P. hay cũng giống như hoàn cảnh của bao nhiêu bạn trẻ khác cũng đã từng vấp ngã, đứng lên rồi lại vấp ngã lần nữa… và lần khác nữa? P. đã đứng lên nhưng rồi lại quỵ xuống bởi em thiếu ý chí, không đủ sức mạnh thiêng liêng để bơi được trong cơn lũ. P. đã thiếu một đời sống tâm linh mạnh mẽ, không cắm rễ sâu đời sống thiêng liêng, đức tin của mình vào Chúa Kitô, nguồn sức mạnh duy nhất, cần thiết để giúp P. đứng lên. Những lần đến giúp anh chị em cai nghiện tại đây, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại với các anh chị: “Để được Chúa cứu cuộc đời, các anh chị cần bám chặt vào Chúa. Hãy cột chặt đời mình trong Chúa, cầu nguyện và tín thác cho Ngài, để Ngài cứu anh chị. Các anh chị phải cột chặt đời mình, cắm rễ vào Chúa Kitô, đó là chiếc phao duy nhất để các anh chị có thể được sống, tìm lại được mình”.
Đời sống đức tin của người trẻ mỗi ngày càng phải được cắm rễ sâu trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời. Đây là điều cần thiết và rất quan trọng để họ sống tròn đầy tuổi trẻ của mình trong ân sủng và bình an, tìm kiếm được đích điểm cuộc đời. Chỉ trong Chúa Kitô, người trẻ mới thực sự tìm thấy con đường duy nhất đưa họ đến thế giới của hạnh phúc, an vui đích thực và trọn vẹn. Cắm rễ sâu trong Đấng Cứu Độ, người trẻ sẽ nhận ra được những giá trị ảo của thế giới mau qua, phù vân và giả tạo. Cắm rễ sâu đời sống đức tin trong Chúa Kitô, những người trẻ sẽ tìm thấy được CHÂN-THIỆN-MỸ trong cuộc đời mình. Cắm rễ trong Chúa Kitô, người trẻ sẽ có sức mạnh để vượt qua thử thách, những khó khăn như gương mẫu của biết bao nhiêu vị thánh trẻ, đặc biệt là các thánh tử đạo Việt Nam đã kiên cường bảo vệ đức tin bằng cả đời sống khi họ đã cắm rễ đời mình trong Đấng Cứu Chuộc.
Để có thể cắm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô, người trẻ cần ý thức sâu xa về chính mình để cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa trong việc xây dựng mối tương quan mật thiết với Ngài. Thiên Chúa của chúng ta, Đấng vẫn hằng chờ đợi và mong muốn được kết giao thân tình, thâm sâu với từng người, đặc biệt với người trẻ của Ngài. Cho dù tình yêu của Thiên Chúa vô biên và quyền năng, nhưng sự cộng tác của chính người trẻ là yếu tố quan trọng và cần thiết, khi sự cộng tác diễn tả sự tự do mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người khi tạo dựng con người. Ngài muốn cứu con người, nhưng buộc con người phải đưa cánh tay để Ngài cầm lấy, chạm đến và nâng con người lên với sự tự do, cộng tác của chính con người. “Chúa dựng nên chẳng cần đến con, nhưng cứu độ Ngài cần con” (Thánh Augustinô). Vì thế, người trẻ cần phải ý thức để nỗ lực cộng tác vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, để cắm rễ đời sống đức tin, đời sống thiên liêng vào Chúa Kitô: ĐẤNG LÀ ĐƯỜNG - LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG của cuộc đời họ. “Người nào để cho Chúa Kitô đi vào, người ấy chẳng mất mát gì cả, tuyệt đối không mất gì cả trong những điều làm cho đời sống mình nên tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Chỉ trong tình bạn này, các cánh cửa đưa vào sự sống mới rộng mở. Chỉ trong tình bạn này, các tiềm năng lớn lao của thân phận con người mới thực sự được giải phóng”.[2]
Nuôi dưỡng đời sống đức tin bằng Lời Chúa
“Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17).
Trong đời sống đức tin người Kitô hữu, đặc biệt nơi những Kitô hữu trẻ, họ cần phải ý thức và nhận ra rằng Lời Chúa chính là kim chỉ nam, là ánh sáng soi rọi họ trong những khi gặp thử thách, là chất liệu để họ dò tìm con đường sống đức tin, đức cậy và đức mến một cách vững chắc. Trong đời sống Giáo Hội, “Lời Chúa hay Kinh Thánh “đã và đang được xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời”[3]. Vì thế, Giáo Hội luôn mời gọi mọi con cái cần để Lời Chúa hướng dẫn và chi phối đời sống đức tin, bởi đó là Lời của niềm vui, của bình an và của ơn cứu độ. Chỉ có nơi Lời Chúa, người trẻ mới tìm được câu trả lời cho những vấn nạn đời mình; chỉ có Lời Chúa mới có sức mạnh vô biên để khỏa lấp những khát vọng chính đáng của người trẻ, khi mà họ phải đối diện với những trào lưu tục hoá, phong trào chống phá Giáo Hội, những lập luận bác bỏ Thiên Chúa, những hoang mang và dao động của thế giới tôn thờ vật chất, hưởng thụ và thờ ơ. Nơi Lời Chúa, người trẻ gặp được chính Chúa Kitô, người Thầy tuyệt vời, và người Bạn trung thành giúp họ sống trưởng thành đời sống nhân bản Kitô giáo, đồng thời làm triển nở đời sống đức tin của người Kitô hữu. Chỉ khi nào người trẻ gặp được Lời Chúa trong đời mình, thì khi đó, họ đã chạm được vào Chân Lý, và được cứu độ.
Vì thế, để gặp được Lời, người trẻ cần phải đi tìm Chúa và khao khát ở lại với Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1,28). Van xin ở lại với Chúa, sống với Lời Chúa xuất phát từ khát vọng thâm sâu trong đời sống thiêng liêng của từng người, chính lúc đó, họ sẽ nghe được tiếng Chúa và tiếp xúc được với Lời Hằng Sống: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,29). Khao khát được gặp Lời và để Lời lớn lên trong đời sống chính là hoa trái của một đời sống đạo hạnh, luôn tìm kiếm sự thiện, công chính và sự thật, cho dẫu khi con người vấp ngã, đi trong đêm đen, bị sa lầy trong tội lỗi… nhưng không ngừng ngước trông để được cứu độ. Do đó, một môi trường gia đình, giáo xứ… đạo đức, thánh thiện sẽ giúp cho người trẻ được nuôi dưỡng và lớn lên trong đời sống đức tin, biết phân định thiêng liêng tìm kiếm sự lành, xa lánh sự dữ. Ân ban lời mời gọi của Chúa, “hãy đến mà xem”, sẽ cho người trẻ có thật nhiều cơ hội, điều kiện để sống và nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình trong từng môi trường họ đang sống bằng việc đọc, lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa.
Và khi đó, người trẻ sẽ nhận ra “căn nguyên lời Ngài là chân lý, mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 119,160) và “Lời Thiên Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu phân cách chỗ tâm với linh; cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm linh cũng như tư tưởng lòng người” (Dt 4,12-13). Mỗi ngày với Lời Chúa, người trẻ nghiệm ra Lời Chúa đang đi vào tận thâm sâu cuộc đời mình, “Lời Chúa soi sáng cuộc sống con người và thúc bách lương tâm mỗi người xét lại đời sống của mình tận chiều sâu, bởi vì toàn thể lịch nhận loại đều ở dưới quyền phán xét của Thiên Chúa…”[4], và nhắc nhớ họ rằng “mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta đều quan trọng và phải được sống cách sâu sắc, vì biết rằng mỗi người sẽ phải trả lẽ về cuộc đời mình”.[5] Để khi Lời Chúa được lớn lên trong lòng, người trẻ sẵn sàng đối chất với một thế giới “thường xem Thiên Chúa như là thừa thãi và xa vời,… và sẵn sàng tuyên xưng như Thánh Phêrô rằng duy một mình Ngài mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68)”.[6]
Nuôi dưỡng đời sống đức tin bằng việc cầu nguyện
Đối diện với thử thách, đêm tối của sự ác, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Lc 22,39). Lời kêu mời, nhắc nhớ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ cầu nguyện của ngày hôm qua, cũng là lời thức tỉnh các người trẻ hôm nay. Người môn đệ Chúa Kitô, những người trẻ hôm nay phải ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống mình. Cầu nguyện chinh là nền tảng của đời sống thiêng liêng; là chất dưỡng nuôi duy nhất đức tin của người Kitô hữu; là chất keo dính họ với Thiên Chúa làm nên sự kết hợp thân tình với Chúa; là sức mạnh giúp họ đứng vững và vượt qua được những khó khăn, thách đố, những khủng hoảng của đời sống. “Ai cầu nguyện sẽ được cứu rỗi. Ai không cầu nguyện sẽ bị hư mất”.[7] Khi bị khủng hoảng, bị cám dỗ, nội lực duy nhất, mạnh mẽ nhất để giúp người trẻ thoát khỏi cám dỗ, khủng hoảng chính là nhờ vào cầu nguyện. Cầu nguyện đem đến cho người trẻ ơn cứu rỗi, được ân hưởng sự tha thứ và được biến đổi. Càng gặp thử thách, khủng hoảng, người trẻ cần phải bám chặt hơn nữa vào Thiên Chúa của mình qua việc cầu nguyện. Thiếu vắng đời sống cầu nguyện, người trẻ sẽ không thoát ra được thế giới của sự dữ và sống bình an, họ sẽ không đón nhận được ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
Nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của người mẹ đạo đức - Thánh Monica - mà Thánh Augustinô đã được ơn trở lại sau nhiều năm rời bỏ đức tin Kitô giáo, sống trong tội lỗi và tin theo những giáo thuyết sai lầm. Cha Gioan Vianney đã nói với mọi người về cầu nguyện: “Mọi sự khốn khó áp đảo chúng ta trên trái đất này đều phát sinh từ việc chúng ta không cầu nguyện hay chúng ta cầu nguyện bê bối… Nếu các con không cầu nguyện thường xuyên và cầu nguyện đúng đắn, các con sẽ không được cứu độ… Khi bỏ bê cầu nguyện, chúng ta đã không đánh mất sự thích thú về những việc trên trời và tâm trí chúng ta không bị chi phối bởi những sự thế gian đó sao? Ngay khi chúng ta trở lại cầu nguyện, chúng ta liền cảm thấy niềm khát mong cho những sự trên trời… Cha cho rằng sự hối cải của tất cả các tội nhân là nhờ cầu nguyện”. Và trong bài huấn dụ sáng thứ tư ngày 18-5-2011, ĐGH Bênêđictô XVI đã nói đến cầu nguyện và mời gọi mọi người đi vào cầu nguyện để nhờ cầu nguyện, Thiên Chúa ban ơn cứu độ xuống trên mọi người nói chung và cá nhân người cầu nguyện nói riêng. Ngài khẳng định: Sức mạnh của lời cầu nguyện cho ơn sứu rỗi của người khác biểu lộ và diễn tả ước muốn của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi: đó là tha thứ, cứu rỗi, trao ban sự sống và biến sự dữ thành sự lành.
Ôi, lạy Thiên Chúa,
Chúng con cầu nguyện và van xin Ngài
Xin hãy hướng dẫn và bảo vệ những người trẻ
khỏi những nguy hiểm, sự dữ đang có mặt trong thế giới hôm nay.
Xin Chúa ở với những người trẻ,
để họ luôn cảm thấy Ngài đang ở đó, bên cạnh họ,
ngay cả khi họ đau yếu, cũng như khi mạnh khoẻ,
khi họ buồn phiền, cũng như lúc họ vui tươi,
cả những khi cô đơn và trong lúc họ có thật nhiều bạn hữu,
khi họ thành công, cả những khi họ thất bại.
Lạy Thiên Chúa Nhân Lành,
xin ban cho người trẻ sự can đảm và sức mạnh,
để họ thực hiện được những quyết định đúng đắn,
khi sống hành trình đời mình.
Nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần,
những người trẻ có thể nhận ra
và cảm nếm được sự chăm sóc yêu thương của Ngài.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.[8]
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
[1] Nhạc sĩ ĐỨC HUY, Bài hát “Và con tim đã vui trở lại”.
[2] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 104, tr. 211.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 21.
[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 99, tr. 203.
[5] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 99, tr. 203.
[6] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 2, tr. 18.
[7] Thánh Anphongso.